Những người mua được nhà ở tuổi 30 với thu nhập chỉ từ 20 triệu mỗi tháng
Giá nhà đắt đỏ, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp chỉ mong có việc làm nuôi đủ bản thân; nhưng bên cạnh đó cũng có không ít bạn năng động với mục tiêu rõ ràng và họ đã tậu nhà riêng ở ngưỡng tuổi 30.
Để sở hữu tài sản giá trị ở tuổi này, không chỉ cần sự thông mình và tài giỏi, mà còn cần rất nhiều yếu tố khác. Hãy lắng nghe “bí kíp” tậu nhà của những người tuổi 30.
Sợ mua nhà vì vẫn “trắng tay” sau nhiều năm đi làm
Giá bất động sản (BĐS) tăng mạnh trong những năm gần đây khiến giấc mơ mua nhà ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM của nhiều gia đình ngày càng trở nên xa vời. Với nhiều bạn trẻ, nhắc đến giấc mơ mua nhà thời điểm hiện nay đang là nỗi ám ảnh bởi mức thu nhập mới chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống nơi đô thị.
“Dù thu nhập 15 triệu mỗi tháng, nhưng tôi không dư được đồng nào. Hiện tại, tôi cũng chưa có quỹ dự phòng cá nhân” - Dương Quỳnh Trang (24 tuổi, TP. HCM).
Thậm chí bài toán tiết kiệm tài chính vẫn đang là vấn đề đau đầu với nhiều người trẻ tuổi hiện nay. Dương Quỳnh Trang (24 tuổi) nhân viên một Công ty tài chính tại Thủ Đức, TP HCM cho biết, mỗi tháng cô có thu nhập 15 triệu, chi phí tiền nhà cộng với tiền điện, nước hết 5 triệu đồng, chi phí đi lại 3 triệu đồng, chi phí ăn uống gặp gỡ bạn bè hết 5 triệu đồng, số còn lại khoảng 2 triệu đồng có thể mua sắm đồ dùng cá nhân, nên mỗi tháng không dư được đồng nào.
Nữ nhân viên văn phòng 24 tuổi thừa nhận cô cũng chưa có quỹ dự phòng cá nhân đề phòng những trường hợp bất xấu xảy ra. “Hồi đầu năm 2022, em ốm phải nhập viện, nên đã phải vay 8 triệu đồng, đến nay khoản nợ này cũng chưa thể trả được”, Quỳnh Trang nói.
Mua nhà ở những thành phố lớn luôn là giấc mơ của nhiều gia đình
“Mức thu nhập mỗi tháng khoảng 14,5 triệu đồng thậm chí không đủ để chi tiêu nếu như tháng nào có phát sinh đám cưới bạn bè, về quê hoặc có sự kiện gì đó” - Trần Nhật Minh (26 tuổi, Hà Nội).
Trong khi đó, Trần Nhật Minh (26 tuổi) hiện đang là nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, mức thu nhập mỗi tháng khoảng 14,5 triệu đồng hiện tại cũng chỉ đủ chi phí thuê nhà trọ và phục vụ nhu cầu đi lại, ăn uống và thi thoảng mua sắm, chứ không thể tiết kiệm được gì cho bản thân.
Minh chia sẻ, số tiền này không đủ để chi tiêu hàng tháng nếu như tháng nào có phát sinh thêm như: đám cưới bạn bè, về quê hoặc có sự kiện gì đó mà mình phải tham gia… “Để theo kịp mức sống của người Hà Nội, thì thu nhập ít nhất cũng phải trên 20 triệu đồng, thì may ra mới có dư, với thu nhập hiện tại của em chỉ tạm đủ để sống mà thôi”, Nhật Minh nói.
Do thu nhập hiện nay mới chỉ tạm đủ sống do đó cả Quỳnh Trang và Nhật Minh đều thừa nhận chưa nghĩ đến việc mua nhà ở thời điểm hiện tại. “Do chưa có khoản tích lũy cá nhân nào nên giấc mơ mua nhà để ổn định nơi an cư vẫn là một giấc mơ xa vời với bản thân tôi”, Nhật Minh thừa nhận.
Tiết kiệm 50% thu nhập để sớm hiện thực mục tiêu có nhà riêng
Trong khi nhiều người vẫn gặp khó trong bài toán tiết kiệm tài chính để thực hiện giấc mơ an cư tại những thành phố lớn thì thời gian qua cũng đã có rất nhiều gia đình trẻ thực hiện được mục tiêu đã đặt ra của mình.
Chị Thanh Vân (34 tuổi) quê Nam Định cho biết đã hiên thực hóa mục tiêu có nhà riêng từ cách đây 7 năm dù thu nhập thời điểm đó của gia đình chỉ dao động từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng.
“Tôi đặt mục tiêu khi nào con trai vào lớp 1 sẽ có nhà riêng. Chúng tôi luôn nỗ lực để tiết kiệm 50% và chỉ chi tiêu, sinh hoạt gia đình với số tiền còn lại” - Chị Thanh Vân (34 tuổi) quê Nam Định.
Bà mẹ 2 con quê Nam Định kể sau khi có con đầu lòng cuối năm 2012, anh chị đã đặt mục tiêu khi nào con trai vào lớp 1 sẽ có nhà riêng để ổn định chỗ ở cho con cái học hành và thuận tiện trong sinh hoạt.
Để thực hiện mục tiêu này, năm 2014 anh chị đã chấp nhận rời xa khu vực trung tâm để về Yên Nghĩa – Hà Đông mua mảnh đất 36 mét vuông với tổng số tiền 300 triệu đồng. “Chỉ một phần số tiền mua đất là tích lũy của hai vợ chồng, trong khi đó có đến hơn 200 triệu đồng là vay mượn người thân trong gia đình”.
Để mua được nhà nhiều người đã sử dụng đòn bẩy tài chính
Để trả số nợ vay mua đất của người thân, nữ nhân viên văn phòng này thừa nhận quãng thời gian sau đó đã phải tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt của gia đình. Theo đó, dù thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng thời gian đó dao động từ 20 đến 25 triệu đồng nhưng chị luôn nỗ lực để tiết kiệm 50% và chỉ chi tiêu, sinh hoạt gia đình với số tiền còn lại.
Đến cuối năm 2016, sau khi tích lũy được một khoản tiền gia đình chị quyết định xây nhà trên mảnh đất đã mua với tổng số tiền 550 triệu đồng nữa.
Nhờ tiết kiệm các khoản chi tiêu nên chỉ mất 3 năm, anh chị đã hoàn toàn trả hết nợ tiền người thân mua đất, xây nhà và tích lũy thêm được một khoản để góp tiền với người thân để đầu tư vào BĐS trong những năm qua.
Trong khi đó, anh Bùi Văn Cường 32 tuổi (quê Hưng Yên) thừa nhận vẫn không tin vợ chồng anh có thể sở hữu căn chung cư từ cách đây 4 năm vì với anh, nó giống như một giấc mơ.
“Thực sự, mua được nhà Hà Nội với vợ chồng tôi tình cờ như một giấc mơ” - Bùi Văn Cường, 32 tuổi (quê Hưng Yên).
Theo chia sẻ của anh Cường, để có tiền trang trải cuộc sống, năm 2014 sau khi con đầu lòng được 1 tuổi, anh cùng vợ gửi lại ông bà để lên thành phố lập nghiệp, hầu như ngày nào vợ chồng anh cũng phải làm việc từ 12 - 15 giờ/ngày.
Anh Cường và vợ cùng bán hoa quả tại một chợ đầu mối trên địa bàn quận Cầu Giấy. Công việc này khá vất vả, mỗi ngày, anh cùng vợ phải thức dậy từ 2 giờ sáng để đi nhập hàng đưa về chợ bán. Hoa quả tươi khá nặng và cồng kềnh, lại di chuyển trong đêm tối nên công việc vận chuyển anh phải đảm nhiệm.
Vay mượn người thân, hay vay ngân hàng là cách để nhiều người đã mua được nhà ngay từ khi còn rất trẻ
“Vào mùa đông rét mướt hoặc những ngày mưa rào, việc lao ra đường khi mọi người còn ngủ say thực sự là cảm giác không dễ chịu chút nào, nhưng nếu dễ thì cũng không còn việc cho mình. Cứ như vậy, hai vợ chồng lại cùng động viên nhau vượt qua” – anh Cường chia sẻ thêm.
“Mỗi ngày, chúng tôi phải thức dậy từ 2 giờ sáng. Hầu như ngày nào vợ chồng tôi cũng phải làm việc từ 12 - 15 giờ/ngày” - Bùi Văn Cường, 32 tuổi (quê Hưng Yên).
Cũng theo anh Cường, có những ngày hàng họ ế ẩm, dù mệt mỏi nhưng anh và vợ cùng bán đến tối muộn, khi vãn hàng mới dám đóng cửa, bởi “bán hoa quả tươi mà để qua ngày hôm sau thì coi như bỏ đi”.
Công việc vất vả nhưng bù lại thu nhập của hai vợ chồng hơn nhiều lần làm nông nghiệp ở quê. “Trừ tiền thuê cửa hàng, thuê nhà trọ, ăn tiêu, sinh hoạt,... trung bình mỗi tháng hai vợ chồng tiết kiệm khoảng 20 triệu đồng.
Và 4 năm trước – qua người em họ tư vấn, vợ chồng tôi đã mua được căn hộ 65m2 với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng tại dự án nhà giá rẻ trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ngoài 800 triệu từ tiền tiết kiệm, số tiền vay ngân hàng 700 triệu đồng, vợ chồng anh trả góp trong 20 năm.
Anh Cường tâm sự: “Ban đầu tôi nghĩ gửi con cho ông bà, hai vợ chồng lên thành phố làm việc vài năm rồi về quê. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi thấy ở đây môi trường giáo dục cũng như cơ hội việc làm hơn hẳn ở địa phương, nên đặt mục tiêu ở lại thành phố”.
Trong khi đó, năm 2022, anh Khánh Nguyễn - 29 tuổi (TP. Hồ Chí Minh) đã tự "tậu" cho mình một căn hộ với diện tích 69m2 ở quận Tân Bình. Đây là thành quả mà anh ấp ủ trong nhiều năm, được thực hiện theo kế hoạch cụ thể ngay từ giây phút nhận công việc đầu tiên trong đời.
Anh Khánh chia sẻ, hiện anh đang là quản lý truyền thông và marketing của một chuỗi nhà hàng cho giới trẻ. Để mua được căn nhà rộng rãi ở tuổi 30, anh cũng phải nhờ bố mẹ hỗ trợ một phần kết hợp với vay ngân hàng.
Anh Khánh cho biết, vì kinh tế chỉ ở mức khá ổn định chứ không quá dư giả nên không thể bỏ ra một số tiền lớn trong một lần. Anh còn phải lo cho những khoản chi khác nữa.
"Tôi lên kế hoạch mua nhà ngay khi tốt nghiệp đại học” anh Khánh Nguyễn - 29 tuổi (TP. Hồ Chí Minh).
Thậm chí nhiều người sớm lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu mua nhà của mình
"Tôi lên kế hoạch mua nhà ngay khi tốt nghiệp đại học. Vậy nên, mọi thứ đều cần được đưa vào 1 bài toán tài chính cụ thể", anh Khánh nói và cho hay mọi quyết định của anh đều được dựa trên tính toán kỹ càng.
Trong những năm đi làm, mỗi tháng chàng trai 30 tuổi này luôn nỗ lực hết sức để kiếm được tiền lương và thu nhập xứng đáng. Do đó chỉ sau 10 năm đi làm, anh Khánh từ một nhân viên bình thường đã vươn lên thành quản lý truyền thông, một vị trí "rất gì và này nọ" mang lại cho anh thu nhập đáng kể.
Còn với khoản chi, anh chia ra 4 mục chính rõ ràng gồm tiền gửi cho bố mẹ, tiền chi cho nhu cầu sinh hoạt và tiền tiết kiệm. Quan trọng nhất, dù mức lương bao nhiêu, anh cũng sẽ dành ra 50% để tiết kiệm.
“Tôi duy trì 1 ngày nấu cơm ít nhất 1 lần, 1 tuần nấu cơm ít nhất 6 ngày. Tôi đi làm 10 năm và hầu như mỗi ngày đều mang cơm nhà đi làm”... anh Khánh Nguyễn cho biết thêm.
Bên cạnh chi tiêu hợp lý, chàng trai 30 tuổi cũng rèn luyện thói quen nấu cơm đi làm trong suốt 10 năm trời. Ngoài ra, anh cũng không tham gia đầu tư mạo hiểm mà chỉ dành thời gian đầu tư cho công việc chuyên môn.
"Tôi duy trì 1 ngày nấu cơm ít nhất 1 lần, 1 tuần nấu cơm ít nhất 6 ngày. Tôi đi làm 10 năm và hầu như mỗi ngày đều mang cơm nhà đi làm, chính điều nhỏ nhặt này cũng khiến tôi tiết kiệm thêm được một số tiền kha khá, sức khỏe cũng được cải thiện", anh Khánh chia sẻ thêm.
Mua nhà vì lo ngại giá nhà ngày càng tăng
Trong khi anh Khánh dành 10 năm cho kế hoạch mua nhà của mình, thì Thu Trang - CEO của 1 công ty sáng tạo tại Hà Nội lại đưa ra quyết định mua nhà vì lo ngại giá nhà ngày càng tăng.
"Tôi mua nhà 2,5 tỷ năm 27 tuổi, trả góp 60% vì quan điểm “giá nhà ngày càng tăng. Quá lo về điều đó nên tôi phải mua gấp" - Thu Trang (Hà Nội).
Cụ thể, đầu năm 2020, Trang sở hữu căn chung cư mới với giá 2,5 tỷ, nằm ở ngoại thành. Căn hộ của Trang có diện tích 78m2 và 2 phòng ngủ, 1 phòng ăn, thiết kế cực phù hợp với cuộc sống độc thân vui tính.
Trang có quan điểm tài chính khá thú vị, khi mua nhà cô chọn cách trả trước 40% gồm tiền cô tiết kiệm và một khoản được gia đình hỗ trợ thêm, 60% còn lại là vay của ngân hàng với lãi suất 10%/năm. Theo cô, đây là cách phù hợp nhất để vừa có nhà vừa không lo dồn hết trứng vào một giỏ mà bỏ bê những khoản đầu tư hữu ích khác như cho công ty, cho bản thân.
Sau khi mua xong nhà thì đồng nghĩa gánh nợ cũng đè lên vai, Trang cho hay, cô bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm trong chi tiêu để trả các khoản nợ. Trong hai năm qua, cô chỉ mua những đồ dùng cần thiết và gần như không chi tiền vào việc mua sắm và đi du lịch ngẫu hứng. Hàng tháng, tiền sinh hoạt phí của cô nhờ đó chỉ gói gọn từ 6-8 triệu đồng.
“Khi chưa có nhà, mỗi tháng mình chi tiêu trong khoảng từ 10 – 15 triệu. Trong đó tiền thuê nhà, điện nước 3 triệu đồng/tháng, tiền ăn 5 triệu đồng và các chi phí khác như mua sắm, du lịch,... khoảng 2 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ sau khi mua nhà tôi phải nghiêm ngặt với bản thân, các khoản chi tiêu không cần thiết đều loại bỏ” – Trang chia sẻ.
“Nhờ lên kế hoạch tiết kiệm trong chi tiêu và tranh thủ nhận việc làm thêm, ba năm qua dù phải trả tiền ngân hàng mà tôi vẫn sống khỏe” - " - Thu Trang (Hà Nội).
Với giá BĐS hiện nay, để mua được nhà thì những người trẻ cần liên tục nâng cao thu nhập
Sau khi ở nhà mới, Trang dư được khoản tiền thuê nhà 3 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, nhờ việc hạn chế chi tiêu nên trung bình một tháng cô tiết kiệm khoảng 8 triệu đồng.
“Nhờ lên kế hoạch tiết kiệm trong chi tiêu và tranh thủ nhận việc làm thêm, ba năm qua kể từ sau khi mua nhà, mỗi tháng tôi chi trả khoản tiền hơn 20 triệu gốc, lãi ngân hàng và may mắn vẫn sống khỏe” – Trang nói thêm.
Thực tế cho thấy, người Việt có xu hướng lựa chọn chuẩn sống tương ứng với thu nhập. Mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta lại có những ưu tiên khác nhau. “Nhà sang, xe xịn” là những tiêu chuẩn của những người thành đạt trong xã hội. Với những người trẻ tuổi ba mươi, ưu tiên hàng đầu vẫn là nơi an cư. Ở tuổi 30, số lượng người có thể sở hữu nhà riêng chưa hẳn nhiều.
Phần lớn, để mua được nhà ngoài việc chăm chỉ kiếm tiền họ còn cần có một kế hoạch tài chính và chi tiêu thực sự nghiêm ngặt.
Góp ý về việc này, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa, cho rằng, để mua được nhà ở tuổi 30 người trẻ nên cân đối thu chi, kiếm thêm các nguồn thu nhập khác nhằm tích lũy tài chính. Từ đó sẽ có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn nhà cho mình. Đồng thời, người trẻ nên chờ khi lập gia đình hãy tính chuyện mua nhà, nếu còn độc thân hãy tiết kiệm tiền.
Ông Quang đồng thời hy vọng các doanh nghiệp cùng với loạt chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, trong thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội mua nhà cho người trẻ hơn.
Trong một chia sẻ với báo chí về vấn đề cuộc sống tại các đô thị lớn, ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính, Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, cho rằng khi còn trẻ, còn trí óc và sức lao động, người trẻ càng nên cân nhắc đến công việc phụ, đặt mục tiêu kiếm tiền nhiều nhất có thể.
"Theo tôi, người lao động trẻ không nên hài lòng với thu nhập hiện tại. Các bạn cần cố gắng kiếm thêm công việc thứ hai, việc làm ngoài giờ, bán thời gian… để kiếm thêm tiền. Thu nhập cao hơn tiêu dùng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc quản lý tài chính cá nhân, gia đình", ông nói.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |