Đua nhau khoe lãi 15-30%, chứng khoán trở lại thành kênh đầu tư hấp dẫn?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 19/6. Cùng với những kênh đầu tư khác như vàng, BĐS, chứng khoán được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ đợt giảm lãi suất này.
NĐT vẫn tranh thủ kiếm tiền từ cổ phiếu
Anh Trọng (35 tuổi, Hà Nội) - một nhà đầu tư cho hay, dù thời gian này thị trường lên xuống thất thường, nhưng anh vẫn duy trì dòng tiền nuôi cả chục mã cổ phiếu. Các mã anh Trọng có hứng thú “nuôi” chủ yếu thuộc các ngành dầu khí, chứng khoán và ngân hàng.
“Dù thị trường lên xuống thất thườngnhưng định giá cũng khá hấp dẫn rồi. Có vốn và có dòng tiền thì cứ rải đều ra mua thôi” - Anh Trọng, một nhà đầu tư ở Hà Nội.
“Có vốn và có dòng tiền thì cứ rải đều ra mua thôi các bạn. Giờ định giá cũng khá hấp dẫn rồi” – anh Trọng cho hay.
Thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư
Anh Minh, một nhà đầu tư khác cũng thông tin: “Mình đầu tư tổng 50 triệu đồng, từ cuối năm 2022. Sau một số lần mua đi bán lại rồi lại mua thêm, tính đến thời điểm hiện tại mình đang nuôi các mã POW, NT2, PVS, TAR. Vì tổng giá trị thấp nên mặc dù đã lãi trên 30%, gọi là lời chút rau dưa nhưng mình vẫn chưa muốn bán. Tôi khuyên thật mấy "nhà đầu tư" vốn nhỏ trong lúc khó khăn này đừng vội tính lướt sóng x5 hay x10 tài khoản, mà chỉ mong những con số dương nho nhỏ là mừng rồi”...
Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư cũng đã thu về lợi nhuận từ 15 đến 30% từ quyết định xuống tiền “bắt đáy” cổ phiếu của mình khi đã có nhiều mã cổ phiếu triết khấu đủ hấp dẫn và có sự phục hồi mạnh trong một thời gian ngắn.
Theo anh Trọng, thị trường chứng khoán lâu nay vẫn được biết đến với 2 trường phái khá đối lập là đầu tư giá trị (holding) và đầu cơ lướt sóng (trading). Dù không có thống kê cụ thể nhưng có thể dễ dàng nhận thấy đa phần các nhà đầu tư cá nhân đều ưa thích “trading” với mong muốn kiếm tiền thật nhanh cùng những con sóng mua đi, bán lại.
Lãi tiết kiệm giảm, cơ hội để chứng khoán tìm lại hoàng kim?
Kỳ vọng thị trường chứng khoán sôi động còn đến sau thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ 4 trong năm điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Trong đó, nhà điều hành đã quyết định giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ 5%/năm xuống 4,75%/năm, tương đương mức giảm 0,25 điểm %. Quyết định này của NHNN sẽ có hiệu lực kể từ ngày 19/6.
Kể từ ngày 19/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ 5%/năm xuống 4,75%/năm, tương đương mức giảm 0,25 điểm %.
Ngay sau thông báo của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại như ABBank, VIB, PVCombank, Oceanbank đã rục rịch điều chỉnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể từ ngày 17/6, ABBank là nhà băng thường xuyên nằm trong nhóm đưa ra biểu lãi suất huy động tốt nhất thị trường cho khách hàng cá nhân, nay đã điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn 1-5 tháng từ mức 5%/năm xuống còn 4,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 4,75%/năm cho kỳ hạn 2-5 tháng, áp dụng kênh gửi quầy. Với kênh gửi online, khách hàng cá nhân gửi tiền kỳ hạn ngắn tại ABBank sẽ nhận lãi suất đồng bộ ở 4,75%/năm.
Lãi tiết kiệm giảm giúp các kênh đầu tư trở nên hấp dẫn hơn?
Tương tự, VIB cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi với các kỳ hạn ngắn dưới 5 tháng, phổ biến về mức 4,75%/năm, áp dụng với cả 2 kênh quầy và online. Đáng chú ý, tại biểu lãi suất huy động online với kỳ hạn 6 tháng trở lên, chỉ trong 2 ngày, nhà băng này đã thực hiện điều chỉnh 2 lần.
Tại PVCombank, dù biểu lãi suất kỳ hạn ngắn trước đó đã đáp ứng quy định mới của NHNN, nhà băng này vẫn tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng áp dụng với khách hàng cá nhân đã giảm về 4,25%/năm, với cả kênh quầy và online.
Oceanbank cũng là một trong những nhà băng nhanh chóng cập nhật biểu lãi suất mới, trong đó lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại ngân hàng này đã được điều chỉnh về 4,75%/năm cho cả 2 hình thức gửi tại quầy và online.
Sau động thái giảm lãi tiết kiệm từ NHNN và các ngân hàng thương mại, ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân Mirae Asset, đánh giá việc tiếp tục giảm mức trần huy động sẽ tác động tích cực tới những ngành có tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức cao.
“Việc hạ lãi suất cũng có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Dòng tiền từ các kênh tiết kiệm dịch chuyển tốt hơn qua kênh chứng khoán” - Chuyên gia từ Mirae Asset đánh giá.
Chuyên gia từ Mirae Asset đánh giá thêm việc hạ lãi suất cũng có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Quy luật cung cầu sẽ giúp dòng tiền từ các kênh tiết kiệm dịch chuyển tốt hơn qua kênh chứng khoán.
Giá trị giao dịch thực tế trong quý I lao dốc về mức thấp chỉ đạt bình quân 11.425 tỷ đồng/phiên trên cả 3 sàn hiện hữu. Tuy nhiên, thanh khoản từ tháng 5 đã nhảy vọt và đạt đến hơn 21.000 tỷ đồng/phiên trong nửa đầu tháng 6, đồng thời xuất hiện lại những phiên giao dịch tỷ USD.
"Đây là sự thay đổi đáng kể trên thị trường, có những dòng tiền trước tham gia thận trọng nhưng hiện tại đã thay đổi quan điểm, dòng tiền tham gia quyết liệt hơn", ông Trí nói về tác động của các chính sách hỗ trợ quyết liệt như giảm lãi suất hay là thúc đẩy đầu tư công.
Nhà đầu tư hiện còn những mối lo ngại và thị trường có những phiên điều chỉnh; tuy nhiên tâm lý đã được cải thiện đáng kể để hào hứng tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán, là "sự giải thích" rõ ràng nhất về giá trị giao dịch tăng vọt gần đây.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trở lại trong tháng 5
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trong tháng 5 khi đạt lại mốc trên 100.000 đơn vị. Khảo sát sơ bộ của chuyên gia Mirae Asset cho thấy con số mở mới trong tháng 6 vẫn duy trì tốt, cho thấy mức độ quan tâm vẫn rất lớn.
Thêm nữa, dòng vốn từ khối ngoại cũng đang tích cực hơn và hòa chung vào xu hướng mua ròng chung toàn thị trường, qua đó kỳ vọng mặt bằng điểm số sẽ duy trì ở mức cao hơn giai đoạn trước.
Số liệu cho thấy các quỹ mở đang phát tín hiệu đảo chiều khi huy động ròng hơn 21,6 triệu USD (508 tỷ đồng) trong tuần vừa qua. Điểm tích cực là dòng tiền ngoại đồng đều hơn khi đến từ các quỹ đến từ Hàn Quốc, Diamond hay FinLead...
Nhà đầu tư cần có tâm lý thận trọng!
“Rất nhiều mã vốn hóa nhỏ có mức độ tăng tương đối mạnh nhưng chưa chắc đã dễ thanh khoản, nên cũng rất rủi ro cho nhà đầu tư", ông Nam– Chuyên gia chứng khoán.
Ở góc nhìn khác, không thể phủ nhận cơ hội kiếm lời tại nhiều cổ phiếu hồi sinh trước câu chuyện riêng, tuy nhiên theo các thành viên lâu năm của thị trường, thì các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng, không đầu tư nhỏ lại dễ thành lỗ lớn.
Thực tế cho thấy thời gian qua, một lượng tiền không hề nhỏ đang đổ vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia rất nhiều mã vốn hóa nhỏ có mức độ tăng tương đối mạnh nhưng chưa chắc đã dễ thanh khoản.
"Thanh khoản cũng là một yếu tố ta cần lưu ý vì rất nhiều mã vốn hóa nhỏ có mức độ tăng tương đối mạnh nhưng gần như không có thanh khoản nên cũng rất rủi ro cho nhà đầu tư", ông Nam – Trưởng phòng phân tích và Tư vấn đầu tư công ty Chứng khoán tại Hà Nội lưu ý.
Nhận định về thị trường thời điểm này, chuyên gia của VCBS cho rằng mặt bằng lãi suất điều chỉnh giảm nhanh được kỳ vọng kích hoạt dòng tiền từ các kênh đầu tư tiền gửi sang các kênh đầu tư có rủi ro cao hơn như chứng khoán.
Dù vậy, dựa trên các phân tích kỹ thuật, nhóm phân tích của VCBS đánh giá thị trường vẫn đang có diễn biến tích cực và sự xuất hiện của những nhịp rung lắc điều chỉnh giảm là cần thiết để tạo đà cho VN-Index có thể tiếp tục hướng lên các vùng điểm cao hơn.
Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể sẽ diễn biến tích lũy, tăng giảm đan xen với biên độ khoảng 20 điểm quanh khu vực 1.110 – 1.130. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư bám sát diễn biến thị trường trong tuần sau, duy trì tâm lý thận trọng và kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng trở lại trước khi quay trở lại giải ngân mới.
BĐS được xem là một trong những ngành hưởng lợi khi lãi tiết kiệm giảm
Nhiều ngành hưởng lợi từ lãi suất giảm
Không chỉ chuyên gia của Mirae Asset, tại Tọa đàm Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán mới được tổ chức nhiều chuyên gia khác cũng lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong phần còn lại của năm 2023.
“Theo các chuyên gia, ngành ngân hàng sẽ khởi sắc hơn rất nhiều. Song song đó, ngành sản xuất hàng tiêu dùng được Chính phủ hỗ trợ mạnh cũng sẽ khởi sắc. Với BĐS, nếu gỡ được những điểm nghẽnvề cung và cầu thì thị trường cũng rất tốt”...
Dưới góc nhìn của mình ông Nguyễn Vũ Long - Chủ tịch Công ty Chứng khoán VNDirect (VND), có hai chủ điểm đầu tư cơ bản cần phải quan sát là xu hướng giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và đầu tư công. Trong xu hướng giảm lãi suất, ngân hàng là một trong những ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi. Ông Long nhận định khi lãi suất điều hành giảm, chi phí huy động đầu vào giảm nhưng chi phí cho vay giảm với tốc độ thấp hơn sẽ giúp NIM (Net Interest Margin - Tỷ lệ thu nhập lãi thuần) tốt hơn. Mặt khác, lãi suất giảm cũng sẽ kéo dòng tiền từ kênh vốn ngắn hạn quay lại thị trường.
Vấn đế thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công liên quan nhiều hơn đến nội tại nền kinh tế. Nếu có thể tháo gỡ được những ách tắc trong nhiều năm, mà gần đây Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt như đẩy mạnh bàn giao mặt bằng, cơ chế chỉ định nhà thầu,…thì sẽ kéo theo rất nhiều ngành nghề có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đầu tư công. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, giai đoạn này quan trọng nhất là dựa vào vấn đề nội tại nền kinh tế.
Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (KBC) đánh giá ngoài ngành bất động sản khu công nghiệp, thì nhóm xây dựng, nhất là các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội chắc chắn sẽ ổn định và có hoạt động kinh doanh tốt. Theo lãnh đạo KBC, Chính phủ cam kết sẽ có 1 triệu căn nhà ở xã hội từ đây đến năm 2030, tức mỗi năm hơn 100 ngàn căn, như vậy dòng vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm khoảng vài tỷ USD đổ vào đây.
Các ngành nghề khác có liên quan cũng sẽ tích cực. Ông Tâm đánh giá ngành ngân hàng sẽ khởi sắc hơn rất nhiều. Song song đó, ông cũng nhìn nhận ngành sản xuất hàng tiêu dùng được Chính phủ hỗ trợ mạnh (giảm bớt các loại thuế gồm VAT, làm sao hoàn thuế nhanh hơn...) cũng sẽ khởi sắc.
Các chuyên gia lạc quan về sự phục hồi của thị trường chứng khoán
Còn theo ông Vũ Đức Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) có đánh giá về thị trường bất động sản chung. Hiện, thị trường đang có những điểm nghẽn về cung và cầu, nếu giải quyết được được vấn đề này sẽ rất tốt. TPHCM thời gian qua cho biết sẽ quyết tâm giải quyết 40 dự án tồn đọng vướng pháp lý trong năm 2023, là động thái rất quan trọng, vì những dự án đó là tài sản chết của xã hội.
Ông Tiến quan tâm đến các giải pháp tiếp theo của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Các ngành quan tâm là đầu tư công, sản xuất, tiêu dùng, chứng khoán, ngân hàng và bất động sản.
Ông Trần Huy Doãn – Giám đốc khối Thị trường Phái sinh, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) có góc nhìn dài hạn hơn. Ông đánh giá các chính sách đầu tư công đang đúng đắn và kịp thời, nhưng Chính phủ nên có chính sách công nghiệp mang tính cụ thể như các quốc gia khác, không thể để cho thị trường/doanh nhân tự hành động mà nên có bàn tay hỗ trợ của nhà nước mới có thể cạnh tranh trong thập kỷ tới, mà chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn.
Ông Doãn thông tin rằng Việt Nam cũng như các nước trên thế giới trước đây chú trọng tăng trưởng thương mại để phát triển, nhưng trong vài tháng gần đây Mỹ, Trung Quốc và châu Âu lại theo đổi lại chính sách công nghiệp, gọi là tái công nghiệp hóa, nên rất cần những chính sách công nghiệp cụ thể từ Chính phủ. Theo đó, có tác động đến các ngành liên quan công nghiệp như ô tô, sắt thép và sản xuất.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |