Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

BĐS “tăng nhiệt”, Chứng khoán rung lắc, Vàng lập đỉnh, Lãi suất ngân hàng tăng: Kênh nào hút dòng tiền những tháng cuối năm?

Chứng kiến biến động của các kênh đầu tư như vàng, BĐS, ngoại tệ,... những tháng đầu năm, khiến nhiều người băn khoăn chưa biết nên đổ tiền vào đâu trong những tháng cuối năm để sinh lời tốt nhất?

Chứng khoán tiếp đà tăng trưởng sau những rung lắc?

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua những tháng đầu năm với xu hướng đi lên, nhờ sự hỗ trợ tích cực của việc điều hành vĩ mô, sự phục hồi của sản xuất, kinh doanh và những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 10,2%, vượt xa nhiều thị trường trong khu vực như chỉ số Bangkok SET (-8%), Jakarta JCI (-3%) và Philippines PCOMP (-1%)... Thống kê của VnDirect cho thấy, 90 trong số gần 400 cổ phiếu niêm yết trên HOSE tăng hơn 20% kể từ đầu năm. Mức tăng trung bình đạt 9,1% và trung vị đạt 6,0%.  

“Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì sức hấp dẫn, song có thể gặp thách thức trong quý IV” – Ông Nguyễn Thế Minh, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Cùng với chỉ số, thanh khoản thị trường cũng tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng 39,9% so với bình quân năm 2023. Đáng chú ý, tính đến hết tháng 6/2024, thị trường có hơn 8 triệu tài khoản của nhà đầu tư, tăng 10,32% so với cuối năm 2023. Trong đó, hơn 7,9 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước.

Điểm trừ là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá nhiều trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn, nhà đầu tư thận trọng; chênh lệch lãi suất USD-VND, áp lực tỷ giá vẫn ở mức cao.

Thị trường chứng khoán có nhiều rung lắc mạnh trong 6 tháng đầu năm

Thị trường chứng khoán có nhiều rung lắc mạnh trong 6 tháng đầu năm

Bước sang tháng 7/2024, những ngày đầu tháng, thị trường diễn biến tích cực với chuỗi 7 phiên liên tiếp đi lên, “đội” tổng cộng gần 50 điểm, sau đó chững lại. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (19/7), chỉ số VN-Index giảm 9,66 điểm (-0,76%), dừng ở mức 1.264,78 điểm. Như vậy, so với cuối năm 2023, VN-Index tăng khoảng 12%.

Dự báo về thị trường từ nay đến cuối năm 2024, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, xu hướng tăng của thị trường khá tốt khi kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm dự báo tích cực. Thị trường chứng khoán có thể có hai bức tranh:

Quý III-2024 tăng trưởng tốt, quý IV-2024 chững lại. Chỉ số VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm, thậm chí đạt mức 1.400 điểm với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào tháng 9/2024 và nhà đầu tư nước ngoài sớm dừng đà bán ròng khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt.  

Chuyên gia của VnDirect dự báo VN-Index đạt 1.330 – 1.350 điểm cuối năm 2024, tăng 19% so với cùng kỳ, 14,2x P/E với kỳ vọng lợi nhuận thị trường tăng trưởng 18%. Còn chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank cho rằng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng 2024; chính sách tăng lương cơ sở; chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và một số khoản thuế, phí để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh… có hiệu lực trong nửa cuối năm sẽ giúp phục hồi sức cầu nền kinh tế, qua đó tạo hiệu ứng tích cực đến thị trường chứng khoán.

Giải tỏa “nút thắt” pháp lý, thị trường bất động sản có sôi động?

Sau gần 2 năm rơi vào trầm lắng, thị trường BĐS nhiều nơi đã ghi nhận đà phục hồi trở lại từ cuối năm 2023 và tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024. Phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân vốn đã “nóng” lại càng trở nên cấp thiết khi xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ; đất nền một số khu vực “nóng”, một số khu vực có dấu hiệu “thổi nhiệt”...

Báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết thị trường BĐS nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Theo đó, toàn thị trường có 1.577 doanh nghiệp kinh doanh BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Tính chung từ đầu năm 2023 đến hết quý II/2024, đã có 4.589 doanh nghiệp quay trở lại thị trường và 2.210 doanh nghiệp thành lập mới. Đối với lực lượng môi giới, ước tính tổng số lượng môi giới quay trở lại bằng khoảng 60% so với giai đoạn "đỉnh".

“Cả 3 luật khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các “nút thắt” cho thị trường BĐS”, TS. Võ Trí Thành.

Nhiều phân khúc BĐS tăng nhiệt trong 6 tháng đầu năm 2024

Nhiều phân khúc BĐS tăng nhiệt trong 6 tháng đầu năm 2024

Trong đó, 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS sơ cấp ghi nhận 20.600 sản phẩm nhà ở được giao dịch thành công. Gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Riêng quý 2, toàn thị trường ghi nhận hơn 14.400 giao dịch thành công, cao gấp 2,4 lần so với quý 1, được đóng góp từ cả nhu cầu đầu tư và nhu cầu ở thực với nhu cầu đầu tư tăng khoảng 30% so với quý trước.

Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, chỉ số giá căn hộ chung cư tiếp tục duy trì xu hướng tăng tại cả Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, từ giữa đến cuối năm 2023, mức tăng trưởng về giá bán của thị trường căn hộ Hà Nội đã bắt đầu tăng và vượt qua mức tăng giá của thị trường Tp. HCM. Tính đến Q2/2024, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội gần tiệm cận mức 60 triệu VNĐ/m2. So với kỳ gốc (Q2/2019), giá bán căn hộ sơ cấp Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc với 58%, hơn gấp đôi so với tỷ lệ tăng (27%) của thị trường TP. HCM.

Phân tích về thị trường BĐS, các chuyên gia nhận định, từ ngày 01/8/2024 – thời điểm 3 luật gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Luật Đất đai chính thức có hiệu lực thi hành sẽ giải tỏa “nút thắt” pháp lý, tạo niềm tin để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.

Nhiều nhà đầu tư tranh thủ xuống tiền vào BĐS chờ nhịp tăng giá mới

Nhiều nhà đầu tư tranh thủ xuống tiền vào BĐS chờ nhịp tăng giá mới

Việc các luật thực thi sớm hơn 5 tháng được kỳ vọng sẽ tác động đến những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quyền sở hữu, sử dụng đất và các quyền sở hữu tài sản liên quan đến đất sẽ được làm rõ, được công khai, minh bạch hơn.

Dưới góc nhìn kinh tế, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, các luật khi có hiệu lực sớm về mặt thời gian sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi đóng góp từ 12-14% GDP quốc gia. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là cho cả quá trình phục hồi kinh tế.

“Cả 3 luật khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các “nút thắt” cho thị trường khi 70 - 80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý. Đồng thời, tạo nền tảng cho thị trường BĐS phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, cần đẩy nhanh việc hoàn thành các nghị định trên cơ sở đảm bảo nội dung chất lượng, bám sát thực tế của thị trường”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Miền, Phó Trưởng ban Nghiên cứu Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm “Giao dịch đất nền vùng ven bắt đầu “tăng nhiệt” nhưng chưa thực sự “sôi động” với mức giá tiếp tục tăng khoảng 5 - 10% so với đáy. Lượng nhu cầu chuyển hóa thành cầu tăng trưởng, xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi “săn” đất, chủ động xây nhà tại các mảnh đất đầu tư chờ tăng giá để cho thuê, thu về dòng tiền hàng tháng. Hoạt động đấu giá đất tại một số địa phương ghi nhận số lượng hồ sơ tăng vọt trong thời gian gần đây; mức đấu giá thành công cao hơn từ 20% tới 10 lần so với giá khởi điểm”.

Bà Miền dự báo, thị trường căn hộ chung cư nói riêng và thị trường bất động sản Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nhờ những trợ lực mạnh mẽ. Trong đó, thị trường tài chính, lãi suất cho vay bất động sản vẫn được duy trì ở mức thấp, tạo thuận lợi cho người mua nhà và nhà đầu tư. Hành lang pháp luật với 3 bộ luật là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai được đẩy nhanh, chính thức có hiệu lực từ 1/8 sẽ tạo đà cho thị trường căn hộ chung cư và thị trường bất động sản được thúc đẩy phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh và tích cực.

Vàng còn tiếp tục “nhảy múa”?

Thị trường vàng trong nước chứng kiến nhiều biến động trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, có nhiều thời điểm giá vàng miếng SJC có mức chênh với giá vàng thế giới lên tới 18-20 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng ra thị trường thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC đã kìm hãm đà biến động của giá vàng.  

