Giữa bão dịch Covid-19, những người này ngồi nhà "đếm tiền", doanh thu tăng 4-5 lần
Nắm bắt tâm lý lo ngại bệnh dịch lây lan của người tiêu dùng, nhiều chủ shop online đã tranh thủ nhập thêm nguồn hàng, ship combo theo thực đơn bữa ăn tới từng gia đình.
Sinh sống nhiều năm tại khu chung chung cư VOV (Mễ Trì), chị Hải Yến quê Nam Định – người chuyên cung cấp thực phẩm trong chợ online cư dân của khu cho biết, chị chuyên bán đồ hải sản như tôm, cá, mực, ngao,… được chuyển từ quê lên.
Lo ngại tập trung đám đông, khácn mua hàng online tăng đột biến
Theo chị Yến, vì mọi người đều đi làm giờ hành chính nên đơn hàng thường được đặt trước và chuyển lên vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
Mấy ngày gần đây, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn số lượng đơn hàng đã tăng đột biến nên chị Yến đã phải tăng cường thêm người ở quê để kịp vận chuyển hàng.
“Thông thường trong tuần tôi gom đơn, cuối tuần có hàng thì trả khách. Trung bình vào hai ngày cuối tuần, mỗi ngày tôi bán khoảng 1 tạ hàng, gồm 40 - 50kg tôm và mực, cá thu, chả cá thu, cùng 50kg ngao,…
Mấy ngày vừa qua có lẽ mọi người ngại đi chợ nên đã chuyển sang mua hàng online. Tính riêng ngày thứ 7 và ngày chủ nhật lượng đơn hàng tôi nhận được đã tăng gấp 2- 3 lần, trong đó đặc biệt là tôm được mọi người đặt mua nhiều nhất”, chị Yến cho biết.
Cũng theo chị Yến, mọi người mua hàng phần lớn là khách quen lâu năm nên nhiều khách đã nhờ mua giúp gà, vịt, trứng, rau và gạo quê luôn.
“Mấy gia đình có con nhỏ không tiện đi chợ nên đã nhờ tôi mua “combo” các món luôn thể. Thôi thì tiện chuyến xe, gom được thứ gì tôi gom luôn. Vì lượng hàng tăng lên nhiều, một số đơn tôi đã phải chuyển sang thứ 2 mới trả hết”, chị Yến nói thêm.
Nhiều người bán hoa quả tại các sạp cũng chuyển sang bán hàng online
Được biết, ngoài các đơn hàng thực phẩm, nhiều hàng bán trái cây cũng tăng đáng kể lượng khách mua online.
Chị Nguyễn Thị Hải, chủ một sạp hàng trái cây trên đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân), cũng thừa nhận những ngày gần đây lượng khách hàng đến mua trái cây tại sạp hàng của chị vắng hơn hẳn. Ngồi buồn, chị đã chụp hình từng loại trái cây, kèm giá đăng lên mời khách quen đặt hàng.
“Người dân giờ ngại ra ngoài đường, đến những nơi đông người. Ngay cả đi chợ mua thực phẩm cũng ít người đi hơn. Thế nên, dân buôn bán như bọn chị ngoài bán cho khách đến mua trực tiếp ở chợ còn tranh thủ bán online nữa.
Hôm chủ nhật cũng là ngày rằm, ngoài một số khách mua trực tiếp tôi đã nhận được hơn 20 đơn hàng mua online. Khách mua hoa quả của tôi lại nhờ tôi mua giúp hoa tươi, sau đó ship tới nhà”, chị Hải cho biết.
Cũng theo chị Hải, trước bán hàng trực tiếp cho khách, công việc khá đơn giản. Giờ bán online phải chụp ảnh trái cây đăng bán, nhắn tin trả lời khách cũng mất khá nhiều thời gian, công sức. Nhưng giờ dịch bệnh phức tạp, bán online như thế này có lẽ là một biện pháp tốt.
“Ngày hôm qua và hôm nay không phải ngày rằm nhưng đơn hàng vẫn khá nhiều. Tuy phải mất công tư vấn trả lời khách, sau đó tôi phải nhờ người nhà ship hàng nhưng bù lại doanh thu trong ngày không quá tồi, như vậy là vui rồi", chị Hải nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Mới 32 tuổi, chàng trai Singapore đã xây dựng một doanh nghiệp đa quốc gia trị giá hàng triệu USD với tư cách là người đồng...