NĐT nhỏ lẻ “choáng váng” lỗ trăm triệu đồng, “cá mập” vẫn chi nghìn tỷ gom cổ phiếu
Trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ “choáng váng”, ghi nhận khoản lỗ cả trăm triệu đồng trước những rung lắc của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây thì những “cá mập” vẫn tự tin xuống tiền cả trăm đến nghìn tỷ, tin tưởng thị trường vẫn đi lên trong tương lai.
Nhà đầu tư cá nhân “choáng váng”, lỗ cả trăm triệu đồng
Sau khi liên tục tăng mạnh từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có biến động mạnh trong những phiên giao dịch gần đây khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những nhà đầu tư mới choáng váng.
Theo đó, anh Tiến, một nhà đầu tư chứng khoán cá nhân tại Bắc Ninh cho biết tài khoản đầu tư với số vốn 400 triệu đồng của anh đang bị âm gần 50 triệu đồng bởi đà giảm của các mã cổ phiếu nắm giữ. Trong đó có hơn một nửa số lỗ hiện tại đến từ mức giảm của cổ phiếu NVL. Theo anh Tiến, trước khi tham gia vào thị trường này đã dành thời gian tìm hiểu, nhưng những rung lắc của thị trường giúp các nhà đầu tư F0 như anh thấu hiểu sự tàn khốc của lĩnh vực đầu tư tài chính này.
Nhiều mã cổ phiếu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 22/9 vừa qua - Ảnh chụp màn hình
Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn về đầu tư tài chính, nhiều người cũng đã chia sẻ những khoản lỗ từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng của mình chỉ sau ít ngày xuống tiền đầu tư vào sân chơi nóng. “Nhìn thị trường đang đà lên, với 400 triệu tiền mặt, tôi tự tin mua margin 60%. Sau 2 phiên thị trường lao dốc, tài khoản bỗng chuyển thành âm hơn 100 triệu. Sau phen này, tôi không chỉ đi cấp cứu mà có lẽ sẽ đi bụi luôn” – một tài khoản tên H. than thở.
Tương tự, tài khoản Mạnh Hùng cũng cho hay: “Tôi trót ôm hơn 20.000 cổ phiếu SHS trong phiên (19/9) với giá 19.700 đồng/cổ phiếu. Cứ đà giảm như mấy phiên cuối tuần, có lẽ tôi phải tìm mua máy trợ thở”. Một tài khoản khác cũng chia sẻ trạng thái “Đi làm cả tháng, xong cố cày thêm giờ mới được 20 triệu. Vậy mà, trong phiên cuối tuần chớp mắt đã bay gần 50 triệu. Thử hỏi không hoang mang làm sao được?”
Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ choáng váng với những rung lắc của thị trường - Ảnh minh họa
Đặc biệt, khá nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm tới nhà đầu tư “lão làng” 81 tuổi mới xuất hiện trên truyền hình và các mạng xã hội ít ngày trước khi rút 600 triệu đồng từ sổ tiết kiệm để đầu tư vào chứng khoán: “Có ai biết cụ già 81 tuổi rút sổ tiết kiệm 600 triệu để đầu tư chứng khoán vào ngày 6/9 mua mã nào không? Hôm đó cũng là ngày thị trường tạo đỉnh, và sau đó cụ đã kịp cắt lỗ chưa ạ? Thương cụ!”.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư thì bày tỏ lạc quan, cho rằng: “Anh em chứng sĩ không phải lo cho cụ, hôm đó cụ mà vào các mã cổ phiếu thủy sản thì tầm này đang ung dung ngồi vuốt râu ấy chứ”; “Mình thì tin cụ mua lướt và đã kịp thoát hàng rồi” – một cá nhân khác dự đoán.
Đầu tư và theo dõi thị trường chứng khoán trong gần 6 năm, anh Tuấn Anh (38 tuổi) – một nhà đầu tư tại Hà Nội cho hay thị trường có lúc tăng lúc giảm là chuyện rất bình thường. Thay vì than vãn, nhà đầu tư nên dành thời giam tìm hiểu và hiểu thật kỹ mã ngành cổ phiếu mình đầu tư. Tuyệt đối không nên rót tiền khi không hiểu gì về nó và đánh giá thị trường trong thời gian dài cả một năm, thậm chí hơn... chứ không phải trong 1 – 2 phiên” – nhà đầu tư 38 tuổi nói.
Thị trường chứng khoán liên tục rung lắc mạnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận diễn biến tích cực trong những tháng đầu năm khi chỉ số VN-Index chạm mốc 1.255.11 điểm trong phiên giao dịch ngày 7/9. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến những phiên biến động mạnh.
Theo đó, phiên giao dịch ngày 22/9 thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm mạnh với mức giảm 16,69 điểm, để đóng cửa ở mức 1.193,05 điểm. Thậm chí trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, có thời điểm chỉ số VN-Index giảm tới gần 38 điểm, trước khi lực bắt đáy nhảy vào trong phiên chiều kéo chỉ số phục hồi trở lại.
Cùng với những rung lắc của thị trường, thanh khoản sàn HoSE cũng tăng đột biến trong phiên giao dịch ngày 22/9, khi nhà đầu tư nhỏ lẻ "tháo chạy" khỏi thị trường đẩy thanh khoản vọt lên mức hơn 32.333 tỷ đồng. VN-Index đã trở thành một trong những chỉ số chính có đà “lao dốc” mạnh nhất thị trường châu Á trong ngày cuối tuần.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh với thanh khoản tỷ đô trong tháng 9/2022 - Ảnh chụp màn hình
Theo thống kê, sau phiên lao dốc tới 55,49 điểm ngày 18/8, chỉ tính từ ngày 5/9 đến ngày 22/9, thị trường chứng khoán Việt Nam có tới 5 phiên biến động mạnh, có thể kể đến phiên 11/9 chỉ số VN-Index giảm 17,85 điểm; phiên 14/9, VN-Index giảm tiếp 14,58 điểm hay phiên 18/9, chỉ số chứng khoán tiếp tục giảm 15,55 điểm. Trong 2 phiên giao dịch 21 và 22/9, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm tổng cộng 32,99 điểm để đóng cửa ở mức 1193,05 điểm. Một lần nữa chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam mất mốc tâm lý quan trọng là 1.200 điểm.
Chỉ số VN-Index giảm mạnh khiến giá trị vốn hóa toàn thị trường lao dốc. Chỉ tính riêng “Ngày thứ Sáu đen tối”, vốn hóa thị trường sàn TP HCM đã mất 78.845 tỷ đồng (khoảng 3,22 tỷ USD). Còn nếu tính chung cả tuần, sự mất mát cao hơn rất nhiều, lên đến 133.483 tỷ đồng (khoảng 5,4 tỷ USD).
Trong đó, không ít nhà đầu tư đã mua vào cổ phiếu chứng khoán, bất động sản trong những phiên gần đây bày tỏ sự lo ngại, khi nhiều cổ phiếu của các nhóm ngành này đã giảm liên tiếp. Chỉ riêng phiên cuối tuần, cổ phiếu chứng khoán giảm sàn la liệt từ VIG, SBS, BVS, TCI, AAS, SHS, AGR, FTS, BSI… Nếu tính trong 2 phiên cuối tuần, cổ phiếu SSI -10,56%; VND -10,69%; MBS, SHS đều giảm khoảng 11%; VCI, SBS giảm tới 12%... Diễn biến tương tự với nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư khi giảm sàn trong phiên cuối tuần từ DIG, DXG, CEO, DPG, TCH…
Trước những rung lắc của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Nghiên cứu và phân tích đầu tư FIDT dự báo, chỉ số VN-Index xác suất cao sẽ điều chỉnh ngắn hạn, vùng điều chỉnh hiện nay được dự báo ở vùng 1.150-1.200 và thị trường cần hấp thụ vùng này với thanh khoản lớn như hiện nay sẽ giúp thị trường nhanh ổn định, sau đó tích lũy trước khi đi tiếp theo xu hướng trung hạn.
Các cá mập vẫn tự tin xuống tiền, tin tưởng thị trường sẽ đi lên
Trái ngược với sự hoảng loạn của các nhà đầu tư cá nhân, thời gian gần đây nhiều “cá mập” vẫn tự tin giải ngân cả nghìn tỷ đồng vào sân chơi nóng.
Theo đó, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam liên quan đến người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã đăng ký mua vào hơn 16 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ 21/9-20/10 bằng phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Thị trường rung lắc, trong khi nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn thì loạt “cá mập” vẫn chi từ vài trăm tỷ tới cả nghìn tỷ đồng gom vào cổ phiếu.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng đăng ký mua hơn 16 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes
Tương tự, ông Đinh Quang Hoàn, Uỷ viên HĐQT CTCP Sữa Quốc tế (mã IDP) đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu IDP để nâng sở hữu từ 0 cổ phiếu, lên 1,5 triệu cổ phiếu (khoảng 2,44% vốn điều lệ), giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 22/9 đến ngày 20/10. Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 20/9 là 180.000 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Hoàn sẽ phải bỏ ra số tiền khoảng 270 tỷ đồng để mua vào 1,5 triệu cổ phiếu IDP.
Trước đó, ngày 28/8, Daytona Investments Pte. Ltd (trụ sở ở Singapore) cũng đã vừa mua thêm 2.405.000 cổ phiếu IDP để nâng sở hữu từ gần 9% lên 12,56% vốn điều lệ…
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Toàn cũng đã trở thành cổ đông lớn tại CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – mã HPX) sau khi đã mua vào 49,6 triệu cổ phiếu HPX, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Hải Phát Invest từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ. Con số này đã vượt tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải (13,9%),…
Với việc loạt “cá mập” vẫn chi từ vài trăm tỷ tới cả nghìn tỷ đồng gom vào cổ phiếu, các chuyên gia tài chính tin tưởng đợt điều chỉnh của VN-Index ở hiện tại sẽ sớm kết thúc.
Chia sẻ tại talkshow chứng khoán với chủ đề "Tỉ giá tăng, chứng khoán còn biến động mạnh?", được tổ chức ngày 23/9, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích và Nghiên cứu sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng một trong những nhóm cổ phiếu được kỳ vọng vẫn là chứng khoán, nhất là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong khi đó, chia sẻ với báo chí trong nước, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT cho rằng nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và nâng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm, nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng KQKD chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm.
“Những nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá cổ phiếu về giá hấp dẫn hơn, từ đó NĐT sẽ chấp nhận mạnh tay giải ngân kể cả trong trường hợp rủi ro gia tăng", ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC đánh giá.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC đánh giá cơ cấu sở hữu của NĐT cá nhân lớn, với xu hướng sử dụng đòn bẩy cao cùng tâm lý giao dịch mua-bán linh hoạt, là nguồn cơn của những biến động mạnh gần đây. "Song chỉ là những biến động có tính chất ngắn hạn, nhà đầu tư nên tỉnh táo và đánh giá nhịp điều chỉnh dưới góc nhìn tìm kiếm cơ hội hơn là sợ rủi ro”.
Vị chuyên gia từ DSC giữ góc nhìn lạc quan với triển vọng đầu tư của thị trường Việt Nam trong nửa cuối 2023 và trong 2024: "Những nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá cổ phiếu về giá hấp dẫn hơn, từ đó NĐT sẽ chấp nhận mạnh tay giải ngân kể cả trong trường hợp rủi ro gia tăng".
Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite Fund vẫn tin tưởng vào đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, quỹ Pyn Elite Fund đến từ Phần Lan kỳ vọng chỉ số VN -Index có thể lên ngưỡng là 2.500 điểm vào năm 2025 - 2026 dựa trên mức P/E là 16 lần theo dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Quỹ ngoại này cũng đánh giá cao việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện sau sự kiện Tổng thống Joe Biden đến thăm Hà Nội. Đồng thời, lạm phát vẫn được kiểm soát, chỉ tăng 2,9% trong tháng 8/2023.
“Chúng tôi tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc nhờ hàng loạt chính sách đã được ban hành, năm 2024 tới lại là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Dòng tiền nội sẽ quay trở lại với kênh đầu tư cổ phiếu và thị trường chứng khoán sẽ tiếp đà phục hồi trong quý 3 này ”, báo cáo của Pyn Elite Fund cho hay.