Bất ngờ người dân vẫn mang hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngày đổ vào kênh đầu tư này
Dù số lợi nhuận thu được liên tục giảm trong thời gian gần đây nhưng mỗi ngày người dân vẫn mang cả nghìn tỷ đồng đầu tư vào kênh này để lấy lãi.
Sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay, lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh. Mới nhất, từ ngày 21/7, BIDV đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức giảm 0,1 điểm % ở gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3%/năm. Đối với tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 4% xuống 3,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,6 xuống 5,3%/năm.
Đối với hình thức gửi tại quầy, Vietcombank cũng giảm 0,1 điểm % ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3%/năm. Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm % xuống 4,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng giảm 0,1% xuống 5,1%/năm. VietinBank cũng có điều chỉnh tương tự, ngân hàng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng tại quầy từ 3,4 xuống 3,3%/năm.
Tại Agribank, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 13 tháng – 24 tháng đồng loạt giảm từ 6,3%/năm xuống 6%/năm. Ngoài ra, ngân hàng cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng từ 3,4% xuống 3,3%/năm.
Hiện lãi suất kỳ hạn ngắn 1-3 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh đã trở về ngang với cùng kỳ (tháng 7/2022). Trong khi đó, lãi suất trung - dài hạn vẫn còn cao hơn khoảng 1%/năm.
Lượng tiền nhàn rỗi lớn của người dân vẫn đang đổ về ngân hàng
Bên cạnh đó, ngân hàng tư nhân cũng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động trong tháng 7 với các kỳ hạn khác nhau. Trong đó, SeABank thông báo giảm lãi suất huy động lần thứ 2 trong tháng 7. Theo đó, lãi suất tiền gửi giảm 0,8% từ mức 6,5%/năm xuống chỉ còn 5,7%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng. Các kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng lần lượt giảm 0,75 và 0,7% còn 5,75% và 5,8%/năm. Kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng cũng giảm mạnh 0,8 điểm phần trăm, lần lượt còn 5,85%/năm và 6%/năm…
ACB điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng đồng loạt giảm 0,1%. Cụ thể, đối với tiền gửi dưới 100 triệu đồng, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng là 6,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,6%/năm. Đối với tiền gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng là 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,7%/năm. Từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng là 6,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm.
Ngân hàng VPBank cũng giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6,6%/năm. Đối với khách hàng ưu tiên gửi 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, VPBank áp dụng lãi suất huy động là 7,1%/năm. Còn số tiền gửi từ 1 tỷ đến dưới 3 tỷ đồng, lãi suất huy động là 7,2 - 7,3%/năm…
Hiện lãi suất huy động 12 tháng của nhóm các ngân hàng thương mại quốc doanh là 6,3%/năm; nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lớn (ACB, MBB, VPB, TCB) là 6,83%/năm; và nhóm ngân hàng thương mại khác là 7,18%. Bình quân 6 tháng đầu năm nay, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh, khoảng 1,35%. Trong đó, nhiều kỳ hạn có mức giảm mạnh từ 3 đến 4%/năm so với mức đỉnh cuối năm 2022.
Dù các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm trong thời gian gần đây nhưng mỗi ngày người dân cả nước vẫn đang mang cả nghìn tỷ đồng để gửi lãi tiết kiệm.
Anh Tân (Ninh Bình) cho biết do không có nhiều kinh nghiệm với các kênh đầu tư khác nên thời gian qua gia đình vẫn coi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn nhất. Ông bố 37 tuổi này cho biết cuối tháng 7 này có một sổ tiết kiệm 400 triệu đồng đến thời hạn tất toán nên đang tham khảo các ngân hàng về mức lãi suất để số tiền nhàn rỗi của mình có thể sinh lời tốt nhất.
Tương tựn chị Hạnh (TPHCM) cho biết bản thân đang có 600 triệu đồng tiền nhàn rỗi cũng đang tìm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất để gửi. Trên các diễn đàn về gửi tiết kiệm ngân hàng, những thông tin chia sẻ và tìm kiếm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất ở thời điểm hiện nay cũng được các thành viên thảo luận sôi nổi.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy kể từ đầu năm đến tháng 5 vừa qua, xu hướng mang tiền gửi tiết kiệm của người dân vẫn duy trì mức tăng.
Theo đó, tại thời điểm tháng 12/2022, tiền gửi của dân cư trong ngân hàng chỉ là 5.865.757 tỷ đồng, thì đến tháng 5/2023, con số này đã tăng lên là 6.347.545 tỷ đồng tương đương có thêm tới 481.788 tỷ đồng được người dân mang gửi tiết kiệm trong 5 tháng đầu năm. Tương đương, trung bình mỗi tháng người dân cả nước mang thêm hơn 96.000 tỷ đồng để gửi tiết kiệm ngân hàng, mỗi ngày có hơn 3.200 tỷ đồng được người dân mang gửi tiết kiệm tại các nhà băng để lấy lãi. Thống kê cũng chỉ ra, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đã liên tục vượt qua lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Tính đến tháng 5/2023, số dư của tiền gửi các tổ chức kinh tế giảm chỉ còn 5.748.486 tỷ đồng.
Mặc dù lãi tiết kiệm đã được các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo đánh giá triển vọng vĩ mô mới đây của KB Securities Vietnam (KBSV) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2%/năm, giảm 1,8% so với đầu năm, và giảm 0,45% so với thời điểm hiện tại.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của đại gia 53 tuổi người Quảng Ngãi này cũng ghi nhận vượt mốc 6.000 tỷ đồng.