Mất ăn mất ngủ vì vay mượn làm nhà to ở quê rồi bỏ trống
Dành dụm gần 10 năm anh chị mới xây nhà riêng nên rất chăm chút. Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, số ngày ở trong ngôi nhà mới hơn nửa tỷ đồng của gia đình anh chị đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Xây nhà là việc quan trọng của nhiều gia đình, có câu "Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Cả ba việc đấy thật là khó thay". Tuy vậy việc xây nhà đang có rất nhiều bất cập khi nhiều gia đình nợ “ngập đầu” sau khi xây nhà xong. Nhiều người thậm chí mất ăn mất ngủ về số nợ trong khi không được hưởng cuộc sống trong ngôi nhà mới của mình.
Chị Huyền (Thái Bình) hiện đang làm công nhân tại Bình Dương chia sẻ gia đình chị đã mắc sai lầm lớn với quyết định xây nhà ở quê cách đây gần 6 năm. Bà mẹ 3 con kể cuối năm 2015 khi tích góp được số tiền gần 300 triệu đồng đã quyết định vay mượn thêm ngân hàng và người thân để xây nhà ở quê.
Sau gần 4 tháng xây dựng thì ngôi nhà 2,5 tầng với tổng diện tích 130 mét vuông sàn cũng được hoàn thiện với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Trong đó, tổng số vay nợ là 230 triệu đồng (100 triệu đồng vay ngân hàng, số nợ còn lại là nợ công thợ, nợ vật liệu xây dựng và vay người thân).
Chi hơn nửa tỷ đồng để xây ngôi nhà khang trang giữa làng, tuy nhiên đến nay số ngày gia đình anh chị ở ngôi nhà mới chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi sau vài ngày tân gia nhà mới thì anh chị cũng trở lại Bình Dương để làm việc.
Chị Huyền cho biết ngôi nhà khang trang hiện vẫn khóa cửa và để không, anh chị phải nhờ người thân thỉnh thoảng sang trông nom, quét dọn trong suốt gần 6 năm qua. Trong khi đó, cả gia đình vẫn đang sinh sống trong căn nhà trọ nhỏ tại Bình Dương.
Chị Huyền thừa nhận sai lầm khi xây nhà to ở quê rồi bỏ trống nhiều năm
Chị Huyền thừa nhận quyết định xây nhà ở quê cách đây gần 6 năm khiến gia đình chị nhiều lần “mệt mỏi” chịu nhiều áp lực do cả hai người cùng làm công nhân, thu nhập không quá cao trong khi đang nuôi 3 con ăn học. Hàng tháng dù chi tiêu tiết kiệm nhưng đến nay anh chị cũng mới chỉ trả hết phần nợ ngân hàng và trả được gần hết tiền công thợ xây nhà cùng nợ tiền vật liệu xây dựng. Số nợ vay người thân vẫn còn nguyên và chưa biết khi nào có thể trả hết bởi thu nhập của hai vợ chồng đã giảm đáng kể trong 2 năm gần đây.
Trên các diễn đàn về tài chính cá nhân, trường hợp như gia đình chị Huyền hiện nay là không hiếm khi nhiều người sau nhiều năm xa quê đi làm tích lũy được số vốn đã quyết định vay mượn thêm để về quê xây nhà. Tuy nhiên, thay vì phục vụ cuộc sống của cả gia đình thì nhiều ngôi nhà sau đó thường xuyên để trống bởi chủ nhà phải trở lại thành phố để làm việc. Thậm chí nhiều người vay mượn số tiền lớn để làm nhà nhưng sau đó thu nhập giảm, không lo được tiền trả nợ, cuối cùng đã phải bán nhà đi để tất toán khoản nợ ngân hàng và trả nợ người thân.
Trước việc nhiều gia đình vay mượn số tiền lớn để xây nhà to ở quê rồi lại lên thành phố thuê nhà trọ để làm việc, bà Huỳnh Tú Bình, một nhà tư vấn tài chính cá nhân tại TP HCM cho biết những người đang có ý định vay mượn để xây, mua nhà mới nên phân biệt xem ngôi nhà là tài sản hay tiêu sản trước khi quyết định.
Bà Bình cho rằng, nhiều người sai lầm khi nghĩ tất cả các loại bất động sản đều là của để dành và dồn lực tài chính vào ngôi nhà. Miếng đất để trống có thể là của để dành nhưng vay mượn xây nhà lên - nhất là khi không sử dụng thường xuyên và vẫn phải đi thuê nơi ở, thì cái nhà là tiêu sản.
Một số người có thể lý luận rằng việc xây, mua nhà đó mang lại ý nghĩa về mặt tinh thần, khiến người chủ nhà có cảm giác hãnh diện, được nể trọng. Nhưng điều này lại đi ngược với tháp nhu cầu Maslow của nhà tâm lý Mỹ nổi tiếng. Theo tháp này, nhu cầu của con người gồm năm thứ bậc từ thấp tới cao là: 1-sinh tồn (không khí để thở, nước uống, thức ăn, sinh lý); 2- được an toàn; 3- yêu và được yêu thương; 4- được tôn trọng; 5- thể hiện mình. Như vậy, chừng nào đảm bảo đủ nhu cầu thiết yếu thì mới nên đáp ứng các nhu cầu khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Khung cảnh rùng rợn, hoang tàn nhưng lại vô cùng thu hút của khách sạn khiến người xem không thể rời mắt.