Chủ đề gây tranh cãi: Có 30 triệu nên mua iPhone hay tiết kiệm?
Dành 30 triệu mua một chiếc điện thoại đời mới hay dùng khoản tiền đó tiết kiệm thành khoản lớn... có lẽ từng là chủ đề ít nhất 1 lần khiến bạn phải cân nhắc. Vậy, bạn sẽ chọn phương án nào?
Mới đây, trên một diễn đàn về tài chính cá nhân, một câu hỏi với chủ đề chi tiêu và tiết kiệm đã khiến nhiều người tranh cãi.
Cụ thể, trên trang diễn đàn, một tài khoản có tên Hà Anh chia sẻ: Với 30 triệu, nếu không mua iPhone 14 Pro Max, số tiền đó mang đầu tư sinh lời thông qua lãi kép sẽ giúp bạn thu về hơn 520 triệu đồng sau 30 năm. Theo chủ tài khoản này, sự gia tăng "chủ nghĩa tiêu dùng" từ lâu đã trở thành chủ đề gây tranh luận trong xã hội hiện đại.
Nhiều bạn trẻ dù thu nhập không cao nhưng vẫn sẵn sàng chi khoản tiền lớn tới vài chục triệu để mua điện thoại
“Có một ví dụ được nêu ra là khi bạn thấy nhiều đồng nghiệp trong công ty đều sử dụng iPhone 14 Pro Max, nên ngay sau đó khi được nhận lương, bạn dự định dùng 30 triệu đồng để mua. Tuy nhiên, nếu dùng số tiền trên để tiết kiệm và đầu tư sinh lời với lãi suất 10% một năm, sau 30 năm, bạn sẽ nhận hơn 520 triệu đồng. Vậy bạn sẽ lựa chọn phương án nào, có dùng lãi kép để tránh lối sống hoang phí?” – tài khoản Hà Anh chia sẻ.
Quan điểm trên sau khi được chia sẻ đã thu hút hàng trăm ý kiến trái chiều góp ý, tranh luận.
Tài khoản Bảo Ngọc bình luận: "Việc mua chiếc iPhone 14 Pro Max, ngoài sử dụng các tính năng cơ bản hằng ngày của một chiếc điện thoại, bạn còn có thể phục vụ cho công việc, kiểm tra email, đặt hàng online, nếu đi chơi xa có thể thay máy ảnh, máy quay phim... Ngoài ra, chiếc điện thoại đời mới còn có tác dụng của riêng nó, chứ không hề vô bổ, hay cứ phải cứ để tiền trong ngân hàng và hưởng lãi kép mới đem lại lợi ích.
Ở một khía cạnh khác, việc bạn cầm lãi kép sau 30 năm, cùng biết bao tiếc nuối về tuổi trẻ chưa chắc đã cho bạn cảm giác an lòng. Bởi không phải ai cũng biết đầu tư, nhất là đầu tư sinh lời với lãi suất 10% một năm. Nhiều người đầu tư không khéo còn mất hết. Khi đó, đến cái iPhone 14 Pro Max bạn cũng chẳng còn.
Do đó, việc chúng ta tiêu xài thế nào là quyền và tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Tất nhiên, bạn chỉ cần đừng quá lãng phí là được. Việc ăn tiêu quá đà và không có một khoản tiết kiệm nào là việc không bao giờ nên được cổ xúy. Tuy nhiên, biết tiết kiệm nhưng cũng đừng hà tiện quá mức, cái gì cũng không dám mua. Nếu cảm thấy bản thân đủ điều kiện để mua cái gì đó phục vụ cho bản thân (nhưng không dẫn đến mất cân bằng), tôi khuyên mọi người hãy mạnh dạn mua".
Mua điện thoại thông minh, ăn tiêu quá đà và không có một khoản tiết kiệm nào là tình trạng chung của nhiều người
Đồng quan điểm, tài khoản Thanh Loan cũng ủng hộ quan điểm sống phải biết hưởng thụ: "Chi tiêu hợp lý là được, đời sống vốn rất ngắn ngủi. Ví dụ bạn không bỏ 30 triệu đồng mua iPhone, để đến 30 năm chờ có số tiền lãi kép 520 triệu đồng, nhưng thử hỏi trong suốt thời gian ấy, bạn sẽ không có cơ hội hưởng thụ cuộc sống? Đợi đến lúc bạn qua đời, số tiền ấy có thành núi cũng không còn hữu dụng gì nữa. Theo tôi, làm 10 đồng, xài 6 đồng là hợp lý, chứ làm 10 đồng mà xài đến 9 hay cả 10 thì mới không nên".
