Lãi tiết kiệm liên tục tăng, người dân đang gửi bao nhiêu tiền trong ngân hàng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cùng với việc các ngân hàng liên tục tăng lãi tiết kiệm trở lại, số tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi ngân hàng lấy lãi cũng đã tăng mạnh trở lại.

Kể từ cuối tháng 3, các ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm trở lại. Bước sang tháng 6, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục được các nhà băng thực hiện. Theo đó, từ 3/6, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trở thành nhà băng đầu tiên trong nhóm 4 “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động sau khi "án binh bất động" trong suốt tháng 5 vừa qua.

Trong lần điều chỉnh lãi tiết kiệm này, VietinBank điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn từ 1-11 tháng. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 1-11 tháng tại nhà băng này đã vươn lên bằng với lãi suất cùng kỳ hạn tại BIDV. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng của VietinBank đã vượt trội so với 3 ngân hàng còn lại khi đang được niêm yết tại mức 5%/năm.

Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) điều chỉnh tăng 0,23%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng, tăng 0,1%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại. Với biểu lãi suất mới, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng của TPBank là 3,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,4%/năm, kỳ hạn 6 tháng 4,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5%/năm, kỳ hạn 18 tháng 5,4%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng có lãi suất huy động cao nhất là 5,7%/năm.

Lượng tiền nhàn rỗi người dân mang gửi tiết kiệm tăng mạnh trong tháng 2/2024

Lượng tiền nhàn rỗi người dân mang gửi tiết kiệm tăng mạnh trong tháng 2/2024

Cùng tăng lãi suất huy động trong ngày 3/6 còn có Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), mức tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-11 tháng. Lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn này đồng loạt tăng lên 4,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn còn lại được VIB giữ nguyên.

Trong khi các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, số tiền nhàn rỗi người dân mang gửi ngân hàng lấy lãi cũng đã tăng trở lại sau khi giảm trong tháng đầu năm 2024.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng mạnh tới 139.094 tỷ đồng so với tháng 1/2024, tương đương tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng trong tháng 2/2024.

Trong khi đó, tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp lại giảm mạnh. Nhóm này chỉ còn gửi 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, giảm tới 153.475 tỷ đồng, tương đương giảm 4,66% so với đầu năm. Đà giảm của khối doanh nghiệp kéo tổng tiền gửi chảy vào hệ thống tính đến tháng 2 giảm nhẹ, từ hơn 13,17 triệu tỷ vào cuối tháng 1 xuống còn 13,16 triệu tỷ đồng.

Tại hội thảo dự báo thị trường và chiến lược đầu tư ngày 23/5 vừa qua, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhìn nhận động thái tăng lãi suất, ngoài theo xu hướng của các thị trường quốc tế, còn nhằm mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường như vàng, chứng khoán... Bên cạnh đó, ông dự báo lãi suất tiền gửi tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa cuối năm nay, khi tín dụng phục hồi.

Nguồn: [Link nguồn]

Trái ngược với đà lao dốc của giá vàng trong những ngày cuối tháng 5, lãi suất tiết kiệm lại được các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng trở lại, thậm chi có những nhà băng tăng tiết kiệm tới 4 lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN