Lao động phổ thông ngày ngày “bán sức khỏe giá rẻ” để mưu sinh

Là lực lượng dễ tổn thương nhất trong xã hội, những lao động phổ thông đang tìm mọi cách để mưu sinh sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với những phu hồ công trường xây dựng hay người bán hàng rong trên phố có câu nói vui là đang ngày ngày “bán sức khỏe giá rẻ” để mưu sinh.

Sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, những lao động phổ thông đã bắt đầu trở lại các thành phố tìm việc làm. Những công việc được nhiều người lựa chọn là xin làm phu hồ tại các công trường xây dựng hay bán hàng rong trên các tuyến phố.

Anh Lò Văn Thợn, người dân tộc Thái ở Sơn La làm việc ở công trường xây dựng tư nhân tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội cho biết trước đây gia đình anh bán thịt lợn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch dịch Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi, nên giá lợn hơi tại quê anh tăng cao, trong khi nhu cầu của người dân giảm nhiều. Điều này khiến những tiểu thương bán thịt như anh thường xuyên rơi vào cảnh ế ẩm và bị lỗ vốn. Anh Thợn chia sẻ thời gian qua đã có nhiều tiểu thương làm nghề bán thịt lợn như mình tại địa phương đã tạm thời nghỉ việc chuyển sang tìm công việc mới.

Anh Thợn nghỉ nghề bán thịt lợn để chuyển sang làm phu hồ tại công trường xây dựng

Anh Thợn nghỉ nghề bán thịt lợn để chuyển sang làm phu hồ tại công trường xây dựng

Sau khi nghỉ bán thịt lợn, người đàn ông 39 tuổi theo những đồng hương xuống Hà Nội làm phu hồ. Chia sẻ về thu nhập của mình, anh cho biết được cai thầu nuôi cơm 3 bữa, bao chỗ ở và được trả 230.000đ/ngày công. Anh Thợn chia sẻ số tiền này với nhiều người là không cao, nhưng nó là lớn với những lao động tự do như mình. Bởi nếu không đi làm, gia đình cũng chẳng có nguồn thu nhập nào khác do nhà chỉ có ít ruộng. Mỗi vụ cấy, vụ gặt cũng chỉ kéo dài từ 7 đến 10 ngày, thời gian nông nhàn rất nhiều.

Xuống Hà Nội làm phu hồ cùng bố cũng là công việc mà Thái lựa chọn sau khi cả nước kết thúc thời gian thực hiện lệnh cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19. Thanh niên 18 tuổi quê Hòa Bình này chia sẻ sau một thời gian “học việc”, giờ việc phụ gì em cũng đã có thể làm được. Thái cho biết, làm công trường xây dựng rất vất vả, đặc biệt trong những ngày nắng nóng của mùa hè do thời gian làm việc mỗi ngày từ 9 tiếng đến 9,5 tiếng. Tiền công những thợ phụ như em trong tổ dao động từ 230.000đ đến 250.000đ. Do đã được bao ăn ở nên em có thể để dành toàn bộ tiền công hàng tháng cho bố mẹ để cải thiện thu nhập của gia đình.

Bán kính rạo trên đường Tố Hữu, Hà Đông, ông Đắc quê Thái Bình cho biết năm nay mình đã 60 tuổi. Với những người có nguồn thu nhập ổn định thì tầm này đã được nghỉ ngơi để vui đùa cùng con cháu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên 6 năm qua ông theo chân những người quen trong xã lên Hà Nội làm những công việc chân tay để mưu sinh.

Thái (áo trắng) cho biết toàn bộ tiền công của mình có thể để dành cùng gia đình cải thiện thu nhập

Thái (áo trắng) cho biết toàn bộ tiền công của mình có thể để dành cùng gia đình cải thiện thu nhập

Ông chia sẻ, khi còn có sức khỏe thì theo các tổ thợ xây dựng để kiếm tiền gửi về cho gia đình. Nhưng giờ 60 tuổi rồi, sức khỏe yếu đi không còn phù hợp với những công việc nặng nhọc nên chuyển qua bán kính rong trên các tuyến phố. Thời gian cả nước thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19 vừa qua ông cũng không về nhà bởi không kịp ra bến xe. Nhờ sự giúp đỡ của những người đồng hương, các tổ chức từ thiện nên ông đã vượt qua giai đoạn thất nghiệp kéo dài này.

Ông Đắc cho biết thu nhập từ tiền bán kính rong của mình mỗi ngày chỉ 150.000đ đến 200.000đ. Số hàng bán được cũng còn phụ thuộc vào thời tiết. Những ngày nắng thì nhu cầu mua các loại kính chống nắng rẻ tiền của người dân tăng cao hơn, trong khi những ngày mưa thì không có thu nhập do không thể đi bán hàng.

Dù mỗi tháng chỉ kiếm được từ 4,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng nhưng nhờ chi tiêu tiết kiệm, ông vẫn có thể để dành 2,5 - 3 triệu đồng để gửi về cho gia đình. Ông chia sẻ mình thuê nhà chung với mấy người cùng làm nghề bán hàng rong, nên chi phí tiền nhà, tiền điện, nước mỗi tháng hết khoảng 900.000 đồng. Số tiền còn lại chi cho xăng xe di chuyển trên các cung đường, thỉnh thoảng mua chai mắm, lít dầu, gói muối,... Những thực phẩm còn lại như gạo, lạc, trứng, rau,... được ông mang lên mỗi khi về quê thăm gia đình.

Để hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết, mỗi sáng ông dậy sớm nấu cơm ăn và chuẩn bị bữa trưa cùng nước uống mang đi làm. Lão nông 60 tuổi này chia sẻ bán hàng rong thu nhập không cao nên phải tính toán chi li mọi khoản. Chính vì thế, nhiều bữa trưa của ông chỉ có bát cơm, ít rau, quả trứng luộc và muối vừng đựng trong các hộp nhựa. Ông Đắc thừa nhận những lao động tự do như mình sợ nhất là ốm đau bởi những lúc như thế này cuộc sống gia đình không biết sẽ dựa vào ai.

Dù công việc lao động chân tay ngoài trời là rất vất vả, nhưng cả ông Đắc, anh Thợn hay em Thái cùng cho biết công việc hiện tại giúp họ có được khoản tiền đáng kể để trang trải những chi phí trong cuộc sống hàng ngày.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN