Hàng nghìn nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo đa cấp biến tướng, gia đình ly tán lâm cảnh đường cùng
Với các chiêu trò tinh vi như tự ý vẽ “siêu dự án” bất động sản để “lùa gà”; mời mua cổ phần với lợi nhuận khủng,... các đối tượng dễ dàng lừa hàng trăm đến hàng nghìn người với số tiền lớn tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói, trong số đó rất nhiều nạn nhân là những người nghèo, bệnh nặng, không còn khả năng lao động,...
Hàng loạt dự án ma “siêu lợi nhuận” hút hàng nghìn nạn nhân “rót vốn”
Mới đây nhất, trên rất nhiều các trang mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh, đơn thư của hàng trăm người – được cho là nạn nhân sập bẫy đầu tư mua cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu.
Tập đoàn Sen Tài Thu bị tố lừa khoảng 1.021 tỷ đồng của 463 khách hàng dưới hình thức huy động vốn bằng vỏ bọc mua cổ phần.
Đáng chú ý, Sen Tài Thu vốn nổi tiếng là một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không phải là một tổ chức tín dụng, nhưng lại huy động vốn dưới vỏ bọc mua cổ phần. Sau một thời gian thanh toán đầy đủ gốc và lãi cho các nhà đầu tư thì trong thời gian gần đây, “tập đoàn” này bị tố việc mất khả năng chi trả với số tiền tạm được xác định là khoảng 1.021 tỷ đồng của 463 khách hàng.
Nhiều người mắc kẹt khi chi số tiền lớn đầu tư vào Tập đoàn Sen Tài Thu thông qua mua cổ phần nhằm hưởng lãi cao - Ảnh: Lao Động
Chị Nguyễn Thị Thu hiện đang làm nhân viên bưng bê tại một quán ăn ở quận Ba Đình (TP Hà Nội) với mức lương 5 triệu đồng/tháng nhưng đây lại là một nhà đầu tư, sở hữu đến gần 17.000 cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu với trị giá thời điểm mua vào là 2 tỉ đồng. Hiện chị Thu đang phải “chạy ăn từng bữa”, thậm chí vay lãi ngày để trang trải viện phí cho người bố đang bị tai biến, liệt nửa người của mình.
Tương tự, bà Trần Thị Hoà (75 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) sở hữu 6 hợp đồng mua cổ phần trị giá 1,75 tỉ đồng tại Tập đoàn Sen Tài Thu. Khoản tiền đầu tư vốn trước đây là tiền tiết kiệm gửi tại một ngân hàng để dưỡng già, sau đó được nhân viên ngân hàng mời chào giới thiệu chuyển qua mua cổ phần tại Tập đoàn Sen Tài Thu.
Một nạn nhân khác tên S. cho biết - hiện bà đứng tên 10 hợp đồng mua cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu, với tổng số tiền là hơn 16 tỉ đồng.Thời điểm này, bà S. đang điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 4, việc điều trị rất tốn kém nhưng không còn tiền, lại không dám xin con cái...
Hơn 10.000 cá nhân bị Công ty Bất động sản Nhật Nam lừa tham gia đầu tư
Chỉ vài ngày trước đó, dư luận trong nước cũng đã rúng động trước thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Bất động sản Nhật Nam) lừa đảo hơn 10.000 nhà đầu tư với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Bằng nhiều chính sách kêu gọi hợp tác đầu tư rất hấp dẫn với mức lãi suất trung bình khoảng 46%, thậm chí tới 80%/năm, Công ty Bất động sản Nhật Nam do bà Vũ Thị Thuý (SN 1983) làm Tổng giám đốc đã lừa hơn 10.000 cá nhân với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, những năm gần đây, công ty Nhật Nam tung ra nhiều chính sách kêu gọi hợp tác đầu tư rất hấp dẫn với mức lãi suất trung bình khoảng 46%, thậm chí tới 80%/năm. Nhà đầu tư chỉ cần ký hợp đồng và lĩnh tiền, không cần quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Bên cạnh đó, cứ đầu tư 4 tỷ sẽ có 1 sổ cổ đông chiến lược, mỗi tháng ngoài lợi nhuận, nhà đầu tư được lĩnh thêm 15 triệu đồng/tháng. Ngoài tặng sổ cổ đông, công ty Bất động sản Nhật Nam còn hào phóng tặng cổ phiếu nội bộ cho các nhà đầu tư. Gói 100 triệu đồng được tặng 125 cổ phiếu. Gói 5 tỷ đồng tặng 10.000 cổ phiếu. Với giá 1 cổ phiếu do Nhật Nam tự quy định là 16.000 đồng và cam kết 10 tháng sau công ty sẽ mua lại với giá 20.000 đồng, thậm chí là 27.000 đồng/cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư đối diện nguy cơ mất tiền khi đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam
Với những chiêu trò kêu gọi vốn đầu tư bằng hình thức "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" với cam kết lợi nhuận được chia từ 40 đến 80%/năm, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam do bà Vũ Thị Thuý (SN 1983) làm Tổng giám đốc, dù chỉ hoạt động trong vòng hơn 3 năm, đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 người, với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Chinh (Hải Dương), một trong những nạn nhân bị bất động sản Nhật Nam đẩy vào cảnh vợ nỡ, vợ chồng cãi nhau “tan cửa nát nhà” cho biết, thời gian qua, chị sống chật vật, chạy vạy khắp nơi để trả lãi ngày khi số tiền vay mượn để đầu tư vào Nhật Nam lên tới 4 tỷ đồng. Không chỉ chị Chinh mà nhiều người khác ở Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Yên,… cũng tin tưởng Bất động sản Nhật Nam nên đã rủ bạn bè, người thân gom hết tiền nhà mang đi đầu tư với mong muốn kiếm chút lãi hàng ngày để ổn định cuộc sống. Những tưởng có thể kiếm tiền làm giàu nhưng hàng trăm người trong số họ lại rơi vào cảnh khốn cùng và không biết đến khi nào có thể lấy lại được số tiền đã đầu tư.
