Dùng thẻ tín dụng không biết điều này, nguy cơ nợ ngập đầu
Sự tiện lợi của việc vay trước trả sau khiến nhiều người bị cuốn sâu vào “bẫy nợ”, nếu chúng ta không kiểm soát được chi tiêu thì thẻ tín dụng sẽ trở thành con dao 2 lưỡi.
Nợ đầm đìa vì quen tay quẹt thẻ tín dụng
Chị Hồng H. (Hà Nội) chia sẻ từng có khoảng thời gian khổ sở vì mắc nợ thẻ tín dụng.
Theo đó, khoảng 5 năm trước, trong một lần đi tập gym, chị được nhân viên tư vấn mua gói tập cả năm trị giá 50 triệu đồng. Không đủ tiền, chị mở thẻ tín dụng trả góp và quẹt đóng phí tập. Chuỗi ngày nợ nần của chị cũng bắt đầu từ đây.
Trong lúc trả góp gói tập, chị bén mùi chi tiêu quẹt thẻ sang chảnh. Chị đắm chìm trong cảm giác tiêu mà không cần trả tiền, tiêu mà không quan tâm đến giá. Quẹt từ bịch bánh tráng 10 nghìn đồng mua trong siêu thị, đến những mức chi tiêu cao hơn như vé máy bay, khách sạn...
Không bao lâu, chiếc thẻ tín dụng đầu tiên của chị hết hạn mức 50 triệu đồng. Chị mở thêm thẻ khác hạn mức 15 triệu. Thẻ này kết nối với ứng dụng đặt đồ ăn, gọi xe công nghệ. Chị cho hay lúc đó nghĩ đơn giản chỉ cần trả tối thiểu là được, "cứ xài đi, mỗi tháng trả thẻ 2-3 triệu thôi".
Chưa dừng lại tại đây, chị mở thêm thẻ tín dụng thứ 3 hạn mức 30 triệu đồng vì thấy nhân viên gọi điện chào mời. Vậy là chị mang nợ 3 thẻ, mỗi tháng phải cân đo đong đếm trả thẻ này bao tiền, thẻ kia bao nhiêu. Đặc biệt là tần suất chi tiêu bằng thẻ càng tăng.
“Tới một ngày đẹp trời mình ngồi ngẫm nghĩ, sao nợ thẻ trả hoài không hết, sao thỉnh thoảng lại thấy thông báo trừ các loại tiền, còn nợ từng này thì với tốc độ trả hiện tại bao lâu mới hết nợ. Gần như mình bị rơi vào cái bẫy tiêu hoang phí trả nhỏ giọt bằng thẻ trong 5 năm liền”, chị cho hay.
Chị quyết định ngừng dùng thẻ tín dụng, quay về chi trả bằng số tiền thực tế có trong túi và tập trung trả hết nợ. Chị H. khuyên các bạn trẻ nếu không có kĩ năng quản lí tài chính tốt thì không nên sử dụng thẻ tín dụng kẻo luẩn quẩn trong cái bẫy tài chính như chị đã mắc phải.
Vợ chồng chị Nguyễn T. (Hà Nội) cũng gặp tình trạng tương tự. Chị chia sẻ, lương 2 vợ chồng 35 triệu đồng/tháng, chưa có con nhỏ, không mất tiền thuê nhà nhưng ham mua sắm nên từng nợ 4 thẻ tín dụng.
Hiện tại vợ chồng chị đã trả hết nợ thẻ tín dụng. Theo chị, thẻ tín dụng không có lỗi, nhưng ai mới biết đến thẻ tín dụng nếu không có kỹ năng quản lý tài chính rất dễ bị rơi vào cái bẫy vô hình. Thích tiêu pha, thích rút tiền mặt dễ dàng mà không cần phải vay mượn ai nên sinh ra tâm lý mất cảnh giác với chính bản thân.
Đồng quan điểm, anh Lê P. cho rằng lỗi không phải ở thẻ tín dụng mà do cách quản lý tài chính của mỗi cá nhân. “Mình dùng thẻ tín dụng thấy lợi hơn: Vừa được miễn phí thường niên hàng năm, vừa được hoàn tiền đóng bảo hiểm nhân thọ, hoàn tiền mua sắm, ăn uống và các tiện ích hoàn tiền khi thanh toán khác. Nói chung thấy rất tiện”, anh nói.
Cách tránh rơi vào “bẫy nợ” khi dùng thẻ tín dụng
Theo chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Nguyễn Thị Thu Hương, việc sử dụng thẻ tín dụng quá mức rất dễ rơi vào “bẫy” nợ. Việc này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó chi tiêu thiếu kiểm soát là một trong những nguyên nhân chính.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Thu Hương.
Sử dụng thẻ mà không có kế hoạch tài chính cụ thể hoặc không kiểm soát chi tiêu, người dùng dễ mua sắm và tiêu tiền mà không cân nhắc được rằng họ sẽ phải trả tiền về sau. Chúng ta được cung cấp một hạn mức và rất dễ hiểu lầm rằng đây là số tiền sẵn có của mình.
Ngoài ra, chúng ta dễ rơi vào tình trạng lựa chọn hạn mức trả góp quá dài. Người dùng thẻ tín dụng chắc hẳn không quá lạ với việc trả góp, nhiều người chọn trả góp kéo dài khá lâu. Mặc dù trả góp có thể giúp phân chia chi phí nhưng nếu không tính toán kỹ thì có thể làm tăng tổng chi phí và mức nợ của bạn.
Thứ 3, chúng ta rơi vào trường hợp rút tiền mặt ra để chi tiêu. Việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thường đòi hỏi mức lãi suất cao hơn so với việc dùng thẻ để thanh toán mua sắm trực tuyến rất nhiều.
Thứ 4 là áp lực từ những thông tin xã hội, những thông tin quảng cáo thúc đẩy chúng ta sử dụng thẻ một cách không cân nhắc. Quảng cáo thường tạo ấn tượng và vẽ lên một cuộc sống xa hoa, dễ thúc đẩy ham muốn mua sắm của chúng ta, nếu không kiểm soát tốt rất dễ rơi vào bẫy nợ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận vô vàn những lợi ích mà thẻ tín dụng mang lại. Bà Hương đánh giá việc thẻ tín dụng đang làm tốt nhất là hỗ trợ giải quyết chi tiêu hàng ngày. Ví dụ như thẻ tín dụng có thể cung cấp dịch vụ nâng hạng ở sân bay với chế độ ưu tiên, hay thẻ tín dụng liên kết với các nhãn hàng để hoàn tiền, giảm giá.
Để tận dụng được tối ưu lợi thế của thẻ tín dụng, người dùng nên tìm một loại thẻ tín dụng phù hợp nhất với nhu cầu và mục đích chi tiêu của bản thân. Đồng thời kiểm soát cân bằng giữa hạn mức tín dụng và hạn mức chi tiêu có thể chi trả hàng tháng.
Bà Thu Hương cho biết, mỗi ngân hàng sẽ thiết kế rất nhiều loại thẻ tín dụng khác nhau, mỗi loại phục vụ cho một nhu cầu khác nhau. Ví dụ có những loại thẻ phục vụ cho người hay đi du lịch để họ tận dụng các ưu đãi ở sân bay, có những thẻ phục vụ người có nhu cầu ăn uống nhiều, có những thẻ phục vụ cho nhu cầu mua sắm, có những thẻ phục vụ cho nhu cầu chi trả xăng dầu, hóa đơn... Do đó chúng ta nên tìm hiểu tất cả các loại thẻ tín dụng và lựa chọn những loại thẻ phục vụ đúng nhu cầu của bản thân.
Thẻ tín dụng thống kê các khoản chi tiêu rất chi tiết và chính xác, tuy nhiên chúng ta cần đặt hạn mức cho mình, tương tự như việc đặt hạn mức cho việc chi tiêu hàng tháng. Việc sử dụng thẻ tín dụng không được vượt qua hạn mức đó.
Ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức tín dụng có thể cao hơn nhu cầu rất nhiều, bởi bản chất của thẻ tín dụng là kích thích mua sắm, kích thích nhu cầu chi tiêu và tiêu dùng. Nếu chúng ta không kiểm soát được thì thẻ tín dụng sẽ trở thành con dao 2 lưỡi.
Ngày 06/8/2024, ông Lương Quốc Thái (SN 1963, ngụ P17, Q.Phú Nhuận) và vợ đến Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM trình bày về việc một ngân hàng tính lãi thẻ tín dụng quá cao. Ông rất mong phía ngân hàng xem xét, xử lý cách tính lãi vì số tiền nợ hiện nay quá sức so với kinh tế gia đình lao động đang trong cảnh khó khăn chồng chất, mất khả năng thanh toán.
Nguồn: [Link nguồn]
-24/12/2024 17:53 PM (GMT+7)