Trong khi giá vàng miếng bất động, giá vàng nhẫn liên tục biến động theo giá vàng thế giới. Từng luôn thấp hơn giá vàng miếng SJC, nhưng cùng với đà tăng giá ở thị trường thế giới, giá vàng nhẫn tròn trơn đã tiệm cận giá vàng miếng SJC.

“10 năm qua, vàng được xem là kênh rủi ro cao nhưng đem lại lợi nhuận thấp” - Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia Tài chính, Cố vấn Quản lý gia sản CTCP FIDT.

Tại Báo cáo chiến lược đầu tư nửa cuối năm 2024, AFA cappital Việt Nam cho biết tính từ đầu năm đến ngày 3/6, giá vàng (bao gồm vàng miếng và vàng nhẫn) đã tăng 18,85%, còn nếu tính từ đầu năm 2023 đã tăng 35,77%. Giá vàng thế giới từ đầu năm đến đầu tháng 6 cũng tăng 12,79%.

Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup, trong 6 tháng đầu năm, vàng nhẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất so với các kênh cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ, tiền gửi, trái phiếu chính phủ.

Giá vàng miếng SJC được kìm hãm khi Ngân hàng Nhà nước mạnh tay can thiệp

Giá vàng miếng SJC được kìm hãm khi Ngân hàng Nhà nước mạnh tay can thiệp

Cụ thể, giá vàng nhẫn đã ghi nhận mức tăng 22% trong 6 tháng qua, trong khi vàng miếng SJC chỉ ghi nhận tăng hơn 4%; chỉ số VN-Index tăng 10%; lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng được điều chỉnh nhưng mức sinh lời chỉ quanh 1,5% – 2,5%; mức tăng của USD là 4,3%; trái phiếu là hơn 7%.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vẫn còn những yếu tố tác động khiến giá vàng tăng trong thời gian tới. Đó là việc ngân hàng trung ương các nước có thể tích thêm vàng trước sức ép về sự thay đổi đồng tiền dự trữ hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất… “Đây sẽ là động lực cho giá vàng trong thời gian tới”, ông Báu nhận xét.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia Tài chính, Cố vấn Quản lý gia sản CTCP FIDT, phân tích nếu thống kê 10 năm qua, vàng được xem là kênh rủi ro cao nhưng đem lại lợi nhuận thấp. Nguyên nhân vì trong một chu kỳ kinh tế kéo dài, lạm phát thấp thì vàng không phát huy được giá trị của mình.

Xuống tiền đầu tư cần các tiêu chí rõ ràng

Trước những biến động của các kênh đầu tư thời gian qua, lượng tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm của người dân cũng lập đỉnh mới trong tháng 4/2024. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 4, tiền gửi của dân cư tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng, tương đương trung bình mỗi ngày có thêm hơn 1.325 tỷ đồng được người dân mang gửi tiết kiệm lấy lãi và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới. Thống kê cho thấy, lượng tiền gửi của dân cư lũy kế 4 tháng đầu năm tăng hơn 183 nghìn tỷ đồng (2,8%).

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng hơn 81 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung trong 4 tháng đầu năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn giảm hơn 133 nghìn tỷ đồng (tương đương giảm 1,95%).

Lượng tiền nhàn rỗi người dân mang gửi tiết kiệm lập kỷ lục mới dù lãi tiết kiệm ở mức thấp

Lượng tiền nhàn rỗi người dân mang gửi tiết kiệm lập kỷ lục mới dù lãi tiết kiệm ở mức thấp

Đánh giá về tiềm năng của các kênh đầu tư trong những tháng cuối năm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trước khi quyết định đầu tư vào đâu, thì điều đầu tiên, nhà đầu tư phải xác định rõ 3 tiêu chí chính: Thứ nhất là đầu tư vào đâu để đảm bảo an toàn vốn, không bị mất vốn. Thứ hai, đầu tư vào đâu để sinh lời và thứ ba là phải có tính thanh khoản, có thể chuyển hóa ra tiền mặt một cách nhanh chóng. Từ đó, nhà đầu tư có thể chọn kênh đầu tư phù hợp dựa trên cách tính theo thang điểm.

Phân tích kỹ vào các kênh đầu tư, ông Hiếu cho rằng hiện tỷ giá đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, khi FED mở ra triển vọng có thể giảm lãi suất vào những tháng cuối năm thì giá USD sẽ giảm xuống. Việc đầu tư ngoại tệ do đó cần cân nhắc kỹ.

Về tiền gửi ngân hàng, sau thời gian lãi suất huy động liên tiếp giảm, hạ xuống mức thấp nhất lịch sử thì các ngân hàng đang đồng loạt tăng trở lại. Tuy nhiên, xu hướng tăng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp.

Thị trường vàng sau thời gian tăng "điên loạn" hiện đang bình ổn dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Giá vàng trong nước đã giảm xuống rất sâu và tiến gần với giá thế giới. Đây là một thành công lớn của Ngân hàng Nhà nước.

Các chuyên gia nhận định vàng là kênh giữ tài sản hơn là đầu tư sinh lời

Các chuyên gia nhận định vàng là kênh giữ tài sản hơn là đầu tư sinh lời

“Theo tôi, trong 6 tháng cuối năm, gửi tiết kiệm là kênh an toàn nhất, chỉ số hiệu quả nhất và lãi suất dự báo tiếp tục tăng” - chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu.

Tuy vậy, để giúp ổn định lâu dài thị trường vàng thì cần hai yếu tố. Điều kiện cần là giá vàng phải ở mức hợp lý và điều kiện đủ là nguồn cung phải đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Còn thị trường chứng khoán đã có giai đoạn tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa ổn định, bền vững. Một trong những nguyên nhân của sự bất ổn này là do chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi khối ngoại. Trong khi đó khối ngoại lại có chiến lược kinh doanh phụ thuộc vào kinh tế và tài chính thế giới. Chính vì vậy, những chính sách về tài chính tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài.

“Việc phụ thuộc vào biến động của thị trường tài chính thế giới sẽ khiến chứng khoán Việt Nam tuy diễn biến theo hướng tích cực nhưng chưa có sự ổn định bền vững”, ông Hiếu nói.

Về thị trường bất động sản, ông Hiếu cho rằng vẫn rất trầm lắng khi mà giá vượt xa tầm tay người tiêu dùng. Chuyên gia dự đoán tình hình chỉ có thể khởi sắc rõ rệt từ nửa cuối năm 2025.

“Theo tôi, trong 6 tháng cuối năm, gửi tiết kiệm là kênh an toàn nhất, chỉ số hiệu quả nhất và lãi suất dự báo tiếp tục tăng. Chứng khoán cũng có thể nên xem xét đầu tư nhưng cần thận trọng, lựa chọn chính xác mã cổ phiếu để hạn chế rủi ro, vì từ nay đến cuối năm, những biến động chính trị trên thế giới còn nhiều”, ông Hiếu nêu quan điểm.

BĐS vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn

BĐS vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn

Trong khi đó, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, mỗi kênh đầu tư đều có đặc điểm, lợi thế và hạn chế riêng. Việc lựa chọn đầu tư vào đâu trong 6 tháng cuối năm phải phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư.

Có những kênh đầu tư cần nguồn vốn rất lớn, cũng như đòi hỏi nhà đầu tư phải có khẩu vị rủi ro cao bởi  biến động giá cả và rủi ro lớn, đó là bất động sản. Trong khi lựa chọn đầu tư vàng thì không cần vốn quá lớn. Tuy nhiên, sự biến động mạnh của giá vàng thời gian qua cho thấy đây không phải là kênh đầu tư lý tưởng. Nên coi vàng là kênh dự trữ tài sản hơn là kênh đầu tư. Những thay đổi quá lớn và quá nhanh của vàng có thể khiến nhà đầu tư lãi lớn hoặc lỗ nhanh trong thời gian ngắn.

Về chứng khoán, ông Bình lạc quan cho rằng có triển vọng cao trong bối cảnh gắn với kinh tế trong nước và toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục tích cực. “Tuy nhiên muốn lựa chọn đầu tư kênh này thì phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nguồn vốn lớn, đầu tư lâu dài và tầm nhìn dài hạn, trung hạn chứ không phải là ngắn hạn”, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.

Gửi tiết kiệm là kênh phù hợp với tất cả người dân và lãi suất đang gia tăng sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là người có khẩu vị rủi ro thấp, mong muốn sự ổn định. “Tuy vậy, nhà đầu tư cũng không nên bỏ trứng vào một giỏ mà phải đa dạng hoá kênh đầu tư của mình để đảm bảo an toàn”, ông Bình nói.

BĐS “tăng nhiệt”, Chứng khoán rung lắc, Vàng lập đỉnh, lãi suất ngân hàng tăng: Kênh nào hút dòng tiền những tháng cuối năm? - 8

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Ba, ngày 23/07/2024 05:46 AM (GMT+7)
Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN