Đồng Yên xuống thấp, lao động Việt tại Nhật bị “bốc hơi” hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

“Thay vì làm một việc như trước đây, tôi phải làm thêm 2 việc nữa. Mỗi tuần có 3 ngày hầu như tôi không được ngủ, vắt kiệt sức lao động để kiếm tiền”.

Đó là chia sẻ của anh Lê Minh Tấn, lao động Việt Nam tại Nhật Bản về những khó khăn, nỗ lực không ngừng nghỉ của mình trong thời gian vừa qua, khi đồng Yên Nhật xuống thấp.

Anh Tấn quê ở Lâm Thao (Phú Thọ), sang Nhật Bản với tổng chi phí khoảng 260 triệu đồng với hy vọng sẽ có thu nhập cao để thay đổi kinh tế gia đình. Tuy nhiên, mọi tính toán của anh đều đổ bể vì đồng Yên liên tục mất giá.

Để có tiền lo cho kinh tế gia đình, ngoài công việc chính, anh Tấn phải làm thêm bốc xếp hàng hoá và dọn dẹp khách sạn.

Để có tiền lo cho kinh tế gia đình, ngoài công việc chính, anh Tấn phải làm thêm bốc xếp hàng hoá và dọn dẹp khách sạn.

“Tôi phải làm thêm nhiều hơn và tiết kiệm hơn. Công việc chính của tôi là phân loại hàng hoá ở bưu cục. Hết giờ làm, tôi lại đi làm dọn dẹp khách sạn hoặc bốc xếp hàng hoá kho lạnh ở một công ty vận chuyển quốc tế. Trung bình một tuần có 3 ngày tôi hầu như không được ngủ”, anh Tấn kể.

Theo anh Tấn, trước đây, 1 Yên Nhật có giá 210 đồng tiền Việt. Ví dụ lương 15 Man, tức là 150 nghìn Yên, tiền nhà, ăn uống, sinh hoạt hết khoảng 5 Man, còn lại gửi về 10 Man là được khoảng 20-21 triệu đồng.

Nhưng bây giờ, Yên xuống thấp, một Yên chỉ còn gần 160 đồng tiền Việt, phải 14 Man mới được 20 triệu đồng. Thu nhập thì vẫn thế nhưng mỗi tháng, cứ 10 Man gửi về nhà bỗng chốc “bốc hơi” luôn từ 4-5 triệu đồng so với trước đây.

“Một tháng, tôi làm để ra được 20 Man, nếu gửi về Việt Nam với tỷ giá thấp như hiện tại thì mất khoảng 8-9 triệu đồng so với trước đây. Một năm là mất cả trăm triệu đồng”, anh Tấn cho hay.

Anh Tấn đã giảm khoảng 30kg so với trước khi sang Nhật Bản lao động do làm việc với cường độ cao.

Anh Tấn đã giảm khoảng 30kg so với trước khi sang Nhật Bản lao động do làm việc với cường độ cao.

Cố gắng làm nhiều việc hơn để kiếm tiền, làm việc liên tục với cường độ cao, ngủ không đủ giấc nên anh Tấn đã bị sút khoảng 30kg so với trước khi đi Nhật Bản lao động. Chưa kể, ngoài một tuần 3 ngày hầu như không được ngủ, có những hôm anh phải làm liên tục từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới được nghỉ.

“Nhiều người sang đây theo diện du học sinh. Vừa học vừa làm nhưng tâm lý của người Việt mình là sang đây để kiếm tiền. Đi học về là đi làm từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Về tắm rửa xong lại đi học tiếp. Nếu làm không đủ tiền đóng học sẽ phải bảo bố mẹ gửi tiền sang.

Nhiều trường hợp vì tiền Yên xuống thấp quá, không đủ tiền trả nợ nên bỏ học, trốn ra ngoài làm bất hợp pháp hoặc cũng có người làm quá sức, ăn uống không đủ chất, không có sức khoẻ nên bệnh tật hoặc đột tử. Kiếm được đồng tiền xứ người khổ lắm”, anh Tấn thở dài.

Không chỉ đồng tiền mất giá, thuế thu nhập cá nhân ở Nhật Bản cũng tăng từ 8% lên 10%. Cùng với chi phí ngày càng đắt đỏ khiến số tiền tiết kiệm hàng tháng gửi về nhà không được là bao.

Làm thêm trong kho lạnh, nhiều lần anh Tấn bị bỏng lạnh và công việc rất nặng nhọc.

Làm thêm trong kho lạnh, nhiều lần anh Tấn bị bỏng lạnh và công việc rất nặng nhọc.

“Chợ Nhật, một mớ rau muống khoảng 15 cọng cũng có giá khoảng 200 nghìn đồng, cà chua họ bán theo khay, tính ra mỗi quả khoảng 20-30 nghìn đồng. Một bao thuốc lá trước kia 100 nghìn đồng thì giờ tăng lên 120 nghìn đồng”, anh Tấn phân tích.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản vẫn phải cố gắng bám trụ để kiếm tiền vì trót ôm một đống nợ tiền học tiếng và các chi phí để đi xuất khẩu lao động.

Làm thực phẩm tại tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản, chị Lương Thị Khuyên, trú tại Tam Nông (Phú Thọ) cũng cho biết, chị đi Nhật hết chi phí khoảng 200 triệu đồng nhưng hiện tại, đồng Yên mất giá nên dự tính, phải mất 1,5 năm chị mới có thể trả hết số nợ này.

“Giờ lao động mới qua đây lương chỉ được khoảng 12-15 Man một tháng vì tiếng học ở Việt Nam chỉ biết được khoảng 40%, chữ thì loằng ngoằng nhìn không biết hết được. Đi làm ú a ú ớ, quản lý họ chửi cũng không biết thế nào. Đồng Yên thấp cũng phải chấp nhận vì bỏ ra cả đống tiền ra đó mà làm chưa đến một năm, trả chưa hết nợ, bỏ về cũng không được”, chị Khuyên nói.

Theo chị Khuyên, mới sang, tiếng biết bập bõm, môi trường lạ lẫm, nếu đi chi phí cao mà lương thấp, không có tăng ca, Yên Nhật cứ lao dốc không phanh thì chỉ đủ tiền ăn, tiền nhà, điện điện, nước, ga, lao động không biết bao giờ mới lấy lại vốn.

Đồng Yên mất giá, lao động từ Việt Nam mới sang Nhật Bản sẽ gặp không ít khó khăn, khả năng hoàn vốn lâu hơn.

Đồng Yên mất giá, lao động từ Việt Nam mới sang Nhật Bản sẽ gặp không ít khó khăn, khả năng hoàn vốn lâu hơn.

Không chỉ Yên giảm mà tiền thuế tiêu dùng tại Nhật cũng tăng lên 10%, vật giá gì cũng tăng nên làm ra đồng tiền, chị Khuyên phải tiết kiệm lắm mới có tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ.

Tỷ giá đồng yên Nhật Bản liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Vào sáng ngày 24/6, tại Tokyo, đồng yên giao dịch ở mức 159,81 Yên đổi 1 USD khiến đồng tiền này ở gần mức yếu nhất trong khoảng 34 năm qua.

Tính đến 8 giờ 42 phút sáng 25/6, tỉ giá này ở mức 159,44. Thị trường nhìn chung tin rằng mức 160 sẽ là tuyến phòng thủ tâm lý quan trọng để chính phủ Nhật Bản can thiệp.

Tại thị trường Việt Nam ngày 25/6, giá mua vào ở các ngân hàng ở mức 154,45 VNĐ/Yên, giảm 0,83 VNĐ/Yên, giá bán ra là 163,46 VNĐ/Yên, giảm 0,87 VNĐ/Yên.

Nguồn: [Link nguồn]

Tình trạng đồng yên trượt giá liên tục được ví như cơn “ác mộng” của những người đang sống ở Nhật Bản khi nó đẩy giá cả hàng hóa tăng phi mã.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hòa ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN