Sau 3 năm tiết kiệm theo cách này, vợ chồng trẻ mua nhà Hà Nội mà không phải vay tiền

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhờ cách tiết kiệm này, gia đình chị Trang đã mua được nhà Hà Nội sau 3 năm mà không phải vay, nợ một đồng nào.

Bài chia sẻ về cách tiết kiệm tiền sau 3 năm mua được nhà của chị Đỗ Thu Trang – đang làm việc ở Hà Nội, thu hút được nhiều chị em quan tâm. Chị viết: “Mình biết khá nhiều chị em kiếm được nhưng để tiền “bốc hơi” rất nhanh, sức mất rồi mà thành quả lại không đọng lại được chút nào. Vậy bí quyết gì để 3 năm mình có thể tiết kiệm tiền mua nhà không phải vay ai mà vẫn có tiền (ngang giá trị nhà) để trong tài khoản?”.

Chị Trang cho biết ngay từ đầu chị đã không trông mong gì tiền lãi từ gửi tiết kiệm, chị chỉ xác định gửi ngân hàng để bảo toàn vốn, có động lực để nắm giữ thành quả lao động. Vì thế, toàn bộ số lãi chị không tiêu mà dành để biếu mẹ, còn một chút để từ thiện.

Chị cho rằng thông thường tâm lý ai cũng chờ có một món ra trò mới đem gửi, bỏ qua khá nhiều cơ hội từ những món nhỏ lặt vặt. Nhưng thực tế, những số tiền đó tiết kiệm lại mới thành món lớn.

Nhờ cách tiết kiệm của riêng mình, gia đình chị Trang đã mua được nhà ở Hà Nội sau 3 năm. Ảnh: I.T.

Nhờ cách tiết kiệm của riêng mình, gia đình chị Trang đã mua được nhà ở Hà Nội sau 3 năm. Ảnh: I.T.

3 năm trở lại đây, chị mới thực sự nghiêm túc sống và hành động có chiến lược. Chị đúc kết một số kinh nghiệm tiết kiệm như sau:

Một là, tiền mặt hạn chế cầm, số tiền mặt quá 500.000 đồng là cất vào tài khoản. Khi số tiền trong tài khoản ở mức 10 triệu đồng và không có nhu cầu sử dụng ngay hoặc cố gắng hạn chế không sử dụng trong một khoảng  thời gian nhất định thì đem gửi tiết kiệm. Bất kể món tiền nào nhàn rỗi đều được gửi tiết kiệm, thay vì tâm lý thường đem đi tiêu ngay cho nóng.

Hai là, khi chưa có nhiều tiền, chúng ta nên tạo thói quen đóng sổ tiết kiệm cho dù chỉ có vài triệu đồng.

Ba là, chúng ta phải liên tục theo dõi lãi suất, tham khảo tối đa các ngân hàng cổ phần có lãi suất cao và “chơi” kiểu lúa ngắn ngày. Các ngân hàng cổ phần, tư nhân thường rủi ro cao, dễ vỡ, chỉ trồng lúa ngắn ngày 3 – 6 tháng. Các ưu đãi cho U40 hoặc người cao tuổi để hưởng lãi suất cộng thêm 0.5 hoặc 1% và các ưu đãi khi gửi online nên tham khảo. Theo kinh nghiệm của chị, người gửi tuyệt đối không tham các quà tặng, giải thưởng, bốc thăm... tất cả những thứ này đều đánh vào lãi suất, giá trị sử dụng quà cáp thường rất thấp, còn bốc thăm trúng thưởng cơ hội 1/1000.

Bốn là, lập sổ gửi góp. Sổ này có bao nhiêu tiền rảnh là gửi luôn vào đấy, kiểu như bỏ lợn đất hàng ngày/hàng tuần. Khi gửi góp, bạn có thể chọn những tháng có thu nhập sôi động nhất để thúc đẩy bản thân cày kéo, lèo lái giỏi để tăng số tiền gửi góp. Sổ góp rất hữu ích cho ai mới bắt đầu tích cóp. Bắt đầu bằng sổ vài triệu, vài chục triệu, tiền trăm triệu thì lại có phương án khác.

Năm là, số tiền tích góp lên đến trăm triệu đồng nên chia trứng ra nhiều giỏ. Một phần gửi kỳ hạn ngắn 1 tháng để quay vòng vốn, quay vòng chi tiêu. Phần nữa gửi kỳ hạn 3 tháng, tận dụng tiền nhàn rỗi trong khoảng thời gian chưa cần sử dụng. Số tiền còn lại gửi kỳ hạn 6 tháng và coi như không nhớ đến. Tiền lớn gửi ngân hàng nhà nước có tính bảo đảm cao nhưng lãi suất chỉ loanh quanh 5-6%. Tiền nhỏ đem “lướt sóng”, cứ chọn ngân hàng nào cao nhất thì gửi nhưng không quá 6 tháng và tối đa chỉ để 100 triệu đồng.

Sáu là, các kỳ đáo sổ cần theo dõi sát sao vì “trứng” rải khắp nơi. Đây là mục quan trọng nhất, đòi hỏi bản lĩnh, cứng rắn nhất. “Khi đáo sổ, tôi luôn tách lãi ra một góc, xem số tiền ấy là bao nhiêu rồi bỏ thêm cho tròn số. Đại loại như lãi 13 triệu, bù thêm 7 triệu để làm thành sổ 20 triệu hoặc lãi 6 triệu bỏ thêm 4 triệu để làm tròn thành sổ mới 10 triệu…”. Bằng cách này, bạn vẫn bảo toàn số tiền gốc mà lại thúc đẩy các sổ phụ gia tăng. Lưu ý, các sổ phụ từ tách lãi có thể sử dụng thành các quỹ du học, du lịch, chăm sóc sắc đẹp.

Theo đó, chị tuân thủ đều đặn phương thức này trong 3 năm. “Đến khi kiểm tra thành quả thấy dầy cồm cộp ấy, sướng mất cả ngủ, tôi chưa một ngày dám lơ là”, chị nói.

Đây chỉ là 1 mục trong cả 1 quy trình chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân của chị:

- Chi tiêu gia đình (gồm rất nhiều mục nhỏ)

- Quản lý, phân bổ dòng tiền (cũng vô số mục nhỏ)

- Bảo toàn vốn (không nhiều mục nhỏ nhưng khó nhất)

Mọi kinh nghiệm chị đều đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân. Theo chị, nhiều các bí quyết tiết kiệm tiền nhưng không phải áp dụng đâu cũng trúng đấy, tùy vào thu nhập, chi tiêu của mỗi nhà mà mỗi người có thể tự điều chỉnh để phù hợp.

Nguồn: [Link nguồn]

Gửi tiết kiệm ngân hàng nào có lãi suất cao nhất?

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm một loạt lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng cũng đã điều chỉnh lãi suất ngân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN