Đồng nghiệp trẻ lương cao vẫn thiếu trước hụt sau vì lí do không ngờ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Vì những thói quen xài hàng hiệu, nghiện mua sắm kiểu "bóc ngắn cắn dài", một số bạn trẻ chia sẻ tiền lương hàng tháng của mình bốc hơi nhanh chóng và khổ sở vào mỗi cuối tháng...

Anh Tuệ làm việc trong một công ty công nghệ thông tin chia sẻ, công ty anh chuyên làm việc với đối tác nước ngoài, nên phần lớn nhân sự tại đây đều trẻ, giỏi ngoại ngữ và khá năng động. Thu nhập của các bạn vì vậy mà cũng khá cao so với người làm hành chính nhân sự sau cả chục năm kinh nghiệm trước đó.

Tuy nhiên, điều khiến anh Tuệ thực sự “choáng”, đó là dù với thu nhập trên dưới 20 triệu nhưng vẫn có bạn than hết tiền, thậm chí có thời điểm phải xin trợ cấp từ người nhà vì những thói quen: “ngày nào em cũng uống trà sữa”, “tủ đồ của em không có hàng fake”...

Vì nghiện mua sắm, nhiều bạn thu nhập trên dưới 20 triệu mà vẫn phải xin trợ cấp từ người thân

Vì nghiện mua sắm, nhiều bạn thu nhập trên dưới 20 triệu mà vẫn phải xin trợ cấp từ người thân

Điển hình là T.N – một chuyên viên marketing chuyên làm dự án với đối tác Nhật. Tùy khối lượng công việc, không có tháng nào lương của T. N dưới 15 triệu đồng. Với số tiền này, nhiều người nghĩ rằng, chắc N. cũng phải để ra được ít nhất là 5 triệu/tháng cho tiền tiết kiệm tương lai. Tuy nhiên, thực tế trái ngược hoàn toàn, đa phần T.N. đều hết tiền trước ngày lãnh lương, thậm chí còn phải “mượn nóng” bạn bè để tiêu trước.

T. N từng kể: "Mình tiêu tiền thoải mái vì quan niệm "có làm có hưởng", lúc lương còn ở mức 12 triệu thì mình ở ghép với 1, 2 người bạn nhưng khi lương khá hơn thì dọn ra chung cư mini ở riêng để tiện đi làm và không gian cũng thoải mái hơn nhà trọ chật hẹp lúc trước. Cuối tuần mình cũng thường về quê và được bố mẹ gửi nhiều đồ ăn, thức uống, thực phẩm sạch. Thế nhưng lương 15 triệu mình tiêu vẫn chẳng đủ. Đôi khi mình cũng giật mình vì điều này".

Với mức chi tiêu có phần hoang phí như trên nên tiền lương tháng nào hết sạch tháng đó, chẳng có được khoảng tiền tích lũy phòng thân. Thậm chí tháng nào có việc đột xuất, ốm đau hay cần mua sắm gì đó là N. lại phải mượn bạn bè hoặc xin bố mẹ.

T. N. cho biết, thói quen nghiện mua sắm là lý do khiến cô nàng "khốn khổ" nhất mỗi cuối tháng như vậy. Trung bình mỗi tuần cô mua sắm một lần khi thì cái váy, cái áo, đôi giày, thỏi son, hay lọ nước hoa... Khi tài khoản hết tiền mới giật mình thấy quá tay. N. thường đặt mua trên mạng hoặc đến tận shop, nhất là những thời điểm có đợt giảm giá. Tủ đồ ngày càng quá tải nhưng N cho hay cô vẫn chưa có ý định giảm lại.

Ở một mình, dù trước đó T. N đã lên kế hoạch chi tiêu cho các khoản rõ ràng, nhưng những lúc "cao hứng", T. N cũng dùng các khoản khác để tiếp tục mua sắm để thỏa mãn sở thích. "Có lần mình dốc hết cả tiền ăn vào mua đồ, cuối tháng phải ăn mì tôm chờ lương. Mình biết đó là nguyên nhân chính khiến bản thân không có tích lũy nhưng hạ quyết tâm nhiều lần mà chưa sửa được".

Câu chuyện của T. N không phải là duy nhất. Mới đây, trên một diễn đàn bạn trẻ, tài khoản Minh Minh chia sẻ một câu chuyện tương tự: “Mới cuối tuần trước, tôi nhận được tin nhắn của Giang - một em đồng nghiệp trẻ của tôi hỏi mượn tôi 3 triệu đồng để trả tiền nhà trọ.

Giang ra trường và làm việc tại công ty vài năm rồi nhưng hầu như em ấy không tích luỹ được gì, thường xuyên rơi vào cảnh còn cả tuần nữa mới hết tháng nhưng đã tiêu hết tiền lương.

Còn nhớ, khi được công ty ký hợp đồng chính thức, Giang đã đăng ký mở thẻ tín dụng ngân hàng. Với mức thu nhập khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng, ngân hàng cung cấp cho em ấy tài khoản tín dụng với hạn mức 30 triệu đồng.

Để thỏa mãn mua sắm, nhiều bạn trẻ sẵn sàng mua trả góp đồ dùng với giá cao hơn

Để thỏa mãn mua sắm, nhiều bạn trẻ sẵn sàng mua trả góp đồ dùng với giá cao hơn

Từ đó, mức độ tiêu tiền thông qua hình thức trả góp qua thẻ tín dụng tiêu trước trả sau được em ấy áp dụng triệt để.

Đầu tiên là mua laptop giá 30 triệu đồng tức là trả full hạn mức, trả góp trong 12 tháng, tức mỗi tháng góp 2,5 triệu đồng. Khi được nửa năm, tức là đã trả được 15 triệu đồng, hạn mức tín dụng tăng lên 15 triệu đồng, em ấy lại bù thêm 10 triệu đồng tiền mặt để trả góp điện thoại giá 26 triệu đồng.

Như vậy, tính tới đây em ấy còn phải góp 2,5 triệu đồng trong sáu tháng còn lại, 1,25 triệu đồng cho 12 tháng tiếp theo, tức là mỗi tháng phải trả 3,75 triệu đồng tiền góp thẻ tín dụng.

Vài tháng sau, khi khoản góp đầu tiên còn chưa trả xong thì em lại góp thêm một món hàng công nghệ khác, mỗi tháng phải trả thêm một triệu đồng. Như vậy, tổng cộng hàng tháng, riêng tiền trả cho thẻ đã ở mức gần 5 triệu đồng. Đó là tính theo giá trị món hàng, chưa kể tính luôn phí chuyển đổi trả góp thì sẽ tốn thêm vài trăm nghìn đến cả triệu đồng so với mua thẳng.

Vậy là chỉ còn vài triệu đồng ít ỏi để trả tiền nhà trọ, ăn uống và sinh hoạt lặt vặt khác nên sao không rơi vào cảnh túng tiền cho được?”...

Sau khi câu chuyện được chia sẻ, khá nhiều người đưa ra góp ý, phần lớn mọi người không ủng hộ thói quen tiêu xài phóng khoáng của các bạn trẻ.

Tài khoản Tô Hòa góp ý: "Gặp mình thì mình không cho mượn, túng tiền thì bán con điện thoại xịn đó đi, dùng điện thoại thường thường được rồi, tóm lại là chị mà cho mượn là mấy người này mượn hoài thôi, cho họ túng thiếu 1 lần đi để biết đường cân đối chi tiêu."

Tài khoản Na Le cũng bày tỏ quan điểm lên án: "“Bóc ngắn cắn dài”, mấy em này mà cho mượn có khi là hại thêm, đẩy em nó lún sâu vào nợ nần nữa. Tốt nhất, nên kiếm lý do để thoái thác các bác ạ."

Tài khoản Kieu Hoa thì chia sẻ: "Trước đây, khi mới đi làm tôi cũng rất nghèo nhưng chưa bao giờ tôi vay ai 1 xu hay trả góp 1 món đồ gì hết, tự tích tiền lại đủ thì mua, cảm giác nợ nần cứ bất an sao ấy."

Trong khi đó, một số tài khoản khác thì tỏ ra thấu hiểu, bình luận: Khổ nỗi lứa 9X đời cuối bây giờ là thế bác ạ, nhu cầu mua sắm luôn cao nhưng khả năng hoạch định và tiết kiệm thì không có, và sức chịu đựng thì lại càng thấp. Thanh niên thì cần phải cập nhật công nghệ mới để theo kịp thời đại, đầu tư cho bản thân để suy nghĩ lớn. Có điều, chấp nhận mua thì gắng mà trả hết nợ. Đừng kêu ca và không được vay thiếu người thân là được..."

Nguồn: [Link nguồn]

5 phiên trần “tím lịm”, cổ phiếu một công ty ngành BĐS tăng mạnh nhất sàn chứng khoán tuần qua

Với mức tăng gần 39%, cổ phiếu của công ty này đã trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán tuần qua. Nếu so với đáy lịch sử xác nhận vào ngày 26/10, thị giá cổ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN