Nhà đầu tư chứng khoán đua nhau khoe lãi từ vài chục triệu tới cả chục tỷ đồng
Khi các kênh đầu tư như BĐS, vàng, tiết kiệm có dấu hiệu suy giảm, chứng khoán trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều người biết nắm bắt thời cơ. Với sự phục hồi của thị trường, nhiều nhà đầu tư đang lãi từ vài chục triệu đến vài chục tỷ đồng.
Đua nhau khoe lãi từ vài chục triệu đến vài chục tỷ đồng
Thời gian qua khi BĐS rơi vào trầm lắng, lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh theo xu hướng giảm đã khiến một lượng tiền lớn được đổ vào thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/7, chỉ số VN-Index đang dần tiến gần mốc 1.200 điểm khi đóng cửa ở mức 1.185,9 điểm. Nhìn xa hơn, kể từ thời điểm cuối tháng 4, thị trường đã tăng một mạch gần 150 điểm (hơn +14%).
Với đà phục hồi của thị trường, nhiều nhà đầu tư đang ghi nhận khoản lãi lớn khi xuống tiền “bắt đáy” cổ phiếu. Anh Khoa (37 tuổi), nhà đầu tư tại Hà Nội, chia sẻ, thời điểm tháng 4/2023 anh dành một phần trong khoản đầu tư là 300 triệu đồng để mua cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động với giá khớp lệnh 37.700 đồng/CP. Sang đầu tháng 7, khi chứng kiến cổ phiếu này liên tục xanh nên ngày 10/7 anh đã chốt lệnh bán ở mức giá 47.750 đồng/CP thu được khoản lãi đáng kể.
Tương tự, anh Thanh một nhà đầu tư tại Thanh Hóa cho biết cũng đang ghi nhận khoản lãi từ 15% đến 20% khi xuống tiền đầu tư vào cổ phiếu ngành thép và đầu tư công. Anh Thanh chia sẻ nhiều bạn bè trong nhóm đầu tư của mình giá trị tài sản cũng liên tục tăng mạnh khi hàng loạt các cổ phiếu khác cũng đồng loạt tăng, trong đó có những mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng lên tới 30-40% chỉ sau 2-3 tháng.
Nhiều nhà đầu tư đang có khoản lãi đáng kể khi đầu tư vào thị trường chứng khoán
Bên cạnh những nhà đầu tư cá nhận, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước cũng đang ghi nhận khoản lãi lớn khi đầu tư vào chứng khoán. Trong đó, CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt cho biết đang đầu tư hơn 1.220 tỷ đồng vào các mã cổ phiếu HPG, FPT, MWG, TDH, NKG, ... Hồi đầu năm, tất cả các cổ phiếu TVC đang nắm giữ đều đang tạm lỗ, đến hiện tại đã có FPT, NKG, DDV có lãi.
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng cũng đang sở hữu danh mục đầu tư chứng khoán đáng kể với các mã cổ phiếu như HPG, DGC, VND, SSI, MWG. Tại thời điểm 30/6/2023, khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng có giá gốc đạt 367 tỷ đồng, giá trị hợp lý đạt 399 tỷ đồng, riêng HPG đang lãi lên đến 47%...
Cùng với đó, hầu hết các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán đều ghi nhận hiệu suất đầu tư khả quan so với năm trước đó. Sau nửa đầu năm, SSIAM VNFinlead ETF ghi nhận hiệu suất đầu tư dương 23,6% - gấp đôi mức tăng của VN-Index.
Trong cùng thời điểm, Fubon ETF hay VNM ETF lần lượt đạt hiệu suất tăng 18,45% và 13,28%. Nhiều quỹ đầu tư như DCDS, DCVFM VN30 ETF hay VNMidcap ETF cũng tăng trưởng tốt hơn mức tăng của 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index. Ngược lại, VEIL, DCVFM VNDiamond ETF, VOF VinaCapital hay Pyn Elite Fund (cá mập từng dự báo VN-Index cán mốc 2.500 điểm vào năm 2024) đều ghi nhận hiệu suất thấp (dưới 9% sau 6 tháng). Trong khi đó, Ballad Fund - quỹ đầu tư thuộc SGI Capital chỉ đạt hiệu suất đầu tư xấp xỉ 6%.
Tiền vào chứng khoán tăng mạnh
Cùng với sự khởi sắc của thị trường, trong tháng 6, giá trị giao dịch nhiều phiên đã trở lại ngưỡng tỷ USD. Riêng trên HoSE, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trong tháng 6 đạt trên 15.000 tỷ, tăng hơn 40% so với tháng trước và là mức cao nhất trong hơn một năm kể từ tháng 4/2022. Thanh khoản dồi dào vẫn tiếp tục dược duy trì sang tháng 7.