Khá nhiều tài khoản khác cũng bày tỏ đồng thuận, phản đối tư tưởng sống tiết kiệm quá mức và cho rằng “Đi làm kiếm tiền để chi tiêu cho cuộc sống mà sao cứ phải nghĩ ngợi, đắn đo nhiều thế nhỉ? Cứ tiêu, miễn là không phải đi vay hay là lừa đảo để tiêu là được”; “Chuẩn rồi, đừng hoang phí nhưng cũng đừng để tiền nó làm khổ mình là được, vì chết có ai cần mang theo tiền và tài sản”…
Song bên cạnh đó, một số ý kiến khác thì cho rằng, mỗi người cần biết nhìn nhận và lo xa hơn chút. Tài khoản Đặng Phùng cho rằng: “Hiện tại, ngày hôm nay đây, nhờ sự tiết kiệm của vài năm trước đã thấy phát huy tác dụng. Bạn làm ăn khó khăn, kinh doanh không thuận lợi, nhờ khoản tiền tiết kiệm trước đó, có thể mang ra bù vào chi phí cuộc sống ngày hôm nay. Ngược lại, nếu vài năm trước có tiền mà xài hoang phí thì không biết lúc này bạn xoay sở ra sao?”…
Tài khoản Trung Dũng thì chia sẻ từ câu chuyện của chính mình: “Tôi đi làm với mức lương khá so với xã hội. Nhờ tiết kiệm mà có thể mua chung cư và nuôi vợ con. Vấn đề tôi muốn nói là nếu bạn không giỏi kiếm tiền thì chỉ còn cách tiết kiệm. 30 triệu có thể chưa là gì nhưng nếu tiết kiệm được 100 triệu thì lại thành vấn đề khác. Và khi có 200 triệu thì bạn có thể vay ngân hàng hoặc gia đình để đầu tư vào đất đai hoặc các kênh nào bạn muốn. Và khi vay nợ thì bạn lại phải cố gắng tiết kiệm. Sau đó dù gì bạn cũng có số tiền nhiều hơn số bạn có trước khi vay. Tích tiểu thành đại từ từ sẽ có cơ hội để thay đổi cuộc sống. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở cái iPhone 14 Pro Max mà là nếu cứ chạy theo những thứ mà bạn cho là công nghệ hay những thứ tốn tiền mà không biết cách tiết kiệm thì bạn sẽ mất cơ hội đầu tư cho bản thân”.
Theo các chuyên gia tài chính, hiện tượng chi tiêu và mức sống của một cá nhân sẽ tăng tỷ lệ thuận với thu nhập của họ. Đặc biệt, sự cám dỗ để sống ngoài khả năng và thu nhập của bản thân luôn mạnh mẽ. Việc tiếp xúc thường xuyên với các nội dung về "cuộc sống tươi đẹp" từ mạng xã hội đã bình thường hóa lối sống lạm phát.
Xu hướng này có thể gây bất lợi cho tình trạng tài chính của một số người vì nó cản trở khả năng tiết kiệm và đầu tư cho tương lai của họ. Khi chi phí tăng lên cùng với thu nhập, các cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các mục tiêu tài chính dài hạn như tiết kiệm để nghỉ hưu hoặc xây dựng quỹ khẩn cấp. Lạm phát lối sống có thể trì hoãn hoặc thậm chí ngăn cản đáng kể sự tự do và độc lập về tài chính.
Nhân chủ đề này, anh Nguyễn Minh, một chuyên gia tài chính cho rằng anh không bình luận nhiều mà nhân đây chia sẻ một câu chuyện của người bạn thân: “Hầu hết nhân viên làm việc tại công ty đều sử dụng iPhone đời cao và Macbook đời mới nhất, trong khi bạn tôi và cũng là tổng giám đốc của công ty đó thì sài máy android hàng thường, có tuổi thọ chắc cũng dăm năm có lẻ. Khi nhân viên hỏi sao sếp không đổi điện thoại mới cho nó oách thì người bạn của tôi đã trả lời "Đó là lý do anh đang là người trả lương cho bọn em chứ không phải ngược lại"”...
Thực ra nhu cầu của con người là vô chừng. Nếu có điều kiện thì bạn có thể tự mình hưởng thụ. Nhưng nếu phải đi vay mượn để có nó thì tốt nhất là không nên.
Với số tiền 2 tỷ đồng, nhiều người lo ngại không thể mua được nơi ở ưng ý tại Hà Nội vì thị trường BĐS liên tục đội giá trong thời gian qua. Tuy nhiên thực tế, mức...
Nguồn: [Link nguồn]