Loạt biệt thự và xe sang bị “thổi” bay theo 3 chữ cái, nhà đầu tư bật khóc
Liên tiếp những ngày qua là chuỗi ngày thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Nhiều NĐT cá nhân nín thở, thậm chí bật khóc nhìn tài khoản bay hơi hàng tỷ đồng...
Nhà đầu tư cá nhân bị "thổi bay" cả biệt thự vì 3 chữ cái
Chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư hot nhất hiện nay. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,9 triệu, xấp xỉ 5% dân số.
Thị trường chứng khoán vừa có chuỗi ngày lao dốc mạnh khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng
Tuy nhiên, những cú điều chỉnh giảm mạnh của thị trường chứng khoán thời gian gần đây cũng khiến không ít nhà đầu tư choáng váng. Chị Nguyễn Phương – một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm tại Hà Nội cho biết sau chuỗi những ngày lao dốc của VN-Index vừa qua, tài khoản đầu tư một người bạn của chị đã bị thổi bay số tiền gần 2 tỷ đồng trong tổng số vốn đầu tư 6 tỷ.
Theo chị Phương, người bạn của chị đã phải cắn răng chấp nhận một số mã cổ phiếu dù thị trường đã có dấu hiệu tạo đáy sau những ngày giảm liên tiếp. Lý do khiến bạn của chị phải cắt lỗ bởi một số mã đó có lãnh đạo doanh nghiệp vừa vướng vòng lao lý. Cổ phiếu cũng thuộc nhóm đầu cơ khi đã tăng bằng lần trong thời gian trước. Đến khi thị trường lao dốc, giá trị danh mục đầu tư giảm mạnh khi cổ phiếu nắm giữ có nhiều hôm nằm sàn liên tiếp.
Chia sẻ về danh mục đầu tư của mình, chị Phương thừa nhận cũng đang ghi nhận lỗ cả trăm triệu đồng nhưng chị tự tin vào danh mục đang nắm giữ nên vẫn chưa bán bất kỳ cổ phiếu nào trong chuỗi những ngày thị trường lao dốc vừa qua.
Không chỉ bạn chị Phương, thứ Sáu vừa qua, một người đồng nghiệp cũng rỉ tai nói nhỏ với tôi: “Con Hạnh tây đang ngất lên ngất xuống. Lì không chịu ra hàng, căn biệt thự 8 tỷ bây giờ đã bay theo gió”...
Nhiều nhà đầu tư sốc mỗi khi mở bảng điện theo dõi mã cổ phiếu đầu tư
Hạnh là người đồng nghiệp cũ của chúng tôi. Hạnh quyết định nghỉ việc 3 năm trước để đầu tư tự do. Cuối năm 2021, thi thoảng Hạnh khoe năm nay là năm được ăn lộc chứng khoán. Hiện tài khoản của cô đã có hơn chục tỷ làm vốn lưu động, cô dự định đầu năm 2022 sẽ rút 8 tỷ mua biệt thự Phú Quốc... Tuy nhiên, nhân tính không bằng trời tính.
Sốc mỗi khi mở bảng điện, nhà đầu tư cắt lỗ tạm rời xa chứng khoán
Với những cú điều chỉnh của thị trường, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những F0 đã sốc mỗi khi mở bảng điện theo dõi các mã cổ phiếu nắm giữ trong những phiên giao dịch gần đây.
Chị Lam (45 tuổi) – một NĐT F0 tại Hà Nội cho biết, nghe theo đồng nghiệp lần đầu chị mở tài khoản và dành 10 triệu đầu tư mã ROS thời điểm giá 7.900 đồng/cp.
“Lần đầu tham gia đầu tư chứng khoán, nhưng tài khoản của tôi đã nhanh chóng bốc hơi 40%” - Chị Lam, một NĐT F0 tại Hà Nội.
Sau một tháng theo dõi, khi đã làm quen thị trường, lúc đó mã cổ phiếu ROS chị nuôi đang trong chuỗi ngày tăng liên tiếp, lên mức giá 9.000 đồng/cp.
Tìm hiểu thêm thị trường và một số kênh tư vấn của bạn bè, chị hào hứng rút 250 triệu đồng từ sổ tiết kiệm mua thêm một số mã, như GEX, LDG, CEO,... Tuy nhiên, diễn biến thị trường không như chị mong đợi, kể từ sau khi chị khớp lệnh các mã chị “nuôi” liên tục trong chuỗi ngày lao dốc, đặc biệt trong khoảng chục ngày gần đây.
Nhìn tài khoản sụt giảm sau mỗi phiên giao dịch, chị Lam như hụt hơi nói: “Sau gần 2 tháng, các mã cổ phiếu tôi mua liên tục mất giá trị, ngày hôm nay CP ROS còn 3.760 đồng/cp. Tính đến thời điểm này, tài khoản của tôi đã bay hơi hơn 100 triệu đồng. Thực sự là một bài học đắt giá, có lẽ tôi nên tạm quên khoản tiền này từ đây”.
Thay vì khoe lãi, nhiều nhà đầu tư khoe khoản lỗ của mình trong những phiên giao dịch gần đây
“Em gồng sắp hết nổi rồi, em có nên cắt lỗ không?”
Trên các diễn đàn về đầu tư chứng khoán tài khoản tên Cao Phong đăng đàn cầu cứu: “Cổ phiếu sắp tới đáy chưa các anh ơi? Em gồng sắp hết nổi rồi, em có nên cắt lỗ không? Đó là toàn bộ tích cóp của gia đình, em không dám nói cho người nhà biết”.
Với tài khoản có tên Dương Chí Thành thì ngậm ngùi chia sẻ, anh thiệt hại số tiền lớn khi buộc phải cắt lỗ cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim. Nhà đầu tư này cho biết lao vào “bắt đáy” cổ phiếu NKG vào đầu tháng 4 khi cổ phiếu này giảm về mức giá quanh 47.000 đồng/cổ phiếu. Tưởng chừng “bắt đáy” thành công nhưng cú bắt đáy này lại khiến anh bị “đứt tay” khi NKG tiếp tục lao dốc ở những phiên giao dịch sau đó.
“Tôi quyết định bán ra hàng nghìn cổ phiếu NKG ở mức giá 38.000 đồng/cổ phiếu, chấp nhận khoản thiệt hại số tiền cả trăm triệu đồng cho cú “bắt đáy” sai lầm của mình”... anh Dương Chí Thành.
Liên tục nhìn tài khoản bốc hơi trong những phiên thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư này đã quyết định bán ra hàng vài nghìn cổ phiếu NKG ở mức giá 38.000 đồng/cổ phiếu, chấp nhận khoản thiệt hại số tiền cả trăm triệu đồng cho cú “bắt đáy” sai lầm của mình.
Khoản tạm lỗ khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân nhìn vào phải choáng váng
“Tài khoản của tôi thì bốc hơi tới nửa chiếc xe hạng sang Mercedes-Benz E200. Tuy nhiên, tôi quyết tâm không bán và chờ đà phục hồi” – anh Quang Việt.
Chung cảnh ngộ, nhà đầu tư Quang Việt thừa nhận tài khoản của mình cũng đã bốc hơi tới nửa chiếc xe hạng sang Mercedes-Benz E200 khi cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lao dốc về mức giá 22.650 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch ngày 21/4.
Dù tài khoản ghi nhận mức giảm tới hơn 1 tỷ đồng trong những ngày thị trường chứng khoán lao dốc nhưng nhà đầu tư này cho biết vẫn giữ số cổ phiếu của mình chờ đà phục hồi của thị trường bởi anh cho rằng mức giảm sâu của CII đã về vùng đáy, bán ra thời điểm này chỉ khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại lớn.
Trong khi đó, tài khoản Quang Tuan ngậm ngùi chia sẻ: "Thị trường lao dốc không thể đỡ nổi, mình đã cắn răng bán cắt lỗ lô cổ phiếu cuối cùng và sẽ tạm quên chứng khoán một thời gian”.
Lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết cũng mất cả nghìn tỷ đồng
Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ choáng váng với số tiền trong tài khoản bốc hơi sau mỗi ngày thị trường chứng khoán lao dốc, ngay cả những đạo doanh nghiệp niêm yết cũng ngậm ngùi số tiền hàng nghìn tỷ đồng bốc hơi khỏi tài khoản.
Theo đó, trong chuỗi 7 phiên lao dốc liên tiếp của chỉ số HNX-Index và 6 phiên của VN-Index đã khiến khối tài sản của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) người đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và là người sáng lập CTCP Thaiholdings cũng ghi nhận mức giảm tới hơn 3.747 tỷ đồng.
Sau chuỗi phiên lao dốc, tài khoản ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sụt giảm hơn 3.747 tỷ đồng
Trong đó chỉ tính riêng mức giảm ở mã cổ phiếu THD đã lên tới 3.610 tỷ đồng khi mã cổ phiếu này lao dốc từ mốc 159.500 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 118.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 22/4 vừa qua.
Khối tài sản của bầu Thụy bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng cùng đà lao dốc của HNX-Index
Cùng với bầu Thụy, khối tài sản của đại gia 8X Nguyễn Văn Tuấn đã bị thổi bay tới gần 2.100 tỷ đồng bởi đà giảm của cổ phiếu nắm giữ. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4 vừa qua, khối tài sản ông Tuấn nắm giữ giảm xuống chỉ còn hơn 6.621 tỷ đồng.
Khối tài sản của đại gia 8X Nguyễn Văn Tuấn cũng bị thổi bay tới gần 2.100 tỷ đồng
Bất chấp đà lao dốc của thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Văn Tuấn đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu GEX để nâng tỷ lệ sở hữu.
Trong khi đó, khối tài sản của đại gia Thanh Hoá Nguyễn Thiện Tuấn – Chủ tịch DIG và 2 người con đang nắm giữ vị trí Phó chủ tịch doanh nghiệp ghi nhận mức giảm mạnh hơn 1.050 tỷ đồng trong tuần giao dịch từ 18 đến 22/4.
So với mức giá đỉnh 117.100 đồng/cổ phiếu được DIG thiết lập ngày 7/1 thì khối tài sản của gia đình ông Tuấn đã bị giảm tới hơn 6.785 tỷ đồng.
“So với mức giá đỉnh 117.100 đồng/cổ phiếu được DIG thiết lập ngày 7/1 thì khối tài sản của gia đình đại gia Thanh Hoá Nguyễn Thiện Tuấn – Chủ tịch DIG và 2 người con bị giảm tới hơn 6.785 tỷ đồng”
Còn so với thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán thì khối tài sản của ông Tuấn và hai con cũng ghi nhận mức giảm tới gần 4.900 tỷ đồng.
“Sau cơn mưa trời lại sáng”, nhà đầu tư lâu dài vẫn lạc quan
Trong chuỗi ngày lao dốc của thị trường chứng khoán vừa qua, thay vì khoe số lãi thu được như mọi khi, nhiều nhà đầu tư lại “khoe lỗ” từ vài triệu đến vài tỷ đồng trong tài khoản đầu tư của mình. Những chia sẻ này nhận được sự đồng cảm của không ít nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Trên trang cá nhân, ông Lâm Minh Chánh cho rằng các nhà đầu tư lướt sóng thiệt hại nặng nề trong những phiên thị trường lao dốc
Anh Hoàng - một nhà đầu tư với 5 năm kinh nghiệm tại Nghệ An cho rằng thị trường đang thử thách lòng kiên nhẫn với các nhà đầu tư và chứng khoán cho thấy nó không dành cho người yếu tim.
Nhà đầu tư này cũng cho biết dù một số nhà đầu tư cá nhân đang cố bán cổ phiếu để thu tiền về trong hoảng loạn thì cá nhân anh và những người đầu tư trong nhóm vẫn túc tắc mua vào những cổ phiếu được đánh giá tốt như HPG, HSG, VHM, RAL, HDG, SAB,... trong những phiên thị trường lao dốc.
Anh Hoàng tiết lộ trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân bị thổi bay từ vài trục triệu đến cả tỷ đồng thì tài khoản của anh vẫn ghi nhận mức lãi hơn 900 triệu đồng từ đầu năm 2022 đến nay. Theo anh Hoàng, đầu tư chứng khoán cần có kiến thức và sự kiên trì, những phiên giao dịch vừa qua thị trường lao dốc một phần là do nhà đầu tư nhỏ lẻ bán tháo trước những tin đồn thất thiệt.
“Các nhà đầu tư nên nhớ thị trường chứng khoán không phải tăng vì tin đồn. Thị trường phải tăng từ nội tại doanh nghiệp. Niềm tin sẽ quay trở lại từ những doanh nghiệp tốt nhất đầu ngành và trung thực nhất. Dòng tiền sẽ quay trở lại khi mức định giá trở nên rẻ và hấp dẫn” – anh Hoàng cho biết.
Chuỗi giảm điểm của thị trường chứng khoán vượt khỏi mọi dự đoán của giới phân tích kỹ thuật
Cùng quan điểm, ông Lâm Minh Chánh một chuyên gia về đầu tư chứng khoán cũng cho rằng việc chỉ số chứng khoán rơi mạnh vượt ngoài mọi dự đoán những ngày qua khiến các nhà đầu tư lướt sóng thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, những nhà đầu tư giá trị, dài hạn vẫn tích cực mua vào những cổ phiếu tốt.
Theo ông Chánh, những lúc như thế này thì việc mua cổ phiếu nào và mua theo chiến lược gì là rất quan trọng. Vị chuyên gia này nhấn mạnh khi chứng khoán rơi xuống giá thấp so với giá trị thì dòng tiền sẽ lại quay về.
Kì vọng tương lai lâu dài của thị trường chứng khoán khi cơ quan quản lý vào cuộc
Để chứng khoán trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư và là kênh huy động vốn chủ lực của các doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý đang tích cực vào cuộc nhằm ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư.
Ông Đỗ Thành Nhân và 3 bị can bị bắt liên quan đến vụ án “thao túng thị trường chứng khoán”
Theo đó, ngày 29/3, cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.
Ngoài ông Trịnh Văn Quyết, liên quan đến vụ việc này, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã bắt giữ thêm 4 đồng phạm khác là Trịnh Thị Minh Huế là cán bộ Ban kế toán thuộc tập đoàn FLC và bà Trịnh Thị Thuý Nga - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, bà Hương Trần Kiều Dung Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC và Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS) để điều tra.
Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã bắt ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 đồng phạm bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thông qua kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp đã huy động 10.300 tỷ đồng nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Mới nhất cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt (TVB), Công ty cổ phần Louis Holdings, Công ty cổ phần Louis Capital, Công ty cổ phần Louis Land và các đơn vị liên quan.
Cùng với sự nghiêm khắc với những cá nhân thao túng thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến thị trường, Chính phủ cũng đang quyết tâm cao làm lành mạnh thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi
Theo đó, để ngăn chặn đà lao dốc của thị trường chứng khoán sau những vụ bắt giữ những cá nhân thao túng thị trường chứng khoán và những tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ quyết tâm cao làm lành mạnh thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi - Ảnh VGP
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán.
“Chính phủ đặt ra quyết tâm cao thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu”... - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế tổ chức chiều ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ đặt ra quyết tâm cao thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước.