Mang tiền tỷ “ôm” căn hộ tập thể cũ chờ xây mới, vợ chồng trẻ “vỡ mộng”
Chờ cải tạo suốt gần 10 năm không được, vợ chồng chị Hải lại không thể ở chính căn hộ mình bỏ tiền ra mua, phải đi thuê trọ ngoài với mức giá 7 triệu đồng/tháng.
Với mong muốn sống giữa trung tâm thành phố, sở hữu căn nhà với số tiền chỉ gần 1 tỷ đồng, năm 2014, vợ chồng chị Tô Thị Hải (SN 1987) quyết định mua căn hộ tập thể cũ tại quận Đống Đa (Hà Nội) để ở.
Chị Hải cho biết, sở dĩ vợ chồng chị chọn xuống tiền mua tập thể cũ là vì đợt đó, đồng nghiệp của chị ở tập thể B4 Kim Liên đã được cải tạo xây dựng mới và mua nhà mới với giá ưu đãi.
“Nhà bạn tôi ở tập thể B4 Kim Liên, diện tích trên giấy tờ chỉ 15m2, ở tầng 3, khi khu tập thể được xây mới là Chung cư B4 Kim Liên bây giờ, bạn tôi cũng được đền bù một căn hộ ở tầng 3, rộng 62m2. Chỉ phải trả tiền phần diện tích chênh lệch so với sổ đỏ cũ với giá 20 triệu đồng/m2”, chị Hải kể.
Những khu tập thể trên "đất vàng" giữa trung tâm thành phố Hà Nội đang chờ được cải tạo.
Thấy bạn mình chỉ cần hơn 900 triệu đồng là có thể có được một căn chung cư 2 phòng ngủ giữa quận Đống Đa, chị Hải bàn với chồng đi tìm mua tập thể cũ với hy vọng sau này sẽ được đền bù khi khu tập thể được xây mới.
Sau thời gian đi tìm, hai vợ chồng chị mua được căn tập thể cũ với diện tích trong sổ đỏ là 22m2 nhưng đã được cơi nới ra rộng 45m2 với số tiền 1 tỷ đồng.
“Làm hợp đồng mua bán xong, họ bớt cho 30 triệu. Vợ chồng tôi khi ấy vui sướng vì mua được căn hộ tập thể như ý chỉ với số tiền xấp xỉ 1 tỷ đồng. Xác định ở vài năm, nếu được cải tạo, xây mới, chỉ phải đóng thêm tầm 800 triệu đồng là có nhà mới nội thành”, chị Hải cho hay.
Trước khi dọn về ở, hai vợ chồng tiến hành ốp lại tường và sơn lại toàn bộ căn hộ, sửa sang lại tủ bếp, nhà vệ sinh hết khoảng 55 triệu đồng. Tuy nhiên, càng ở, căn hộ càng lộ ra những điểm bất cập và xuống cấp nghiêm trọng.
Bức tường nham nhở vôi vữa đã xuống cấp trầm trọng.
“Có khi đang ngủ mà cả mảng trần nhà rơi xuống, quá sợ. Chưa kể hệ thống vệ sinh, nước thải cũng hư hỏng. Bể chứa nước sạch lại là bể ngầm, hệ thống dẫn nước bằng sắt đã xuống cấp nặng nề. Vậy nên, mỗi lần mưa, nước bơm lên nhà đục ngầu, phải chờ lắng xuống mới dám dùng”, chị Hải nói.
Hệ thống nước xuống cấp, rò rỉ khiến tường nhà bị ẩm, bong tróc từng mảng, nhất là góc tường dưới nhà vệ sinh tầng trên lúc nào cũng có nước thấm xuống, khắc phục bao nhiêu năm cũng không được.
Hỏng đâu sửa đấy, mỗi năm mất vài chục triệu tiền sửa nhà, chưa kể mất công dọn dẹp lại đồ đạc, chị Hải cho biết, số tiền sửa nhà tính trong 9 năm qua phải bằng 1/3 tiền mua nhà.
Sống trong cảnh ngôi nhà xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng, đi ngoài hành lang không biết vôi vữa sẽ rơi trúng đầu mình lúc nào nên vợ chồng chị Hải quyết định để nhà không và dọn ra ngoài thuê căn nhà khác để ở.
“Căn nhà tôi bây giờ bán cũng khó vì muốn bán phải sửa lại mất nhiều tiền, giá bán cũng chỉ được khoảng 1,4 tỷ đồng, chưa đủ số tiền vợ chồng tôi “đắp vào” đó 9 năm qua. Mà không bán thì không biết khi nào họ mới cải tạo, xây mới”, chị Hải nói.
Không dám ở chính ngôi nhà vợ chồng mình bỏ tiền ra mua, chị Hải phải dọn ra đi thuê trọ.
Vỡ mộng với bài toán mua căn hộ tập thể cũ chờ cải tạo, xây mới, vợ chồng chị Hải vẫn loay hoay, đau đầu với quyết định bán căn nhà đó hay để lại.
Theo ông Đào Vũ Định, chủ doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Tuy nhiên, nếu bỏ tiền tỷ để mua nhà chung cư, tập thể cũ để đầu tư, chờ cải tạo, đền bù thì không nên.
“Việc cải tạo chung cư cũ, tập thể cũ phải cần lộ trình dài hạn. Trước khi xuống tiền phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng về vị trí, quy hoạch, thời gian dự kiến cải tạo. Chưa kể dòng tiền đem đi đầu tư phải tự có, còn vay thì hoàn toàn không nên vì rất dễ bị thua lỗ”, ông Định nói.
Nguồn: [Link nguồn]
“Năm nay tôi 32 tuổi vợ tôi 25 tuổi. Chúng tôi đang có ý định mua nhà, vợ tôi thì muốn mua một căn hộ trong nội đô ở được luôn, nhưng tôi lại muốn mua đất nền, một thời...