Lãi tiết kiệm liên tục giảm, kênh đầu tư nào sẽ hút dòng tiền?
Việc lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm thời gian gần đây khiến những người có tiền nhàn rỗi phải băn khoăn trong việc lựa chọn kênh đầu tư để xuống tiền.
Ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm
Sau quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước hôm 19/6 vừa qua, các ngân hàng thương mại cũng đã ngay lập tức điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm ở hàng loạt kỳ hạn. Thậm chí nhiều ngân hàng đã có lần thứ 2 liên tiếp điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm chỉ trong quãng thời gian 1 tuần.
Sau quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước, hàng chục ngân hàng thương mại rục rịch giảm lãi suất huy động, hứa hẹn hàng từng bước sẽ giảm lãi suất cho vay.
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) điều chỉnh mạnh lãi suất tiết kiệm hàng loạt kỳ hạn. Cụ thể, nhà băng này giảm lãi tiết kiệm online từ 0,2%/năm – 0,8%/năm đưa mức lãi suất cao nhất giảm chỉ còn 7,4%/năm. Ở hình thức gửi quầy, khách hàng nhận lãi suất huy động thấp hơn gửi online 0,2-0,4 điểm %; tuỳ kỳ hạn.
ABBank cũng điều chỉnh lãi suất huy động, giảm mạnh tới 0,5-0,7 điểm % ở các kỳ hạn trung và dài hạn. SeABank cũng vừa đồng loạt giảm 0,3 điểm % kỳ hạn gửi từ 6 tháng trở lên. Tương tự, TPBank cũng giảm 0,3 điểm % các kỳ hạn từ 6 tháng. Theo đó, lãi suất cao nhất tại TPBank chỉ còn 7,7%/năm.
Các ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi tiết kiệm trong thời gian gần đây
Các ngân hàng trong nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank cũng đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm. Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy của những ngân hàng này đều niêm yết các mức 3,4 – 4,1 – 5 – 6,3%/năm tương ứng với các kỳ hạn 1 tháng – 3 tháng – 6 tháng – 12 tháng.
Các ngân hàng trong nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank cũng đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm. Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy của những ngân hàng này khá giống nhau, đều niêm yết các mức 3,4 – 4,1 – 5 – 6,3%/năm tương ứng với các kỳ hạn 1 tháng – 3 tháng – 6 tháng – 12 tháng.
Với biểu lãi suất tiết kiệm mới được ngân hàng công bố, mức lãi tiết kiệm 8,5% cũng biến mất khỏi thị trường. Theo khảo sát hiện chỉ còn 2 ngân hàng niêm yết lãi suất trên 8%/năm là GPBank và OceanBank.
Việc các ngân hàng rục rịch giảm lãi suất huy động, được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng từng bước giảm lãi suất cho vay. Đơn cử, MSB chào mời vay mua nhà thổ cư với mức lãi suất từ 4,99%/năm, Shinhan Bank cho vay mua nhà với lãi suất 7,99%/năm, TPBank cho vay với lãi suất 8%/năm… Cùng với đó, có thể dịch chuyển dòng tiền tiết kiệm từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác.
Nhà đầu tư đã sẵn sàng xuống tiền?
Trước việc lãi tiết kiệm đã giảm từ 2-3%/năm ở hàng loạt kỳ hạn so với đầu năm, khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi quyết định chuyển dịch dòng tiền của mình sang các kênh đầu tư khác, trong đó chứng khoán, BĐS đang chứng kiến sự dịch chuyển của dòng tiền rõ ràng nhất.
Thị trường chứng khoán sôi động sau khi lãi tiết kiệm giảm sâu
Anh Hoàng Sang (42 tuổi, Hà Nội) – nhà đầu tư chứng khoán cho hay, những ngày gần đây thị trường giao dịch sôi động hơn hẳn với hàng loạt mã cổ phiếu đảo chiều từ giảm thành tăng. “Tranh thủ lướt sóng mốt số mã ngành bất động sản, chứng khoán,... 4 – 5 mã cổ phiếu của mìnhlai rai cũng có ăn. Hy vọng thời gian tới thị trường sẽ phục hồi ổn định” – anh Sang nói.
Loạt mã cổ phiếu tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” cũng đã thu được những khoản lời đáng kể từ 10 đến 30% chỉ trong thời gian ngắn.
Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán thời gian qua, nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” cũng đã thu được những khoản lời đáng kể từ 10 đến 30% chỉ trong thời gian ngắn khi loạt mã cổ phiếu tăng mạnh.
Theo đó, đang nắm giữ hơn 10.000 cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, anh Minh một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết nhờ đà tăng của HPG thời gian gần đây giúp mình có khoản lãi 11,5%. Tương tự, anh Đạt một nhà đầu tư khác tại Hà Nội cũng cho biết đang có khoản lợi nhuận 20% khi xuống tiền bắt đáy cổ phiếu NKG của Thép Nam kim cách đây không lâu.
Không chỉ các cá nhân, thời gian gần đây nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài cũng quyết định xuống tiền mua cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ nắm giữ.
Loạt lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài cũng quyết định xuống tiền mua cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ nắm giữ.
Theo đó, ông Lê Văn Nam, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC)đăng ký mua 2 triệu cồ phiếu trong thời gian từ 20/6-19/7. Tại CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HBS), trong thời gian từ 8/6-7/7, ông Nguyễn Anh Đức, Thành viên HĐQT đăng ký mua thỏa thuận 2,4 triệu cổ phiếu, với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.Tương tự, ông Lê Xuân Tùng, em ruột ông Lê Đình Dương, Phó Chủ tịch HĐQT, đăng ký mua thỏa thuận 3,2 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, em rể ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT Hodeco đăng ký mua vào 30.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 15 cổ phiếu lên 30.015 cổ phiếu, tương ứng 0,02% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 26/6 đến ngày 24/7.
Nhiều nhà đầu tư lãi đáng kể khi bắt đáy thành công các cổ phiếu
Trong ngày 20/6/2023, 2 quỹ thành viên Hanoi Investments Holdings Limited và Norges Bank đã lần lượt mua vào 1.459.700 cổ phiếu và 680.000 cổ phiếu HSG. Sau giao dịch, nhóm quỹ ngoại này tăng lượng sở hữu tại Hoa Sen từ 41,15 triệu cổ phiếu, chiếm 6,88% lên 43,29 triệu cổ phiếu, chiếm 7,24% vốn tại HSG.
Với quyết định xuống tiền của các nhà đầu tư thời gian gần đây, chỉ tính trên sàn HoSE, thanh khoản trên thị trường chứng khoán cũng tăng mạnh từ mức 10.000 tỷ đồng/phiên giao dịch 26/5 đã tăng lên mức tỷ USD trong phiên 8/6 và 16/6) với giá trị giao dịch lần lượt là 23.689 tỷ đồng và 22.425 tỷ đồng. Chỉ tính trong một tuần gần nhất (19-23/6), thanh khoản trung bình trên HoSE đạt hơn 16.455 tỷ đồng, tăng 0,25% so với tuần liền trước. Thanh khoản trên HN-Index đạt 1.962 tỷ đồng, tăng 0,27% so với tuần gần nhất.
Cùng với thị trường chứng khoán, thị trường BĐS cũng đang ghi nhận những khởi sắc sau những đợt giảm lãi tiết kiệm của ngân hàng.
Thị trường BĐS cũng ghi nhận những giao dịch thành công tại nhiều kèo được “chốt” là đất nền và căn hộ.
Theo đó, từ đầu tháng 6 đến nay nhóm đầu tư của anh Trọng (Hà Nội) đang đổ xô đi các ngả vùng ven để tìm đất nền. Mục tiêu của cả nhóm là những lô đất diện tích lớn có thể tách thửa, hoặc thuận lợi kinh doanh, có thể xây được nhà trọ…
Nhu cầu tìm mua BĐS của nhà đầu tư cũng ấm dần trở lại
Anh Duy Tân (quận 11) – một nhà đầu tư và Giám đốc Sàn Giao dịch BĐS phía Nam, cho biết hiện nay đã có ngân hàng chào anh gói lãi suất cho vay mới mua BĐS chỉ khoảng 9%/năm. Đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay và anh cũng đang cân nhắc việc xuống tiền đầu tư vào BĐS. “Lãi suất dù giảm nhưng với BĐS bây giờ để chờ tăng giá trị phải xác định dài hạn 5-10 năm” - anh Tân tính toán.
Trong khi đó, chị Huyền - một môi giới BĐS khu vực Hà Đông, Hà Nội cho biết đã chốt thành công 2 giao dịch là nhà xây sẵn với mức giá hơn 2 tỷ đồng/căn cho những người có nhu cầu ở thực chỉ trong 1 tuần gần nhất.
“Trong một tháng mình tôi “chốt” được 5 hợp đồng. Tôi sẽ tiếp tục bám trụ với công việc của mình, hy vọng thị trường sớm tốt lên” – chị Liên, môi giới BĐS tại Hà Nội.
Chị Liên, một môi giới khác tại Hà Đông, Hà Nội cho biết đã chốt thành công 5 giao dịch đất nền và nhà thổ cư chỉ trong 1 tháng gần đây. Với việc liên tục chốt được hợp đồng giao dịch thời gian qua, chị Liên chia sẻ sẽ tiếp tục bám trụ với công việc của mình để chờ thị trường tốt lên.
