Lưu bài Bỏ lưu bài

“Cơn điên” của giá vàng chưa dứt: Quay đầu “lao dốc” hay “bứt tốc” lên 90-100 triệu đồng/lượng?

Khi giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh cao nhất mọi thời đại thì giá vàng trong nước tuần qua đã “bứt tốc” lên sát mốc 89 triệu đồng/lượng. Nhiều người cho rằng, giá vàng trong nước sẽ vượt mốc 100 triệu đồng/lượng trong tương lai, cũng có người cho rằng, giá vàng sẽ cắm đầu lao dốc trong thời gian tới khi đã tăng quá nhanh trong thời gian dài.

Vàng thế giới biến động mạnh, vàng nhẫn lập cột mốc mới

Trong tuần giao dịch gần nhất, giá vàng thế giới tiếp tục ghi nhận tăng mạnh từ mốc 2.722 USD/ounce đầu tuần lên 2.757,80 USD/ounce vào sáng ngày thứ Tư. Sau đó vàng vấp phải một đợt bán ra. Kim loại quý đã kiểm tra ngưỡng hỗ trợ ngắn ở mức 2.739 USD/ounce và có thời điểm giảm xuống 2.710 USD/ounce - mức thấp nhất trong tuần.

Tuy nhiên giá vàng nhanh chóng tăng trở lại. Sau đó, ổn định trong phạm vi giao dịch và biến động tương đối hẹp là 25 USD trong suốt những phiên giao dịch còn lại. Đến chiều thứ sáu, giá vàng dao động trong khoảng 2.740 USD/ounce. Giá vàng tăng vọt và đạt đỉnh mới sau khi Israel thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự tại Iran.

“Cơn điên” của giá vàng chưa dứt: Quay đầu lao dốc hay bứt tốc lên 90-100 triệu đồng/lượng? - 1

“Cơn điên” của giá vàng chưa dứt: Quay đầu lao dốc hay bứt tốc lên 90-100 triệu đồng/lượng? - 2

Giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng mạnh trong 1 năm gần đây - Ảnh Kitco

Giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng mạnh trong 1 năm gần đây - Ảnh Kitco

Theo thống kê, giá vàng đã tăng hơn 32% trong năm nay do nhu cầu trú ẩn an toàn xuất phát từ căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cắt giảm lãi suất nửa điểm cơ bản. Sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cũng thúc đẩy nhu cầu vàng thỏi vì các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất gay cấn.

Cùng với biến động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng được các đơn vị kinh doanh điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, chiều ngày 23/10, giá vàng nhẫn được các đơn vị kinh doanh niêm yết ở mức giá 89 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Mốc 89 triệu đồng/lượng là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng nhẫn trơn trong nước. So với giữa tháng 10, mỗi lượng vàng nhẫn trơn đến nay đã tăng hơn 5 triệu đồng. Còn so với đầu năm, giá vàng nhẫn trong nước đến nay đã tăng hơn 25 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, giá bán ra của vàng nhẫn ở một số thương hiệu đã ngang bằng giá vàng miếng SJC. Còn giá mua vàng nhẫn của các doanh nghiệp đã cao hơn giá mua vàng miếng SJC từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng mỗi lượng.

Chốt phiên giao dịch tuần (21-27/10), Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng tại DOJI tăng 3 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.

Giá vàng trong nước kết thúc tuần giao dịch vừa qua quanh ngưỡng 89 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước kết thúc tuần giao dịch vừa qua quanh ngưỡng 89 triệu đồng/lượng

Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC cũng tăng 3 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tuy nhiên, hiện chênh lệch giá vàng mua - bán được niêm yết quanh ngưỡng 2 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia nhận định, mức chênh lệch này rất cao khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.

Trong khi đó, sau tuần tăng mạnh, nếu mua vàng nhẫn vào phiên 20/10 và bán ra vào phiên 27/10 tại DOJI, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, nhà đầu tư cùng thu về mức lãi lên tới 2,2 triệu đồng/lượng.

