Lưu bài Bỏ lưu bài

Giá vàng biến động mạnh sau các phiên đấu thầu và bất ngờ động thái của nhà đầu tư

Giá vàng miếng trong nước có xu hướng biến động mạnh sau diễn biến Ngân hàng Nhà nước tổ chức các phiên đấu thầu. Trước những biến động giá cao gần đây, không ít nhà đầu tư đã quyết định xuống tiền.

Giá vàng trong nước tăng mạnh sau các phiên tổ chức đấu thầu

Anh Phạm Khải (Hà Nội), một trong những khách hàng đến mua vàng trong những ngày biến động giá cuối tháng 4 cho biết: “Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức phiên đấu thầu đầu tiên thì giá vàng SJC tăng vọt. Chính vì vậy, tôi quyết định mua thêm 5 lượng vàng miếng SJC, hi vọng có thể chốt lời sau phiên đấu thầu thứ 2 trong tuần này”.

Cũng như anh Khải, chị Thu Phương (Hà Nội) cũng chốt mua thêm vài lượng vàng nhẫn. “Nếu sau phiên đấu thầu thứ 2, giá vàng tăng thì tôi sẽ bán luôn còn nếu giảm, tôi sẽ nắm giữ lâu hơn, chờ tăng giá sẽ chốt lời”, chị nói.

Giá vàng trong nước biến động mạnh sau những phiên đấu thầu vàng miếng

Giá vàng trong nước biến động mạnh sau những phiên đấu thầu vàng miếng

Theo khảo sát của phóng viên, ngày 28/4, giá vàng giờ mở cửa của SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 83 triệu đồng/lượng mua vào và 85,2 triệu đồng/lượng bán ra. Tại khu vực Hà Nội, vàng thương hiệu DOJI đang thu mua với giá 82,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 84,8 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội. 

Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 83,25 triệu đồng/lượng và 85,1 triệu đồng/lượng. Phú Quý SJC thu mua vàng miếng với giá 83,2 triệu đồng/lượng và bán ra 85,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa chiều mua và bán dao động ở mức 2 - 2,2 triệu đồng/lượng.

Giá bán ra của vàng miếng SJC gần chạm vùng kỷ lục. Mức cao nhất đạt được trong phiên giao dịch ngày 15/4 của vàng miếng SJC là 85,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng trong nước có xu hướng biến động mạnh trước diễn biến Ngân hàng Nhà nước tổ chức các phiên đấu thầu. Trước đấu thầu, giá vàng miếng neo quanh mốc 82-84 triệu đồng/lượng (mua-bán).

Nhằm điều tiết giá vàng trong nước, cơ quan quản lý tiền tệ đã thông báo tổ chức 3 buổi đấu thầu vàng miếng nhưng chỉ có một buổi được tổ chức thành công vào ngày 23/4. Trong phiên này, chỉ 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng 3.400 lượng trên tổng số 16.800 lượng vàng được chào thầu. 2 phiên còn lại vào ngày 22/4 và 25/4 phải hủy đấu thầu vào phút chót. Lý do được Ngân hàng Nhà nước nêu ra là không đủ đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Người dân xếp hàng chờ giao dịch mua bán vàng

Người dân xếp hàng chờ giao dịch mua bán vàng

Đại diện công ty kinh doanh vàng cho biết nhu cầu mua vàng sau các phiên đầu thầu tăng mạnh. Sau thông tin buổi đấu thầu vàng bị hủy vào ngày 25/4, một số đơn vị có vàng không vội bán ra trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Chính vì cung - cầu mất cân đối nên giá trong nước tăng nhanh. Qua 3 phiên đấu thầu khối lượng 50.400 lượng vàng nhưng chỉ cung ứng ra thị trường 3.400 lượng khi có 2 đơn vị trúng thầu. Lượng vàng này chưa đến 8% khối lượng đấu thầu. Hơn nữa, giá đấu thầu ở mức cao 82,76 triệu đồng/lượng nên buộc giá mua vào của các đơn vị trên thị trường sau đó phải tăng lên. Trước thời điểm đấu thầu ngày 23/4, giá mua vào xuống dưới 80 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 82,3 triệu đồng/lượng. Thế nhưng sau khi thực hiện đấu thầu, giá vàng không ngừng biến động, xáo trộn theo xu hướng tăng lên từ 2,9 - 3,2 triệu đồng mỗi lượng mấy ngày qua, trong đó giá mua vào tăng nhanh hơn. Từ mức đắt hơn thế giới 11,3 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC nay cao hơn 13 triệu đồng/lượng. Ai cũng nghĩ sau khi đấu thầu, giá trong nước sẽ giảm nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Đấu thầu vàng chưa mang lại hiệu quả

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc giá vàng SJC vẫn neo ở mức cao sau phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên là điều dễ hiểu. Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết việc Ngân hàng Nhà nước chỉ bán được 3.400 lượng vàng trong phiên đấu thầu không đủ để bình ổn giá. Nguồn cung lý tưởng để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là phải khoảng 10.000 - 15.000 lượng vàng.

Giá vàng tăng trở lại khiến nhiều nhà đầu tư cũng rục rịch mua vào. Sau các phiên đấu giá, tại một số cửa hàng vàng ở Cầu Giấy, hay phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội), số lượng khách mua vàng đã bắt đầu tăng trở lại. Thậm chí, tại một cửa hàng vàng ở phố vàng Trần Nhân Tông, người dân phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để đến lượt giao dịch.

Các chuyên gia đánh giá những phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước chưa mang lại hiệu quả

Các chuyên gia đánh giá những phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước chưa mang lại hiệu quả

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét: Trong 1 tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra 3 phiên đấu thầu, cho thấy sự quyết liệt của nhà điều hành trong việc tăng nguồn cung vàng nhưng xem ra không hiệu quả vì giá đấu thầu cao. "Nếu có tổ chức 10 phiên đấu thầu, bán 1 triệu lượng vàng, mà giá đấu đưa ra cao thì ngân hàng, doanh nghiệp cũng không mua. Họ là những đơn vị kinh doanh chứ không làm từ thiện. Hơn nữa, với giá đấu thầu cao cũng đừng nghĩ kéo được giá vàng xuống mà ngược lại, giá sẽ tăng lên. Doanh nghiệp, ngân hàng mua giá đấu thầu gần 83 triệu đồng/lượng mà bảo họ bán thấp hơn mức này thì ai mà đấu. Mục tiêu đấu thầu vàng nhắm đến kéo giá chênh lệch trong và ngoài nước bám sát nhau. Do đó, muốn giá trong nước giảm thì giá thầu mà NHNN đưa ra phải thấp hơn giá mua của các đơn vị kinh doanh vài triệu đồng mỗi lượng. Thay vì giá mua của các đơn vị là 83 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 80 triệu đồng hay 75 - 76 triệu đồng/lượng, đảm bảo các đơn vị tranh nhau mua", ông Huân nói.

TS Nguyễn Hữu Huân dự báo trong vài ngày tới, giá vàng trong nước cũng sẽ ở mức cao khi nguồn cung trên thị trường không có. Tuy nhiên, NHNN cũng tiến thoái lưỡng nan vì nhập vàng về sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá. Trong khi các giải pháp hiện nay đang ưu tiên bình ổn tỷ giá vì nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Khi nào tỷ giá ổn định thì có khả năng những phiên đấu thầu vàng sắp tới mới hiệu quả.

Giá vàng miếng SJC trong nước vẫn đang gần mức đỉnh lịch sử 85,5 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC trong nước vẫn đang gần mức đỉnh lịch sử 85,5 triệu đồng/lượng

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đấu thầu vàng có tác dụng ngược lên thị trường. Việc đưa giá đấu thầu quá cao cho thấy có vẻ NHNN đang lúng túng. Không thể để tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới nên mới tổ chức đấu thầu nhưng đấu xong thì giá trong nước lại tăng mức đắt đỏ hơn. "Nếu NHNN hạ thấp giá đấu thầu so với giá thị trường, ví dụ giá thị trường 80 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 79 triệu đồng/lượng thì lại khó. Thành viên tham gia trúng thầu mua giá 79 triệu đồng/lượng thì cũng bán ra 80 triệu đồng/lượng, không giải quyết được việc kéo giá xuống. Ngược lại, thị trường lại xác lập mặt bằng giá sàn, khó có thể giảm sâu xuống dưới mức giá 79 triệu đồng/lượng trong trường hợp giá thế giới đi xuống. Xem ra giải pháp đấu thầu hiện nay đang có tác dụng ngược, làm cho giá trên thị trường tăng lên mức kỷ lục mới trong mấy ngày nay", ông Tú phân tích. Một nguyên nhân nữa là khối lượng trúng thầu tối thiểu 1.400 lượng (tương đương hơn 110 tỉ đồng) trong khi mỗi ngày các doanh nghiệp chỉ bán ra vài trăm lượng thì ngoài rủi ro biến động giá, thành viên trúng thầu còn phải chịu thêm chi phí tài chính trong trường hợp vay vốn mua vàng.