Tương tự, chị Phương một môi giới BĐS tại TP HCM cũng cho biết kể từ cuối tháng 5 đến nay nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư vào phân khúc đất nền từ các khách hàng của mình đã tăng đáng kể. Theo chị Phương, bên cạnh một số nhà đầu tư vẫn đang tham khảo về mức giá, một số khách hàng của chị đã xuống tiền chốt kèo thực hiện giao dịch khi giá BĐS nhiều khu vực giảm từ 10 đến 30%, thậm chí nhiều lô đất nền được chủ đất giao bán giảm tới 40% do áp lực trả nợ ngân hàng tăng cao.
Phân khúc BĐS trong tầm giá dưới 3 tỷ đồng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, phân khúc căn hộ tầm trung tại khu vực Tp.HCM và một số tỉnh lân cận ghi nhận giao dịch được cải thiện đáng kể từ giữa quý 2/2023. Đặc biệt, một số dự án có tổng giá trị trên dưới 3 tỉ đồng/căn hộ được giới thiệu gần đây thu hút nhiều khách hàng quan tâm.
Những tín hiệu này phần lớn nhờ vào các tín hiệu tích cực từ việc giảm lãi suất cũng như thông tin Chính phủ chỉ đạo gỡ vướng pháp lý các dự án bất động sản. Theo một chuyên gia trong ngành, sự vào cuộc của Chính phủ, ngành ngân hàng cùng nỗ lực của các chủ đầu tư đang tạo tâm lý tích cực cho thị trường. Người mua đã bắt đầu quay trở lại ở một số dự án có chính sách bán hàng tốt. Đặc biệt, có một số chủ đầu tư bắt tay với nhiều ngân hàng để hỗ trợ chính sách vay mua nhà khiến tâm lý người mua dần hồi phục, quan tâm tìm hiểu dự án và xuống tiền.
Đầu tư gì sinh lời thời điểm này?
Sau lần giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm từ phía Ngân hàng Nhà nước, nền lãi suất đã giảm về tương đương giai đoạn năm 2020. Nhóm phân tích của Chứng khoán SSI đánh giá đây là động thái khá chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.
“Chứng khoán là kênh được hưởng lợi ngay. Khi tiền gửi tiết kiệm bớt hấp dẫn, sẽ có sự dịch chuyển sang kênh khác", ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích CTCP chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích CTCP chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá những lần nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương luôn tác động vào thị trường chứng khoán. "Như chúng ta thấy, chứng khoán là kênh được hưởng lợi ngay. Khi tiền gửi tiết kiệm bớt hấp dẫn, sẽ có sự dịch chuyển sang kênh khác", ông Minh nói.
Lãi tiết kiệm giảm tạo sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác
Trong một hội thảo mới đây, ông Bùi Quốc Hiếu – Trưởng Bộ phận Phân tích kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán TPS nhận định việc giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn đã kích thích dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Trong khi đó, lượng tiền gửi đáo hạn lãi suất cao đầu năm ngoái cũng đóng góp một lượng tiền không nhỏ. Lãi suất huy động ở các ngân hàng quốc doanh thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 6,3% với kỳ hạn một năm. So với gửi tiền tiết kiệm, đầu tư chứng khoán đã hấp dẫn hơn. Đây cũng là động lực giúp thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
“Nhà đầu tư không nên đầu tư theo phong trào, theo số đông mà trước khi quyết định đầu tư kênh nào là cần hiểu rõ bản chất hoạt động của kênh đó” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng tại Chứng khoán MBS cho hay, sau khi giảm lãi suất, chứng khoán và bất động sản sẽ đều có tác động nhưng chứng khoán đi trước còn bất động sản theo sau.
Các chuyên gia cho rằng chứng khoán và bất động sản sẽ đều có tác động sau khi lãi tiết kiệm giảm
Theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, tín dụng bất động sản không xấu. Nếu rót vào đúng phân khúc nhu cầu thực, tín dụng bất động sản tăng mạnh sẽ lan tỏa hơi ấm ra toàn thị trường, toàn bộ nền kinh tế.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) kỳ vọng, việc NHNN hạ lãi suất lần thứ 4 sẽ giúp lãi suất cho vay mua nhà dần hạ nhiệt, từ đó tác động tích cực tới tín dụng mua nhà và thanh khoản thị trường bất động sản. Khi chính sách hỗ trợ thực sự “ngấm” (lãi suất rẻ, giãn nợ trái phiếu, tái cơ cấu nợ, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng…), thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại.
Về phần mình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyến cáo“Trong bối cảnh hiện nay, lời khuyên tốt nhất cho nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư kênh nào là cần hiểu rõ bản chất hoạt động của kênh đó. Nhà đầu tư không nên đầu tư theo phong trào, theo số đông”.