Người dân ngày càng ít mua vàng, có tiền nhàn rỗi đầu tư gì lúc này?
"Có tiền nhàn rỗi, nên mua vàng, gửi tiết kiệm hay đầu tư một kênh nào khác?" đang là câu hỏi được nhiều người băn khoăn mỗi khi muốn đầu tư.
Nhiều người có tiền nhàn rỗi không còn hào hứng với vàng
Mua vàng là một hình thức đầu tư có từ lâu và được nhiều người tin tưởng bởi chủ sở hữu không thông qua bất kỳ bên trung gian nào. Vàng có tính thanh khoản rất cao, khi cần vàng có thể dễ giao dịch chuyển đổi thành tiền mặt. Nếu chọn đúng thời điểm mua vào bán ra kịp thời thì khả năng sinh lời khá cao.
Tuy nhiên, trước những biến động của các kênh đầu tư thời gian gần đây, nhu cầu “tích trữ vàng” của người Việt đang có xu hướng giảm dần, đặc biệt từ thế hệ 8X và 9X.
“Khi có tiền mặt chị thường gửi tiết kiệm tại các ngân hàng để tiện cho việc lưu động vốn” - Chị Nguyễn Thị Hà, 40 tuổi, một tiểu thương cho hay.
Vàng từng là một kênh đầu tư được nhiều người quan tâm
Chị Nguyễn Thị Hà, 40 tuổi - một tiểu thương bán buôn giày dép thời trang tại Gia Lâm (Hà Nội), cho hay, khi có tiền mặt chị thường gửi tiết kiệm tại các ngân hàng để tiện cho việc lưu động vốn, chị không có thói quen theo dõi biến động thị trường giá vàng và cũng không có ý định mua vàng tích trữ dù vàng từng được khá nhiều tiểu thương coi là kênh đầu tư và tích trữ vừa an toàn vừa có cơ hội sinh lời. “Công việc kinh doanh thương mại nên tôi luôn cần khoản vốn linh hoạt. Do đó, tôi cho rằng việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng khá thuận lợi và an toàn ở nhiều góc độ, ít nhất ở thời điểm này” – chị Hà chia sẻ.
Chị Phạm Ngọc Minh Hương, 43 tuổi, cán bộ công chức tại Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì chia sẻ: "Hiện tại tôi có khoảng 2 tỉ đồng để dành cho con đi học. Thật sự đôi khi tôi không biết giữ tiền bằng cách nào hiệu quả nhất. Gửi tiền tiết kiệm nhưng lãi suất cứ giảm liên tục như thời gian qua cũng thấy băn khoăn quá.
Do đó, tôi dành gần một nửa số đó mua vàng, còn phần lớn thì vẫn tạm thời gửi tiết kiệm trong thời hạn trên sáu tháng để hưởng lãi suất cao hơn chút, chứ tôi cũng không có ý định gửi dài dù 3-4 năm nữa mới có kế hoạch dùng đến khoản tiền này. Tôi vẫn đang tìm hiểu, chọn lựa một kênh giữ tiền khác ngoài vàng và ngân hàng”.
“Vàng là kênh đầu tư khá “cồng kềnh”. Tiền làm ra, tôi sẽ dành mua nhà, mua xe,... Khoản tiền dư thừa tôi tiếp tục chọn đầu tư chứng khoán hoặc chí ít đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT)” - anh Tuấn Minh, 32 tuổi – kỹ sư CNTT.
Vàng trong nước chứng kiến những biến động mạnh trong tháng 10 - Ảnh Tiền Phong
Với tuổi đời trẻ hơn, anh Tuấn Minh, 32 tuổi – một kỹ sư ngành công nghệ thông tin thì thẳng thắn cho rằng, chưa bao giờ anh có ý định mua vàng tích trữ cũng như coi đó là kênh đầu tư sinh lời. Bởi theo Tuấn Minh, vàng là kênh đầu tư khá “cồng kềnh”, chênh lệch mua vào bán ra luôn rất lớn, trong khi lợi nhuận cũng không được ấn tượng ngoại trừ những thời điểm biến động đột biến.
“Tôi mới mua nhà nên thời điểm hiện tại chưa có nhiều tiền dư dả. Tuy nhiên, trước đó cũng như sau này, tôi chưa từng và sẽ không mua vàng. Tiền làm ra, tôi sẽ dành mua nhà, mua xe,... Khoản tiền dư thừa sau này tôi tiếp tục chọn đầu tư chứng khoán hoặc chí ít đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). CNTT là nền tảng giúp mỗi người có rất nhiều cơ hội làm ra nhiều tiền chứ không hề nhàm chán và cồng kềnh như cất trữ vàng miếng hay gửi tiền ngân hàng như các thế hệ trước đây” – 9X đời đầu cho hay.
“Hơn 70 triệu một lượng vàng, số tiền đó để tái đầu tư sẽ hiệu quả hơn hẳn mua vàng chỉ để cất giữ rồi thi thoảng mang ra ngắm nhìn” - Ngọc Mai, 31 tuổi – kinh doanh mỹ phẩm tại Hà Nam.
Chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới khiến nhiều người e ngại trước những biến động của giá vàng - Ảnh Tiền Phong
Tương tự, chị Ngọc Mai, 31 tuổi (Hà Nam) – một người kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm chia sẻ: “Nếu tiền dư dả, tôi dành để tái đầu tư. Cái gì là thế mạnh của mình thì mình phát huy. Hơn 70 triệu một lượng vàng, số tiền đó tôi tin khi để tái đầu tư sẽ hiệu quả hơn hẳn mua vàng chỉ để cất giữ rồi thi thoảng mang ra ngắm nhìn”.
Tại cửa hàng vàng có tiếng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), nhân viên kinh doanh tại đây cho biết, lượng khách hàng giao dịch trong một vài tháng gần đây ghi nhận tăng so với thời điểm giữa năm. Một phần là vì giá vàng biến động, phần khác là xu hướng ngân hàng giảm lãi suất huy động đã tác động không nhỏ đến quyết định mua vàng của người dân.
“Có một lượng khách hàng đã rút tiền về để mua, đầu tư vàng, vì thời gian vừa rồi lãi suất giảm và giá vàng có khá nhiều biến động”, anh Lê D., nhân viên kinh doanh tại một cửa hàng vàng thông tin.
Người Việt Nam ngày càng ít mua vàng
Cùng với sự trầm lắng của thị trường BĐS thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ vàng của người dân Việt Nam cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng thế giới quý 3/2023 cho thấy, tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 11,9 tấn trong quý 3/2023 so với 12 tấn trong quý 3/2022.
Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới cũng cho thấy sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ, từ 3,5 tấn trong quý 3/2022 xuống còn 3 tấn trong quý 3/2023. Thị trường vàng được bù đắp bởi sự tăng trưởng nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng, với mức chênh lệch 4% so với cùng kỳ, từ 8,5 tấn trong quý 3/2022 lên 8,8 tấn trong quý 3/2023.
Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) kiêm Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương tại Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu trang sức ở Việt Nam trong quý 3 đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021. Lạm phát cao cùng mức độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
Nhu cầu tiêu thụ vàng của người Việt Nam sụt giảm trong quý 3/2023
Nhu cầu tiêu thụ vàng của người dân giảm cũng khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vàng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), ghi nhận 6.918 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt 253 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tiêu dùng vẫn chưa khởi sắc rõ rệt. Đáng chú ý, PNJ ghi nhận lợi nhuận sau thuế tương đương quý 3/2022 nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ hơn 6,4 tỷ đồng lên gần 27 tỷ đồng trong quý 3/2023.
Luỹ kế 9 tháng, PNJ ghi nhận 23.377 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt 1.340 tỷ, tương đương ba quý đầu năm 2022 nhờ tăng trưởng từ doanh thu hoạt động tài chính và tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
“Những năm gần đây, kim loại quý này không còn được nhiều nhà đầu tư có khả năng mua số lượng lớn quan tâm, mà họ tập trung rót vốn vào bất động sản, cổ phiếu” - TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia phân tích tài chính.
Nhu cầu tiêu thụ vàng của người dân giảm cũng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vàng trong nước trong quý 3 vừa qua
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro. Trong giai đoạn giá vàng biến động mạnh như thời gian vừa qua, có người chớp được thời cơ, hiện thực hóa lợi nhuận ở vùng giá cao. Nhưng nhiều người khác kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng nên “gồng” lãi, đến khi giá đảo chiều đột ngột thì trở tay không kịp, lãi suy giảm, thậm chí thua lỗ.
Đánh giá về những biến động của thị trường vàng thời gian qua, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia phân tích tài chính cho hay những năm gần đây, kim loại quý này không còn được nhiều nhà đầu tư có khả năng mua số lượng lớn quan tâm, mà họ tập trung rót vốn vào bất động sản, cổ phiếu, bởi chênh lệch giá vàng trong nước quá cao so với thế giới. Tương tự, ông Phan Lê Thành Long cho rằng, với vàng, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ như một tài sản bảo vệ, song tỷ trọng nắm giữ tối đa chỉ 10%.
Có tiền nhàn rỗi nên đầu tư kênh nào lúc này?
Trước việc vàng không còn được coi là một kênh đầu tư sinh lời cao, và trong bối cảnh chứng khoán lên xuống thất thường, bất động sản vẫn đóng băng, thì việc tìm lời giải cho bài toán đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu cũng ngày càng khó khăn hơn.
Trong chia sẻ với báo chí mới đây, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định, hiện các kênh đầu tư tại Việt Nam không nhiều, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc tìm nơi để đầu tư thêm phần thách thức. Nhà đầu tư có thể ưu tiên tìm các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn tiền gửi tiết kiệm, nhưng phải đặt vấn đề an toàn vốn và thanh khoản lên trên hết. Việc chọn kênh đầu tư tùy vào khả năng về tài chính của mỗi người, nhưng cần phải có sự am hiểu nhất định về lĩnh vực mình muốn đầu tư để lựa chọn.
Dù chứng kiến nhiều biến động thời gian qua nhưng chứng khoán vẫn đang được xem là kênh đầu tư hấp dẫn
“Đầu tư gì, ở đâu, đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc, đó là phải sinh lời, an toàn vốn và kênh đầu tư phải có tính thanh khoản” - TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu đồng thời khuyến nghị: Đầu tư gì, ở đâu, đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc, đó là phải sinh lời, an toàn vốn và kênh đầu tư phải có tính thanh khoản.
Trên cơ sở những nguyên tắc này, ông Hiếu cho rằng gửi tiền ngân hàng đạt cả 3 tiêu chí. Về sinh lời, dù lãi suất ở ngân hàng hiện thấp hơn trước đây, nhưng vẫn còn mức tốt. Còn về tính an toàn, tại thời điểm hiện nay, gửi tiền ngân hàng là phương án an toàn nhất. Ở bất cứ thời điểm nào, việc gửi tiết kiệm ngân hàng luôn mang lại lợi nhuận an toàn trong bối cảnh những rủi ro, bất định từ môi trường vĩ mô quốc tế vẫn đang tiếp diễn. Riêng về thanh khoản, khi gửi tiết kiệm, khách hàng có thể rút tiền bất kỳ lúc nào
Đối với vàng, kênh đầu tư này cũng được đánh giá cực cao về thanh khoản. Tay trái mua, tay phải có thể bán ngay. Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư không dễ sinh lời. Tỷ suất sinh lời của kênh đầu tư này tính từ đầu năm 2023 đến nay chỉ ở mức trung bình.
Vàng là mặt hàng phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị thế giới. Căn cứ theo động thái của ngân hàng trung ương các nước, những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế hiện nay thì kênh đầu tư vàng được cho là ít sinh lời nhất. Để có thể kiếm lời từ kênh đầu tư truyền thống này, nhà đầu tư phải liên tục cập nhật thông tin, xu hướng cũng như có đầu óc phán đoán, tính toán nhanh nhạy. Tuy nhiên, kênh đầu tư này không thực sự mang lại lợi nhuận cao như mong đợi.
Lãi tiết kiệm xuống thấp nhưng vẫn có một lượng lớn tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi ngân hàng
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 10/2023 chỉ tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 5,87% so với tháng 12/2022; tăng 8,28% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,81%.
Theo các chuyên gia, bên cạnh gửi tiết kiệm, thì trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư nên được xem xét nhiều nhất. Các đợt điều chỉnh vừa qua cho thấy mức giá của các cổ phiếu đã về mức hấp dẫn, đặc biệt phù hợp để đầu tư dài hạn.
Phân tích sâu về kênh đầu tư chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư đánh giá trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu, bất động sản và vàng đang chững, trái phiếu vẫn còn nhiều hoài nghi và gây hoang mang đối với các nhà đầu tư thì dòng tiền có thể sẽ ưu tiên chứng khoán.
Đối với bất động sản, đây là thời kỳ khá khó khăn, trong báo cáo mới đây Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá, thị trường bất động sản vẫn ách tắc pháp lý, quỹ đất, vốn đầu tư dù Chính phủ, Thủ tướng có nhiều giải pháp đôn đốc.
Theo đó, Chính phủ đã có nhiều động thái, ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, như công điện, văn bản đôn đốc của Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương tái cơ cấu thị trường bất động sản.
Đầu tư BĐS cần số vốn lớn nên không dành cho số đông
Tuy nhiên, thị trường này, trong đó có thị trường nhà ở vẫn khó khăn, ách tắc từ thủ tục pháp lý, quỹ đất và vốn đầu tư. Một số thủ tục hành chính về đầu tư rườm rà, gây cản trở, các phân khúc thị trường còn lệch, vốn tín dụng đầu tư vào thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì khó khăn, danh nghiệp bất động sản phải dừng đầu tư, thi công dự án và việc này cũng kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác.
"Vướng mắc pháp luật về đất đai, như xác định giá đất, tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng hay quy định chọn nhà đầu tư chồng chéo với quy định đầu tư, đấu thầu, đất đai... là rào cản lớn cho phục hồi, phát triển thị trường nhà ở", cơ quan thẩm tra đánh giá.
Bên cạnh đó, hiện nay, tăng trưởng tín dụng đang thiết lập mức thấp nhất so với cùng kỳ năm trong vòng 10 năm. Nếu tín dụng không thông thì bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó. Hơn nữa, để đầu tư bất động sản, nhà đầu tư cần phải có vốn lớn, trường vốn, bởi tính thanh khoản của bất động sản là kém nhất trong tất cả các đầu tư. Vì vậy, bất động sản không phải là kênh dành cho số đông.
Riêng với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong thời gian qua, các vụ việc trong lĩnh vực cho thấy có độ rủi ro lớn. Về dài hạn, đây có thể vẫn là kênh đầu tư đáng để khách hàng cân nhắc nhưng chỉ nên áp dụng với các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm trên thị trường tài chính.