Còn đang độc thân, được gia đình cho 2 tỷ đồng thì nên đầu tư gì?
Với số tiền 2 tỷ đồng được gia đình cho, cô gái trẻ băn khoăn chưa biết mua vàng, bất động sản, chứng khoán hay kênh đầu tư nào khác?
Mới đây, chia sẻ trên trang diễn đàn về tài chính cá nhân, Minh Nga - một bạn trẻ (27 tuổi) sinh sống và làm việc tại TP HCM cho hay, cô mới được gia đình cho 2 tỷ đồng và đang băn khoăn chưa biết đầu tư kênh nào an toàn và hiệu quả.
“Gia đình em có công ty riêng. Mới đây cha mẹ của em quyết định nghỉ hưu hẳn. Em không chọn kế nghiệp tại công ty của gia đình như các anh, chị, nên được cha mẹ cho 2 tỷ đồng để sau này làm vốn sống.
Cô gái trẻ băn khoăn chưa biết đầu tư kênh nào khi được cha mẹ cho 2 tỷ đồng
Hiện tại em vẫn yêu thích công việc văn phòng của mình, chưa có ý định tách ra khởi nghiệp hay tự kinh doanh gì. Thu nhập hàng tháng của em đủ nuôi bản thân (và một bé mèo), gửi tiết kiệm, đóng bảo hiểm, thỉnh thoảng đi du lịch... Do đó, 2 tỷ đồng được cho đều là tiền em không đụng tới ít nhất 5 năm nữa.
Với số tiền trên, em chưa biết nên xử lý, phân bổ ra sao để an toàn, tránh mất giá và nếu sinh lãi được ở mức trung bình thì càng tốt” – Minh Nga thông tin.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ, nhiều người đã chúc mừng và cho rằng cô gái trẻ may mắn có nền tảng khá vững mà không phải ai cũng có.
Nhiều bạn trẻ đồng tình với lời khuyên: “Đơn giản nhất, bạn nên gửi ngân hàng, sống vui vẻ với chú mèo cưng của mình”.
Nhiều người khuyên cô nên dành số tiền trên gửi ngân hàng
Sâu sắc và có kinh nghiệm hơn, một số người đưa ra các tình huống phân tích và khuyên cô gái nên chia khoản tiền trên thành vài kênh đầu tư khác nhau.
Tài khoản Huy Hoàng góp ý: “Theo tôi bạn nên gởi ngân hàng 1/4 số tiền để có thanh khoản khi cần. Còn 3/4 số tiền bạn dành mua bất động sản (nhà, giấy tờ chuẩn mực, đất ở nông thôn hay đất ở đô thị). Cách vùng lõi trung tâm tầm 5 hay 10 km tuỳ vùng. Đó là kênh đầu tư dài hạn tầm 5 đến 10 năm (hoặc để an cư, hay sẽ bán đi sau này) cũng là rất tốt khi sở hữu một bất động sản duy nhất (có thể không lo phải chịu thuế)."
Tài khoản Nguyễn Loan thì cho rằng: “Nếu để an toàn bạn gửi ngân hàng 5 năm, tiền lãi ít nhất bằng lạm phát nên cơ bản vẫn còn tiền. Cách an toàn thứ 2 là tìm hiểu các quận ngoại thành, xem khu vực nào có tương lai phát triển thì mua đất hoặc nhà, vì ở đó mới có nhà tầm 2 tỷ, tương lai sẽ tăng theo độ nóng của thị trường. Với 2 cách trên bạn có thể dùng hết tiền luôn, không cần lo quản trị rủi ro gì. Ngoài ra, còn cách thứ 3 là nạp vào chứng khoán. Kênh đầu tư này xác định mạo hiểm 50/50 và bạn cần dành thời gian tìm hiểu, chọn mua những cổ phiếu doanh nghiệp làm ăn tốt thì về lâu dài vẫn có cơ hội thắng."
