Bỏ phố về quê, thu nhập giảm một nửa vẫn tiết kiệm được cả trăm triệu đồng/năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều cặp vợ chồng trẻ cảm thấy khá thoải mái và hài lòng với quyết định bỏ phố về quê của mình.

Quyết định rời thành phố để trở về quê sau 11 năm găn bó, vợ chồng chị Minh (quê Phú Thọ) cho biết, trước đó, chị làm nhân viên thị trường hàng đồ uống, chồng làm thợ cơ khí với tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20-25 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, với chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ ở thành phố, vợ chồng chị Minh chỉ tiết kiệm được 2-3 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều tháng còn không tiết kiệm được đồng nào.

“Riêng tiền thuê nhà cũng hết 2,5-3 triệu đồng/tháng, tiền điện phải trả cho chủ nhà 4 nghìn đồng/số, tiền nước 25 nghìn đồng/số. Đứa nhỏ đi học mẫu giáo tư nhân hết 3 triệu đồng/tháng. Đứa lớn học tiểu học tổng hết hơn 2 triệu đồng/tháng. Chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt, sữa, bỉm, thuê xe về quê mỗi khi nhà có việc hoặc nội ngoại có đám”, chị Minh nói.

Nhiều bạn trẻ quyết định về quê sống khi các nhà máy, khu công nghiệp được xây dựng ngày càng nhiều, tạo cơ hội việc làm hấp dẫn hơn. (Ảnh minh hoạ).

Nhiều bạn trẻ quyết định về quê sống khi các nhà máy, khu công nghiệp được xây dựng ngày càng nhiều, tạo cơ hội việc làm hấp dẫn hơn. (Ảnh minh hoạ).

Thu hầu như chỉ đủ chi, suốt hơn 10 năm ở Hà Nội, vợ chồng chị Minh tiết kiệm chỉ được hơn 200 triệu đồng. Nghĩ cảnh ở trọ chật chội, bí bách, con cái lại không có không gian vui chơi, gần gũi ông bà nên vợ chồng chị Minh quyết định về quê vào đầu năm 2021.

“Đợt đó trải qua mấy đợt dịch Covid-19, công việc không đâu vào đâu cộng với việc con cái ở nhà học online nên tôi phải nghỉ làm ở nhà chăm con. Vậy nên hai vợ chồng quyết định về quê”, chị Minh cho hay.

Về quê, mang số tiền tích luỹ suốt bao năm ở Hà Nội có được, vợ chồng chị Minh sửa sang lại ngôi nhà cấp 4 của gia đình, xin đi làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà với tổng thu nhập của hai vợ chồng được khoảng 16 triệu đồng/tháng.

Mặc dù thu nhập giảm gần một nửa nhưng mỗi tháng chị Minh tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng.

“Hai vợ chồng đi làm công nhân cho công ty điện tử, được hỗ trợ ăn trưa, xăng xe đi lại. Con ở nhà có ông bà đưa đón. Thức ăn thừa nuôi thêm con gà, con lợn, trồng thêm ít rau củ quả quanh nhà là đủ ăn, chi tiêu sinh hoạt ở quê cũng rẻ bằng 2/3 Hà Nội lại đỡ được mấy triệu tiền thuê nhà, gửi con”, chị Minh phân tích.

Ngoài cơ hội việc làm hấp dẫn, về quê còn có thể lựa chọn tăng gia sản xuất để kiếm thêm. (Ảnh minh hoạ).

Ngoài cơ hội việc làm hấp dẫn, về quê còn có thể lựa chọn tăng gia sản xuất để kiếm thêm. (Ảnh minh hoạ).

Cũng lựa chọn về quê sau khi sinh đứa con thứ 3, chị Lương, quê ở Hoà Bình cho biết, chồng chị làm lái xe taxi, chị làm công nhân may ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Tổng thu nhập của hai vợ chồng ở Hà Nội vào khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Hai vợ chồng với một đứa con và thu nhập như vậy thì chi tiêu thoải mái, mỗi tháng vẫn để ra được khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi sinh đứa con thứ 2, vợ chồng chị Lương bắt buộc phải thuê người giúp việc vì ông bà không thể xuống Hà Nội chăm cháu.

“Nếu thuê người giúp việc thì không đủ, chưa kể phải thuê thêm phòng trọ, vậy nên tôi bàn với chồng về quê ở. Con cái nhờ ông bà trông, tôi làm công nhân khu công nghiệp gần nhà còn chồng thì lái taxi ghép. Tổng thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 18 triệu đồng/tháng”, chị Lương cho biết.

Chạy taxi ghép, tiện chuyến, sáng đi từ quê xuống Hà Nội, chiều lại đổi chiều từ Hà Nội về quê, buổi tối cả gia đình vẫn quây quần bên nhau, có đủ ông bà, bố mẹ, con cái lại không mất tiền thuê trọ nên chị Lương cảm thấy khá thoải mái, vui vẻ.

Với số tiền lương 18 triệu đồng, chị Lương chi tiêu cho cả gia đình ở quê chỉ mất khoảng 8 triệu đồng. Ngày nghỉ, chị hỗ trợ ông bà công việc đồng áng, cấy lúa, trồng ngô, nuôi thêm chục con gà lấy trứng ăn hàng ngày, thêm con lợn và vài con chó giữ nhà.

Các khu công nghiệp được xây dựng tại nông thôn đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

Các khu công nghiệp được xây dựng tại nông thôn đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

“Bây giờ quê tôi có khu công nghiệp nên xin việc cũng dễ, lương không cao bằng ở Hà Nội nhưng không mất tiền thuê nhà, trông con, tính ra cũng thế. Trong khi đó, ở quê không khí trong lành hơn, rộng rãi hơn, gần anh em, họ hàng nên thích hơn”, chị Lương chia sẻ.

Chị Minh cho rằng, xã hội ngày càng phát triển nên không nhất thiết phải ở thành phố mới kiếm được tiền. Về quê như vợ chồng chị cũng là giải pháp tốt hơn cho những cặp vợ chồng trẻ khi mặt bằng lương giữa thành phố và nông thôn ngày càng được thu hẹp.

Mặc dù ở quê thu nhập thấp hơn nhưng lại tích luỹ được nhiều hơn ở thành phố do chi phí sinh hoạt không đắt đỏ bằng, nhất là tiết kiệm được số tiền lớn do không phải mất tiền thuê nhà và trả tiền điện nước giá cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7 triệu đồng, tăng 6,8%, tương ứng tăng 451 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,6 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động ở nông thôn là 6,1 triệu đồng.

Khoảng cách thu nhập giữa lao động ở thành thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp, cộng với xu hướng chuyển dịch nhà máy theo công nhân về quê của nhiều doanh nghiệp ngày càng phổ biến vì vậy, về quê sống và làm việc đang là lựa chọn của nhiều người.

Nguồn: [Link nguồn]

Khai hoang đất rừng trồng loại cây khó tính, 8x Đắk Lắk thu lãi 2 tỷ đồng/vụ

“Vụ này, hơn 200 cây nhà tôi thu hoạch được gần 30 tấn, thương lái đến chốt vườn trong một nốt nhạc. Trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 2 tỷ đồng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN