Lưu bài Bỏ lưu bài

Lãi suất neo cao, người vay phải bán rẻ tài sản, doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt

Trước áp lực lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao, nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn. Thậm chí có người đã phải bán đi tài sản của mình để tất toán khoản vay lãi ngân hàng.

Cá nhân và doanh nghiệp đều “than khó” vì lãi suất neo cao

Anh Đinh Văn Thanh (Long Biên, Hà Nội) cho biết đang có khoản vay mua căn chung cư hơn 2 tỉ đồng tại một NH thương mại với lãi suất trên 14%/năm. "Lãi suất đang trả 10,5%/năm được NH đẩy lên 14%/năm, dù thời điểm giải ngân khoản vay, cán bộ tín dụng nói lãi suất thả nổi sau giai đoạn ưu đãi chỉ 11%/năm. Đến nay, lãi suất huy động giảm mà chưa thấy lãi vay giảm cùng, tôi vẫn đang cố gắng "gồng" duy trì thanh toán đúng hạn mỗi tháng" - anh Thanh kể.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, phân khúc vay mua nhà để ở, lãi suất vay mua nhà tăng nhanh trong thời gian qua cũng khiến nhiều người vay chóng mặt. Lãi suất cho vay mua nhà tăng từ 9%-10%/năm lên tới 14%-15%/năm khiến nhiều người trở tay không kịp buộc phải bán đi tài sản duy nhất của mình để tất toán khoản vay với nhà băng.

Lãi vay tăng cao khiến nhiều người vay mua BĐS gặp nhiều áp lực

Lãi vay tăng cao khiến nhiều người vay mua BĐS gặp nhiều áp lực

Không thể gồng lãi như anh Thanh, anh Trịnh Khôi (Hà Đông, Hà Nội) lại quyết định bán chiếc xe ô tô trả góp trong tiếc nuối. Anh Khôi cho biết năm 2022, anh mua xe bán tải Ford Ranger với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng cả đăng ký, trong đó anh vay ngân hàng 700 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 10,5%/năm. Hết thời gian ưu đãi, ngân hàng điều chỉnh lãi suất lên 16%/năm, trong khi thu nhập giảm do công việc kinh doanh trì trệ, cực chẳng đã anh Khôi đành quyết định bán xe.

“Chưa kể khoản lãi phải trả gần 9 triệu mỗi tháng, chỉ sau một năm giờ phải bán xe với giá giảm gần 300 triệu. Như vậy, sau một năm dùng xe, tôi lỗ tới cả 400 triệu. Thật là thiệt đơn thiệt kép” – anh Khôi xót xa chia sẻ.

Đối với doanh nghiệp, nỗi lo đối diện khoản vốn và lãi vay dường như còn ngày càng lớn hơn. Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực giấy cho biết, doanh nghiệp vừa được ngân hàng gửi thông báo giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5%/năm. "Lãi suất cho vay giảm là tín hiệu khả quan. Nhưng kinh tế rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm, sức mua rất yếu, cả nội địa lẫn thị trường xuất khẩu. Do vậy doanh nghiệp rất ngại vay vốn. Nhiều doanh nghiệp dệt may, đồ gỗ, in... đã không còn gồng nổi và đã phải sa thải lao động hàng loạt" - ông Linh nêu thực tế.

Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), việc thị trường địa ốc chứng kiến đà suy giảm trong cả nguồn cung lẫn sức cầu đã khiến các sàn giao dịch cũng như môi giới viên bị đặt vào tình cảnh khó khăn.

Theo thống kê của VARS, 39% doanh nghiệp có doanh thu quý I suy giảm lên tới 20-50%. Số đơn vị còn lại đều tụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí, một số doanh nghiệp có quy mô dưới 100 nhân viên còn chứng kiến mức giảm doanh thu lên tới 70-80%.

Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc trong thời gian qua.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5 cho thấy hơn 88.000 doanh nghiệp rời thị trường. Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với 9.556 doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh đặc biệt khó khăn khi 82% dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của 2023. Với các doanh nghiệp còn hoạt động, 71% dự kiến giảm quy mô lao động, trong đó có trên 22% dự kiến giảm hơn một nửa nhân sự; 80,3% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó 29,5% giảm trên 50%. Hơn 80% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại.

Thị trường BĐS ảm đạm khiến các sàn giao dịch và môi giới gặp khó khăn

Thị trường BĐS ảm đạm khiến các sàn giao dịch và môi giới gặp khó khăn

Trước những khó khăn về nguồn vốn mà các doanh nghiệp phải đối mặt thời gian qua, hàng chục nghìn người lao động đã bị ảnh hưởng. Đơn cử như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (đóng ở Q.Bình Tân, là công ty đông lao động nhất TP.HCM) vừa qua đã có 3 đợt cắt giảm hơn 8.000 lao động.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động trong thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp). Cũng trong thời gian này, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động); số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng); số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25%).

Lãi suất quá cao hay người vay còn thụ động?

Theo báo cáo thị trường tháng 6 của SSI Reseach, trái ngược với xu hướng của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm, với mức giảm 0,5 điểm %/năm ở một số lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hay lãi suất trên kênh OMO.

Tuy nhiên, theo ước tính của SSI, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm – giảm khoảng 2,2 điểm % so với cuối năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với mức chịu đựng của doanh nghiệp.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng đối với các doanh nghiệp, những quy định chưa hợp lý như siết chặt quá mức hay áp dụng mức lãi suất cho vay hiện còn ở mức cao, như là những cú bồi khiến loạt doanh nghiệp knock-out ngay trên sân nhà của chính mình.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị - Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị - Ảnh quochoi.vn

Thậm chí, một số ý kiến cho rằng tiền ngân hàng đang dư nhưng doanh nghiệp không biết vay và làm gì để vừa trả lãi ngân hàng vừa có lợi nhuận được.

Phát biểu tại phiên thảo luận về Tình hình kinh tế - Xã hội và ngân sách nhà nước, những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV mới đây, các đại biểu chỉ rõ thực trạng, phân tích nguyên nhân.

Trong đó, Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị góp ý: “Lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những cú bồi khiến cho doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà của chính mình”.

Theo Đại biểu Thắng, doanh nghiệp khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận...

"Rất nhiều lần Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, còn thực tế đáp ứng thì chưa hẳn" ông Trịnh Xuân An, Đại biểu tỉnh Đồng Nai.

"Vốn là máu của doanh nghiệp. Một khi cơ thể ốm yếu mà không đủ máu thì đã ốm sẽ ốm hơn", ông Trịnh Xuân An, Đại biểu tỉnh Đồng Nai nhìn nhận. Hiện mặt bằng lãi suất tuy có giảm, doanh nghiệp vẫn phải vay với mức trên 10% chưa kể các chi phí khác khiến doanh nghiệp khó lòng trụ được.

Ông An cho rằng Chính phủ đã phải dùng mệnh lệnh hành chính, nhưng tiếp cận và đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh vẫn nghẽn. "Rất nhiều lần Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, còn thực tế đáp ứng thì chưa hẳn". Theo ông, cần có những hành động quyết liệt hơn với thị trường vốn, ví dụ một chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%; đồng thời thay đổi các điều kiện cho vay "dễ thở" hơn. "Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp với doanh nghiệp", ông nói.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Trần Ngọc Báu CEO Wigroup – Chuyên gia tài chính cho rằng, nếu nói lãi suất là "giá" của tiền thì có thể hình dung cung tiền giống như "thanh khoản" vậy. Việc quá tập trung vào “giảm giá” trong khi “thanh khoản đóng băng” thì có thể hiệu quả mang lại không cao, gây lãng phí nguồn lực.

Ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup

Ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup

“Lãi suất tăng là câu chuyện toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Bản thân doanh nghiệp cũng là tác nhân gây ra viễn cảnh hiện tại chứ không chỉ riêng nhà điều hành hay hệ thống ngân hàng” – ông Trần Ngọc Báu CEO Wigroup, Chuyên gia tài chính.

Với bối cảnh cung tiền yếu như hiện nay, việc cố gắng chạy theo giảm lãi suất nhanh chóng so với xu hướng toàn cầu trong khi tỷ giá hiện tại vẫn còn nhiều ẩn số có thể phát sinh những rủi ro đảo ngược dòng vốn và gây ra những hệ lụy kép với kinh tế Việt Nam.

Với các doanh nghiệp trong nước, việc không chịu đa dang nguồn huy động mà chỉ ỉ lại toàn bộ vào hệ thống ngân hàng nên những biến động về lãi suất hay room tín dụng cũng trở thành rủi ro lớn với doanh nghiệp Việt.

“Thiết nghĩ hiện nay lãi suất tăng là câu chuyện toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam, và chúng ta cũng đã có những hành động nới lỏng rất sớm và kịp thời. Vậy nên bản thân doanh nghiệp cũng là tác nhân gây ra viễn cảnh hiện tại chứ không chỉ riêng nhà điều hành hay hệ thống ngân hàng” – ông Báu nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất, rà soát lại các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng.

Liên quan vấn đề lãi suất, trong công điện chiều 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm cách giảm thêm lãi suất. Cơ quan này cũng phải rà soát lại các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng nhằm hướng đến các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi hơn; đồng thời tăng cường kiểm tra, không để xảy ra trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật.

Ngân hàng mỏi mắt tìm... mà doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn

Trước những khó khăn về nguồn vốn kinh doanh cho cá nhân và doanh nghiệp, thời gian qua hệ thống các ngân hàng đã tích cực vào cuộc. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn, hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, tuy nhiên, thực tế vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục tập trung xử lý.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Về cấp tín dụng cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, thực tế hiện nay có nhóm doanh nghiệp không dám vay vì sợ kinh doanh thua lỗ. Có nhóm doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn. Còn lại là nhóm không thể vay vốn, đây là nhóm đông nhất, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu điều kiện vay vốn…

“Hiện nay có nhóm doanh nghiệp không dám vay vì sợ kinh doanh thua lỗ. Có nhóm doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn. Còn lại là nhóm không thể vay vốn, đây là nhóm đông nhất, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu điều kiện vay vốn”…Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

“Do đó hệ thống ngân hàng xem xét, nghiên cứu để có giải pháp phù hợp đối với nhóm doanh nghiệp này”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề xuất và nhấn mạnh, phải có giải pháp để xử lý tận gốc của vấn đề. Kinh tế thế giới nói chung đang suy thoái và hệ thống doanh nghiệp trong nước chưa khỏe mạnh, nên phải xử lý dần dần. Hiện nay, lạm phát đang được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, do đó có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, trong thực tế, bên cạnh câu chuyện về khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với ngân hàng, còn có một câu chuyện khác là “các ngân hàng cũng đang đỏ mắt tìm doanh nghiệp để cho vay. Ngân hàng nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân. Chẳng có ngân hàng nào muốn giữ tiền trong két. Bởi nếu khư khư ôm vốn thì ngân hàng cũng “khó mà sống khỏe”. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

“Bên cạnh câu chuyện về khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với ngân hàng, còn có một câu chuyện khác là “các ngân hàng cũng đang đỏ mắt tìm doanh nghiệp để cho vay””... - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

“Nếu không có một loạt giải pháp kịp thời, hiệu quả để kiểm soát lạm phát, bảo đảm tỷ giá, không điều hành lãi suất nhịp nhàng như thời gian qua,… liệu chúng ta có được như hiện nay không? Cách đây 7-8 tháng chúng ta cũng mong giữ được kinh tế vĩ mô ổn định như bây giờ. Chính phủ đã điều hành vĩ mô rất tốt!” Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh “cầu” giảm, nhiều doanh nghiệp không bán được hàng nên chưa có nhu cầu vay vốn, do đó các giải pháp cần phải kiên nhẫn, nóng vội cũng không được. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông về tín dụng để xã hội hiểu, đồng thuận.

Lãi suất neo ở mức cao, người vay phải bán rẻ tài sản, DN đóng cửa hàng loạt - 7

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Ba, ngày 13/06/2023 05:29 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])