"Chi phí này cộng thêm vào giá thì làm sao giá bán ra trên thị trường có thể đi xuống? Giải pháp đấu thầu vàng giá cao chưa sát với thực tế nên cần có giải pháp phù hợp hơn. Cần điều chỉnh giá thầu xuống để tăng cung vàng ra thị trường. Còn biện pháp căn cơ nhất là sửa, thay thế Nghị định 24/2012 về quản lý vàng. Cho phép một số doanh nghiệp, ngân hàng được nhập khẩu vàng nguyên liệu, từ đó có thể giúp giá thông thủy với thế giới. Đồng thời xóa bỏ độc quyền vàng, vốn làm cho thị trường méo mó như thời gian qua, thị trường có thêm các thương hiệu vàng khác tham gia", ông Tú kiến nghị.

Nhà đầu tư có nên tiếp tục “rót tiền” vào vàng?

Trên thế giới, giá vàng trên sàn Kitco chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức 2.337 USD/ounce. Với mức giá ở thời điểm hiện tại, quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 12,37 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới có những rung lắc mạnh trong những ngày cuối tháng 4

Giá vàng thế giới có những rung lắc mạnh trong những ngày cuối tháng 4

Dự báo về giá vàng thời gian tới, nhà phân tích cao cấp tại Kitco Metals - Jim Wyckoff cho rằng, nếu dữ liệu lạm phát nóng, Fed sẽ khó giảm lãi suất hơn, giá vàng có thể giảm xuống dưới 2.200 USD/ounce.

Còn David Meger - Giám đốc của Công ty High Ridge Futures nhận định, giá vàng đang ở trong một giai đoạn tích lũy và có thể bứt phá trở lại nếu lạm phát Mỹ suy yếu.

Số liệu công bố mới nhất bởi Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA) cho thấy, sức tiêu thụ vàng của Trung Quốc trong quý I/2024 tăng 5,94% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính, được cho là do mức tiêu thụ của người dân Trung Quốc đối với vàng tăng mạnh.

Giá vàng tăng cao khiến cho vàng trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, với những người tiêu thụ các sản phẩm từ vàng bình thường họ lại có phần ngần ngại.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương khuyến cáo, thời điểm này, nhà đầu tư không nên mua vàng bởi khi giá thế giới điều chỉnh sẽ kéo theo trong nước suy giảm trở lại. Ông Phương nhận định giá vàng thế giới đang được dẫn dắt chính bởi 2 yếu tố: Tình hình căng thẳng địa chính trị Trung Đông và Sự kỳ vọng FED vẫn phải tiến hành cắt giảm lãi suất.

Với những diễn biến hiện tại, ông Phương cho rằng dù triển vọng giá vàng dài hạn vẫn tiếp tục tăng, nhưng trong ngắn hạn giá kim loại quý này có thể sẽ còn điều chỉnh, tích luỹ, nhất là khi FED vẫn đang lấp lửng trong định hướng chính sách tiền tệ. Do đó, nếu FED đưa ra định hướng rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ trong thời gian tới, thì có thể sẽ tác động mạnh đến giá vàng tuần tới. Trong ngắn hạn, giá vàng thế giới sẽ suy giảm về 2.200 USD/ounce.

“Nhà đầu tư có thể chờ đợi khi giá vàng điều chỉnh xuống, mua sẽ được giá tốt hơn. Còn nếu mua bây giờ, thế giới lẫn trong nước đều đang ở mức “đỉnh” thì rủi ro là khá lớn”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định mua vàng ở thời điểm này

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định mua vàng ở thời điểm này

Tương tự, chia sẻ với báo chí, TS Đào Lê Trang Anh, giảng viên Tài chính Đại học RMIT, nhận định: “Giá vàng ở Việt Nam hiện đang ở mức tương đối cao, đồng nghĩa với mức độ rủi ro cũng tăng lên đáng kể. Cùng với đó, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn chưa được thu hẹp. Những biến động không nhỏ của giá vàng tại thị trường trong nước 2 quý vừa qua đã phần nào chứng minh được điều này”.

Chính vì vậy, TS Đào Lê Trang Anh cho rằng người mua vàng ở thời điểm hiện tại cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền. “Những biến động trên thị trường toàn cầu có thể khiến giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong vài tháng tới. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, chiều đi của giá vàng vẫn rất khó dự đoán khi Chính phủ và NHNN đang xem xét sửa đổi Nghị định 24”, bà Trang Anh cho hay.

Theo bà Trang Anh, ngoài vàng, nhà đầu tư cũng nên “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, chẳng hạn như cổ phiếu, bất động sản hoặc những loại tài sản khác...

Giá vàng biến động mạnh sau các phiên đấu thầu và bất ngờ động thái của nhà đầu tư - 7

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Năm, ngày 02/05/2024 05:50 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])