Có 2 tỷ đồng nên đầu tư kênh nào để tránh trượt giá?
Với 2 tỷ đồng nhàn rỗi, tôi đang băn khoăn chưa biết đầu tư kênh nào để không bị mất giá?
Chia sẻ trên một diễn đàn mới đây, anh Nguyễn Lâm (kỹ sư cơ khí tại Tp. HCM), cho hay anh tích lũy được 2 tỷ đồng sau 10 năm lập gia đình. Tuy nhiên, do không có kiến thức về đầu tư nên nhiều năm qua vợ chồng anh chỉ gửi tiết kiệm ngân hàng, chia thành 15 sổ xem như khoản dự phòng rủi ro.
“Thời điểm này lạm phát có dấu hiệu tăng nhanh, vật giá leo thang, tôi lo tiền mất giá, lại sốt ruột khi chứng kiến nhiều người xung quanh đầu tư căn hộ, đất nền, nhà phố, chứng khoán... đều đạt biên lợi nhuận khá.
Tôi mong muốn số tiền 2 tỷ đồng nhàn rỗi của mình không bị mất giá, đồng thời sinh lợi nhiều hơn gửi tiết kiệm nhưng chưa biết đánh giá thế nào về diễn biến thực tế của thị trường đầu tư tại TP HCM” – anh Lâm băn khoăn chia sẻ và cho hay, hiện chưa biết kênh đầu tư nào phù hợp với dòng tiền và hoàn cảnh hiện nay sao cho vừa có lợi nhuận khá hơn, thanh khoản tốt mà vẫn đảm bảo an toàn. “Rất mong mọi người góp ý và chia sẻ. Xin cảm ơn” – anh Lâm bày tỏ.
Nhiều người có tiền nhàn rỗi đang băn khoăn chưa biết đầu tư kênh nào để tránh trượt giá
Được biết, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, khá nhiều người cũng đang có băn khoăn tương tự anh Lâm, tuy số tiền có thể ít hơn hoặc nhiều hơn.
Góp ý cùng anh Lâm, chị Hoa Nguyễn cho rằng, theo chị nguyên tắc hàng đầu của đầu tư là hãy mua những gì lâu lắm rồi chưa tăng, và hãy bán những gì đã và đang tăng trong một thời gian dài.
“Giá vàng lúc này đang ở mức tương đối ổn định, nên nó sẽ nhảy chồm trong tương lai gần. Nếu có tiền tôi sẽ mua vàng vì nguyên tắc đó” – chị Hoa chia sẻ.
Thực tế hơn, tài khoản có tên Minh Phong thì cho rằng: “Nguyên tắc bất di bất dịch trong kinh tế là "Lợi nhuận tỷ lệ thuận với Rủi ro". Có 2 tỷ nên tiếp tục gửi ngân hàng nhận lãi thôi bạn, thời điểm này không nên đầu tư gì.”
Tài khoản Trương Quang Nhật tỏ ra là người có kinh nghiệm trong việc đầu tư, cho rằng làm ra 2 tỷ đầu tiên mới khó, dùng 2 tỷ để nâng lên thành 4 tỷ, 7 tỷ rồi 10 tỷ sao khó bằng. "Để đầu tư an toàn, bạn tuân thủ nguyên tắc “trứng bỏ nhiều giỏ” và đầu tư thứ gì là thế mạnh của mình. Tuy nhiên, trước khi đầu tư thì bạn nên tự học, hoặc chấp nhận bỏ một khoản kinh phí tìm các chuyên gia tư vấn."
“Xin chia sẻ thêm là với số vốn 400 triệu ban đầu của tôi, sau khi áp dụng tất tần tật các biện pháp nêu trên, sau 3 năm (2019 - 2022) thì hiện tại mình đã có 1,5 tỷ (đã trừ các khoản nợ phải trả). Xét thấy cũng không giỏi giang gì nhưng cũng đảm bảo đồng tiền còn nguyên giá trị và có lời chút đỉnh” - Tài khoản Trương Quang Nhật góp ý.
Góp ý về câu chuyện của anh Nguyễn Lâm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, năm 2022, nền kinh tế đang có dấu hiệu lạm phát cao, các kênh đầu tư chắc chắn bị ảnh hưởng bởi quá trình trượt giá mạnh. Nhìn toàn cục, chứng khoán đang chưa ổn định do giá trị giao dịch giảm, bất động sản trong giai đoạn giá rất cao, thanh khoản yếu. Đây là thời điểm cần thận trọng, phòng thủ khi đưa ra các quyết định đầu tư.
Tiêu chuẩn hàng đầu khi mang tiền đi đầu tư thời gian này là phải đảm bảo không mất vốn, mua bất cứ tài sản nào cũng phải nghĩ đến khả năng bán được (tức thu hồi vốn nhanh), sau đó mới xét đến mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo ông Quang bức tranh chung có nhiều gam màu xám nhưng tiềm năng dài hạn vẫn khá tốt do Việt Nam đang hồi phục theo lộ trình kích thích kinh tế, được thế giới đánh giá vẫn tiếp tục tăng trưởng cao.
"Với trường hợp của bạn, số tiền 2 tỷ đồng tích luỹ sau 10 năm và chưa có kinh nghiệm đầu tư, muốn chống trượt giá, nên ưu tiên yếu tố an toàn là quan trọng nhất. Vì vậy, bạn nên phân bổ đầu tư theo nguyên tắc chia trứng nhiều rổ.
Rổ phòng thủ: Bạn có thể rót 400 triệu đồng vào rổ này, vẫn để tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Lý do duy trì việc gửi tiết kiệm là do số tiền này bạn có thể rút ra nhanh, không phải chờ đợi lâu, nếu xảy ra tình huống khẩn cấp bạn có quỹ dự phòng để chi tiêu. Nếu có cơ hội đầu tư sinh lời hấp dẫn, bạn có sẵn nguồn vốn để chớp thời cơ, không bỏ mất chi phí cơ hội.
Rổ trung hạn: Bạn có thể cân nhắc rót 400 triệu đồng vào thị trường chứng khoán, nên chọn cổ phiếu của các công ty đang kinh doanh ổn định, không nên chọn cổ phiếu vì giá rẻ mà cần tập trung vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Ví dụ: doanh thu lợi nhuận tốt trong 2 năm gần nhất, kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm 2022 cao và khả thi, công ty có phương án mở rộng thị phần tốt...
Rổ dài hạn: Bạn dồn 1,2 tỷ đồng vào một tài sản hội đủ 2 điều kiện: linh hoạt, giá vừa phải (không quá cao). Trong bối cảnh hiện nay đất nền khu vực vùng ven giáp ranh với TP HCM sẽ là nhóm tài sản phù hợp với tiêu chí này. Trong khi các loại bất động sản khác gồm: nhà phố, biệt thự ở vùng giá quá cao so với khả năng chi trả của bạn, còn nếu đầu tư căn hộ bạn phải vay thêm mới mua được. Các tài sản giá trị càng lớn sẽ gặp phải hạn chế rất phổ biến là thanh khoản càng chậm vì không dễ tìm được người có khả năng tài chính cần mua.
Bạn nên chọn đất nền lần lượt theo các thứ tự ưu tiên sau. Thứ nhất, vị trí tốt, có khoảng cách không quá xa trung tâm thành phố. Thứ hai, giá hợp lý, là địa bàn giá đất vẫn còn ở mức thấp hoặc chỉ ở mức trung bình, có thể chờ đợi cơ hội tăng giá trong tương lai. Thứ ba, đất có tiềm năng phát triển các khu công nghiệp và kết nối hạ tầng đang dự định triển khai rất tốt."
“Bạn cần lưu ý thêm, đất nền không phải là kênh đầu tư lướt sóng trong năm 2022. Nếu xuống tiền mua đất nền, bạn có thể phải giữ 12 tháng trở lên mới bắt đầu có thanh khoản. Nếu để 3-5 năm, tức đầu tư dài hạn, lợi nhuận sẽ có khả năng đạt 50% thậm chí cao hơn” – ông Quang nói thêm.
Tôi mới kết hôn, hai vợ chồng có tổng thu nhập khoảng 42-53 triệu đồng mỗi tháng, liệu chúng tôi có nên mua nhà trả góp và có thể vay tối đa bao nhiêu?
Nguồn: [Link nguồn]