Mỗi tháng dư 10 triệu đồng, nhân viên văn phòng loay hoay tìm kênh đầu tư sinh lời

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Do mỗi tháng số dư chỉ khoảng 10 triệu đồng, nhiều chị em nhân viên văn phòng đang loay hoay tìm kênh đầu tư sinh lời trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngân hàng liên tục giảm mạnh.

Những ngày cuối tháng 9, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Theo đó, Techcombank trong chưa đầy 1 tháng giảm tới 3 lần, đưa mức lãi tiết kiệm cao nhất của nhà băng này xuống chỉ còn 6,1%/năm.

Tương tự, ngân hàng NCB cuối tuần vừa rồi cũng công bố giảm lãi suất lần thứ 2 kể từ đầu tháng 9. Đưa mức lãi cao nhất của nhà băng này xuống chỉ còn 6,4%/năm. Theo khảo sát, lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ quanh 6-6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Dù lãi suất tiết kiệm ngân hàng đã giảm mạnh so với cuối năm 2022 đầu năm 2023, đây vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người, nhất là những người có số vốn nhỏ.

Chị Lan Anh (34 tuổi, Nam Định) chia sẻ từ đầu năm 2023 đến nay mỗi tháng vẫn đều đặn gửi tiết kiệm 8 triệu đồng để lấy lãi. Nữ nhân viên văn phòng này cho biết trước khi lựa chọn kênh gửi tiết kiệm để lấy lãi đã trải qua nhiều mất mát với thị trường chứng khoán và vàng.

Bên cạnh đó, do hàng tháng phải tính toán những chi tiêu đột xuất khác của gia đình nên không muốn đầu tư vào những kênh đầu tư mạo hiểm để thêm "nặng gánh". "Tôi từng thử rót tiền vào chứng khoán và vàng song lúc được, lúc mất, tính chung không có lãi thậm chí còn âm cả vào vốn ban đầu. Trong khi đó, gửi tiền ngân hàng thì luôn có lãi", chị Lan Anh chia sẻ.

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được những người có số vốn nhỏ lựa chọn

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được những người có số vốn nhỏ lựa chọn

Tương tự, chị Thanh Nga (Bắc Ninh) thời gian gần đây cũng quyết định gửi tiết kiệm số tiền nhàn rỗi của mình thay vì mạo hiểm với những kênh đầu tư khác. Theo chị Nga, với số tiền nhàn rỗi chỉ 200 triệu đồng của gia đình hiện tại rất khó để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào BĐS. Trong khi đó, chứng khoán và vàng luôn có những biến động khó lường khiến những người có ít kiến thức đầu tư như chị không dám xuống tiền. “Gửi tiết kiệm tuy lãi thấp nhưng ít rủi ro nhất so với những kênh đầu tư khác hiện nay”, chị Nga chia sẻ.

Theo thống kê, dù lãi suất giảm, tiền gửi của người dân vẫn duy trì ổn định. Tiền gửi cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng liên tục nửa đầu năm. Chỉ trong tháng 6, người dân gửi thêm hơn 35.000 tỷ đồng vào ngân hàng. Lý do nhiều khách hàng chọn kênh tiết kiệm là tính chất ổn định và an toàn, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro.

Nhưng không phải tất cả đều lựa chọn gửi tiết kiệm số tiền nhàn rỗi của mình, hiện cũng có nhiều người đang loay hoay tìm kênh rót tiền. Theo đó, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngân hàng giảm mạnh thời gian qua, thanh khoản trên thị trường chứng khoán ghi nhận tăng vọt với sự tham gia của hàng chục nghìn nhà đầu tư cá nhân mới.

Theo số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), trong tháng 8 vừa qua có gần 190.000 tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới. Đây là con số kỷ lục mới trong vòng 1 năm nay cho thấy thị trường chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn ở thời điểm hiện tại. Trước đó, vào tháng 7 cũng đã có khoảng 150.000 tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới.

Thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể trong tháng 8 vừa qua. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE vượt ngưỡng 22.000 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 10% so với tháng trước và là mức cao nhất trong hơn một năm kể từ tháng 4/2022.

Trong tuần giao dịch từ ngày 18-22/9, nhà đầu tư cá nhân đã mua khớp lệnh ròng hơn 2.190 tỉ đồng. Trước đó, trong tuần giao dịch từ 11/9-15/9, nhà đầu tư cá nhân cũng đã mua ròng hơn 5.000 tỷ đồng Đây là tuần mua ròng mạnh nhất của nhà đầu tư cá nhân trong 4 tháng trở lại đây.

Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất tiết kiệm hiện đã không còn hấp dẫn, tuy nhiên, một phần tỷ trọng vẫn nên để vào lớp tài sản này để danh mục của bạn cân bằng về thanh khoản và tối ưu về rủi ro. Bên cạnh đó, việc lựa chọn kênh đầu tư nào trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc vào khẩu vị và khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi người. Tuy nhiên, ngoài việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường tài chính, mỗi cá nhân cũng nên cân nhắc trích một phần tiền nhàn rỗi để đầu tư vào bản thân như tham gia các khóa học về kỹ năng, kiến thức, để luôn nâng cao bản thân, cập nhật và đón đầu các xu hướng mới.

NĐT nhỏ lẻ “choáng váng” lỗ trăm triệu đồng, “cá mập” vẫn chi nghìn tỷ gom cổ phiếu

Trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ “choáng váng”, ghi nhận khoản lỗ cả trăm triệu đồng trước những rung lắc của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây thì các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN