Làm shipper khi dịch COVID-19 lan rộng: Tiền đầy túi nhưng rủi ro đầy mình
Dịch vụ giao hàng tận nhà hiện nay ngày càng sôi động, tuy nhiên shipper chính là những người “trung gian” ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm bệnh, thiếu an toàn trong mùa dịch và đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Những ngày này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất, buôn bán ngưng trệ, toàn bộ cửa hàng kinh doanh không thiết yếu tại các thành phố lớn phải tạm ngừng hoạt động, người dân hạn chế ra đường nên nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao. Vì vậy, dịch vụ giao nhận hàng tại nhà được hầu hết người mua và người bán áp dụng.
Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương trú tại đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết trước đây anh chị có cửa hàng riêng trên phố Nguyễn Khang để bán các món chuyên về gà, phục vụ tại chỗ và khách mua online. Từ khi ra Tết, khách đến ăn thưa thớt dần, sức khỏe của chị cũng không đảm bảo do đợt ốm kéo dài nên chị đã chủ động trả cửa hàng, chỉ phục vụ bán online.
Shipper đứng chờ phát khẩu trang miễn phí
“Mới đầu chuyển hẳn sang bán online cũng buồn chân, buồn tay vì lượng khách ít hơn hẳn, ngoài các món gà như gà mẹt, gà rang muối, thịt gà tươi thì tôi tự làm thêm một số món như: caramen, pizza, chả cá, chả mực… nên số đơn đặt hàng nhiều hơn gấp 2-3 lần. Nhất là từ khi có lệnh tạm đóng cửa các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu nên số lượng đặt hàng nhiều hơn hẳn. Nếu như trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 15-20 đơn hàng online thì mấy ngày nay, mỗi ngày tôi có khoảng 30-40 đơn đặt hàng”, chị Hương nói.
Vì thuê ship toàn bộ nên chị Hương cũng lo lắng về nguy cơ lây nhiễm: “Việc sử dụng hình thức mua bán, đặt hàng online thời điểm này dù thuận tiện cho cả người mua và người bán nhưng hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm, thiếu an toàn trong mùa dịch. Để vừa có thể đảm bảo đơn hàng, vừa bảo vệ bản thân, tôi luôn mang khẩu trang, dùng nước sát khuẩn ngay sau khi gửi hàng. Tiền nhận về từ việc ứng tiền trước của shipper tôi cũng để riêng và đổ cồn lên, phơi khô rồi mới sử dụng. Tôi cũng nhắn với khách hàng ưu tiên dùng chuyển khoản hơn tiền mặt”.
Làm nghề ship được hơn 2 năm, anh Khánh (trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, tôi làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty phần mềm, nhưng công việc bấp bênh, công ty gặp khó khăn, nợ lương nhân viên 3-4 tháng liền. Vợ tôi khi ấy lại sắp sinh nên tôi nghĩ ngay đến việc làm shipper để chủ động thời gian vừa làm việc vừa giúp đỡ vợ con và ít nhiều cũng có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Mới đầu, chưa quen việc, mỗi ngày chỉ được vài chục nghìn, cũng nản nhưng với sự nhiệt tình và chịu khó, dần dần anh Khánh đã mang về thu nhập khủng, có ngày được cả triệu đồng và gắn bó lâu dài với nghề ship. “Vừa nhận giao hàng thường xuyên cho 2-3 cửa hàng tôi vừa trang bị thêm cáng xe để chở hàng cồng kềnh nên thu nhập của tôi đều đều tầm 15 triệu/ tháng. Vừa đi làm vừa có thể chăm sóc gia đình, phụ vợ chăm con khi con ốm hoặc về quê khi nhà có công việc gấp nên tôi không nghĩ đến chuyện chuyển việc khác”, anh Khánh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo anh Khánh, dù thu nhập cao nhưng công việc shipper vốn không "ngon ăn" như nhiều người nghĩ. “Không những phải chịu mưa nắng, sớm khuya ngoài đường, những người ship hàng như tôi đều không có gì đảm bảo, không bảo hiểm xã hội. Ngay cả khi khách bom hàng, lừa tiền, tráo hàng cũng chỉ biết kêu trời, tai nạn cũng luôn rình rập, mùa dịch cũng phải tự trang bị phòng dịch.
Nếu như trước đây trung bình tôi chạy được 500-600.000 đồng/ngày thì từ sau Tết chỉ được 200-300.000 đồng/ngày thôi, cửa hàng đóng cửa, người dân cắt giảm chi tiêu nên lượng đơn hàng ít hơn. Dù đội ngũ shipper là học sinh sinh viên giảm nhưng lượng người thất nghiệp đi làm shipper lại nhiều, nếu đơn nổ mà không nhận nhanh là người khác nhận ngay lập tức. Để bảo vệ bản thân, tôi cũng luôn chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay, kính che chống dịch”, anh Khánh chia sẻ.
Tình hình dịch bệnh phức tạp nên nhu cầu giao nhận hàng hóa tăng cao.
Là shipper của một hãng xe công nghệ, anh Sơn (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết để phòng lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho khách và tài xế, bên công ty anh làm đã triển khai phương thức giao hàng gián tiếp (Contactless Delivery) để giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa tài xế và khách hàng khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cụ thể, theo anh Sơn, khách có thêm tùy chọn điểm giao món là trước cửa nhà, tại quầy lễ tân của toà nhà hay bất kỳ vị trí nào thuận tiện cho việc nhận món. Sau đó, tài xế sẽ đặt thức ăn tại vị trí đã được chỉ định, thông báo đơn hàng đã đến qua cuộc gọi hoặc tin nhắn và đứng chờ khách ở khoảng cách 2 - 3m.
Đồng thời, khuyến khích khách hàng thanh toán trực tuyến để hạn chế tối đa sự tiếp xúc với tài xế. Nếu thanh toán bằng tiền mặt, khách hàng có thể gửi lại phong bì tiền tại điểm giao món ăn. Tất cả tài xế được khuyến nghị cần thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng trước và sau khi giao nhận đơn hàng.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong thời điểm khó khăn, nhiều người lựa chọn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng thay vì đầu tư kinh doanh với nhiều...