Thiếu gia tiệm vàng kể về thời hoàng kim mỗi năm mua một căn nhà phố cổ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Là tiệm vàng thống trị đất Bắc những năm 40; sở hữu 6 căn nhà phố cổ Hà Nội sau 5 năm làm nghề và chuỗi năm tháng hoàng kim sống trong nhung lụa… những hình ảnh này lần lượt hiện lên trong ký ức của thiếu gia phố cổ Phạm Ngọc Giao, con trai trưởng tiệm vàng Sư Tử một thời giàu “nứt đố đổ vách”.

“Bắc vàng Sư Tử, Nam vàng Kim Thành” là câu nói cửa miệng của nhiều người xưa khi nhắc về hai thương hiệu vàng đình đám của Việt Nam những năm 1940. Nếu như vàng Kim Thành là biểu tượng của miền Nam thì “Vàng Sư Tử” không chỉ là tiệm vàng tiên phong về sản xuất vàng thỏi mà còn thống trị cả đất Bắc trong suốt 18 năm.

Bắt đầu khởi nghiệp với nghề lọc vàng, gia đình ông Phạm Ngọc Giao (81 tuổi, Hàng Bạc, Hà Nội) một bước “lên voi” khi tìm được bí quyết gia truyền trong việc sản xuất vàng thỏi, vàng lá. 18 năm làm nghề đúc vàng gần như không có “nốt trầm”, ký ức của thiếu gia Phạm Ngọc Giao về cái thời hoàng kim ấy vẫn còn vẹn nguyên với những câu chuyện chưa từng được tiết lộ.

Thương hiệu “Vàng Sư Tử” đổi đời một gia tộc

Ông Phạm Ngọc Giao (sinh năm 1941) là cán bộ nhà nước về hưu, đồng thời còn được biết đến với vai trò là một lương y chuyên bốc thuốc nam. Ông Giao hiện đang sinh sống tại căn biệt thự cổ số 115 Hàng Bạc, nơi này từng nổi danh khắp các mặt báo bởi kiến trúc độc đáo và giá trị cổ kính mà nó để lại.

Ông Phạm Ngọc Giao, con trai trưởng của tiệm vàng Sư Tử đứng trong căn phòng lưu giữ nhiều kỷ niệm về thời hoàng kim của gia tộc họ Phạm.

Ông Phạm Ngọc Giao, con trai trưởng của tiệm vàng Sư Tử đứng trong căn phòng lưu giữ nhiều kỷ niệm về thời hoàng kim của gia tộc họ Phạm.

Cái tên ông Giao được biết đến nhiều hơn nhờ gắn liền với căn nhà cổ, tuy vậy ít ai biết rằng, ông Phạm Ngọc Giao chính là “cậu ấm” của một gia tộc sản xuất vàng từng thống trị đất Bắc, giàu có khét tiếng một thời.

Bố mẹ ông Giao là cụ ông Phạm Văn Thanh và cụ bà Phạm Thị Tề quê gốc ở làng Châu Khê (xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương), nơi nổi tiếng với nghề lọc đãi vàng gia truyền. Mỗi người con làng Châu Khê đi đến đâu, nơi họ đặt chân đến lại nổi danh với nghề làm vàng bạc và gia đình ông là một trong số đó.

Có trong tay nghề đãi vàng truyền thống nhưng bố mẹ ông Giao lại dời quê ra Hà Nội gây dựng sự nghiệp mới, định bụng bỏ hẳn nghề làm vàng. Cụ Phạm Thanh khi đó đỗ tú tài nhưng không có tiền và cũng không quen biết ai để theo đuổi ước mơ làm cán bộ. Gia đình khi đó quá nghèo đói, cụ tặc lưỡi đặt vé tàu vào Vinh (Nghệ An) để học nghề làm bánh kẹo, cơ may biết đâu lại đổi đời.

Chân dung cụ bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) – Bà chủ thương hiệu vàng Sư Tử.

Chân dung cụ bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) – Bà chủ thương hiệu vàng Sư Tử.

Đêm trước ngày lên đường, có người hàng xóm thân thiết qua chào tạm biệt nhưng vẫn không quên gửi gắm mấy lời, rằng bà tiếc rẻ cái nghề lọc vàng gia truyền vì ở đất này không phải ai cũng biết để làm. Bà khuyên cụ Thanh nên nghĩ lại, có bao nhiêu vốn bà quyết hùn hết cho cụ gây dựng sự nghiệp ở thủ đô.

Cụ Thanh đêm ấy cũng trằn trọc không yên vì vẫn còn nhiều lưu luyến với đất Hà thành. Sau cùng, cụ bỏ vé tàu đi Vinh và chọn ở lại phố Cổ để làm vàng.

Nghề đãi vàng truyền thống ở Hải Dương vốn cần nguồn nguyên liệu dồi dào và cũng hao tổn sức người. Nếu vẫn tiếp tục nghề này ở đây e sẽ không khá hơn được - cụ Thanh nghĩ vậy và nảy ra ý tưởng gây dựng một thương hiệu sản xuất vàng mới tinh ở phố Cổ.

Đã là thương hiệu thì cần có tên và biểu tượng rõ ràng. Cụ Thanh và những người bạn ngồi lại với nhau cùng nghĩ ra cái tên gắn với một con vật, sao cho nghe vừa oai phong, lẫm liệt mà lại vừa lành tính, không làm hại đến ai. Sau cùng, họ chọn “The Lion” – Sư Tử.

Hùn hết số trang sức còn lại trong nhà và 3 lạng vàng cụ bà hàng xóm cho vay để khởi nghiệp, tổng là 5 lạng vàng. Cụ Thanh đi khắp Hà Nội tìm thợ đúc khuôn, ban đầu là khuôn gỗ nhưng không khả thi, sau đổi sang khuôn kim loại bằng đồng thau được đúc bởi một người thợ kim hoàn nổi tiếng ở phố Lò Rèn lúc bấy giờ.

Khuôn đúc vàng được tạo hình hình chữ nhật, kích thước gần bằng hai đầu ngón tay (gần giống vàng miếng hiện nay). Ở giữa khắc biểu tượng con sư tử, phía trên khắc chữ “The Lion” và chữ nho. Cứ như thế với 5 lạng vàng, cụ Thanh làm những miếng vàng ròng đầu tiên, sau này chiếc khuôn độc nhất vô nhị cũng là phương tiện tạo ra hàng chục nghìn lá vàng hiệu Sư Tử.

Hình ảnh trưng bày các loại vàng trang sức thời xưa. Tiệm vàng Sư Tử sẽ nhận những lạng vàng này sau đó đổi cho khách vàng lá. (Ảnh tư liệu)

Hình ảnh trưng bày các loại vàng trang sức thời xưa. Tiệm vàng Sư Tử sẽ nhận những lạng vàng này sau đó đổi cho khách vàng lá. (Ảnh tư liệu)

Giữ vị trí độc tôn trên thị trường, tiệm vàng Sư Tử nhanh chóng thu hút khách thập phương, từ dân thường đến địa chủ. Bất cứ ai có vàng trang sức, vàng vụn muốn đổi lấy vàng lá, vàng ròng đều tìm đến cụ Thanh. Tiệm vàng khi đó ở số 129 Hàng Bạc chỉ rộng khoảng 40m2 nhưng khách lúc nào cũng tới xếp hàng đông kín. Nhờ vậy, gia đình cụ Thanh giàu lên nhanh chóng.

Theo ông Giao, bố của ông vận dụng kinh nghiệm lọc vàng gia truyền sau đó tự phát hiện ra công thức đúc lá vàng bằng cách thủ công, vừa hiệu quả, vừa đỡ tốn kém. Thời đó, tiệm vàng Kim Thành cũng “làm mưa làm gió” trong lĩnh vực sản xuất vàng ở phía Nam. Tuy nhiên quá trình làm họ sử dụng nhiều loại axit khác nhau nên khá tốn kém.

Cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, cụ Thanh sử dụng toàn bộ nguyên liệu bằng tự nhiên trong đó có bốn nguyên liệu chính là: Gạch non (gạch nung chưa chín tới, bị vỡ vụn không sử dụng được nữa); muối hạt; giấy bản và than củi. Những mẩu vàng vụn, vàng trang sức được xếp chung với các loại nguyên liệu trên thành nhiều lớp liên tục: Lớp muối, lớp vàng được cuộn lại và bọc bằng giấy bảng tạo thành các thanh tròn như hình quả pháo, đường kính khoảng 22 cm.

Sau khi cắt thành các đốt nhỏ khoảng bằng hai ngón tay, những cuộn tròn được ném vào lò than hồng sau đó nung nóng trong 24 giờ. Điều kiện thời tiết để đốt lò là trời phải trong và sáng. Sự tương tác của hỗn hợp nguyên liệu sẽ giúp loại bỏ toàn bộ tạp chất, tạo ra những miếng vàng nguyên chất, giá trị cao.

Hoàn thiện thời gian nung, những cuộn tròn được thả vào chậu nước lã vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ, người thợ khi đó chỉ cần tách lấy vàng rồi đem rửa sạch. Toàn bộ quy trình trên đều được làm thủ công, gần như không có sự hỗ trợ của máy móc. “Thời đó bố tôi kể xưởng chỉ có duy nhất ba nhân công và toàn là người nhà. Mỗi người một việc làm không ngơi tay để “lấy công làm lãi” – Ông Giao nhớ lại.

Trung bình mỗi ngày tiệm vàng Sư Tử làm được một mẻ, mỗi mẻ hàng trăm lạng vàng, nhiều tới nỗi phải đựng bằng chậu, bằng thúng mới xuể. Chỉ một năm sau mẻ vàng đầu tiên, đến năm 1941 bố ông Giao mua được một căn nhà ở 45 Hàng Bè. Và liên tiếp hai năm sau đó mua thêm hai căn nhà nữa lần lượt là căn số 20 Hàng Vôi và số 94 Cầu Gỗ.

Biệt thự số 115 Hàng Bạc – nơi ở của gia đình ông Giao từ năm 1945 đến nay.

Biệt thự số 115 Hàng Bạc – nơi ở của gia đình ông Giao từ năm 1945 đến nay.

Năm 1945, gia đình ông Giao bán ba căn nhà trên để mua căn biệt thự rộng gần 700m2 ở 115 phố Hàng Bạc, đây cũng chính là căn nhà hiện tại ông Giao đang sinh sống. Thời điểm đó, việc liên tục sở hữu những mảnh đất giá hàng trăm nghìn lượng vàng đã khiến không ít người khu phố phải sửng sốt.

Thời kỳ đỉnh cao và hình ảnh “bất tử” của một đế chế

Sau 13 năm gây dựng tiệm vàng Sư Tử, cụ Thanh muốn làm ăn lớn hơn đã mở rộng quy mô công xưởng với hơn 10 nhân công làm vàng. Gia đình ông nhận những người lang thang cơ nhỡ về dạy nghề, thường ở độ tuổi từ 16 – 17 tuổi, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Tiệm vàng sau khi mở rộng càng làm ăn phát đạt. “Lúc đó tôi chỉ hơn 10 tuổi nhưng vẫn nhớ mãi hình ảnh đoàn người ngoại tỉnh từ Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ tập trung kín nhà tôi để trao đổi, mua bán vàng. Tất cả họ đều mang theo cả tải hoặc cả thúng vàng thô nhìn hoa cả mắt.” – Ông Giao kể lại.

Ngay trong năm đó, bố ông Giao mua thêm một căn nhà và một chiếc ô tô hiệu Mỹ. Ông Giao và các anh chị em trong nhà được sống những ngày sung túc nhất: bước chân ra đường là có xe đưa đón, trong nhà có tới 3 – 4 vú em vừa làm việc nhà, vừa trông em nhỏ…

Thời hoàng kim kéo dài khoảng 5 năm, đến năm 1958, Nhà Nước Việt Nam đưa ra những chính sách mới trong việc quản lý vàng bạc. Theo đó, tiểu thương, người dân không được tự do lưu thông các loại kim hoàng như vàng bạc, ngọc trai, kim cương… Tiệm vàng Sư Tử buộc phải đóng cửa và bán lại cho Nhà Nước 80 cây vàng cuối cùng với giá niêm yết.

Cửa hàng của tiệm vàng Sư Tử đến nay vẫn được cho thuê với mục đích kinh doanh vàng bạc tuy nhiên đã có nhiều sự thay đổi theo thời gian.

Cửa hàng của tiệm vàng Sư Tử đến nay vẫn được cho thuê với mục đích kinh doanh vàng bạc tuy nhiên đã có nhiều sự thay đổi theo thời gian.

Các con cháu trong gia đình về sau không ai theo nghiệp kinh doanh vàng bạc. Tiệm vàng “danh bất hư truyền” đã hoạt động miệt mài suốt 18 năm, tạo ra một đế chế, đổi đời một gia tộc. Ngày nay, trên căn gác hai của căn biệt thự số 115 Hàng Bạc, ông Giao vẫn lưu giữ toàn bộ những ký ức đẹp nhất về tiệm vàng Sư Tử. Ở đó, người ta từng chứng kiến công việc bán buôn tấp nập của một thương hiệu vàng giàu có bậc nhất Hà Nội, bậc nhất Bắc kỳ lúc bấy giờ.

Nguồn: [Link nguồn]

Hé lộ khối tài sản “khủng” của 2 gia tộc tỷ phú châu Á

Đây đều là những gia tộc đứng sau thành công của những thương hiệu đình đám thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thúy ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN