Bùng nổ livestream về bỏ việc
Trung Quốc - Gần một năm qua, Lu Xixi không nộp CV ở đâu, chỉ ngồi nhà để livestream chia sẻ trải nghiệm bỏ việc với 120.000 người theo dõi.
Cô gái 30 tuổi cho biết kênh về nội dung nghỉ việc, livestream bán hàng và quảng cáo đã mang về thu nhập hơn 50.000 tệ (khoảng 170 triệu đồng) trong tháng 8/2024.
Các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc gần đây chứng kiến sự bùng nổ của các nhà sáng tạo nội dung như Lu, những người khởi nghiệp online sau khi nghỉ việc.
Lu Xixi chia sẻ kinh nghiệm của mình trên các nền tảng mạng xã hội, trở thành nhà sáng tạo nội dung về nghỉ việc. Ảnh: Thinkchina
Theo nền tảng phân tích dữ liệu Feigua, số người tham gia chủ đề "Tôi đã nghỉ việc" trên mạng xã hội Xiaohongshu đã tăng thêm hơn 21.000 người trong nửa đầu năm, phần lớn là cựu nhân viên của các công ty Internet như ByteDance, Tencent và Alibaba.
Ông Xia Zhinan, Viện trưởng Newrank, một tổ chức nghiên cứu truyền thông mới, nói rằng kinh tế suy thoái tại Trung Quốc trong những năm gần đây đã tạo ra làn sóng sa thải tại các công ty Internet để cắt giảm chi phí. Ngoài ra, sự bùng nổ của các "vlogger nghỉ việc" cho thấy thế hệ trẻ không hài lòng với môi trường làm việc.
"Nhiều người theo dõi 'vlogger nghỉ việc' như một hình thức thỏa mãn cảm xúc của chính mình và ngưỡng mộ người dám theo đuổi thứ người khác chỉ mơ ước", ông nói.
Cô Lu nghỉ vào tháng 10/2023, trùng hợp với làn sóng thảo luận về các vấn đề việc làm tại Trung Quốc. Theo thống kê của Xiaohongshu, các bài đăng liên quan đến nơi làm việc đã tăng 132% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc ở mức kỷ lục, hơn 21%. Alibaba sa thải khoảng 20.000 nhân viên năm 2023, lớn nhất trong một thập kỷ; Tencent cũng giảm khoảng 3.000 người.
Cả Lu Xixi và chồng đều làm việc tại các công ty Internet. "Chúng tôi đều gần 30 tuổi và rất có khả năng chúng tôi sẽ mất việc nếu tiếp tục ở lại các công ty công nghệ này", cô chia sẻ.
Làm "vlogger nghỉ việc" là một trong ba lựa chọn phổ biến của người trẻ thất nghiệp, bên cạnh tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng (shipper). "Nó giống như điểm hẹn của người thất nghiệp", cô nói.
Bỏ việc đi kèm với những thách thức mới. Lu sử dụng kinh nghiệm và có được lượng người theo dõi lớn, đi kèm các hợp đồng quảng cáo. Nhưng thu nhập này không thể bằng mức lương trước đây.
Lu nhận ra làm nhà sáng tạo nội dung không hào nhoáng như tưởng tượng. Cô phải bán hàng online, làm tư vấn cho những người sắp phỏng vấn việc làm và quản lý truyền thông, để tăng dần thu nhập. Dù vậy, Lu nói đã tìm thấy niềm vui thực sự. "Tôi khao khát tự do và không muốn phải làm việc cho người khác", cô nói.
Một vlogger có tên Yuanbaome đã làm việc cho ba công ty Internet trong 6 năm sau khi tốt nghiệp. Tháng 4 năm nay cô quyết định bỏ việc. "Rời bỏ một công việc khiến tôi không hạnh phúc có thể giải phóng năng lượng gấp 10 lần", cô viết trên mạng xã hội.
Một tháng sau khi nghỉ việc, Yuanbaomei than thở trên kênh 15.000 người theo dõi rằng áp lực tài chính và căng thẳng vẫn tồn tại. "Tôi kiếm được nhiều hơn so với khi đi làm, nhưng vẫn cảm thấy lo lắng", cô nói. "Mức thu nhập này có sẽ kéo dài không? Tôi có thể kiếm được nhiều như vậy nữa không?".
Yuanbaomei nhận ra cô cần làm việc để duy trì thói quen và sức khỏe tinh thần. Vào tháng 7, cô trở lại thị trường lao động.
Sinh viên đang tham dự một hội chợ việc làm ở Hợp Phì, tỉnh An Huy tháng 11/2024. Ảnh: Thinkchina
Chuyên gia Xia nhận thấy hầu hết những nhà sáng tạo nội dung nghỉ việc không thể duy trì sự nghiệp của họ trong thời gian dài. Việc tạo và quản lý nội dung hàng ngày tốn thời gian và đòi hỏi cao nhưng chỉ kéo dài được khoảng 6 tháng. Nếu không thể tạo ra lượng truy cập và kiếm tiền từ nội dung của họ thông qua quảng cáo hoặc bán hàng, những người này sẽ nhanh chóng đối mặt với vấn đề thu nhập.
Zou Sheng, phó giáo sư truyền thông tại Đại học Baptist, Hong Kong nói rằng thực tế là các nhà sáng tạo nội dung nghỉ việc có thể gây tiếng vang vì đã phản ánh sự bất ổn ngày càng tăng trong phát triển sự nghiệp, lo lắng về thị trường việc làm và xu hướng của giới trẻ.
Ông chỉ ra rằng việc sản xuất và tiêu thụ nội dung của các "vlogger nghỉ việc" có phần giống một quá trình chia sẻ cảm xúc giải tỏa.
Mặc dù Yuanbaomei không thích bị gắn nhãn "vlogger nghỉ việc", cô vẫn coi trọng những trải nghiệm khi làm một người sáng tạo nội dung. Cô nói rằng người Trung Quốc liên tục bị đẩy theo một con đường định sẵn trong suốt cuộc đời, từ giáo dục đến hôn nhân và con cái.
"Do đó, việc mọi người tạm rời xa kỳ vọng của xã hội và dành thời gian để tìm một con đường mà họ thực sự yêu thích là đáng giá", cô nói.
Đã hơn hai tháng thất nghiệp nhưng Tuấn Anh vẫn tỏ ra bình thản và chưa có ý định nộp CV xin việc ở công ty nào vì "cần khoảng nghỉ để cân bằng cuộc...
Nguồn: [Link nguồn]