Năm 2023: Rót tiền kênh đầu tư nào để “tiền đẻ ra tiền”?
Trước thềm Tết nguyên đán Quý Mão 2023, với những người có tài chính trong tay thì câu chuyện đầu tư kênh nào để “tiền đẻ ra tiền” luôn là chủ đề được quan tâm.
Thị trường tài chính toàn cầu trải qua một năm biến động mạnh, nhiều nhà đầu tư cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Theo các chuyên gia trong ngành, thậm chí còn quá nhiều thứ phía trước vẫn chưa xảy ra, thị trường tiếp tục được dự báo còn nhiều rủi ro khó lường... Do đó, việc lựa chọn kênh đầu tư nào mang lại tỷ suất sinh lời cao cho năm 2023 được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Chia sẻ với báo giới mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm này vàng sẽ là kênh nguy hiểm khi giá lên xuống liên tục. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến 9-10%, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là kênh an toàn nhất, khả quan nhất. Còn với chứng khoán, thời gian này ai có “gan” lắm mới nhảy vào, bởi hiện tại không ai biết chứng khoán đã chạm đáy hay chưa. Do vậy, đầu tư vào chứng khoán lúc này cũng rủi ro.
Lãi suất gửi tiết kiệm vẫn có xu hướng tăng
Quả thực, trong năm 2022 vừa qua, gửi tiết kiệm ngân hàng được xem là kênh đầu tư sinh lời tốt nhất khi nhiều thời điểm lãi tiết kiệm được nhiều nhà băng đẩy lên mức 11-12%/năm. Mặc dù lãi tiết kiệm được khống chế ở mức 9,5%/năm trong những ngày cuối năm 2022, nhưng khi bước sang năm 2023, nhiều dự đoán cho rằng đây vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn và lý tưởng.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, ít nhất là cho đến hết quý 1/2023. Theo ông Tuấn, dù các ngân hàng thương mại đồng loạt cam kết giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm từ cuối năm 2022, song lộ trình thực hiện giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ cần thêm thời gian, nhất là khi thanh khoản một số ngân hàng nhỏ vẫn còn gặp khó khăn. Do đó, ở thời điểm này tiết kiệm là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
“Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, ít nhất là cho hết quý 1/2023” - ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS)
Lãi tiết kiệm ngân hàng cao nhất đang được khống chế ở mức 9,5%/năm
Trong báo cáo chiến lược mới năm 2023 mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá với dự báo thặng dư thương mại chưa khả quan trong quý 4/2022, trong khi dự trữ ngoại hối cần được hạn chế sử dụng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong dài hạn.
Chung quan điểm, Công ty chứng khoán Tienphong (TPS) cho hay khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành là rất cao. Năm 2023, Fed có thể có 2 đến 3 lần tăng lãi suất, tức là Ngân hàng Nhà nước có khả năng cũng phải tăng lãi suất điều hành thêm 2 – 3 lần, trung bình mỗi lần khoảng 1%. Đỉnh lãi suất điều hành có thể sẽ rơi vào giữa quý 2/2023, với mức tăng từ 2 - 3 điểm phần trăm so với mức lãi suất điều hành hiện tại.
Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được nhiều người có tiền nhàn rỗi lựa chọn
Không chỉ các chuyên gia trong nước, các tổ chức quốc tế cũng dự báo lãi suất điều hành sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Cụ thể, chuyên gia của HSBC đưa ra nhận định, lạm phát lõi tăng, giá nguyên liệu thô cũng tăng, chu kỳ tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục. HSBC dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm phần trăm trong quý 1/2023 và quý 2/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.
Tương tự, Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm vào quý 1/2023, sau đó giữ nguyên đến cuối 2024 nhằm duy trì sự ổn định.
Thị trường chứng khoán kỳ vọng guồng quay mới!
Trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường giảm điểm mạnh nhất trên thế giới, khi chỉ số VN-Index giảm hơn 34% so với hồi đầu năm. Các chuyên gia cho rằng, dù thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường và đặc biệt tâm lý nhà đầu tư vẫn dao động, song chứng khoán vẫn có một số điểm được dự báo tốt hơn nhờ một số yếu tố hỗ trợ chính.
Một số chuyên gia dự đoán, vào nửa sau 2023, thị trường sẽ bớt khó hơn. Khi đó, nhà đầu tư nên cân nhắc rót khoảng 20-30% vốn cho chứng khoán, còn lại vẫn nên lựa chọn một kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm. Khi chính sách thay đổi nới lỏng hơn, có thể xem xét dành ra 80% cho kênh này.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, bước qua quý 3/2023, lãi suất huy động dự báo sẽ hạ nhiệt. Khi đó, chứng khoán nhiều khả năng sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn giới đầu tư hơn.
“Giá cổ phiếu hiện đã xuống thấp, thị trường tài chính, ngân hàng ổn định và lãi suất có xu hướng giảm, nên thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại” - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính.
Thị trường chứng khoán đã trải qua năm 2022 đầy sóng gió
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính dự đoán, thị trường chứng khoán có khả năng sẽ lên ngôi trong năm 2023, do giá cổ phiếu hiện đã xuống thấp. Khi thị trường tài chính, ngân hàng ổn định và lãi suất có xu hướng giảm, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Việc kiểm soát tốt lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế sẽ là điểm sáng để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế cũng đang được Chính phủ và các Bộ ngành liên quan tập trung giải quyết.
Bên cạnh đó, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn nhất so với các nước trong khu vực. Cùng với đó là nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp tăng trưởng, song có giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách (P/B) dưới 1… Đây sẽ là những yếu tố chính được cho sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán hút dòng tiền hơn trong thời gian tới.
“Thị trường sẽ còn nhiều thách thức song trong khó khăn vẫn có cơ hội, tôi nghĩ thị trường đang ở mức giá khá hợp lý để đầu tư dài hạn” - Ông Han Bok Hee, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV).
Thị trường chứng khoán phục hồi trước Tết âm lịch 2023 mang lại niềm vui cho nhiều nhà đầu tư
Ông Han Bok Hee, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), đưa ra lời khuyên các nhà đầu tư cần chủ động, liên tục bổ sung kiến thức, tiếp cận thông tin đúng, xác định "khẩu vị" rủi ro để có chiến lược đầu tư phù hợp. “Thị trường sẽ còn nhiều thách thức song trong khó khăn vẫn có cơ hội, tôi nghĩ thị trường đang ở mức giá khá hợp lý để đầu tư dài hạn. Đặc biệt, việc tìm kiếm một đối tác đầu tư dài hạn uy tín sẽ là chiếc chìa khóa quan trọng để giúp nhà đầu tư đứng vững”, ông Han Bok Hee chia sẻ.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, nhà đầu tư cần tránh những cổ phiếu mang tính đầu cơ, lựa chọn đúng các cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, hoạt động ổn định và ít chịu ảnh hưởng của các biến động ngắn hạn.
Cùng với những đánh giá khả quan của kênh tiết kiệm và chứng khoán, kênh đầu tư vàng và BĐS cũng được nhiều chuyên gia dự báo tích cực.
Vàng sẽ tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2023?
Giá vàng miếng SJC kết thúc năm 2022 tại 66-67 triệu đồng/lượng (mua - bán). So với mức giá bán ra ở thời điểm ngày đầu năm 2022 là 61,7 triệu đồng/lượng, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng hơn 5 triệu đồng. Trừ đi mức chênh lệch giữa chiều mua - bán, nhà đầu tư vẫn có thể lời khoảng 4 triệu đồng sau một năm nắm giữ vàng.
Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư mua vào ngày 8/3, thời điểm vàng thiết lập đỉnh giá ở mức 74,4 triệu đồng/lượng thì cuối năm bán ra nhà đầu tư sẽ lỗ khoảng 8 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm này, giá vàng trong nước cũng chứng kiến mức chênh lệch với giá thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử.
“Nếu đầu tư ngắn hạn, lướt sóng sẽ có khá nhiều rủi ro, nhưng nếu đầu tư vào vàng như một kênh tích lũy, dài hạn thì vẫn có thể chấp nhận” - Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính.
Vàng thế giới tăng mạnh trong những ngày đầu năm 2023
Sau những biến động mạnh của thị trường vàng trong nước năm 2022 vừa qua, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định 2023 là năm thị trường vàng có thể sẽ đón "sóng" nhờ đà giảm tốc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và thị trường tài chính biến động mạnh.
Ông Thịnh cho rằng, giá vàng trong nước sẽ chịu ảnh hưởng từ giá kim loại quý thế giới và có thể cũng sẽ tăng trong năm 2023. "Tuy nhiên, so với các kênh đầu tư khác, tỷ suất sinh lời của vàng không quá lớn, chỉ nên phân bổ tỷ trọng vốn vừa phải cho kênh này", ông nói.
"Không nên "đu đỉnh" hay "bắt đáy" giá vàng. Nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư khó có thể thấy lãi ở kênh này" - Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.
Ông cũng lưu ý không nên "đu đỉnh" hay "bắt đáy" giá vàng, nhà đầu tư dễ có thể "bắt dao rơi" do có những thời điểm nhạy cảm như Ngày vía Thần tài hay những biến động của thị trường tài chính, giá vàng sẽ "nhảy múa" theo giờ, khó đoán định. "Nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư khó có thể thấy lãi ở kênh này", ông Thịnh nói.
Vàng trong nước được dự đoán sẽ có nhiều biến động trong ngày vía Thần tài tới đây
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, với thị trường vàng hiện nay, nếu đầu tư ngắn hạn, lướt sóng sẽ có khá nhiều rủi ro, do giá vàng trong nước và quốc tế không liên thông với nhau, dẫn đến chênh lệch giá hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào vàng như một kênh tích lũy, dài hạn thì vẫn có thể chấp nhận được.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, đầu năm 2023, giá vàng trong nước sẽ tăng cao. Đây là khoảng thời gian một số nước ở châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc... đón Tết âm lịch. Do đó, người dân thường có xu hướng mua vàng nhiều hơn.
Cũng theo vị chuyên gia này, đặc biệt, giá vàng còn tăng mạnh vào đầu tháng 2 khi có ngày vía Thần tài (10/1). Bởi, theo quan niệm xưa, vào ngày này, các cửa hàng, quán xá, người kinh doanh sẽ đi mua vàng dù ít hay nhiều để lấy may với mong muốn làm ăn thuận buồm xuôi gió cả năm.
BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn dòng tiền nhất
Thị trường BĐS đã trải qua nửa cuối năm 2022 đầy ảm đạm khi giá nhiều khu vực giảm mạnh. Để thu hút dòng tiền, nhiều chủ đầu tư thậm chí đã đưa ra mức giá giảm 40-50% cho những khách hàng thanh toán 95% tiền mặt.
Thị trường xuất hiện bất động sản giảm giá 40-50%
Mặc dù còn khó khăn thách thức, nhưng trong các kênh đầu tư hiện tại BĐS vẫn được “gọi tên” là nơi trú ẩn an toàn dòng tiền nhất, được các nhà đầu tư quan tâm. Trong quan điểm của nhà đầu tư cùng kinh nghiệm trải qua với BĐS, họ vẫn coi BĐS là kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất, nếu đặt bàn cân với vàng, chứng khoán, tiền ảo….
Vừa xuống tiền mua vào lô đất có diện tích 100m2 tại Hà Nam với giá 1,7 tỷ đồng, chị Thu một nhà đầu tư tại Hà Đông – Hà Nội chia sẻ, giá lô đất trên so với thời điểm đầu năm 2022 đã rẻ hơn 30%.
Nhu cầu tìm nơi an cư của người lao động vẫn rất lớn
Theo chị Thu, với tài chính sẵn có, chị dự tính sẽ giữ mảnh đất trong vòng khoảng 2 năm để kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục và xuất hiện làn sóng mới.
Nhóm đầu tư của anh Lương (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang ráo riết tìm những lô đất đẹp, với mức giá hợp lý. Anh Lương cho rằng thời điểm này, nhiều chủ đất cần tiền tất toán các khoản nên sẽ dễ thương thảo thêm về giá cả.
“Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn, lợi nhuận cao” - Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam.
Khảo sát mới đây của trang thông tin Batdongsan.com.vn cho thấy, càng nắm giữ nhiều bất động sản, xu hướng muốn mua thêm nhà, đất của người tiêu dùng càng tăng. Tỷ lệ người dự định mua bất động sản trong năm 2023 là: 46% với đối tượng chưa có bất động sản nào; 79% với những người đang sở hữu 2 bất động sản; 87% những người đã có trên 3 sản phẩm địa ốc.
Về lý do mua, trang thông tin bất động sản trên cũng cho biết, 61% những người có ý định mua bất động sản trong tương lai gần tiết lộ họ muốn mua để đầu tư. Giá và vị trí là 2 yếu tố người tiêu dùng quan tâm hàng đầu khi đưa ra quyết định mua bán bất động sản, sau đó mới đến diện tích, loại hình bất động sản, an ninh, mức độ phát triển và quy hoạch tương lai của khu vực.
Nhiều nhà đầu tư sẵn tiền mặt đã bắt đầu đi săn BĐS giá rẻ
Ở góc nhìn cá nhân, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam lại cho rằng, về dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn, lợi nhuận cao. Vị này cho rằng, khi tìm kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất, nhà đầu tư nghĩ ngay đến BĐS.
“Trong các kênh đầu tư hiện tại thì BĐS vẫn là kênh đầu tư và trú ẩn được các nhà đầu tư quan tâm. Mức sinh lời phù hợp, khả năng giữ giá trị qua khủng hoảng và khả năng khai thác là các yếu tố nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt đến BĐS”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Nhà đầu tư nên đa dạng hóa kênh đầu tư, không bỏ trứng vào một giỏ và hạn chế sử dụng đòn bẩy.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư thường sợ rủi ro nên không bỏ trứng vào một giỏ. Tuy nhiên, BĐS vẫn là kênh đầu tư sáng giá trong thời điểm hiện nay, khi kênh chứng khoán chỉ dành cho những nhà đầu tư có kiến thức tài chính. Tất nhiên, khi lựa chọn BĐS nào để rót vốn, nhà đầu tư và khách mua nhà cần phải tính toán nhiều yếu tố liên quan như ưu thế và tiềm năng tăng trưởng của dự án, chất lượng pháp lý, năng lực tài chính bản thân và khả năng chịu đựng tổn thất tiềm ẩn.
Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến số khó lường, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế sử dụng đòn bẩy. Đồng thời, cần hết sức bình tĩnh khi ra quyết định đầu tư cũng như bán, tránh dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, thị trường... trong quá trình đầu tư.