BĐS trầm lắng, 8X Nam Định chi hàng tỷ đồng săn đất nền giá rẻ
Trước sự chững lại của thị trường BĐS kể từ đầu năm 2022 đến nay, ông bố 8X này quyết định mang hơn 2 tỷ đồng nhàn rỗi đầu tư vào đất nền với sự tự tin giá đất sẽ tăng trở lại trong 5 năm tới.
Thị trường BĐS đã chứng kiến sự trầm lắng kể từ đầu năm 2022 đến nay. Một số nhà đầu tư vốn mỏng đã buộc phải cắt lỗ khoản đầu tư vào BĐS của mình do sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Theo công bố của Bộ Xây dựng, trong quý 3/2022, giá giao dịch thứ cấp đất nền trong xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực tại Hà Nội có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức.
Tuy nhiên, trong thời điểm thị trường trầm lắng, vẫn có những nhà đầu tư tung tiền đầu tư với niềm tin rằng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi trở lại trong những năm tới.
Anh Nguyễn Phương – chủ một cơ sở kinh doanh hàng điện máy chia sẻ đầu năm 2022, nhận thấy thị trường BĐS bắt đầu chững lại, bản thân anh đã tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Theo đó, tháng 4/2022, anh được một người quen giới thiệu cho ngôi nhà 4 tầng với diện tích 45 mét vuông/sàn tại Yên Nghĩa – Hà Đông – Hà Nội. Căn nhà này có hai mặt ngõ lại nằm ở vị trí mặt đường lớn thuận tiện cho việc kinh doanh và người bán đưa ra mức giá 3,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi gia đình anh đang còn phân vân về mức giá người bán đưa ra thì chỉ một tuần sau ngôi nhà này đã được một nhà đầu tư khác xuống tiền mua lại.
Sau khi bỏ lỡ cơ hội đầu tư này, anh tiếp tục dành thời gian săn tìm những BĐS có vị trí thuận lợi và mức giá vừa phải để đầu tư từ số tiền nhàn rỗi của gia đình.
Nhiều nhà đầu tư vẫn chọn đất nền là kênh đầu tư trong bối cảnh thị trường trầm lắng
Trải qua gần 6 tháng tìm kiếm cuối tháng 10 vừa qua anh cùng một người bạn đã xuống tiền cọc 2 lô đất liền kề gần khu dân cư với diện tích 100 mét vuông (kích thước 5x20m) tại Thanh Oai – Hà Nội với mức giá 20,6 triệu đồng/mét vuông. Tương đương giá trị 2 lô đất được anh Phương và người bạn của mình đặt cọc có giá trị hơn 4 tỷ đồng.
Anh Phương cùng người bạn của mình xuống tiền đầu tư 2 lô đất này bởi nhận thấy giá BĐS trong khu vực đã không còn tăng nóng như trước đây, trong khi tiềm năng tăng giá của lô đất là rõ ràng khi các lô đất đều có 2 mặt đường trước và sau. Trong đó, mặt trước đường rộng 7m, mặt sau đường rộng 5m. Bên cạnh đó, số tiền mua đất hoàn toàn là tiền nhàn rỗi của gia đình nên bản thân không chịu áp lực.
“Chẳng ai dám nói trước là mình sẽ thắng hay thua nếu đầu tư bất động sản. Chỉ cần quan tâm đó là tài sản cho tương lai hay cho chính con cái chúng ta là đủ rồi”, ông bố 8X người Nam Định cho biết thêm.
Trong khi đó, chia sẻ về sự trầm lắng của thị trường đất nền thời gian qua, anh Thách một môi giới tại Hà Đông cho biết lượng giao dịch đã giảm mạnh do người mua ở, nhà đầu tư gặp khó trong việc vay ngân hàng. Những giao dịch thời gian qua chủ yếu là tiền nhàn rỗi của người dân.
"Với những nhà đầu tư sẵn tiền mặt trong tay, đây được xem là một trong những thời điểm quan trọng để săn được những lô đất giá rẻ, vị trí đẹp do nhiều nhà đầu tư lướt sóng “gãy” tài chính do sử dụng vốn vay cao và chịu áp lực trả lãi nên phải thoát hàng. Những nhà đầu tư bằng tiền mặt xác định đầu tư trong dài hạn, chấp nhận thị trường đi ngang để chờ đợi thị trường bước vào một chu kỳ mới", anh Thách cho biết.
Cùng với đó, mức độ quan tâm lĩnh vực BĐS ở nhiều khu vực đã giảm mạnh trong quý 3/2022. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh đất nền vẫn là kênh trú ẩn và đầu tư an toàn nếu chọn đúng. Thực tế cho thấy dòng tiền đang hướng về những khu vực phục vụ cho nhu cầu ở thực.
Dài hạn hơn, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam nhận xét tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam hiện dưới mức 40%, do đó dư địa cho đầu tư công còn lớn, tạo động lực cho kênh đầu tư đất nền.
Trái ngược với đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 3/11, khối tài sản của nữ đại gia 59 tuổi này vẫn ghi nhận mức tăng thêm hơn 220 tỷ...
Nguồn: [Link nguồn]