Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Khoản nợ treo tới bao giờ?
Đến nay, dù phía Ngân hàng khẳng định sẽ cùng khách hàng thỏa thuận nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi, nếu 2 bên không có tiếng nói chung, một bên không trả nợ, một bên không sửa trên hệ thống thì khoản nợ mãi treo lơ lửng?
Bất ngờ cách tính lãi và món nợ kéo dài tận 11 năm
Trước vụ việc khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ, giới ngân hàng và luật sư băn khoăn về cách tính lãi suất này. Mức dư nợ 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, gấp hàng nghìn lần cách tính thông thường mà nhiều ngân hàng áp dụng.
Thông tin báo chí của ngân hàng này khẳng định: Phương thức tính lãi, phí là phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đủ chữ ký khách hàng (phí, lãi được quy định trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
Giới chuyên gia cho rằng khoản nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng lên tới 8,8 tỷ là do ngân hàng tính lãi chồng lãi
Theo tính toán, nếu dựa trên 2 phương pháp (lãi kép và lãi theo dư nợ gốc) sẽ cho ra các kết quả có sự khác biệt rất nhiều về số tiền khách hàng phải trả.
Với cách tính lãi kép, dư nợ gốc 8,5 triệu đồng vào tháng 9/2013 ước tính chịu lãi suất thẻ 87% một năm (gồm các loại lãi suất, phí phạt…). Sau đó, lãi nhập gốc và tiếp tục bị tính thêm lãi suất này. Đến tháng 9/2023, dư nợ khách hàng phải trả là 8,8 tỷ đồng. Trong khi đó, một số ngân hàng chỉ tính lãi suất thẻ trên số nợ gốc ban đầu, ở đây là 8,5 triệu đồng. Cũng với lãi suất giả định 87% một năm như tại Eximbank, tiền lãi và gốc khách hàng phải trả tới tháng 9/2023 chỉ khoảng 90,4 triệu đồng.
Đơn cử ngày 17/3, một lãnh đạo của Agribank đã thông tin về cách tính phí chậm trả và lãi quá hạn của thẻ tín dụng Agribank. Đó là vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, Agribank sẽ thu phí chậm trả tính trên số tiền thanh toán tối thiểu chưa được thanh toán. Số tiền phí này được thể hiện trên sao kê kỳ tiếp theo.
“Với trường hợp khách hàng có dư nợ là 8,5 triệu đồng theo cách tính của Agribank lãi quá hạn sau 11 năm của Agribank sẽ là 8,5 triệu đồng x 19,5% x 11 năm = 18.349.670 đồng”, đại diện Agribank khẳng định.
Tuy nhiên, ngoài câu chuyện lãi suất, dư luận cũng thắc mắc vì sao ngân hàng lại để một món nợ nhỏ kéo dài đến tận 11 năm?
Về vấn đề này, các chuyên gia tài chính cho rằng, thông thường các ngân hàng sau khi chuyển thành nợ xấu thì sẽ phải tìm mọi biện pháp để xử lý như phát mại tài sản bảo đảm, bán nợ, khởi kiện và tất toán, xoá nợ nếu như không thể xử lý được, chứ không để tới 11 năm như vậy.
Theo chuyên gia tài chính - kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để biết bên nào đúng, bên nào sai và số nợ vài triệu đồng hóa thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm có chính xác hay không thì cần phải kiểm tra rõ thông tin từ hồ sơ, hợp đồng giữa hai bên.
“Khách hàng trong thời gian dài không trả nợ mà ngân hàng có thể đưa ra con số nợ rất lớn như hiện tại có thể là do cách tính của ngân hàng, bao gồm lãi kép, lãi phạt. Lãi phạt thường rất lớn, có thể lên đến 150%, khiến số nợ ban đầu của khách bị đội lên rất cao. Bây giờ không thể khẳng định con số 8,8 tỷ đồng là bất hợp lý, muốn kết luận chính xác thì phải chờ mở hồ sơ, hợp đồng giữa khách hàng với ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh" , TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Nếu không giải quyết, khoản nợ mãi treo?
Dư luận đặt câu hỏi, việc ngân hàng cho vay một khoản vay không lớn, sau thời gian khoản vay đã chuyển thành nợ nhóm 5, được chuyển xử lý ngoại bảng, xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro, sau đó vẫn tính lãi chồng lãi để yêu cầu khách hàng trả nợ lên đến con số khổng lồ thì có hợp lý không?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW
Và, việc giải quyết đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Nếu 2 bên không có tiếng nói chung, một bên không trả nợ, một bên không sửa trên hệ thống thì khoản nợ mãi treo lơ lửng?
Góp ý thêm về sự việc trên, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW cho rằng: “Vấn đề là 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó cũng còn nhiều vấn đề tồn đọng cần cơ quan chức năng vào làm rõ, thậm chí là cơ quan điều tra cũng có thể vào cuộc bởi 8,8 tỷ đồng là số tiền lớn. Quan trọng là mức lãi phát sinh chỉ từ một khoản nợ tín dụng gần 9 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, vấn đề lãi và cách tính lãi rất quan trọng vì khách hàng sẽ yêu cầu ngân hàng phải giải thích về cách tính lãi, các giao dịch đã phát sinh. Ngoài ra, cũng cần làm rõ, vì sao khoản nợ này lại kéo dài? Phía ngân hàng có đốc thúc trả nợ, thông báo dư nợ thường xuyên hay không? Vụ việc có thể ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng và quyền lợi của khách hàng.
Ở góc độ pháp lý, vị luật sư phân tích: "Mức lãi suất của các tổ chức tín dụng có thể cao hơn mức lãi suất giới hạn trong Bộ luật Dân sự nhưng vẫn phải nằm trong giới hạn theo luật các tổ chức tín dụng và do Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Trường hợp các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất vượt trần hoặc vi phạm về hoạt động cho vay thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu sai phạm thuộc về khách hàng thì khách hàng cũng phải chịu phạt".
Theo nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng, vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng có nhiều ưu điểm như thuận tiện, đơn giản, kịp thời,… Để thu hút người sử dụng, ngân hàng thường phát hành thẻ tín dụng kèm rất nhiều chính sách hấp dẫn. Tuy nhiên, khách hàng cần lưu ý tránh chi tiêu quá đà, nhất là lãi suất đối với hình thức vay này bao giờ cao hơn, đặc biệt lãi suất quá hạn bởi ngân hàng phải dự phòng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Nói chung, với người dùng, quan trọng nhất là phải chủ động được khả năng trả nợ, biết rõ hậu quả nếu để quá hạn, hình dung được mặt trái để tránh rơi vào bẫy nợ. Nếu không may phát sinh những rắc rối, tranh chấp, kể cả khi không dùng thẻ mà vẫn bị ghi nợ, thì phải nhanh chóng xử lý. Nếu không thoả thuận được với ngân hàng, phải khởi kiện hoặc trình báo cho cơ quan để giải quyết, chứ không nên thờ ơ, bỏ mặc.
Đặc biệt, “nếu không trả được, sẽ rơi vào danh sách ‘đen’, có nợ xấu, sẽ bị lưu vết, mất uy tín, mất điểm tín dụng, không tiếp cận được vốn tín dụng”, vị luật sư khuyến cáo.
Chiều 21/3, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh, phía Ngân hàng nhà nước (NHNN) - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Ngân hàng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã có mặt để thông tin về vụ dư nợ 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng của khách hàng P.H.A bị tăng lên 8,8 tỷ đồng sau 11 năm tại Ngân hàng Eximbank. Thông tin chính thức với báo chí, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu - Eximbank, cho hay với thẻ tín dụng quốc tế, khi đưa ra chính sách lãi và phí đều đã có tham khảo thị trường, sản phẩm của các ngân hàng tương đồng để đưa ra chính sách. Ngân hàng Eximbank cũng có xét đến yếu tố cạnh tranh, để ngân hàng có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Ông Vũ nói, ngân hàng có quy định trường hợp khách hàng nợ thẻ quá hạn, cán bộ xử lý phải căn cứ tình hình nợ thẻ của khách hàng để đề xuất cấp lãnh đạo mức thu lãi, phí. "Mức phí, lãi này phải trình cấp lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt trước khi làm việc với khách hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cán bộ xử lý nợ đã máy móc, gửi thông báo trực tiếp đến khách hàng khi chưa trình cấp thẩm quyền, khiến khách hàng bức xúc. Chúng tôi lấy làm tiếc vì trường hợp này", ông Vũ cho biết. Ông Vũ khẳng định, phía ngân hàng "đã làm việc với khách hàng, cùng thoả thuận và tìm cách xử lý đảm bảo hợp lý hợp tình. Eximbank đảm bảo không thu 8,8 tỷ mà sẽ thu ở một mức phí hợp lý" nhưng không nói rõ "mức phí hợp lý" đó là bao nhiêu. Cũng tại họp báo, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi nhận phản ánh từ báo chí, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Eximbank xác minh vụ việc, làm việc với khách hàng để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của cả hai bên. Ngân hàng Eximbank đã làm việc với khách hàng và báo cáo đến Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. |
Nguồn: [Link nguồn]
Đã có nhiều khuyến cáo từ các ngân hàng về cách bảo quản, sử dụng thẻ tín dụng, tuy nhiên vẫn còn nhiều người dùng sơ ý để mất tiền mà không kiểm soát...