Lưu bài Bỏ lưu bài

Thị trường BĐS nhiều nơi hỗn loạn, chứng khoán đỏ lửa: Tiền nhàn rỗi phòng thủ vào đâu?

Thời gian gần đây nhiều tỉnh thành siết phân lô, bán nền; ngân hàng có động thái siết tín dụng bất động sản; lạm phát; đặc biệt là hai lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đình đám bị bắt và khởi tố đã tác động phần nào tới tâm lý nhà đầu tư. Vậy, kênh đầu tư nào an toàn nhất thời điểm này?

Giá bất động sản nhiều nơi hỗn loạn, nhà đầu tư e dè

Từ năm 2020 tới nay, nhiều khu vực đã xảy ra “sốt đất” điên cuồng, thậm chí mỗi ngày một giá khác nhau. Cùng đó, các thông tin quy hoạch hạ tầng, cộng thêm quan điểm “đầu tư đất chỉ có lãi” khiến bất động sản càng trở nên “sốt”.

Tuy nhiên, những ngày gần đây nhiều tỉnh thành siết phân lô, bán nền, ngân hàng có động thái siết tín dụng bất động sản, lạm phát, đặc biệt là hai lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản bị khởi tố đã tác động phần nào tới tâm lý nhà đầu tư.

Trước cơn sốt đất, nhiều tỉnh thành ra văn bản mạnh tay kiểm tra, thanh tra, chặn đứng cơn sốt đất. "Phân lô, bán nền" được coi là nguyên nhân góp phần tạo nên sốt đất cũng dần bị siết lại. Mới đây nhất, Hà Nội đã ra văn bản về việc tạm dừng phân lô tách thửa với đất nông nghiệp. Một số tỉnh thành khác, việc phân lô tách thửa cũng được siết chặt.

Liên quan đến mức thuế chuyển nhượng đất đai, cơ quan chức năng cũng ra văn bản yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, chống khai gian thuế.

Đáng chú ý nhất là một số ngân hàng có động thái tạm dừng cho vay tín dụng bất động sản. Trong danh mục cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước "khóa cứng" tỷ lệ 8%, tức tỷ lệ cho vay bất động sản không được vượt quá 8% tổng tín dụng chung của ngân hàng. Nếu vượt hoặc tăng trưởng nóng quá sẽ bị tuýt còi.

BĐS thời gian qua luôn là một kênh đầu tư được nhiều người quan tâm

BĐS thời gian qua luôn là một kênh đầu tư được nhiều người quan tâm

Chưa hết, mới đây, hai lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản bị bắt, dù tội danh khởi tố không liên quan tới bất động sản nhưng vẫn phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư “xuống tiền” trong thời điểm này.

“Hiện nay, rất khó vay ngân hàng để mua bất động sản vì giá nhà đất quá hỗn loạn. Khi ngân hàng siết cho vay, nhiều nhà đầu tư sẽ bị tác động” - Bà Nguyễn Thị Hằng, nhà đầu tư đất nền chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hằng, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho hay, người mua thường sử dụng một phần vốn vay mượn từ người thân, bạn bè, một phần vay ngân hàng. Giờ không có nguồn vay từ ngân hàng sẽ phải chuyển sang kênh khác, mà kênh khác không phải lúc nào cũng có. Điều này sẽ kiềm chế thị trường phát triển, tác động tới nhịp phát triển chung.

“Hiện nay, rất khó vay ngân hàng để mua bất động sản vì giá nhà đất quá hỗn loạn. Nhiều nơi sốt đất, giá đất tăng liên tục trong thời gian ngắn nên việc định giá, thẩm định giá bất động sản để giải ngân cũng bị siết nhiều”, bà Hằng cho hay.

Nhiều địa phương giao dịch BĐS diễn ra nhộn nhịp khi các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn đến những dự án đảm bảo pháp lý

Nhiều địa phương giao dịch BĐS diễn ra nhộn nhịp khi các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn đến những dự án đảm bảo pháp lý

Với kinh nghiệm đầu tư đất nền ven đô, bà Hằng nhận xét nhiều nhà đầu tư sẽ bị tác động. Thông thường, họ vay ngân hàng để mua một lô đất lớn, phân lô bán nền rồi lướt sóng trong ngắn hạn. Khi siết cho vay, các nhà đầu tư này gặp khó khăn vì không đủ nguồn vốn mua quỹ đất lớn. Khi cắt ra từng lô nhỏ sẽ khó bán vì người mua thứ cấp cũng khó vay vốn ngân hàng.

Anh Trần Tú - nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, từ đầu năm anh đã chốt hết danh mục đầu tư bất động sản của mình và chuẩn bị xuống tiền gom mẻ bất động sản mới. Tuy nhiên, loạt thông tin về các sự kiện “nóng” gần đây khiến anh Tú e dè trú ẩn vào bất động sản trong thời điểm này.

Theo anh phân tích, hiện nay, giá bất động sản nhiều khu vực đã tăng 2 - 3 lần trong khoảng 2 năm qua. Có thể nói đây là đỉnh giá của bất động sản từ trước tới nay, nếu mua bây giờ, khi lạm phát tăng cao giá đất vẫn có thể tiếp tục tăng.

Theo một số nhà đầu tư kỳ cựu, việc các ngân hàng siết cho vay BĐS có thể tác động tới những nhà đầu tư lướt sóng trong lĩnh vực này

Theo một số nhà đầu tư kỳ cựu, việc các ngân hàng siết cho vay BĐS có thể tác động tới những nhà đầu tư lướt sóng trong lĩnh vực này

“Nhưng cũng cần tính toán về việc nếu các ngân hàng tăng lãi suất vay mua bất động sản. Từ đó, có thể xảy ra hiện tượng bán tháo, giảm giá để giảm áp lực đòn bẩy tài chính. Bởi đa phần giới đầu tư địa ốc đều dùng tiền vay ngân hàng hoặc huy động nơi khác”, anh Tú băn khoăn nói.

“Tất cả yếu tố vĩ mô trong thời gian qua đang giúp thị trường bất động sản trở nên tích cực hơn, đi đúng với bản chất và mục đích của thị trường” - ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

Phân tích về thị trường BĐS thời điểm này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, vụ việc về lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố, ai làm sai thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm, còn những cá nhân, doanh nghiệp làm đúng thì không có vấn đề gì phải lo lắng cả. Do đó, vấn đề này sẽ không tác động quá lớn tới thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng với việc nguồn cung bất động sản vẫn thiếu hụt trầm trọng như hiện nay thì giá bất động sản sẽ vẫn tăng cao

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng với việc nguồn cung bất động sản vẫn thiếu hụt trầm trọng như hiện nay thì giá bất động sản sẽ vẫn tăng cao

Nói về việc ngân hàng “siết” tín dụng bất động sản, ông Đính cho biết, đây không phải thời gian ngân hàng bắt đầu triển khai việc này mà đã xảy ra trong mấy năm nay.

“Cho vay bất động sản chỉ dành cho đối tượng mua nhà sử dụng không phải cho vay đầu tư. Nên việc siết tín dụng này, có thể chỉ là thẩm tra mục đích sử dụng tiền có đúng nhu cầu hay không chứ không phải dừng toàn bộ, ngân hàng cũng sẽ hạn chế việc cho vay tiền đối với các loại hình rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Theo tôi, tất cả yếu tố vĩ mô trong thời gian qua đang giúp thị trường bất động sản trở nên tích cực hơn, đi đúng với bản chất và mục đích của thị trường”, ông Đính nói.

Theo ông Đính nhận định, với việc nguồn cung bất động sản vẫn thiếu hụt trầm trọng như hiện nay thì giá bất động sản sẽ vẫn tăng cao.

Chứng khoán: Có còn cơ hội lướt sóng?

Trong tuần vừa qua thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có nhiều biến động mạnh sau những thông tin liên quan đến cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt và tạm giam để điều tra.

Thời gian qua, dòng tiền từ nhà đầu tư mới đổ mạnh vào chứng khoán đã tạo cú hích lớn cho thị trường nhưng cũng mang lại nhiều hệ lụy, nhu cầu thông tin về doanh nghiệp lớn hơn tạo điều kiện cho những tin đồn xuất hiện tràn lan.

Những thông tin này đã ngay lập tức tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là những doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực BĐS. Theo thống kê, trong tuần giao dịch từ ngày 4 đến 8/4 vừa qua chỉ số VN-Index giảm tổng cộng 34,44 điểm (-2,27%); HNX-Index giảm 22,08 điểm (-4,86%).

Đặc biệt trong 2 phiên cuối tuần, một số nhóm cổ phiếu đã bị ảnh hưởng khá lớn bởi các tin đồn chưa kiểm chứng, cổ phiếu lao dốc mạnh khiến nhà đầu tư chịu thiệt lớn.

Việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị tạm giam đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp BĐS trong những phiên giao dịch gần đây

Việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị tạm giam đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp BĐS trong những phiên giao dịch gần đây

Chẳng hạn nhóm cổ phiếu liên quan đến Gelex bất ngờ bị bán tháo hàng loạt trong phiên 8/4, các mã GEX, VGC, MHC, VIX và IDC giảm hết biên độ. Ngoài ra PXL lao dốc 13,1%, GEE rơi 6,4% trong phiên.

Cổ phiếu YEG của Yeah1 cũng nằm sàn 2 phiên liên tiếp về mức 23.250 đồng với thanh khoản tăng mạnh. Công ty hiện có cổ đông lớn nhất là bà Trần Uyên Phương (phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát).

Cổ phiếu ngân hàng SHB của bầu Hiển cũng bị bán rất mạnh về 20.000 đồng, là mã ngân hàng giảm mạnh nhất hơn 6,3% trong 2 phiên gần nhất.

Một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc thanh tra phát hành trái phiếu cũng khiến nhiều cổ phiếu đổ dốc. BCG của Bamboo Capital, KBC của Kinh Bắc hay HTN của Hưng Thịnh Incons đều nằm sàn, thậm chí HSG của Hoa Sen cũng giảm sàn dù doanh nghiệp này không phát hành trái phiếu....

Thị trường chứng kiến nhiều người bán tháo cổ phiếu và chịu thiệt hại nặng nề. Thực tế, giao dịch chứng khoán trong nước vẫn phần lớn thuộc về nhà đầu tư cá nhân với tỷ trọng lên gần 90%. Do vậy, nhu cầu "nghe ngóng" thông tin để ra quyết định đầu tư là điều dễ hiểu” - Anh Nguyễn Thành, một nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường chứng khoán có những phiên giảm điểm mạnh trong tuần giao dịch từ ngày 4-8/4 vừa qua

Thị trường chứng khoán có những phiên giảm điểm mạnh trong tuần giao dịch từ ngày 4-8/4 vừa qua

Anh Nguyễn Thành, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm tại Hà Nội cho biết có một thực tế là thời gian qua giao dịch chứng khoán trong nước vẫn phần lớn thuộc về nhà đầu tư cá nhân với tỷ trọng lên gần 90%. Do vậy nhu cầu "nghe ngóng" thông tin để ra quyết định đầu tư là điều dễ hiểu. Nhà đầu tư này cũng cho biết những tin đồn chưa được kiểm chứng đưa ra trong thời điểm nhạy cảm khiến nhiều người bán tháo cổ phiếu và chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc hội sở Mirae Asset - chia sẻ rằng tin đồn có "đất sống" phần lớn bởi có môi trường tốt cho chúng tồn tại.

Vị chuyên gia hơn 20 năm trong ngành, phân tích môi trường ở đây bao hàm 2 nguyên nhân chính: Yếu tố luật và bộ phận liên đới.

Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng các nhà đầu tư cá nhân rất khó để kiểm chứng thông tin nên thường tiếp cận kiểu "tin đồn luôn đúng". Theo đó, khi có tin đồn về một cổ phiếu thì cả hệ sinh thái cổ phiếu liên quan cũng bị bán bất chấp.

Ông nhấn mạnh khi đầu tư vào một cổ phiếu mà phải mất thời gian đi xác nhận tin đồn về doanh nghiệp đúng hay sai và tìm câu trả lời từ người khác thì chắc chắn nhà đầu tư đã lựa chọn sai cổ phiếu.

“Dòng tiền sẽ hướng dần đến nhóm cổ phiếu cơ bản tăng trưởng và an toàn cao”... Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam

Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) đánh giá, thị trường về ngắn hạn vẫn còn nhiều đợt biến động trước khi có thể bứt phá xa hơn trong thời gian tới. Dù vậy, các đợt sóng ngắn liên tục như hiện tại là cơ hội khá tốt cho các nhà đầu tư giao dịch lướt sóng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lưu ý các nhóm cổ phiếu đầu cơ mà các đợt tranh mua đẩy giá có thể đem đến những rủi ro cao. Dòng tiền sẽ hướng dần đến nhóm cổ phiếu cơ bản tăng trưởng và an toàn cao hơn trong thời gian tới. Vì vậy, nhà đầu tư cũng nên ưu tiên hướng mục tiêu vào nhóm này nhiều hơn.

Vàng: An toàn, nhưng phải hết sức thận trọng

Trước những biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới, vàng được nhiều nhà đầu tư hướng tới, coi là kênh đầu tư trú ẩn an toàn.

Cũng vì lẽ đó, thời gian gần đây chứng kiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở thị trường vàng khi giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng vừa là nơi trú ẩn vừa là kênh đầu tư sinh lời nếu “gặp thời”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới có những diễn biến phức tạp, thị trường vàng cũng liên tục “nhảy số” lên xuống khó nắm bắt. Các chuyên gia cho rằng rất khó đoán “đỉnh” và “đáy” của giá vàng trong giai đoạn này.

Việc giá vàng tăng vượt ngưỡng cũng tạo ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Nếu không chọn được thời điểm mua vào và bán ra hợp lý, nhà đầu tư rất dễ phải ngậm ngùi chịu lỗ.

Thị trường vàng cũng có nhiều thời điểm giao dịch sôi động trong những tháng đầu năm nay

Thị trường vàng cũng có nhiều thời điểm giao dịch sôi động trong những tháng đầu năm nay

“Trong thời điểm giá vàng biến động khủng khiếp như vừa qua, đầu tư vào vàng phải hết sức thận trọng” - Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, thời điểm này đầu tư vào vàng phải hết sức thận trọng. "Bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro nhất định. Đặc biệt, trong thời điểm giá vàng biến động khủng khiếp như vừa rồi, cũng có người chớp được thời cơ thì sẽ hiện thực hóa được lợi nhuận, tức là không tham, cắt lời ngay khi đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên, hầu như đa số đều không làm được do mọi người đều kỳ vọng giá sẽ còn tăng hơn nữa, nên cứ gồng lãi, đến khi giá đảo chiều thì trở tay không kịp. Thực sự, sau khi tăng khủng khiếp, giá vàng đã "quay xe". Cú quay xe này đã khiến nhiều người "ngã ngựa" vì mua vàng lúc đỉnh với kỳ vọng giá lên", ông Hiếu nhấn mạnh.

Gửi ngân hàng cũng là một giải pháp

Lạm phát trên thế giới tăng mạnh cùng bão giá hàng hóa đang khiến nhà đầu tư thấp thỏm lo lắng, tìm kênh trú ẩn.

Tại Việt Nam, dòng tiền đầu tư của người dân, nhà đầu tư cũng đang có sự dịch chuyển giữa các kênh đầu tư.

Theo các chuyên gia, kênh tiền gửi ngân hàng, phù hợp với những nhà đầu tư "tiền ít" và khẩu vị rủi ro thấp; trong dài hạn, gửi tiết kiệm là rủi ro...

Đối với kênh tiền gửi ngân hàng, mặc dù lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng từ nay đến cuối năm nhưng kênh tiết kiệm vẫn chưa thực sự hấp dẫn khi mặt bằng lãi suất huy động được dự báo vẫn duy trì mức thấp. Do đó, kênh tiền gửi ngân hàng, phù hợp với những nhà đầu tư "tiền ít" và khẩu vị rủi ro thấp.

Thị trường BĐS nhiều nơi hỗn loạn, chứng khoán đỏ lửa: Tiền nhàn rỗi đầu tư vào đâu cho an toàn? - 8

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi của người dân  

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.

"Mức lãi suất giảm sâu trong 2 năm vừa qua đã khiến người dân tìm tới những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng khoán hay bất động sản, thay vì gửi tiết kiệm như trước kia.

BVSC dự báo tăng trưởng tiền gửi dân cư vẫn thấp trong năm nay khi người dân có nhiều sự lựa chọn đầu tư với mặt bằng lãi suất còn ở mức thấp", báo cáo của BVSC đề cập.

Nói thêm về vấn đề sử dụng dòng tiền, bà Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc quản lý tài sản, Khối trong nước DCVFM cho biết rủi ro luôn tồn tại ở mọi hình thức đầu tư, kể cả gửi tiết kiệm.

Theo bà Mỹ Hạnh, đối với nhà đầu tư, trước hết cần xác định đầu tư để làm gì. Mục đích của đầu tư là để gia tăng tài sản, mà khi nói về đầu tư là phải nghĩ đến yếu tố dài hạn. "Trên thực tế trong dài hạn, gửi tiết kiệm là rủi ro." – bà Hạnh nói.

Thị trường BĐS nhiều nơi hỗn loạn, chứng khoán đỏ lửa: Tiền nhàn rỗi đầu tư vào đâu cho an toàn? - 9

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Hai, ngày 11/04/2022 19:14 PM (GMT+7)
Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])