Nhiều người thì lại khuyên cô tìm mua đất ở vùng ven thành phố
Đưa ra lời tư vấn về câu chuyện này, chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân Nguyễn Thị Thùy Chi cho rằng, bạn đã có nguồn thu nhập ổn định, đã có kế hoạch bảo vệ tài chính thông qua bảo hiểm nhân thọ, hiện tại chưa có người phụ thuộc về mặt tài chính. Do đó, trước khi phân bổ 2 tỷ đồng được cho và nhàn rỗi trong 5 năm nữa, bạn trẻ đó nên cân nhắc hai bước dưới đây:
Thứ nhất, thiết lập quỹ dự phòng khẩn cấp (nếu chưa có). Quỹ này sẽ được sử dụng trong các trường hợp không mong muốn như giảm hoặc mất thu nhập đột ngột, cần gấp một khoản tiền gửi cho cha mẹ...
Quỹ dự phòng thường tương đương 3 đến 6 tháng chi tiêu. Đối với trường hợp của bạn (chưa có người phụ thuộc về mặt tài chính và đã có bảo hiểm nhân thọ), quỹ này nên lập ở mức tương đương 3 tháng chi tiêu và để trong tài khoản tiết kiệm một tháng.
Thứ hai, xác định các yếu tố liên quan trước khi phân bổ. Bạn nên xem xét tổng danh mục của bạn (bao gồm tiền tiết kiệm hiện tại), hơn là chỉ cân nhắc về việc phân bổ 2 tỷ đồng như thế nào. Vì việc phân bổ sẽ rất khác nếu bạn đang có 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm, tương đương 33,33% tổng danh mục tài sản (3 tỷ đồng) và nếu bạn đang có 500 triệu đồng tiền tiết kiệm, tương đương 20% tổng danh mục tài sản (2,5 tỷ đồng).
Cũng theo chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Thùy Chi, sẽ có các lớp tài sản phù hợp để đầu tư dành cho mức tài chính 2 tỷ đồng. Cụ thể:
Phương án thứ nhất là tiết kiệm ngân hàng. Bạn nên gửi các kỳ hạn 1 tháng (dành cho quỹ dự phòng), kỳ hạn 6 hoặc 12 tháng để tối ưu về tính thanh khoản. Lý do là lãi suất của kỳ hạn 1 và 3 tháng hoặc 6 và 9 tháng là gần như tương đương nhau.
Bạn có thể tham khảo vàng. Tôi khuyên nên cân nhắc giữ khoảng 5% danh mục tài sản. Đây vẫn là một kênh phòng thủ thích hợp nắm giữ trong dài hạn.
Về bất động sản, thị trường đang đóng băng cộng thêm các yếu tố cộng hưởng như lãi suất cho vay đang cao, tính thanh khoản đang kém dẫn đến áp lực cho các nhà đầu tư sở hữu địa ốc. Vì thế, kênh này sẽ xuất hiện nhiều tài sản có mức giá rẻ hơn so với giá thị trường vào quý IV/2023 hoặc quý đầu năm sau.
Cuối cùng là cổ phiếu. Đầu năm, thị trường có mức định giá rẻ so với lịch sử. Trong giai đoạn hiện tại, thị trường đã tăng nhiều và gần đây có các phiên giảm điểm mạnh, biến động kể từ đầu năm. Việc đầu tư vào cổ phiếu ở thời điểm này sẽ phải chấp nhận các rủi ro trong ngắn hạn (tài khoản có thể giảm) nhưng về mặt dài hạn, thị trường vẫn còn hấp dẫn do các chỉ số như P/E và P/B chưa vượt qua mức trung bình trong vòng 10 năm trở lại đây. Tích sản cổ phiếu vẫn còn nhiều tiềm năng.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều người mua chung cư cao cấp nhưng chịu cảnh bất tiện vì không có chỗ đỗ xe ô tô, thậm chí có người sẵn sàng chi thêm gần tỷ để mua chỗ đỗ xe mà vẫn “cháy hàng”.