Được biết, ngoài những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Tập đoàn Sen Tài Thu và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam, thời gian qua còn hàng chục vụ lừa đảo, “lùa gà” đa cấp biến tướngtương tự ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có những nạn nhân đối diện tận cùng nỗi khổ. Rất nhiều gia đình ly tán, nhiều người trầm cảm vì quá lo lắng, thậm chí có trường hợp ung thư giai đoạn cuối phải chấp nhận đi vay nặng lãi vì không còn tiền chữa trị...
Trong đó phải kể đến siêu lừa Nguyễn Thái Luyện trong vụ đại án Alibaba lừa 4.300 người chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng giai đoạn 2016/17 khiến nhiều người chưa thể quên. Hiện, Luyện đã bị tuyên án chung thân.
Đã có khoảng 4.000 nhà đầu tư đã ký hơn 7.000 hợp đồng hợp tác đầu tư và nộp hơn 400 tỷ đồng vào công ty Bank Land
Hay các bản hợp đồng hợp tác kinh doanh với mức lãi suất không tưởng của Công ty cổ phần Tập đoàn Bank Land (Công ty Bank Land) giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022 cũng khiến hàng nghìn nạn nhân mất tiền khi cảnh sát xác định có khoảng 4.000 nhà đầu tư đã ký hơn 7.000 hợp đồng hợp tác đầu tư và nộp hơn 400 tỷ đồng vào công ty Bank Land,…
Tại Đồng Nai, mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã bắt tạm giam 23 bị can của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh Lộc Phúc, liên quan hành vi lập dự án "ma" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách hàng...
Được biết, “sập bẫy” lừa đảo của các dự án “bánh vẽ” có rất nhiều nạn nhân là những người tận cùng nỗi khổ, như ung thư giai đoạn cuối, tai biến liệt nửa người, người già hết khả năng lao động,… Mất tiền, khiến nhiều người rơi vào đường cùng, gia đình ly tán, trầm cảm vì quá lo lắng, thậm chí có trường hợp ung thư giai đoạn cuối phải chấp nhận đi vay nặng lãi vì không còn tiền chữa trị.
“Trắng tay” vì ham lợi nhuận cao?
Từ các chiêu trò lừa đảo tại Bất động sản Nhật Nam, Sen Tài Thu, Công ty Phúc Lộc,... cho thấy dù các chủ doanh nghiệp đều sử dụng phương thức lừa đảo như nhau, thậm chí “cũ rích” nhưng vẫn có rất nhiều người dễ dàng sập bẫy.
“Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến, nhưng nhiều người vẫn dễ dàng bị lừa” - Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam.
Theo các chuyên gia trong ngành, đây là hồi chuông cảnh báo về thực trạng người dân thiếu hiểu biết pháp luật, hám lợi nhuận cao, dễ dàng bị đối tượng lừa đảo dụ dỗ, chiếm đoạt tiền.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì.
Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người bị lừa đảo với chiêu “lùa gà” quen thuộc là sử dụng lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư - Ảnh: Lao Động
Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư. Nhiều công ty còn đưa ra những cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30%, có những trường hợp lên đến 50-70% năm hoặc vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp...
Ngoài ra, các đối tượng còn mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng,...
Để lách luật, các đối tượng sẽ ký kết với khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng ủy thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác đầu tư... Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh... để huy động vốn cho các dự án bất động sản không đủ điều kiện thậm chí là dự án “ma”, không có thật.
Ông Nguyễn Văn Đính đưa ra lời khuyên các nhà đầu tư cần phải thận trọng với những quyết định của mình
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là bài học cho các nhà đầu tư, làm gì cũng phải tuân thủ pháp luật.
“Truyền thông đã nói rất nhiều về mua bán nhà đất phải theo luật, đằng này người dân cứ ham rẻ, ham lợi xông vào mua. Thực tế, tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến, nhưng nhiều người vẫn dễ dàng bị lừa” – ông Đính nói.
Luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng luật Thanh Niên cho biết, đối với những trường hợp như trên thì trước mắt thiệt hại lớn nhất của khách hàng ở đây là không biết đến bao giờ mới lấy được tiền, mà có lấy lại được tiền thì cũng rất gian truân.
Bởi thế, để tránh rủi ro, nhà đầu tư phải luôn tìm hiểu kĩ thông tin các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,... trước khi tham gia, góp vốn đầu tư để tránh tiền mất tật mang.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |