Công việc này có thể kiếm hàng chục triệu đồng một ngày, gần Tết làm không hết việc
Không đòi hỏi phải dùng nhiều sức lực hay bằng cấp nhưng công việc này cần phải có kinh nghiệm và thật sự kiên nhẫn, khéo léo
Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những ngày này, tại các gian hàng bán hoa lan hồ điệp tại Hà Nội, thợ ghép lan đang tất bật ngày đêm để tạo hình, lên chậu cho hoa để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Tại gian hàng hoa lan hồ điệp Đà Lạt ở Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), hàng trăm chậu hoa lớn nhỏ đủ màu sắc với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng đã được bày bán.
Phía bên trong, hàng chục thợ ghép lan đang cần mẫn ghép những bầu lan vào chậu. Những đôi tay nhanh thoăn thoắt uốn cành, tạo hình, tạo dáng cùng với hàng chục người mang lan ra vào tạo nên không khí nhộn nhịp, hối hả của ngày Tết cận kề.
Hàng chục thợ ghép lan đang làm tại một gian hàng bán hoa lan hồ điệp Đà Lạt.
Cẩn thận dùng tay uốn que sắt bọc nhựa màu nâu cắm cố định cành lan hồ điệp vào chậu, anh Thắng, quê ở Yên Bái cho biết, ở đây có khoảng 20 người làm công việc ghép lan hồ điệp.
“Chúng tôi có mấy nhóm thợ khác nhau cùng cắm thuê cho một chủ. Thợ học việc thì công chỉ 400-500 nghìn đồng/ngày nhưng nghệ nhân lâu năm thì cả chục triệu một ngày cũng có”, anh Thắng nói.
Công việc này giúp cho nhiều người có thu nhập hàng triệu đồng/ngày vào dịp cận Tết.
Theo anh Thắng, những thợ cắm lan hồ điệp không chuyên như anh đều là lao động tự do. Người thì làm thợ xây, người làm xe ôm, bốc vác nhưng cứ gần Tết, có người gọi đi ghép lan là lại rủ nhau đi làm.
“Một người đứng ra nhận việc rồi gọi anh em cùng đi. Họ nuôi ăn ở, mình chỉ việc ghép lan thôi. Như tôi, ngày thường đi làm thợ xây, gần Tết mới đi ghép lan. Tiền công một ngày được khoảng 700-800 nghìn đồng. Làm từ 20-25 ngày là có hai chục triệu tiêu Tết rồi”, anh Thắng cười nói.
Mỗi người có thể ghép được từ 300-500 cành hoa lan/ngày.
Được coi là nghệ nhân có kinh nghiệm hơn 12 năm ghép hoa lan hồ điệp và từng ghép những chậu lan có giá hàng tỷ đồng, anh Hán Tiến Dũng hay còn gọi là Dũng Yên Bái cho biết, những ngày này, anh phải làm việc từ 7h sáng đến đêm. Thậm chí, có ngày làm đến 1 giờ sáng hoặc xuyên đêm vẫn không hết việc.
Theo anh Dũng, là người chuyên làm công việc ghép lan hồ điệp nên những tháng khác, anh nhận lương theo tháng nhưng vào tháng cận Tết, anh được trả theo bầu hoặc cành với giá 20 nghìn đồng/bầu, cành đại là 15 nghìn đồng/cành.
Tiền công ghép lan được trả với giá 20 nghìn đồng/bầu và 15 nghìn đồng/cành.
“Công việc này không đòi hỏi sử dụng sức lực nhiều mà cần sự khéo léo và có kỹ thuật. Khó khăn nhất là công đoạn vào chậu, tạo dáng và có kỹ năng uốn lan. Nhiều chậu phải chỉnh đi chỉnh lại mới được. Đứng từ 7h sáng đến 2h đêm, có khi thông đêm”, anh Dũng nói.
Anh Dũng cho biết có ngày kỷ lục anh ghép được 1.500 cành lan.
Năm nào anh Dũng và đội thợ ghép lan của mình cũng làm từ 1/12 âm lịch đến 30 Tết mới về quê. Mỗi thợ ghép lan trung bình chỉ ghép được 300-500 cành/ngày. Thu nhập khoảng 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Riêng anh Dũng có ngày kỷ lục ghép được 1.500 bầu lan, thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Vào dịp cận Tết, mỗi ngày anh Dũng có thu nhập từ 3-4 triệu đồng, có ngày được hàng chục triệu đồng, tuỳ vào số lượng cành lan ghép được.
Chỉ vào chậu hoa lan hồ điệp dát vàng có giá gần 4 tỷ đồng, anh Dũng cho biết, để hoàn thành chậu lan này, anh và 5 người thợ khác phải làm 2 ngày mới xong vì đòi hỏi kỹ thuật cao.
“Ghép những chậu lan thông thường chỉ cần đứng là ghép được nhưng chậu lan “khổng lồ” này thì cao nên ghép khó, phải bắc giàn giáo, thợ phải ngồi trong chậu để ghép”, anh Dũng cho hay.
Chậu lan hồ điệp dát vàng có giá 3,868 tỷ đồng do anh Dũng ghép.
Mặc dù chỉ là công việc thời vụ những ngày giáp Tết nhưng nhờ đi ghép hoa lan hồ điệp dịp cận Tết, những người thợ không chuyên có thể kiếm cả triệu đồng/ngày, còn với nghệ nhân chuyên về lĩnh vực này như anh Dũng có có thể kiếm hàng chục triệu đồng.
Với số tiền 500 triệu đồng chuẩn bị đáo hạn ngân hàng, vợ chồng chị Tần quyết định mang hết đi mua vàng. Tuy nhiên, băn khoăn mãi, chị Tần vẫn chưa biết nên mua vàng nhẫn hay vàng miếng SJC.
Nguồn: [Link nguồn]