Có 1,5 tỷ đồng, nên mua nhà tập thể cũ để ở hay tiếp tục đi thuê nhà?
Chỉ với 1,5 tỷ đồng đã có thể mua được một căn hộ ngay trung tâm, một bước xuống phố khiến chị Hiền rất ưng ý, có ý định mua nhưng rất nhiều người lại ra sức ngăn cản khiến chị băn khoăn.
Chị Hiền, trú tại Phú Thọ cho biết, vợ chồng chị ở quê nhưng có 3 con đều đang ở Hà Nội và phải đi thuê nhà. Sau nhiều năm tích cóp, chị định mua một căn nhà cho các con ở với số tiền 1,5 tỷ đồng.
“Tôi được một người quen giới thiệu cho một căn tập thể tầng 4, tại một khu tập thể cũ ở Đống Đa (Hà Nội) có diện tích sử dụng 60m2, có 2 phòng ngủ, 1 phòng vệ sinh. Mặc dù cả khu tập thể nhìn bên ngoài hơi cũ nhưng căn hộ họ giới thiệu thì đã được chủ nhà sửa sang rất đẹp và hiện đại”, chị Hiền kể.
Nhiều căn hộ tập thể cũ được chủ nhà cải tạo đẹp như căn hộ chung cư, giá chỉ từ 1,5 tỷ đồng. (Ảnh: Bình Nguyễn).
Theo chị Hiền, nếu mua căn tập thể này, các con đi làm và đi học đều rất thuận tiện, mất ít thời gian vì ở trung tâm, gần trường, gần chợ, gần các bệnh viện. Một bước xuống phố, đi bộ vài bước chân là có đủ các quán ăn ngon hay các điểm vui chơi giải trí.
Hơn nữa, để mua một căn chung cư có diện tích 60m2 ở quận Đống Đa thì số tiền phải cao gấp 2 lần lại còn mất thêm các loại phí dịch vụ như bảo trì, quản lý…
Ngoài ra, trước mắt là để cho các con ở, khỏi phải đi thuê nhà giá cao, không phải mất thêm bất kỳ chi phí dịch vụ nào. Sau đó, nếu khu tập thể được cải tạo lại thì gia đình chị vẫn được đền bù, bồi thường, hỗ trợ và được căn hộ mới hơn, rộng hơn
Tuy nhiên, khác với chị Hiền, chị Liên (em gái chị Hiền) và bố mẹ hai bên lại một mực ngăn cản vì diện tích thực tế trên sổ đỏ của căn tập thể chị định mua chỉ 16m2 và được cơi nới lên tới 60m2.
Các căn hộ tập thể cũ có diện tích nhỏ thường được cơi nới bằng chuồng cọp, rất nguy hiểm.
“Tôi nghe chị gái nói thì lập tức đi xem cùng và yêu cầu chủ nhà cho xem sổ đỏ mới thấy diện tích trong giấy tờ chỉ 16m2. Vậy tính ra gần 100 triệu đồng/m2. Quá đắt”, chị Liên nói.
Theo chị Liên, không chỉ đắt mà cả khu tập thể này đều được xây dựng từ 45-50 năm rồi nên cực kỳ xuống cấp, bụi bặm. Dọc lối đi từ tầng 1 lên, tường và lan can đã bong tróc, nham nhở, mất cả tảng tường vôi vữa. Chưa kể chuồng cọp đua ra quá nhiều gây mất an toàn khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Mặc dù bên trong căn hộ được chủ nhà tân trang nhưng cả khu tập thể cũ lại nhếch nhác, xuống cấp.
“Nhà nào trước khi bán họ cũng tân trang lại cho mới, đẹp nhưng khi mua chung cư hay tập thể cũ là phải xem kỹ lưỡng cả khu vực đó như thế nào, hệ thống cấp thoát nước ra sao, có hay bị mất nước không, có an toàn không…”, chị Liên phân tích.
Đồng quan điểm với chị Liên, anh Hiếu (chồng chị Liên) cho rằng, với số tiền đó, chị Hiền nên vay thêm 200-300 triệu đồng để mua một căn chung cư thương mại mới xây cho đẹp, sạch sẽ, an toàn, pháp lý đầy đủ chỉ cách trung tâm Hà Nội từ 9-10km.
Nhiều người lại cho rằng với số tiền 1,5 tỷ đồng thì nên gửi tiết kiệm lấy lãi đi thuê nhà chứ không nên mua tập thể cũ.
“Bây giờ toà chung cư nào cũng có các dịch vụ tiện ích ngay dưới chân toà nhà, lo gì mua bán. Mỗi ngày thêm vài chục phút di chuyển nhưng chung cư mới xây bao giờ cũng rộng rãi hơn, kiên cố và sạch đẹp hơn. Bước một bước vào thang máy còn hơn mỗi ngày leo mấy tầng tập thể cũ”, anh Hiếu nói.
Cũng theo anh Hiếu, nếu không thích ở xa, với số tiền 1,5 tỷ đồng, gia đình chị Hiền cũng có thể gửi tiết kiệm lấy lãi đi thuê nhà.
“Chúng nó còn trẻ, để cho tự phấn đấu. Mình lấy tiền đó gửi ngân hàng lấy lãi, mỗi tháng cũng được 7-8 triệu đồng, ở đâu thuê đấy cho tiện. Sau này con cái học xong thì đi làm tự lo tiền mua nhà của chúng, tiền mình gửi cũng để dưỡng già”, anh Hiếu nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Không chỉ mang về doanh thu từ 100-150 triệu đồng/tháng từ điểm bán hàng của mình, anh Ngân cùng cộng sự đã chuyển nhượng thương hiệu cho hơn 100 đối tác khắp cả nước.