Giá vàng rớt thảm nhà đầu tư choáng váng, lỗ cả trăm triệu đồng
Từng là kênh đầu tư sinh lời tốt nhất từ đầu năm, nhưng với những phiên lao dốc gần đây khiến nhiều nhà đầu tư vàng “choáng váng”. Đà giảm giá mạnh của vàng miếng khiến nhà đầu tư thiệt hại cả trăm triệu đồng….
Vàng miếng SJC lao dốc, nhà đầu tư “bốc hơi” cả trăm triệu đồng
Thị trường vàng trong nước và thế giới chứng kiến những biến động mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Theo đó, giá vàng thế giới ghi nhận giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố không mua vàng trong tháng 5, chấm dứt 18 tháng mua ròng liên tiếp - yếu tố được cho là kéo vàng lên cao kỷ lục.
Cuối giờ chiều 7/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay lập tức giảm từ 2.385 USD/ounce xuống còn 2.335 USD/ounce (tương đương chỉ còn 72,3 triệu đồng/lượng). Thậm chí kết phiên giao dịch ngày 7/6, giá vàng thế giới đóng cửa ở mức 2.292,6 USD/ounce tương đương giảm mạnh tới 83,4 USD/ounce (giảm 3,51% so với phiên liền trước).
Sau đợt lao dốc này, cuộc khảo sát của Kitco News cho biết ít nhà phân tích Phố Wall lạc quan về giá vàng trong tuần tới. Chỉ 2 trong 18 chuyên gia được hỏi tin rằng giá vàng sẽ còn tăng. Ngược lại, có đến 11 người (chiếm 61%) dự báo giảm và 5 (chiếm 28%) cho rằng thị trường sẽ đi ngang.
Giá vàng thế giới lao dốc sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố không mua vàng trong tháng 5 - Ảnh Kitco.com
Tại Việt Nam, thời điểm 11 giờ 30 phút ngày 8/6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên liền trước. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng giữ nguyên mức giá so với chốt phiên liền trước ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giới phân tích nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp đã giúp "hạ nhiệt" giá vàng trong nước, đồng thời thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thời gian qua.
Đà giảm mạnh của giá vàng miếng SJC sau khi các ngân hàng trong nhóm Big 4 triển khai bán vàng khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Bà Hoàng Hồng (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi thấy giá vàng tụt xuống đầu 8 rồi đầu 7, huyết áp của tôi cũng tụt theo. Chỉ vài tuần trước đây (hôm 10/5), tôi mua vào lúc này giá vàng 92 triệu đồng/lượng lúc đó xu hướng giá vàng trong nước đang đà tăng, mỗi ngày tăng thêm 1 triệu đồng/lượng, sức mua thị trường cho tôi cảm giác giá vàng miếng sẽ còn có thể lên ngưỡng 100 triệu đồng/lượng. Ngoan cố không chịu bán ra nên bây giờ vàng hạ nhiệt, tôi mới tiếc ngẩn người, lỗ nặng mà không biết làm sao”.
Nhiều nhà đầu tư choáng váng với mức giảm của giá vàng miếng SJC trong những phiên giao dịch gần đây
Không riêng gì trường hợp của bà Hồng, ông Chiến (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tiếc nuối cho hay, chỉ trong vài ngày ông đã mất gần 100 triệu đồng vì ôm vàng trong tình trạng tương tự.
“Chứng kiến giá vàng giảm sốc, tôi nghĩ cần tranh thủ mua luôn. Lúc tôi mua vàng SJC ở mức giá 84 triệu đồng/lượng (ngày 1/6), nhưng đến chiều 7/6, chỉ còn 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chỉ sau một tuần giá vàng SJC bán ra giảm 7 triệu đồng/lượng. Cộng thêm chênh lệch giá mua vào - bán ra, tôi lỗ đến 9 triệu đồng/lượng”, ông Chiến chia sẻ.
Trên các hội nhóm, diễn đàn mua bán vàng, nhiều người nắm giữ vàng SJC cho hay cũng “tụt huyết áp” với đà tụt dốc của vàng. Hầu hết những người nắm giữ vàng đều lỗ nặng khi giá vàng liên tiếp giảm.
Vàng miếng SJC không còn lấp lánh
Từ đầu năm 2024, giá vàng liên tục biến động mạnh, vàng có thời điểm được xem là kênh đầu tư sinh lời cao nhất khi giá giao dịch ngày 10/5 chạm ngưỡng 92,4 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá trong nước và thế giới nới rộng, 18-20 triệu đồng. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 8/6, giá vàng miếng được SJC niêm yết chỉ còn ở mức 74,98 triệu đồng/lượng - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tương đương đã giảm tới hơn 15 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Thậm chí, với những người mua vàng miếng SJC ở mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng, đến nay đã lỗ tới 17,42 triệu đồng/lượng, tương đương lỗ gần 19% chỉ sau chưa đầy một tháng.
Người dân xếp hàng chờ mua vàng ở các điểm giao dịch ngân hàng
Trước việc giá vàng miếng SJC giảm mạnh trong những ngày gần đây, nhiều người đã tranh thủ xuống tiền mua vàng miếng nhằm tích trữ. Tại nhiều điểm bán vàng tại các ngân hàng ở Hà Nội, trong những ngày qua xuất hiện tình trạng người dân xếp hàng dài chờ mua vàng. Tuy nhiên, nhiều người đã phải thất vọng khi mất thời gian nhưng cũng không mua được.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn An Huy - chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về thị trường vàng thuộc Công ty FIDT, cho rằng hiện tượng người dân kéo nhau đi mua vàng miếng do đang thiếu kênh đầu tư tích sản. Hiện tại thị trường bất động sản đang gặp khó, trái phiếu vẫn trong cuộc khủng hoảng niềm tin, còn thị trường chứng khoán theo hướng đầu tư an toàn dài hạn chưa thực sự được phổ cập đến đông đảo người dân.
Tuy nhiên, trước những biến động mạnh của giá vàng miếng thời gian gần đây, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thận trọng trong mọi giao dịch, nên nghiên cứu thị trường kỹ càng để tránh thua lỗ đáng tiếc. Đặc biệt, trước diễn biến của tình hình thế giới, giá vàng SJC có thể còn dư địa giảm tiếp, người dân nên chọn thời điểm giao dịch hợp lý, tránh tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội).
Theo TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng phương thức bán vàng can thiệp trực tiếp, các ngân hàng thương mại như đại lý uỷ thác và Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán ra thị trường với một khoảng cách chênh lệch định trước với giá quốc tế. Như vậy, sau khoảng 10 phiên, chêch lệch sẽ sớm thu hẹp. Do đó người dân cần hết sức cẩn trọng trong các giao dịch vàng thời điểm này.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng với biến động của giá vàng thời điểm hiện nay
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khuyến nghị người dân và các nhà đầu tư kinh doanh trên thị trường vàng cẩn trọng khi giá vàng đang giảm dần, chênh lệch giá quốc tế và trong nước sẽ bị thu hẹp lại.
"Rõ ràng những người đã đổ xô đi mua vàng trong thời gian vừa qua đã lỗ và xu hướng lỗ ngày càng lớn nếu tiếp tục lao vào thị trường này để đầu cơ. Những tháng gần đây, yếu tố đầu cơ đã giảm, bằng chứng là tiền gửi tiết kiệm của dân chúng tại các ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trở lại mặc dù tiền gửi của doanh nghiệp vẫn tiếp tục giảm", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, các nhà đầu tư và đầu cơ trên thị trường tài chính cần phải rà soát lại danh mục đầu tư theo hướng kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ấm trở lại, giá vàng sẽ tiếp tục giảm.
Tiếp tục quản lý thị trường vàng, chống vàng hóa nền kinh tế
Tại Nghị quyết ngày 5/6, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng. Cơ quan này phải khắc phục tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch. "Không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô", Nghị quyết nêu.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết ngoài sử dụng các công cụ bình ổn thị trường vàng hiện nay, Chính phủ sẽ sửa Nghị định 24. Việc này góp phần bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, ngăn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước tăng kiểm tra, giám sát, thực hiện quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong kinh doanh, mua bán vàng. Việc này phải hoàn thành trước ngày 15/6. Với những doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện quy định về hóa đơn, Chính phủ nhắc lại yêu cầu "rút, thu hồi giấy phép kinh doanh".
Trong khi đó, theo các chuyên gia, cùng với giải pháp tức thì như: phân phối vàng tới người dân thông qua hệ thống ngân hàng; quản lý chặt hoá đơn khi bán vàng; thanh tra, kiểm tra… thì cơ quan quản lý cần bổ sung những giải pháp khác để ổn định thị trường vàng trong dài hạn.
Đặc biệt, các chuyên gia đều cho rằng vàng không phải mặt hàng thiết yếu nên không cần bình ổn giá. “Nếu nước ta giàu như Mỹ hay Trung Quốc thì không nói. Nhưng, trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đang phát triển, ngoại tệ không dồi dào lại phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu vàng vật chất phục vụ nhu cầu của người dân mà đây không phải mặt hàng thiết yếu thì không đáng. Để thoả mãn nhu cầu sở hữu vàng vật chất này, chúng ta phải hy sinh ngoại tệ cho đầu tư, phát triển. Nên để dành ngoại tệ cho những việc quan trọng hơn”, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói.
Còn theo TS. Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế, Tài chính TP. HCM, việc quản lý thị trường vàng cần có lộ trình chặt chẽ, thận trọng và hướng tới 2 mục tiêu: (1) kiểm soát dòng tiền để phòng chống rửa tiền, chống chuyển giá và (2) kiểm soát ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Nếu không kiểm soát tốt hai vấn đề này thì nguồn lực trong nước sẽ bị hao hụt rất lớn.
Giá vàng thế giới cũng có biến động mạnh trong thời gian gần đây
"Trước năm 2012, có một giai đoạn vàng và đô la là phương tiện tích luỹ, cất giữ của cải của người dân; thậm chí trở thành phương tiện thanh toán trong nhiều giao dịch lớn, chẳng hạn mua bán bất động sản. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp chống vàng hoá, đô la hoá, người dân đã dần dần hiểu rằng để tiền vào ngân hàng có lợi hơn tích trữ vàng. Niềm tin của người dân vào VNĐ đã được củng cố rất nhiều nên nguy cơ xảy ra tình trạng vàng hoá nền kinh tế không cao. Hiện nay, chức năng tích trữ của cải thông qua vàng dần mờ nhạt. Do đó, diễn biến phức tạp của giá vàng trong thời gian qua chủ yếu do đầu cơ bơm, thổi giá" - TS. Ngô Minh Hải, nhận định.
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tìm ra những giải pháp nhằm giảm sức hấp dẫn của thị trường vàng, thay đổi thói quen tích trữ vàng vật chất của người dân.
"Về dài hạn, để có một thị trường vàng hiệu quả, tôi nghĩ rằng phải xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Ở đó, thị trường được tiếp nhận các công cụ, các dịch vụ theo quy luật cung cầu và rời xa dần tập quán mua bán vàng dưới dạng vật chất. Một thị trường với các chứng chỉ vàng, các giao dịch vàng tài khoản… sẽ cho thấy các tiện ích vượt trội so với vàng vật chất mà người dân tiếp nhận. Các chứng chỉ vàng hay giao dịch vàng tài khoản thì mức giá chính là giá quốc tế rồi. Cho nên, cần chỉnh sửa ngay Nghị định 24 để có một khuôn khổ pháp lý hội nhập quốc tế sâu hơn, để có một thị trường chuyên nghiệp hơn" - TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia chia sẻ.