“Cơn khát vàng” lan rộng, có tiền chưa chắc mua được vàng

Hôm nay là ngày thứ 3 tôi đến đây mua vàng. Hai ngày trước chờ từ sáng đến tối họ vẫn không bán, may quá sáng nay mua được 1 chỉ. Đi mua vàng bây giờ khổ hơn thời bao cấp, ngoài có tiền thì cần may mắn nữa”, đó là chia sẻ của bà Phương, trú tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi xếp hàng mua vàng vào ngày 26/10/2024.

Mặc cho giá vàng nhẫn tăng như vũ bão trong tuần giao dịch vừa qua, người dân vẫn chực chờ ở các cửa hàng vàng để mua gom từng chỉ. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng kinh doanh vàng có thương hiệu lớn đều thông báo hết vàng, bán ra nhỏ giọt nên nhiều người có tiền nhưng vẫn khó mua vàng.

“Cơn điên” của giá vàng chưa dứt: Quay đầu lao dốc hay bứt tốc lên 90-100 triệu đồng/lượng? - 5

“Cơn điên” của giá vàng chưa dứt: Quay đầu lao dốc hay bứt tốc lên 90-100 triệu đồng/lượng? - 6

Người dân xếp hàng mua vàng

Người dân xếp hàng mua vàng

Đứng chen chúc giữa dòng người đang chờ vào giao dịch, bà Phương cho biết, vợ chồng bà có căn chung cư cũ ở quận Thanh Xuân, nhiều năm cho thuê với mức giá 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vừa qua, thấy nhiều người đến hỏi mua và trả mức giá lên tới 3,8 tỷ đồng nên bà bán luôn. Cầm số tiền này trong tay, bà dự định sẽ mua vàng cất đi, mai sau làm quà tặng cho các con và các cháu nhưng khoảng 3 tuần nay bà chưa mua nổi một lượng vàng.

“Cửa hàng bán vàng theo kiểu du kích đánh úp. Mỗi ngày họ chỉ mở cửa phát số tầm 20-50 số trong vòng 15 phút, hết số là dừng. Ngày thì phát số lúc 9 giờ, ngày thì 11 giờ, có ngày thì tận 3-5 giờ chiều. Không chỉ giới hạn khách vào mua mà mỗi người sau khi lấy được số, xếp hàng cả tiếng cũng chỉ được phép mua tối đa 1-2 chỉ vàng”, bà Phương nói.

Không những bán nhỏ giọt, bà Phương cho biết, từ ngày 23 đến ngày 25/10, suốt 3 ngày trời vợ chồng bà ngồi canh ở trước cửa tiệm vàng từ sáng đến chiều tối họ đều không bán. Vì không biết khi nào họ mở bán nên vợ chồng bà Phương phải ngồi chờ, có ngày mang cả nắm xôi đi ăn tại chỗ ở vỉa hè vì sợ nếu đi ăn, họ sẽ mở cửa đúng lúc đó lại “mất chỗ”.

Người có nhu cầu phải xếp số để có thể mua từng chỉ vàng 

Người có nhu cầu phải xếp số để có thể mua từng chỉ vàng 

Mãi đến sáng ngày 26/10, vợ chồng bà Phương mới lấy được số sau gần 3 ngày xếp hàng chờ nhưng mỗi người chỉ được phép mua tối đa 1 chỉ vàng vì cửa hàng không còn vàng để bán.

Cùng cảnh ngộ “khổ sở vì vàng”, chị Mai, trú tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, cả tuần qua, chị vẫn không mua nổi một chỉ vàng để mừng cưới em trai.

“Tôi đến PNJ Cầu Giấy thì nhân viên nói bên họ ngừng bán vàng nhẫn tròn trơn hơn một tháng qua vì không có vàng. Bảo Tín Mạnh Hải hay Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý cũng đều thông báo hết vàng nhẫn và vàng miếng, không biết khi nào mới có. Đi năm lần bảy lượt vẫn không mua được vàng, mất ngày mất buổi, mang tiền đi lại mang tiền về. Mệt lắm”, chị Mai nói.

Giá vàng sẽ “lao dốc” hay “bứt tốc” trong thời gian tới

Sau những biến động mạnh của giá vàng thế giới những tuần gần đây, chuyên gia Marc Chandler, giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex cho biết rủi ro đối với vàng hiện đang nghiêng về phía giảm giá. Chandler nói thêm: "Việc các ngân hàng trung ương mua vàng và suy đoán về tác động lạm phát từ các chính sách của chính quyền Mỹ tiếp theo là câu chuyện chính khiến vàng tăng giá".

"Có vẻ trái ngược khi đồng USD và chứng khoán Mỹ đang tăng giá cùng với vàng. Việc phá vỡ mức 2.700 USD có thể sẽ bắt đầu thu hẹp nhu cầu mua tích trữ của các nhà đầu tư. Tôi đoán là chúng ta sẽ thấy 2.600 USD trước khi đạt 2.800 USD", chuyên gia Marc Chandler cho biết thêm.

Giá vàng thế giới được các chuyên gia dự đoán sẽ có những rung lắc trong thời gian tới

Giá vàng thế giới được các chuyên gia dự đoán sẽ có những rung lắc trong thời gian tới

Chuyên gia Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng thị trường tại SIA Wealth Management, cho biết: "Tôi dự đoán giá vàng sẽ giảm giá trong tuần này. Không có kết quả gì từ Hội nghị thượng đỉnh BRICS đối với vàng và với việc kim loại quý đã tăng giá trước cuộc họp, tôi nghĩ chúng sắp phải điều chỉnh. Ngoài ra, không có cuộc họp ngân hàng trung ương nào trong tuần này".

Adrian Day, chủ tịch của Adrian Day Asset Management cho biết. "Liệu đợt thoái lui được mong đợi từ lâu cuối cùng có đến không? Chúng tôi cho rằng khi nó đến sẽ rất dài và sâu. Những lý do cơ bản thúc đẩy vàng – vũ khí hóa đồng USD đối với các ngân hàng trung ương, mối lo ngại về nền kinh tế và sự an toàn của các ngân hàng ở Trung Quốc, lãi suất thấp hơn và lạm phát dai dẳng ở Bắc Mỹ và Châu Âu – vẫn còn đó".

Về phần mình, Darin Newsom, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Barchart.com, cho rằng về lâu dài giá vàng đang bị thúc đẩy chủ yếu bởi rủi ro lạm phát và địa chính trị ở Mỹ và nước ngoài, và ông không thấy cả hai điều đó sẽ sớm ổn định. Ông nói: "Giá vàng tăng cao hơn với ý tưởng rằng chúng ta sẽ lại gặp phải vấn đề lạm phát. Và từ quan điểm hỗn loạn, xung đột địa chính trị gây ra tình trạng bất ổn gia tăng. Các nhà đầu tư không thích sự không chắc chắn và họ bắt đầu rút tiền ra khỏi cổ phiếu, một khoản đầu tư rất vững chắc ở đây trong bốn năm qua, vì sự không chắc chắn".

"Họ sẽ tìm nơi trú ẩn an toàn ở đâu?", ông ấy hỏi. "Có phải là dầu thô không? Không. Có phải ngô không? Có lẽ là không. Vì vậy, nếu bạn cố gắng phòng ngừa lạm phát, bạn sẽ mua vàng vì cả lý do kinh tế và chính trị", chuyên gia Darin Newsom nhấn mạnh.

Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, nhận thấy tiềm năng điều chỉnh trong thời gian ngắn. "Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy sự thoái lui về phạm vi 2.670-2.700 USD trong tuần này. Điều này sẽ không phá vỡ xu hướng tăng mạnh. Nhưng việc phá vỡ mức dưới đây mang tính quyết định sẽ khiến chúng tôi thận trọng trước dự đoán về một đợt thoái lui sâu hơn".

“Cơn điên” của giá vàng chưa dứt: Quay đầu lao dốc hay bứt tốc lên 90-100 triệu đồng/lượng? - 10

“Cơn điên” của giá vàng chưa dứt: Quay đầu lao dốc hay bứt tốc lên 90-100 triệu đồng/lượng? - 11

Vàng vẫn được xem là kênh đầu tư dài hạn với những người có tiền nhàn rỗi

Vàng vẫn được xem là kênh đầu tư dài hạn với những người có tiền nhàn rỗi

Ở trong nước, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong vòng một năm qua, giá vàng thế giới đã tăng tới 37% và thời gian tới có thể tăng lên đến 3.000 USD/ounce. “Theo tôi dự báo, giá vàng thế giới có thể lên đến mức 2.800 USD/ounce nếu tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng như hiện tại; thậm chí năm 2025 có thể hướng tới mốc 3.000 USD/ounce”, ông Hiếu cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng nhẫn trong nước tăng mạnh thời gian qua là do chịu tác động của giá thế giới và vàng miếng đang bị kiểm soát nên giá ổn định, còn vàng nhẫn "hứng" biến động. Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng của người dân Việt Nam vẫn rất lớn khi vàng được coi như tài sản tích trữ, tiết kiệm.

Hiện tượng khan hiếm vàng miếng, vàng nhẫn thời gian qua có thể xuất phát từ việc nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra, chờ giá lên cao hơn để bán. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái nào cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều này đã diễn ra hơn 10 năm qua. Ngoài ra, việc cơ quan công an triệt phá nhiều đường dây vàng lậu nên nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường rất khan hiếm.

“Hiện tượng khan hiếm vàng miếng, vàng nhẫn thời gian qua có thể xuất phát từ việc nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra, chờ giá lên cao hơn để bán” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Trong khi đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, vàng luôn tăng giá theo thời gian, việc mua vàng hay tích góp vàng chưa bao giờ là sai. Cho nên nếu mua để tích trữ thì không cần đắn đo bởi vàng luôn tăng giá theo thời gian. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư, mua lướt sóng ngắn hạn thì hiện tại không nên, rất nhiều rủi ro.

Tuy nhiên các chuyên gia khuyên chỉ nên đầu tư một phần tài sản vào vàng

Tuy nhiên các chuyên gia khuyên chỉ nên đầu tư một phần tài sản vào vàng

Những người nào mua vàng trước đây mà đã có lời cũng nên cân nhắc bán khi đã đạt lợi nhuận mong muốn. "Mua vàng trong nước lúc này rất dễ 'đu đỉnh' nếu giá thế giới đảo chiều lao dốc trong ngắn hạn. Còn nếu bán chốt lời xong mà giá vẫn tăng tiếp cũng không tiếc vì lợi nhuận vàng nhẫn từ đầu năm tới nay 25 - 30% là mức hấp dẫn ", ông Phương tư vấn.

Cùng với đó, ông Đinh Tùng Lâm - Phó Giám đốc Viện Thực hành Đầu tư Tài chính Da-Vinci cho rằng, giá vàng lên đến giá này là đã lên hết biên độ và có thể gãy bất kỳ lúc nào.

“Đây là vùng hết sức rủi ro nên nhà đầu tư không nên mua nữa. Nếu gãy, giá vàng rất có thể sẽ về vùng loanh quanh 60 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu một khi giá vàng đã “lên cơn điên” thì rất khó kiểm soát, vượt ngoài dự báo của chuyên gia và mức trên 100 triệu đồng/lượng là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Lâm nói.

“Cơn điên” của giá vàng chưa dứt: Quay đầu lao dốc hay bứt tốc lên 90-100 triệu đồng/lượng? - 14

Hồng Cảnh – Trung Kiên

Thứ Hai, ngày 28/10/2024 05:40 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Cảnh – Trung Kiên ([Tên nguồn])