Sự cải thiện thanh khoản thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ dòng tiền trở lại bởi các nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhóm cá nhân. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), lượng tài khoản mở mới tăng đột biến sau giai đoạn trầm lắng nhiều tháng. Tính đến cuối tháng 6, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,25 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7,2% dân số.
Số tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán tăng mạnh khi thị trường sôi động trở lại
Dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý 2 ước tính lên đến 150.000 tỷ đồng, tăng 27.000 tỷ (~1,1 tỷ USD) so với cuối quý 1. Trong đó, dư nợ margin cũng tăng khoảng 24.000 tỷ so với cuối quý 1, ước đạt 142.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6, còn lại là ứng trước tiền bán.
Bên cạnh sự tăng trưởng về dư nợ margin, số dư tiền của nhà đầu tư tại các CTCK cũng ghi nhận mức tăng mạnh. Thống kê từ các CTCK cho biết, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối quý 2/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng (~2,9 tỷ USD), tăng khoảng 9.000 tỷ so với quý trước. Quý 2 năm nay là quý đầu tiên lượng tiền "nằm chờ" của nhà đầu tư tại CTCK tăng trở lại sau 4 quý liên tục trước đó sụt giảm.
Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán từ tháng 6 đến nay
Chứng khoán tiếp tục "hút tiền" nửa cuối năm 2023?
Sau đà tăng ấn tượng của thị thị trường chứng khoán thời gian gần đây, các nhà đầu tư và chuyên gia các công ty chứng khoán đều khá lạc quan về xu hướng tiếp tục tăng của thị trường trong nửa cuối năm.
Là nhà đầu tư đã có gần 10 năm kinh nghiệm, anh Tuấn một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội đánh giá việc lãi suất huy động giảm đã giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn một cách tương đối. Theo nhà đầu tư này, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế với chính tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, lãi suất cho vay hạ nhiệt cũng được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn của các công ty chứng khoán, qua đó giúp mở ra dư địa để giảm lãi suất cho vay margin. Điều này có thể kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư tăng trở lại, giúp dòng tiền hào hứng gia nhập thị trường hơn.
Lãi tiết kiệm giảm đã thúc đẩy thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng trưởng
Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ thẩm thấu nhanh và mạnh hơn trong nửa cuối 2023, điều này giúp dòng tiền trong nền kinh tế tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực.
VFS cũng đánh giá việc lãi suất giảm thúc đẩy dòng tiền chảy từ gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác nhằm tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn, trong đó chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền nửa cuối năm 2023, nhờ 3 nguyên nhân:
Thứ nhất, thị trường Bất động sản khó khăn do vướng thủ tục pháp lý, tín dụng tăng trưởng chậm và áp lực đáo hạn trái phiếu tăng cao. Thứ hai, giá vàng liên tục đi ngang trong nửa đầu năm và đang chịu áp lực giảm theo giá vàng thế giới, do đó sức hấp dẫn không lớn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tại Việt Nam thấp và lạm phát thế giới đang có xu hướng giảm. Và thứ ba là biến động thị trường chứng khoán có mối quan hệ ngược chiều với lãi suất. Xu hướng đi lên của VN-Index được củng cố trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng giảm.
Theo Chứng khoán Nhất Việt, định giá hiện tại của VN-Index đang ở mức thấp trong khu vực cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với dòng vốn ngoại trong nửa cuối năm.
Nhóm cổ phiếu lĩnh vực đầu tư công tăng trưởng mạnh thời gian qua
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SHS) nhận định, tâm lý giới đầu tư đang dần ổn định hơn do họ có niềm tin kinh tế sẽ ổn định trở lại. Thường thị trường chứng khoán sẽ có những phản ứng sớm nên SHS cho rằng, việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được.
Trong khi đó, Dragon Capital đánh giá Việt Nam vẫn có thể duy trì mở rộng chính sách tiền tệ như một “liều thuốc bổ” ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sẽ khó có thể cải thiện tăng trưởng trong nửa sau 2023 nếu thiếu sự đồng hành của chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công.
Tương tự, Pyn Elite Fund cũng cho rằng hành động của Chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong năm nay. Các quyết định của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Các biện pháp đang có tác động tích cực đến xu hướng và sức mạnh của thị trường chứng khoán và có thể tiếp tục trong những tháng tới.