DANH MỤC

Vàng miếng lao dốc, nhà đầu tư ôm tiền “đẩy giá” đất nền Hà Nội tăng mạnh

Giá vàng miếng SJC lao dốc, mất cả chục triệu đồng/lượng trong thời gian ngắn khi cơ quan chức năng có những biện pháp bình ổn thị trường. Trước động thái trên, nhiều người băn khoăn liệu đây có phải thời điểm thích hợp để "xuống tiền" đầu tư bất động sản hay tiếp tục "ôm” vàng? 

Nhà đầu tư tranh thủ chốt lời vàng, xuống tiền vào đất nền

Sau động thái bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh. Giá vàng SJC ngày 21/6 được niêm yết ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), với mức giá này vàng miếng SJC đã có cả chục phiên giao dịch không có sự biến động về giá. Diễn biến này giúp thu hẹp khoảng cách giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn trơn, chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Trước đó, giai đoạn đầu năm khi giá vàng tăng mạnh, nhẫn trơn thường cách khoảng 10 triệu đồng so với giá vàng miếng.

“Tôi may mắn chuyển hướng mua thành công một lô đất nền, sau khi bán một số lượng vàng tiết kiệm trong nhiều năm với số tiền lời gần gấp đôi, thời điểm giá vàng vượt ngưỡng 90 triệu đồng/lượng” - chị Mai Hương (45 tuổi, Hà Nội).

So với giá vàng thế giới thời điểm này, mỗi lượng vàng giao dịch hơn 71 triệu đồng, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng nhẫn hiện chênh khoảng 5 triệu, còn giá vàng miếng chênh khoảng 6 triệu đồng. Giá vàng miếng SJC giảm sâu khiến những người “đu đỉnh” 92,4 triệu đồng lượng trong phiên giao dịch ngày 11/5 đến nay đang ghi nhận lỗ nặng tới 17,42 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC không có biến động trong chục phiên giao dịch gần đây đưa chênh lệch với vàng nhẫn chỉ còn hơn 1 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC không có biến động trong chục phiên giao dịch gần đây đưa chênh lệch với vàng nhẫn chỉ còn hơn 1 triệu đồng/lượng

Chục ngày qua, 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và SJC đã lần lượt chuyển sang hình thức phát số trực tuyến cho người mua vàng. Bên cạnh đó, sau thời gian đầu thông báo bán không giới hạn cho cá nhân, 4 nhà băng này gần đây cũng phải giới hạn lượng mua tối đa 1 lượng mỗi người.

Trước việc xếp hàng mua vàng miếng SJC trở nên khó khăn, nhiều người có tiền nhàn rỗi đã suy nghĩ đến việc tìm kiếm các kênh đầu tư khác. Chị Phạm Thanh Hoa - 32 tuổi (Quốc Oai, Hà Nội), cho hay, chị đang có 1 tỷ tiền nhàn rỗi nhưng chưa biết nên “xuống tiền” đầu tư gì thời điểm này. “Chỉ trong thời gian ngắn, chứng kiến thị trường vàng lao dốc mạnh và dần đi vào ổn định nên tôi cũng không còn ý định mua vàng nữa. Số tiền 1 tỷ cũng chưa phải là nhiều, không thể mua nhà đất nội đô, do đó, tôi đang bàn với chồng tranh thủ dùng khoản tiền trên tìm mua một lô đất nền tại quê nhà” – chị Hoa băn khoăn cho hay.

Giá vàng miếng SJC giảm mạnh nhưng không phải ai có tiền cũng có thể mua được

Giá vàng miếng SJC giảm mạnh nhưng không phải ai có tiền cũng có thể mua được

Còn với chị Mai Hương (45 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chị từng quay cuồng với tình hình biến động giá vàng và cho biết đã có quyết định đúng đắn đó là bán vàng và mua đất khi giá vượt ngưỡng 90 triệu đồng/lượng.

“Thời gian qua, tôi may mắn bán một số lượng vàng được tiết kiệm trong nhiều năm với số tiền lời gần như gấp đôi so với thời điểm mua. Cầm số tiền hơn 2 tỷ đồng, tôi chuyển hướng mua một lô đất nền tại Thạch Thất, Hà Nội” – chị Hương chia sẻ.

Cũng theo nhà đầu tư này, đa số bạn bè, người thân đều khuyên chị bán chốt lời vàng lấy tiền chuyển sang mua đất để đầu tư. Vì về lâu dài, đất có tiềm năng tăng giá cao hơn và thực tế hơn. “Dù sao đất cũng đã mua, tôi hy vọng quyết định của mình là đúng đắn”, chị Hương nói thêm.

Đất nền nhiều khu vực Hà Nội tăng mạnh

Tích trữ vàng là thói quen của nhiều người, nhưng đầu tư bất động sản cũng luôn được đánh giá là kênh truyền thống chiếm ưu thế. Các chuyên gia đều đánh giá đây là một kênh đầu tư tiềm năng, ngay cả trong khủng hoảng đã từng ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề kinh tế nhưng vẫn có làn sóng nhà đầu tư bất động sản âm thầm mua đất giữ tiền.

