Phải “nhịn ăn, nhịn mặc” hơn 31 năm mới đủ tiền mua được 1 căn hộ chung cư tại Hà Nội

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Là một trong những địa phương trong cả nước có tốc độ tăng thu nhập trung bình cao trong quý 3/2024, tuy nhiên, những người lao động tại Hà Nội vẫn phải "nhịn ăn, nhịn mặc" hơn 31 năm để thực hiện giấc mơ mua nhà chung cư mới.

Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện

Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố thu nhập bình quân quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024 của người lao động trên cả nước. Theo đó, thu nhập bình quân của người lao động trong quý 3/2024 là 7,6 triệu đồng, tăng 176 nghìn đồng so với quý trước và 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Thu nhập của người lao động khu vực thành thị đạt 9,3 triệu đồng, trong khi thu nhập của người lao động khu vực nông thôn đạt 6,6 triệu đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,6 triệu đồng, tăng 7,5%, tương đương mức tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Thu nhập bình quân của người lao động khu vực thành thị đạt 9,2 triệu đồng và thu nhập bình quân của người lao động khu vực nông thôn đạt 6,5 triệu đồng.

Thu nhập của người lao động tại Hà Nội đạt 10,7 triệu đồng/tháng trong quý 3/2024

Thu nhập của người lao động tại Hà Nội đạt 10,7 triệu đồng/tháng trong quý 3/2024

Trong đó, thu nhập trung bình người lao động tại Hà Nội trong quý 3/2024 đạt 10,7 triệu đồng, tăng 6,6% so với quý trước, tương đương mức tăng 659 nghìn đồng.

Xét theo khu vực kinh tế, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3/2024 tăng cao nhất ở khu vực dịch vụ đạt, 9,1 triệu đồng, tăng 4,1% so với quý trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023; khu vực công nghiệp và xây dựng là 8,5 triệu đồng, tăng 2,3% (tăng tương ứng 189 nghìn đồng) so với quý trước và tăng 557 nghìn đồng (tăng tương ứng 7,0%) so với cùng kỳ năm trước…

Trong 9 tháng đầu năm, một số ngành tốc độ tăng thu nhập bình quân cao hơn mặt bằng chung như ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,2 triệu đồng, tăng 13% so với năm ngoái. Lao động trong hoạt động kinh doanh bất động sản là 11,7 triệu đồng, tăng 11,6%.

Thu nhập lao động ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 12,7 triệu đồng/tháng, tăng 11,2%. Lao động ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 11 triệu đồng, tăng 7,8%; xây dựng là 8,4 triệu đồng, tăng 6,7%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Lao động nam có mức thu nhập bình quân là 9 triệu đồng còn lao động nữ là 7,9 triệu đồng. Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng còn ở khu vực nông thôn ở mức 7,7 triệu đồng.

Người lao động tại Hà Nội “nhịn ăn, nhịn mặc” hơn 31 năm để mua được nhà

Dù là một trong những địa phương ghi nhận tốc độ tăng thu nhập trung bình cao nhất cả nước trong quý 3/2024, nhưng với mức thu nhập trung bình hiện tại, người lao động tại Hà Nội vẫn phải “nhịn ăn, nhịn mặc” hơn 31 năm để mua được căn chung cư phổ biến trên thị trường hiện nay.

Cụ thể, báo cáo thị trường mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết 9 tháng đầu năm, nguồn cung thị trường vẫn phân hoá mạnh với 70% là căn hộ chung cư. Trong đó, phân khúc cao cấp (trên 50 triệu đồng một m2) và hạng sang (hơn 80 triệu đồng một m2) chiếm áp đảo, với 70%.

Tình trạng nhà ở cao cấp, hạng sang chiếm sóng thị trường có xu hướng gia tăng từ đầu năm đến nay. So với quý 3/2023, nhà ở hạng sang tăng gấp đôi, còn căn hộ bình dân có xu hướng sụt giảm.

Những người làm công ăn lương sẽ phải “nhịn ăn, nhịn mặc” hơn 39 năm để mua được căn hộ chung cư mới trị giá 4 tỷ đồng

Những người làm công ăn lương sẽ phải “nhịn ăn, nhịn mặc” hơn 39 năm để mua được căn hộ chung cư mới trị giá 4 tỷ đồng

Trong khi đó, số liệu của Savills Việt Nam thậm chí còn cho biết giá căn hộ sơ cấp Hà Nội trong quý 3 đạt 69 triệu đồng/m2, tăng 6% theo quý và 28% theo năm. Giá bán chung cư cũ lên 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm.

Đáng chú ý, các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm đến 70% tổng lượng căn hộ bán ra, tăng mạnh so với mức chỉ 2% của năm 2020. Trong khi đó, phân khúc căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng gần như biến mất khỏi thị trường, chỉ chiếm vỏn vẹn 1% tổng nguồn cung.

Giả sử người lao động tại Hà Nội và các ngành kinh tế dành 100% thu nhập trung bình để mua nhà, họ sẽ mất từ 315 đến 520 tháng để sở hữu được căn chung cư 4 tỷ đồng.

Nhanh nhất trong nhóm này có lẽ là lao động trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Những người này mất khoảng 26 năm 3 tháng để mua được căn hộ 4 tỷ đồng. Tiếp theo là những người làm kinh doanh bất động sản, mất 28 năm 6 tháng để mua được nhà. Đứng thứ 3 là ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, hơi nóng với gần 30 năm thu nhập.

Những người lao động tại Hà Nội với mức thu nhập bình quân 10,7 triệu đồng/tháng trong quý 3 sẽ cần 31 năm 2 tháng “nhịn ăn, nhịn mặc” để mua được căn chung cư trị giá 4 tỷ đồng trên thị trường hiện nay. Với những người làm công ăn lương thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/tháng thì cần “nhịn ăn, nhịn mặc” 39 năm 3 tháng để thực hiện giấc mơ an cư.

Trước đà tăng phi mã của giá nhà chung cư Hà Nội từ đầu năm 2024 đến nay, cách đây không lâu, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng: Với giá nhà đất đắt đỏ như hiện tại, giới trẻ nếu không tìm đến các kênh đầu tư để mong muốn có thu nhập thụ động thì với lương đi làm khả năng có thể mua được nhà là rất nhỏ.

Nguồn: [Link nguồn]

Năm 2023, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân một người/tháng cao nhất cả nước, trong đó, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân cao nhất vùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN