Chật vật trong cơn "bão giá" vẫn không đủ sống, nhiều gia đình “gồng gánh nhau” về quê
Không chỉ riêng xăng dầu, các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày cũng “ăn theo” tăng giá từng ngày đã khiến nhiều cặp vợ chồng “di cư” về quê vì “thu không đủ chi”.
Lúi húi thu dọn đồ đạc trong căn phòng trọ rộng chừng 12m2 cho vào từng chiếc thùng carton nhỏ, chị Lương Thị Thuỷ, trú tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị làm phụ quán cắt tóc gần nhà trọ, chồng chị làm xe ôm công nghệ, tổng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ được khoảng 12 triệu đồng/tháng.
Tài xế xe ôm công nghệ hay lao động tự do là những người bị ảnh hưởng lớn trong cơn "bão giá".
“Mấy năm Covid-19, cứ tháng nghỉ tháng đi làm, có tháng cả 2 cùng nghỉ nhưng cũng chưa đến mức khó khăn như mấy tháng gần đây. Cứ đà này, cố bám trụ ở Hà Nội thì không ngày nào tôi được ngủ ngon”, chị Thuỷ thở dài.
Theo chị Thuỷ, riêng tiền phòng trọ đã “ngốn” của cả nhà từ 2-2,5 triệu đồng/tháng cả điện nước, chi phí tiền học và ăn bán trú của 2 đứa con cũng từ 2-3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, không chỉ xăng tăng giá mà đến mớ rau muống cũng tăng từ 5 nghìn đồng lên 12-15 nghìn đồng, quả trứng gà cũng tăng từ 3 nghìn lên 4 nghìn đồng.
Từ mớ rau, cân thịt, gạo rồi dầu ăn, nước mắm đều tăng từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng trong khi lương của chị Thuỷ vẫn chỉ được 5 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm xe ôm, “buổi đực buổi cái”, ngày thì được 200-300 nghìn, ngày thì xe hỏng, còn âm cả tiền.
Tiền lương ít ỏi nhưng phải "gồng gánh" quá nhiều chi phí khi giá cả tăng vọt, nhiều gia đình trở nên "chật vật" hơn.
“Cứ cố mãi nhưng rồi cũng tay trắng về quê mà cuộc sống bí bách lắm. Đi làm cả ngày về 4 người chui rúc ở cái phòng trọ chật hẹp, nóng nực mà tiền vẫn không để ra được đồng nào. Sống khổ quá nên tôi bàn với chồng về quê, nhà cửa, ruộng vườn rộng rãi, không khí trong lành, các cháu có ông bà trông nom, chi phí học hành cũng rẻ, lương công nhân ở quê cũng 5-6 triệu/tháng”, chị Thuỷ nói.
Chị Thuỷ nhẩm tính, nếu về quê, ít nhất cũng tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng thuê nhà và 3 triệu đồng tiền học bán trú mỗi tháng của 2 đứa con. Hơn nữa, thịt cá hay rau, quả ở quê đều rất rẻ và sẵn, có thể giúp hai vợ chồng tiết kiệm được một khoản không nhỏ. Ngoài ra, còn có thể nhờ cậy ông bà đưa, đón các con của chị mỗi ngày.
Quyết định cho vợ con về quê sớm hơn nhà chị Thuỷ, anh Lương Văn Đạt, trú tại Tam Nông (Phú Thọ) cho biết, vợ con anh về quê từ cuối năm trước, còn anh thì hết tháng này cũng sẽ về quê tìm việc ở khu công nghiệp gần nhà để làm.
Anh Đạt cho biết, trước dịch Covid-19, vợ anh làm giáo viên mầm non tư thục với mức lương 5 triệu đồng/tháng, anh thì làm đầu bếp quán cơm bình dân với mức thu nhập 10 triệu/tháng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả hai vợ chồng thất nghiệp, nằm nhà nên anh phải xin đi làm xe ôm công nghệ để “gánh” cả gia đình.
Xe ôm công nghệ không còn là công việc "ngon ăn" khi giá xăng dầu cộng với chiết khấu của các hãng xe quá cao.
“Ban đầu thì nghĩ cố một thời gian rồi dịch bệnh qua đi, sẽ cố làm lụng bù vào, vất tí nhưng vợ chồng con cái được gần nhau nhưng dòng dã hơn 2 năm dịch không hết nên cuối năm trước, tôi cho vợ và 2 đứa con về quê, mình ở lại Hà Nội cày cuốc. Giờ thì chịu rồi, xăng tăng giá, cái gì cũng tăng theo, thu nhập lại giảm nên tôi cũng tính về quê luôn”, anh Đạt nói.
Theo anh Đạt, trước đây hãng xe công nghệ anh làm chỉ chiết khấu 24% mỗi cuốc xe nhưng hiện tại, tài xế đã bị chiết khấu lên tới 33%. Trong khi đó, từ tháng 4/2020 đến nay, giá xăng đã tăng lên gấp 3 lần nhưng tỉ lệ chiết khấu vẫn không giảm.
“Ví dụ mỗi cuốc xe giao hàng thực phẩm siêu tốc, hãng thu của khách 26 nghìn đồng thì tôi chỉ được nhận 17 nghìn đồng vào ví, cuốc xe giao đồ ăn thì chỉ được 11-13 nghìn đồng/cuốc nhưng phải đi lấy hàng hay giao hàng rất vất vả. Trong khi đó, chạy từ sáng đến tối, nắng mưa cũng phải chạy, bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế cũng không ai đóng cho”, anh Đạt chia sẻ.
"Bỏ phố về quê" là lựa chọn hàng đầu của người lao động thu nhập thấp khi cơn bão giá đi qua. (Ảnh: Nhung Mộc).
Theo tính toán của anh Đạt, nếu mỗi ngày anh chạy được 500 nghìn đồng thì phải chiết khấu cho hãng xe công nghệ 160 nghìn đồng, tiền xăng xe hết khoảng 100 nghìn đồng. Nếu tính cả tiền ăn, uống, sửa xe, khấu hao xe thì mỗi ngày thì thu nhập không được là bao.
Vì vậy, anh Đạt quyết định hết tháng 6 sẽ trả phòng trọ và về quê, xin làm công nhân hoặc phụ bếp tại khu công nghiệp gần nhà.
Câu chuyện của gia đình chị Thuỷ hay anh Đạt đều chỉ là một trong số rất nhiều lao động tự do từ nông thôn lên thành phố để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, giữa cơn “bão giá” và khó khăn chồng chất khi thu nhập không ổn định cộng với quá nhiều “nỗi lo”, họ lại “gồng gánh” nhau trở về quê, tìm cho mình công việc mưu sinh mới.
Nguồn: [Link nguồn]
Đây là đặc sản nổi tiếng chỉ có ở Ninh Bình, tên gọi của nó ai nghe cũng cảm thấy bất ngờ.