Theo chuyên trang Batdongsan, 6 tháng đầu năm 2024, mức độ quan tâm đất nền tại Đông Anh tăng mạnh nhất với 104%, huyện Quốc Oai 101%, huyện Gia Lâm 95%, huyện Hoài Đức 79%, huyện Thạch Thất 48%.

Anh Trần Đình Lương, một nhà đầu tư và chủ văn phòng BĐS tại Hà Đông, cho biết trong 3 tháng gần đây nhóm của anh đã thực hiện nhiều giao dịch đất nền và nhà đất ở nhiều khu vực Hà Nội như Yên Nghĩa, Đồng Mai, Phú Lãm, Dương Nội,… của quận Hà Đông. Trong đó, những lô đất có giá trị 1,5-3 tỷ đồng được người có nhu cầu ở thực và đầu tư xuống tiền chốt giao dịch. Giá đất dịch vụ tại khu vực phường Đồng Mai – Hà Đông hiện giao dịch từ 3,5- 4 tỷ đồng/lô với diện tích 50m2. Những lô góc giá trị giao dịch cao hơn 4 tỷ đồng/lô.

Giá đất nền nhiều khu vực tại Hà Nội ghi nhận tăng mạnh

Giá đất nền nhiều khu vực tại Hà Nội ghi nhận tăng mạnh

Tương tự, anh Hàn Công Ánh một nhà đầu tư, môi giới BĐS khác cũng cho biết, so với đầu năm, giá đất nhiều khu vực tại Hà Đông - Hà Nội đã ghi nhận tăng từ 20-25% so với đầu năm. Trong tháng 3-4, mỗi tháng văn phòng anh thực hiện cả chục giao dịch nhà đất và đất nền. Sau khi giá nhà đất hình thành nên mặt bằng mới thì từ tháng 5 và tháng 6 xu hướng giao dịch có phần chững lại với 3-4 giao dịch mỗi tháng. Trong đó, phân khúc đất nền từ 1,5 đến 2 tỷ đồng với mỗi lô đất có diện tích từ 30-40m2 được giao dịch nhiều nhất.

Không chỉ quận Hà Đông, đất nền nhiều quận, huyện khác của Hà Nội cũng đang dần hình thành mặt bằng giá mới. Theo khảo sát, hiện nay nhiều lô đất ở làng quê huyện Hoài Đức đang được rao bán với mức giá từ 50-60 triệu đồng/m2. Trong khi đó, hồi cuối năm 2023, những lô đất này chỉ dao động khoảng 40-50 triệu đồng/m2. Nhiều văn phòng môi giới khu vực xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã đồng loạt mở cửa đón khách. Không ít văn phòng đăng thông tin tuyển dụng do thị trường đất nền có dấu hiệu cải thiện.

Một môi giới nhà đất khu vực Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, khoảng 2 tháng trở lại đây, nhu cầu tìm mua đất nền khu vực ven trung tâm tăng mạnh hơn so với thời gian trước. Giá đất nền ở một số nơi cũng vì thế mà rục rịch tăng trở lại, tình trạng bán cắt lỗ cũng không còn.

Nhiều khu vực tại Hà Đông giá đất nền cũng tăng trung bình từ 20-25% so với đầu năm

Nhiều khu vực tại Hà Đông giá đất nền cũng tăng trung bình từ 20-25% so với đầu năm

Theo dữ liệu của chuyên trang Batdongsan, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá bán đất nền tại Đông Anh ghi nhận tăng mạnh nhất với 24%, huyện Quốc Oai tăng 20%, huyện Hoài Đức tăng 19%, huyện Thạch Thất tăng 13%, huyện Gia Lâm tăng 4%.

Dữ liệu thống kê của Batdongsan cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, mức độ quan tâm đất nền đang trên đà phục hồi sau khi chạm đáy năm 2023. Theo đó, mức độ quan tâm đất nền tại Đông Anh tăng mạnh nhất với 104%, huyện Quốc Oai 101%, huyện Gia Lâm 95%, huyện Hoài Đức 79%, huyện Thạch Thất 48%.

Đầu tư BĐS cần chú ý điều gì?

Trước việc nhà đất, đất nền nhiều khu vực Hà Nội đang dần hình thành một mặt bằng giá mới, anh Trần Đình Lương cho rằng với những người có nhu cầu ở thực cần cân nhắc để đưa ra quyết định sớm bởi rất khó để giá nhà đất, đất nền giảm mạnh như giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023. Những người có nhu cầu ở thực cần cân nhắc đến nguồn tài chính của mình để lựa chọn phân khúc phù hợp tránh rơi vào cảnh “trắng tay”, bị ngân hàng thanh lý tài sản do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn.

“Người mua cần cẩn trọng trước rủi ro chôn vốn khi rót tiền vào các sản phẩm bị làm giá, không sát với giá trị sử dụng thực” - anh Trần Đình Lương, nhà đầu tư lưu ý.

Trong khi đó, với các nhà đầu tư tay ngang cần tránh những khu vực đã tăng nóng từ 25-30% trong thời gian qua. Nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ hơn các sản phẩm do trong ngắn hạn tiềm năng tăng giá không còn hấp dẫn như 6 tháng đầu năm.

Với những nhà đầu tư dài hạn: Bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn, có tiềm năng sinh lời bền vững. Nhưng các nhà đầu tư nên biết rằng, khả năng thanh toán của Bất động sản sẽ luôn thấp hơn so với vàng, chứng khoán. Do đó, những nhà đầu tư BĐS nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư và có chiến lược đầu tư linh hoạt để có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường.

Các chuyên gia khuyến nghị cần xác định đầu tư vào đất nền là khoản đầu tư dài hạn, không nên ưu tiên sử dụng đòn bẩy tài chính

Các chuyên gia khuyến nghị cần xác định đầu tư vào đất nền là khoản đầu tư dài hạn, không nên ưu tiên sử dụng đòn bẩy tài chính

“Người mua cần cẩn trọng trước rủi ro chôn vốn khi rót tiền vào các sản phẩm bị làm giá, không sát với giá trị sử dụng thực. Cần xác định đầu tư vào đất nền là khoản đầu tư dài hạn, không nên ưu tiên sử dụng đòn bẩy tài chính, nên ưu tiên vị trí cũng như tiềm năng của khu đất để ra quyết định”, anh Lương khuyến nghị.

Đặc biệt, Báo cáo mới đây của Công ty Cushman & Wakefield cũng chỉ ra, giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng trưởng 109% trong gần 10 năm qua với tốc độ tăng giá trung bình 9% mỗi năm. Các chuyên gia dự báo nhiều khả năng giá BĐS sẽ còn tăng. Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc CBRE Việt Nam, giá BĐS Hà Nội dự báo tăng trung bình 20% trong năm 2024, sang 2025 sẽ tăng khoảng 5-6%. Nhiều chuyên gia bất động sản khác cũng cho biết, giá đất nền và nhà thấp tầng đang có xu hướng tăng, chủ yếu do nguồn cung mới hạn chế và một số dự án ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã hết hàng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Chí Hiếu khuyến nghị vàng là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, không nên "lướt sóng" mà cần đầu tư cẩn thận, giữ vàng ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Với kênh bất động sản, nếu đầu tư thận trọng, đúng phân khúc vẫn nên "xuống tiền." Bởi các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua, có hiệu lực từ đầu năm 2025 sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản ổn định và phát triển hơn thời gian tới.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, nhà đầu tư cần chú ý đến 3 mục tiêu là bảo toàn vốn, tỷ lệ sinh lời phù hợp và có tính thanh khoản.

“Vàng và bất động sản vốn là những tài sản được coi là chủ chốt để cất trữ tiền. Nên không lạ gì khi ngay cả trong điều kiện kinh tế bình thường giá vàng và bất động sản vẫn có thể tăng” - Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, dự báo giá bất động sản tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ đắt hơn cả Singapore. Đồng thời, ông cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên nắm bắt thời cơ khi nguồn cung hạn chế và đây chính là cơ hội. Bởi lẽ, xu hướng chung là giá sẽ tiếp tục tăng trong trung hạn.

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa trong 34 năm qua, giá BĐS tăng trung bình tới 120 lần

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa trong 34 năm qua, giá BĐS tăng trung bình tới 120 lần

Chuyên gia này phân tích: "Vàng và bất động sản vốn là những tài sản được coi là chủ chốt để cất trữ tiền. Nên không lạ gì khi ngay cả trong điều kiện kinh tế bình thường giá vàng và bất động sản vẫn có thể tăng. Đồ thị hình sin trong ngắn hạn có thể lúc lên lúc xuống nhưng những biến động chỉ là ngắn hạn, còn xu thế dài hạn luôn đi lên."

Theo dẫn chứng của Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, giá vàng thế giới tăng liên tục trong suốt 34 năm qua, mức tăng khoảng 40 lần. Trong dài hạn, vàng vẫn trong xu hướng tăng. Còn bất động sản trong 34 năm qua, giá tăng trung bình 120 lần.

Vàng và bất động sản trong ngắn hạn, có thể có lúc tăng lúc giảm, song xu thế dài hạn luôn đi lên. Như vậy, nếu đầu tư ngắn hạn, "lướt sóng" kể cả với vàng hay bất động sản đều cần phải cân nhắc rủi ro. Còn nếu đầu tư dài hạn, coi vàng và bất động sản là hai kênh trú ẩn cho dòng tài chính thì đây vẫn là những kênh đầu tư an toàn.  

Giá vàng miếng lao dốc, nhà đầu tư ôm tiền “đẩy giá” đất nền Hà Nội tăng mạnh - 7

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Hai, ngày 24/06/2024 08:23 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])