Dở khóc dở cười vì vay vàng lúc giá 36 triệu đồng/lượng, giờ giá vàng cao chót vót
“Vợ chồng mình muốn trả tiền, còn anh chị đòi vàng. Bữa giờ hai nhà cãi nhau rất căng vì vàng giá cao quá mình trả không nổi”.
Đó là chia sẻ của chị T. (nhân vật giấu tên) về việc bản thân vay vàng của người thân, trả lãi hàng tháng bằng tiền mặt nhưng đến hiện tại, khi chị T. muốn trả nợ bằng tiền mặt do giá vàng lên quá cao thì người cho vay lại muốn nhận vàng.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, vàng nhẫn có thời điểm lên vượt mức 78,5 triệu đồng/lượng và vàng miếng SJC lên trên mức 85 triệu đồng/lượng.
Dòng người chen chân xếp hàng chờ mua bán trong những ngày giá vàng biến động mạnh.
Trên các diễn đàn đầu tư và tài chính cá nhân, nhiều người đã “dở khóc dở cười” khi trót vay vàng để đầu tư, kinh doanh vào thời gian trước, giờ không biết xử lý thế nào khi giá vàng tăng cao như hiện tại.
Trong đó, câu chuyện vay vàng của chị T. đã thu hút hơn 3 nghìn lượt bình luận, chia sẻ chỉ trong vài ngày.
Cụ thể, chị T. cho biết, năm 2010, chị có vay của anh chị chồng 10 cây vàng, khi đó giá vàng là 36 triệu đồng/lượng. Khi vay, anh chị cũng có nói tính tiền ra là 360 triệu đồng và bảo vợ chồng chị T. mỗi tháng trả lãi cho anh chị là 2 triệu đồng, còn gốc khi nào có thì trả, không nói sau này trả tiền hay vàng mà chỉ nói trả gốc.
Sau 14 năm, đầu tháng 4/2024, vợ chồng chị T. bán được miếng đất nên gom tiền trả anh chị chồng thì anh chị lại đòi phải trả 10 cây vàng.
Tuy nhiên, vợ chồng chị T muốn trả bằng tiền, tức là 360 triệu đồng. Hiện tại, giá vàng nhẫn trên 75 triệu đồng/lượng và giá miếng SJC đang ở mức trên 82 triệu đồng/lượng.
Vay bằng vàng và quy ra tiền để trả lãi đều đặn mỗi tháng 2 triệu đồng, giờ chị T. không muốn trả nợ vàng. (Ảnh minh hoạ).
Theo chị T. thì tiền lãi 14 năm qua vợ chồng chị đã trả là 336 triệu đồng. Nếu bây giờ mua 10 lượng vàng để trả nữa sẽ mất tổng là hơn 1 tỷ đồng. Nếu tính như vậy thì tính ra tiền lãi ngang với vay xã hội đen.
“Mong cả nhà tư vấn giúp mình để anh chị đồng ý nhận tiền chứ giờ đòi vàng, giá cao quá mình trả không nổi. Bữa giờ hai nhà cãi nhau rất căng, anh chị luôn miệng nói vợ chồng mình ăn cháo đá bát không biết điều”, chị T. nói.
Dưới bài viết của chị T. có hàng nghìn lượt bình luận trái chiều.
Cụ thể, tài khoản Hiếu Trần cho rằng, nếu vay vàng và trả vàng thì không tính lãi 2 triệu đồng/tháng. Còn nếu đã trả lãi 2 triệu đồng/tháng có nghĩa là tính theo tiền và lãi ngân hàng, không có nghĩa là vay vàng nữa.
“Đúng là vay vàng phải trả bằng vàng nhưng mình cũng chưa thấy ai vay vàng trả bằng vàng mà còn bắt trả lãi bằng tiền hàng tháng bao giờ. Hơn nữa lại là anh em ruột nữa”, tài khoản Phạm Thanh Hải bình luận.
Một số người cho rằng đã trả lãi hàng tháng bằng tiền mặt thì khi trả nợ chỉ cần trả 360 triệu đồng, không cần trả bằng vàng. (Ảnh minh hoạ).
Tài khoản Ly Ly cũng đồng tình cho rằng cho vay vàng tính lãi này không ổn vì lãi của vàng nằm trong việc nó tăng giá theo thời gian rồi. Tiền mặt thì gửi tài khoản ngân hàng còn có lãi, vàng thì từ năm 2011 là không thể gửi tiết kiệm ở ngân hàng được nữa rồi.
“Tức là họ có không cho vay mà cứ giữ vàng vật lý thì qua bao nhiêu năm cũng vậy thôi. Vậy nên việc tính lãi khi cho vay vàng, rồi cuối cùng lại đòi trả bằng vàng tôi thấy không ổn lắm”, tài khoản Ly Ly nói thêm.
Trong khi đó, đa số mọi người đều cho rằng đã vay vàng thì phải trả bằng vàng, việc quy vàng ra tiền cho dễ tính lãi mà thôi.
“Thứ nhất, bạn mượn vàng thì phải trả bằng vàng. Thứ hai, việc anh chị bạn quy vàng ra tiền nhằm mục đích cho dễ tính lãi. Thay vì một tháng trả lãi một chỉ vàng thì chỉ phải trả lãi 2 triệu đồng. Như vậy là bạn quá lời rồi, ngay từ đầu trả lãi bằng vàng thì chưa chắc bạn đã trả hết lãi đâu”, tài khoản Hồ Viết Chánh bình luận.
Tương tự, tài khoản Mùa Thu Vàng cho rằng, nguyên tắc từ trước đến giờ là vay gì trả nấy, tiền lãi là họ quy ra giá tiền gốc cho dễ tính. Nếu vay 360 triệu ngân hàng lúc đó, bạn phải có tài sản thế chấp có giá trị trên 600 triệu đồng và phải trả gốc cộng lãi hàng kỳ với lãi suất thả nổi ít nhất là 10% của giai đoạn đó. Thậm chí, năm 2018 lãi suất còn lên đến 16% thì tiền lãi phải trả ngân hàng nhiều hơn 2 triệu kia nhiều.
“15 năm trước bạn có gì để thế chấp ngân hàng cho bạn vay tiền không? Có nhà cửa, đất đai thế chấp không? Nếu có, thì lãi thả nổi cũng 10-15%/năm. Bạn không trả gốc thì riêng tiền lãi cho 14 năm cũng khoảng 600 triệu đồng, cộng với tiền gốc 360 triệu đồng nữa thì bạn vay ngân hàng cũng gần 1 tỷ, chưa kể không có ngân hàng nào cho bạn vay 14 năm mà không trả gốc”, tài khoản Bùi Thanh Mơ nói.
Sau 14 năm, 10 lượng vàng đã có giá cao gấp hơn 2 lần khiến cả người vay và người cho vay đều khó xử. (Ảnh minh hoạ).
Đồng tình với phương án vay vàng phải trả bằng vàng, tài khoản Thuỳ Dương cho rằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lúc không có gì mà anh chị dám cho vay 10 cây vàng thật sự dũng cảm và thương lắm mới đưa nhiều như thế. Rủi ro cũng rất cao, nếu người vay không làm ăn được thì cũng không có cách nào đòi lại.
“Năm 2019 giá vàng có 38-40 triệu đồng/lượng sao bạn không lo trả đi? Người ta cho mượn là ơn lớn rồi. Có thể nhờ mượn 10 cây vàng mà bạn mua được miếng đất, đất lên giá mà chỉ trả cho người ta tiền mặt của 14 năm trước trong khi nếu không cho bạn mượn thì bạn có tiền như ngày hôm nay không”, tài khoản Yến Nguyễn bức xúc.
Thực tế, từ trước đến nay, không ít trường hợp người thân, bạn bè cho nhau vay vàng. Tuy nhiên, khi giá vàng lên xuống, biến động thất thường khiến cả người vay và người cho vay khó xử.
Vì vậy, nhiều người cho rằng, khi vay và cho vay vàng thì cần lập thành hợp đồng, ghi rõ nội dung chủ yếu như thời gian trả, khi trả lại là vàng hay tiền, mức lãi suất nếu có… để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên và tránh tranh chấp về sau.
Nguồn: [Link nguồn]
Khối lượng đặt mua tối thiểu 1.400 lượng trong phiên đấu thầu vàng khiến cho doanh nghiệp e ngại. Bởi con số đó có thể tương đương đến nửa tháng bán vàng của họ, trong bối cảnh giá vàng biến động như hiện nay, điều đó tiềm ẩn rủi ro.