Rót tiền tỷ vào sân chơi nóng, nhà đầu tư choáng váng “mất trắng gần nửa tài sản”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chứng kiến phiên thị trường rơi “dựng đứng”, rất nhiều nhà đầu tư “sốc nặng”, "khóc ròng" vì mất trắng gần nửa tài sản. Chuyên gia chứng khoán thì nhìn nhận “hiệu ứng tâm lý khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo”.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 5/8, VN-Index mất hơn 48 điểm (3,92%) – đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ 15/4. Chỉ số của HoSE cũng lùi về dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm - mức diểm được xem là vùng hỗ trợ quan trọng của thị trường.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Minh Chuyên (39 tuổi) – nhà đầu tư tại Hà Nội cho hay, cuối tháng 3/2024 do công việc kinh doanh rảnh rỗi, chị rót hơn 5 tỷ đầu tư một số cổ phiếu ngành bất động sản. Điều đáng nói, chị đầu tư hoàn toàn dựa trên lời “rủ rê” của bạn bè mà không có sự nghiên cứu kỹ càng, không hiểu biết về thị trường, dẫn đến thua lỗ nặng.

“Tôi đã rót tiền vào 4 cổ phiếu, đến nay sau gần nửa năm tài khoản tôi chỉ còn hơn 3 tỷ đồng. Riêng phiên đầu tuần 5/8, có tới 3 mã cổ phiếu nằm sàn khiến tài khoản của tôi bốc hơi tới hơn hơn 1 tỷ đồng. Tôi thực sự hối hận”, chị Chuyên chia sẻ.

Chứng khoán giảm hơn 48 điểm, về dưới 1.200 điểm trong phiên ngày 5/8

Chứng khoán giảm hơn 48 điểm, về dưới 1.200 điểm trong phiên ngày 5/8

Trên các diễn đàn, rất nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ tâm lý hoang mang “sốc nặng”, vì mất trắng hơn nửa tài sản.

Trên một nhóm đầu tư tài chính gồm gần 500.000 người tham gia, một nhà đầu tư giấu tên cho hay, bản thân đã có thời gian 5 năm đầu tư vào chứng khoán, nhưng thực sự hoang mang khi nhìn bảng điện tử: “Tại sao lại sập thế mọi người? Chuyện gì đang xảy ra vậy?”. Trong khi một nhà đầu tư khác bình luận: “Một ngày đầu tuần hoảng loạn của thế giới tài chính”.

Nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng cho biết hôm nay họ bị thiệt hại nặng khi nhóm ngành này vốn được xem là trụ cột của thị trường, bỗng trở thành "tội đồ" kéo thị trường đi xuống. Các mã lớn như VCB, BID, TCB, CTG, VPB đều giảm mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến chỉ số. Trong đó, VCB và BID dẫn đầu đà giảm của thị trường khi lấy đi tổng cộng 4,8 điểm.

"Hoang mang quá, không biết có nên giữ cổ phiếu ngân hàng nữa không", một nhà đầu tư băn khoăn. Trả lời cho câu hỏi này, nhiều người vẫn lạc quan cho rằng thị trường sẽ hồi phục sau khi làn sóng mua bắt đáy cổ phiếu có thể diễn ra trong những phiên sắp tới.

Tại các diễn đàn, nhóm mạng xã hội khác, chủ đề về thị trường chứng khoán “đỏ lửa” được trở thành chủ đề thảo luận chính với hàng trăm ý kiến chia sẻ đầy tâm trạng, tiếc nuối, nhiều người bày tỏ tâm lý hoang mang khi chứng kiến tài khoản của mình “bốc hơi” nhanh chóng.

“Tài khoản của em đã bay màu 28%, anh em sao rồi?”, một nhà đầu tư chia sẻ đầy chua chát. Ngay lập tức, nhiều nhà đầu tư khác cũng cho biết đã mất từ 24 đến 70% giá trị tài sản chỉ sau một phiên thị trường giảm điểm.

Sự sụt giảm mạnh của VN-Index đã khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về nguyên nhân. Bên cạnh những yếu tố vĩ mô, nhiều người cho rằng tâm lý hoang mang, bán tháo đã góp phần đẩy thị trường đi xuống. "Có thể chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất lịch sử đã khiến nhà đầu tư Việt Nam lo lắng, đua nhau bán tháo cổ phiếu", anh Quang Anh, một nhà đầu tư trên sàn HNX dự đoán.

Trả lời nhanh về nguyên nhân chứng khoán trong nước lao dốc, nhiều chuyên gia cho rằng do tác động từ thị trường tài chính thế giới. Giới đầu tư cổ phiếu khắp châu Á tháo chạy vì lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể đang rơi vào một cuộc suy thoái và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phạm một sai lầm lớn khi đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất...

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, cho rằng diễn biến tiêu cực trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu, lo ngại khủng hoảng kinh tế, cho tới căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng tâm lý thị trường. "Hiệu ứng tâm lý khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo", ông nói.

Việc chỉ số rơi những nhịp nhanh với biên độ cao trong phiên, theo chuyên gia này, không đến từ động thái bán giải chấp. Thay vào đó, lo ngại thị trường sẽ xấu hơn, cắt lỗ chủ động hoặc chốt bớt các khoản đầu tư còn có lãi đã khiến áp lực bán tháo tăng vọt.

"Tôi không nghĩ nguyên nhân đà giảm đến từ việc force sell (bán giải chấp bắt buộc) từ công ty chứng khoán, mà đó là áp lực bán chủ động của nhà đầu tư", ông Minh đánh giá.

Việc VN-Index giảm sâu cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang cực kỳ lo ngại về triển vọng của thị trường. Song, ở góc nhìn tích cực, về lâu dài các chuyên gia lại cho rằng đây là thời điểm hấp dẫn để đầu tư.

"Áp lực tâm lý khiến đà bán tháo lan rộng đẩy VN-Index và hàng loạt cổ phiếu giảm sâu hôm qua. Nhưng điều này đồng thời cũng tạo ra một mặt bằng định giá hấp dẫn hơn nếu xét khung đầu tư trung - dài hạn", ông Minh nhận xét.

Theo chuyên gia này, định giá P/E của thị trường sau phiên giảm sâu này cũng đã về thấp hơn 11 lần - đây là con số hấp dẫn để đầu tư. Đồng thời, các yếu tố cơ bản của thị trường và nền kinh tế hiện tại cũng không cho thấy diễn biến nào quá xấu.

"Tôi không nghĩ rằng VN-Index sẽ chốt năm nay dưới 1.200 điểm. Áp lực bán tháo có thể diễn ra trong cục bộ vài phiên nhưng nền tảng nội tại và định giá hấp dẫn có thể giúp thị trường trở lại", ông Minh nói.

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam thủng mốc 1.200 điểm, nhiều đại gia trên sàn chứng khoán bị mất cả trăm đến nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN