Đổi tiền lẻ “ăn” chênh lệch sẽ bị phạt tiền bao nhiêu?
Dù mức phí đổi tiền lẻ, tiền mới cao ngất ngưởng, nhưng thị trường này vẫn rất “hút” khách dịp cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ít người biết hoạt động đổi tiền lẻ “ăn” phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền.
Sôi động trước Tết cả tháng
Còn hơn 01 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ siết chặt quản lý việc đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Tân Sửu 2021, tuy nhiên tại một số trang mạng, hoạt động này bắt đầu sôi động.
Tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng,... luôn được quảng cáo sẵn hàng
Trên mạng xã hội Facebook, hoạt động này lại càng sôi động hơn với đủ mọi phương thức. Chỉ cần 1 cú nhấp chuột và đánh từ khóa “đổi tiền lì xì”, ngay lập tức hiện lên hàng trăm trang đổi tiền lẻ, với các tên như: “Đổi tiền mới nguyên series”, “Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới”, “Đổi tiền lì xì Tết phí chỉ 3%”, “Đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì”…
Theo quảng cáo của giới "buôn tiền", khách chỉ cần báo số lượng, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Hơn nữa, "thượng đế" chỉ cần ngồi ở nhà, bấm điện thoại là nhân viên sẽ đến tận nơi đổi trả, phục vụ tận tình.
Theo ghi nhận, phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 13 - 15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%.
Cũng do tiền mới khan hiếm, nên một số địa chỉ nhận đổi cả “tiền lướt” với độ mới đạt 80-90%. Đổi loại tiền này mức phí thấp hơn tiền mới.
Anh T.L (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, mấy năm nay, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá thấp trong dịp Tết Nguyên đán nên nguồn tiền lẻ khá khan hiếm, phí đổi cao. Do đó, ngoài đổi tiền mới, cửa hàng anh còn nhận đổi cả tiền lướt, độ mới từ 80% với chi phí mềm hơn, chỉ từ 2 - 3% cho các mệnh giá.
"Tiền lướt đa phần đến từ nguồn phúng, viếng của người dân ở các đền, miếu, đình, chùa, sau đó có dịp quay ngược ra thị trường. Còn tiền mới chủ yếu đến từ các suất trong ngân hàng và những mối quan hệ quen biết", anh L tiết lộ.
Tuy đã có quy định về xử phạt đổi với hoạt động đổi tiền lẻ nhưng dịch vụ này vẫn tràn lan
Sẽ bị phạt từ 20 – 40 triệu đồng
Được biết, đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.
Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần.
Nguồn: [Link nguồn]
Tùy thuộc vào từng loại giấy phép xây dựng mà mức xử phạt sẽ khác nhau, ngoài việc bị phạt tiền thì buộc phải tháo...