Lưu bài Bỏ lưu bài

Làm việc ở thành phố hay về quê: Được gì và mất gì?

Sau khi học xong, việc lựa chọn nơi lập nghiệp luôn là những vấn đề mà các bạn trẻ phải đối diện. Tuy nhiên, lựa chọn ở thành phố hay về quê luôn là những lựa chọn khó khăn đối với nhiều người. 

Tôi chọn ở lại thành phố: Buồm muốn căng thì thuyền ắt phải ngược gió

Có khá nhiều bạn trẻ quyết tâm “ trụ” ở thành phố để tìm kiếm cơ hội và lối đi riêng cho mình sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp. Với Huy Cường (30 tuổi) – Nhân viên tư vấn tại một công ty về bất động sản là một trong những người trong số đó. Cường cho rằng, ở Hà Nội tuy áp lực nhưng sẽ có nhiều cơ hội cho những người tuổi trẻ như mình thử thách và phấn đấu.

“Ở Hà Nội áp lực thật nhưng sẽ có nhiều cơ hội cho những người tuổi trẻ như mình. Buồm muốn căng thì thuyền ắt phải ngược gió” – Nguyễn Huy Cường (30 tuổi, Thái Bình).

“Thực ra sống ở đâu cũng phải làm việc và nỗ lực mới có khả năng nâng cao đời sống của chính mình. Bạn đang ở Thủ đô, đang có công việc tốt và có nhiều hứa hẹn ở tương lai. Vậy không có lý do gì để bạn chuyển hướng về quê chỉ để có mác “công việc ổn định” tại một cơ quan nhà nước nào đó, bởi chưa chắc nơi đó đã ổn định như ai đó nghĩ.

Với những người lựa chọn ở lại thành phố thì luôn có giấc mơ mua được một căn nhà để an cư

Với những người lựa chọn ở lại thành phố thì luôn có giấc mơ mua được một căn nhà để an cư

Ở thành phố cần rất nhiều tiền!

“Hiện tại, em thuê nhà ở một mình với mức 2 triệu đồng/tháng. Chi phí điện, nước, sinh hoạt nữa, tối thiểu cũng từ 6 – 8 triệu/tháng. May mắn nhờ có chút tiền tích lũy nên trong thời gian bị tác động bởi dịch Covid-19, bản thân em vẫn không cần phải nhờ đến sự trợ giúp của gia đình”… Đó là chia sẻ của Ngô Như Quỳnh – chuyên viên dịch thuật (27 tuổi, Vĩnh Phúc).

“Ở thành phố cuộc sống rất sôi động, bước chân ra khỏi cửa là có thể mua được những món đồ mình yêu thích. Tuy nhiên, để sống ổn ở thành phố thì cần rất rất nhiều tiền”… - Ngô Như Quỳnh

Theo lời Như Quỳnh, thời gian vừa qua, một phần vì bản thân mới ra trường, một phần vì muốn dành thời gian học cao học nên công việc chưa thực sự ổn định. Khi dịch Covid-19 ập tới, Quỳnh bị mất việc làm. Tận dụng vốn ngoại ngữ, em xoay sở làm một số công việc dịch thuật và dạy học online tuy nhiên thu nhập cũng bấp bênh.

Tuy cuộc sống không quá nhiều khó khăn, song theo chia sẻ của Quỳnh, nhờ những ngày dịch vừa qua nên giờ đây cô đã có những suy nghĩ, nhìn nhận thực tế hơn về công việc và tương lai cho bản thân. 

“Sau 5 năm đi làm hiện lương của tôi mới hơn 10 triệu/tháng. Tôi tự thấy mình không phải là con người có tính cạnh trạnh cao ở đất Hà Nội này để đạt ngưỡng thu nhập 20 – 30 triệu/tháng.

Ai cũng có tuổi trẻ và có quyền ước mơ. Sau gần 10 năm học tập và sinh sống ở Hà Nội, tôi nghĩ rằng để sống ổn ở thành phố (TP) cần có rất rất nhiều tiền bởi cuộc sống còn nhiều thứ phải dùng đến tiền, đó là khi lập gia đình, nuôi con cái ăn học, mua nhà, mua xe,… chưa kể chi phí sinh hoạt ở TP cao gấp nhiều lần ở các tỉnh. Do đó, tôi quyết định, ít tháng nữa khi hoàn thành chương trình cao học tôi sẽ về quê làm việc. Với vốn ngoại ngữ có được, tôi tin là sẽ có nhiều công việc phù hợp tại các khu công nghiệp tôi có thể làm được.

Chắc chắn ở quê cuộc sống sẽ không sôi động và nhiều sắc màu như ở đây, nhưng với tôi cái được sẽ nhiều hơn”… Quỳnh chia sẻ.

“Về quê, thu nhập sẽ giảm một nửa nhưng bù lại có nhà cửa đàng hoàng, cuộc sống đỡ áp lực đi nhiều” – Trần Thu Hà

Đang có một công việc ổn định tại Hà Nội, nhưng Trần Thu Hà (26 tuổi, quê Hà Nam) cũng đang phân vân với quyết định tiếp tục ở lại thành phố tìm cơ hội hay về quê lập nghiệp: “Mình đang làm kế toán tại một công ty về lĩnh vực giáo dục với mức lương 10 triệu/tháng. Bình thường công việc khá ổn, tuy nhiên mình đang phân vân giữa quyết định về quê hay tiếp tục ở lại Hà Nội”.

Tuy nhiên, để có một nơi an cư ở các thành phố lớn là một áp lực đáng kể với nhiều người

Tuy nhiên, để có một nơi an cư ở các thành phố lớn là một áp lực đáng kể với nhiều người

Thu Hà cho biết, ở thành phố lớn cuộc sống không chỉ sôi động, nơi đây cũng sẽ có nhiều cơ hội việc làm nhưng hiện tại mình vẫn đang ở nhà thuê kèm theo nhiều khoản chi phí phát sinh. “Nếu về quê, chắc chắn lương sẽ thấp hơn nhiều (giảm khoảng một nửa) nhưng bù lại ở quê chi phí cũng thấp, ở quê có nhà cửa đàng hoàng. Hàng ngày được ăn, ở cùng bố mẹ, cuộc sống đỡ áp lực đi nhiều. Mình sẽ thử thách bản thân một thời gian nữa, cuối năm 2022 sẽ quyết định cuối cùng cho việc này” – Thu Hà nói.

Được biết, chia sẻ của bạn Huy Cường, Như Quỳnh và Thu Hà cũng là suy nghĩ của khá nhiều bạn trẻ hiện nay. Song cũng có nhiều bạn, quyết tâm “về quê khởi nghiệp”, đặc biệt là những người luôn đau đáu với giấc mơ làm giàu trên quê hương của chính mình.

Sẵn sàng từ bỏ phố thị phồn hoa để khởi nghiệp trên quê hương

Trong khi nhiều bạn trẻ sau khi ra trường đã cố gắng để tìm một công việc ở thành phố lớn thì Dương Ngọc Trường, chàng sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ngay khi ra trường đã trở về quê lập thân, lập nghiệp.

Dương Ngọc Trường bỏ phố về quê khởi nghiệp và đã gặt hái được những thành công đáng kể

Dương Ngọc Trường bỏ phố về quê khởi nghiệp và đã gặt hái được những thành công đáng kể

Theo đó, mô hình nông nghiệp, dược liệu từ các phụ phẩm cây nông nghiệp, dược liệu nhằm chiết xuất các loại tinh dầu từ lá sả, tràm, quế, hương nhu, toner hoa hồng, toner hoa sen,.... đã ra đời tại xã Thạch Sơn (Thanh Hóa).

“Về quê khởi nghiệp, mong muốn lớn nhất của tôi là nâng cao giá trị và đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp của địa phương”... - Dương Ngọc Trường, Thanh Hóa.

Tính đến tháng 6/2022, doanh nghiệp của chàng trai sinh năm 1997 đã phủ xanh được 14ha đất trống đồi trọc với hơn hàng chục loại cây, bao gồm: cây tràm, mùi già, tía tô, hoa hồng, hoa sen, húng chanh, bạc hà, trầu không, hoa ngũ sắc,…theo canh tác hữu cơ, tự chủ vật tư đầu vào là phân hữu cơ ủ bã cây sau quá trình sản xuất với tổng doanh thu 3 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho 43 lao động.

Trường chia sẻ, “mong muốn lớn nhất của tôi là nâng cao giá trị và đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp của địa phương, nhằm xây dựng môi trường phát triển bền vững tại quê hương tạo và tạo ra hệ sinh thái phát triển sản xuất từ nông nghiệp – dược liệu cho người dân địa phương”.

Dù đã gặp vô vàn những khó khăn trên con đường khởi nghiệp của mình, nhưng chàng trai trẻ vẫn khẳng khái cho biết: “Mình chưa bao giờ thấy con đường mình đi là không đúng, bởi điều mình quan tâm là làm được gì và giúp gì cho xã hội này”.

“Tôi muốn nói với các bạn trẻ đang có ý định về quê khởi nghiệp rằng con đường ấy rất chông gai, vất vả”... - Phạm Văn Long (sinh năm 1991, quê Nghệ An).

Tương tự, anh Phạm Văn Long (sinh năm 1991) người Nghệ An cho biết sau khi tốt nghiệp trường Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, bản thân từng có thời gian làm kỹ sư công nghệ kỹ thuật ô tô và từng làm việc tại Panasonic Việt Nam. Công việc có thu nhập tốt, nhưng Long đã quyết định rời Hà Nội để trở về quê khởi nghiệp.

Phạm Văn Long cũng rút ra cho mình nhiều bài học sau quyết định về quê khởi nghiệp

Phạm Văn Long cũng rút ra cho mình nhiều bài học sau quyết định về quê khởi nghiệp

Năm 2018, sau hàng loạt thất bại, chàng trai người Nghệ An đã trở thành chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm ngũ cốc.

Nhằm từng bước chủ động nguồn nguyên liệu, Long quyết định hợp tác với nông dân ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) để phát triển cánh đồng liên kết trồng các loại đậu. Còn tại quê hương (xã Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An), năm 2021 Long xây dựng nhà xưởng với diện tích hơn 1.000 mét vuông với kinh phí xây dựng 2,5 tỷ đồng và sử dụng công nhân làm việc toàn thời gian.

Long cho biết từ năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp của mình đã lên tới cả tỷ đồng/năm và tăng trưởng đều đặn 50%/năm.  

Chia sẻ về những kinh nghiệm rút ra sau quãng thời gian hơn 4 năm khởi nghiệp của mình, Phạm Văn Long tâm sự: “Tôi muốn nói với các bạn trẻ đang có ý định về quê khởi nghiệp rằng con đường ấy rất chông gai, vất vả. Sẽ có nhiều người xung quanh đàm tiếu, chê bai. Nhưng, bản thân phải luôn kiên định lý tưởng, hoài bão của mình, quyết tâm thực hiện. Thất bại không được nản chí, hãy đứng dậy và bước tiếp”.

Được và mất gì khi lựa chọn ở phố hay về quê?

Anh Trần Quốc Tuấn – một người đã từng làm việc tại TP. HCM và cũng đã từng lựa chọn trở về quê (Quảng Ngãi) để sinh sống, chia sẻ:

Trước khi các bạn quyết định ở lại TP hay về quê thì hãy nghĩ cho thông: Ở lại để làm gì và sẽ được gì?

“Trước khi các bạn quyết định ở lại TP hay về quê thì hãy nghĩ cho thông: Ở lại để làm gì và sẽ được gì?” - Anh Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi.

Tôi đi nhiều thành phố ở Việt Nam, tôi thấy cuộc sống ở các trung tâm tỉnh lỵ, thành phố nhỏ chỉ kém sôi nổi và thiếu tiện nghi một chút thôi nhưng bù lại yên bình và đỡ phải chen chúc. Về quê với nhiều người cũng là một hướng đi.

Nếu bạn đã quyết định về quê lập nghiệp, chỉ cần các bạn thực sự quyết tâm, cố gắng, áp dụng công nghệ, duy trì kết nối với bên ngoài, sẵn sàng mang hàng hóa, sản phẩm đi giao thương, xuất khẩu... thì chắc chắn cơ hội thành thành công là rất cao.

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành

Tôi cũng muốn nói thêm, việc quyết định về quê hay ở lại TP còn phải tùy từng ngành nghề, tùy năng lực của mỗi người nữa. Sống và làm việc ở thành phố, dù chi phí cao nhưng thị trường rất rộng lớn, đồng nghĩa với nhiều cơ hội kiếm tiền, nhiều người sẵn sàng chi trả tiền sử dụng dịch vụ... Còn ở quê, bạn có thể có cuộc sống yên bình, môi trường sống trong lành và chi phí thấp hơn nhiều,… nhưng ở quê thị trường quá hẹp, sức tiêu thụ quá thấp, ít công ăn việc làm, nên khó tìm kiếm được công việc ưng ý.

“Lựa chọn nơi sinh sống và làm việc là một quyết định quan trọng trong cuộc đời, vì vậy không nên làm theo trào lưu” - Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc) cho biết: “Theo tôi, lựa chọn nơi sinh sống và làm việc là một quyết định quan trọng trong cuộc đời, vì vậy không nên làm theo trào lưu. Cần phải nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ từng tác động tới cuộc sống của bản thân và gia đình, con cái (nếu đã kết hôn và sinh con) để lựa chọn cho sáng suốt. Bỏ phố về quê sinh sống, tìm việc có thể là đúng đắn, phù hợp với người này nhưng cũng có thể là không phù hợp với người khác. Điều này tùy thuộc vào thực tế của mỗi người. Vì vậy, mỗi người hãy cẩn trọng xem xét hoàn cảnh riêng của mình mà lựa chọn sao cho phù hợp”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tân - Chuyên gia tư vấn TRIZ, Thành viên Hội đồng cố vấn KN Đổi mới Sáng tạo Quốc gia cho rằng quyết định như thế nào là hoàn toàn do chính các bạn đưa ra, nhưng trước khi quyết định làm công việc gì và làm ở đâu, các bạn cần phải cân nhắc cẩn trọng dựa trên 2 yếu tố cơ bản: năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và môi trường làm việc nơi mà các bạn hướng đến.

Ông Nguyễn Minh Tân - Chuyên gia tư vấn TRIZ, Thành viên Hội đồng cố vấn KN Đổi mới Sáng tạo Quốc gia

Ông Nguyễn Minh Tân - Chuyên gia tư vấn TRIZ, Thành viên Hội đồng cố vấn KN Đổi mới Sáng tạo Quốc gia

“Trước khi đưa ra lựa chọn, bạn cần phải cân nhắc cẩn trọng dựa trên 2 yếu tố cơ bản: Năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và môi trường làm việc nơi mà các bạn hướng đến” - Ông Nguyễn Minh Tân - Chuyên gia tư vấn TRIZ, Thành viên Hội đồng cố vấn KN Đổi mới Sáng tạo Quốc gia

Đối với năng lực bản thân các bạn cần phải xác định rất rõ điểm mạnh của bạn là gì? Nó phù hợp với môi trường năng động hay môi trường mang tính ổn định cao? Từ đó bạn sẽ xác định được hướng đi tiếp theo.

Nếu bạn là người năng động thì các thành phố lớn vẫn là lựa chọn rất tốt bởi tính mở, các cơ hội lớn vẫn luôn hơn ở các tỉnh thành; nếu bạn là người ưa ổn định thì lựa chọn ở lại thành phố sẽ rất khó khăn, vì ở các thành phố lớn các bạn phải đối mặt với bài toán tài chính khá nan giải: giá cả các dịch vụ cao, mua được căn nhà là một thách thức rất lớn. Và khi đó, bạn lựa chọn với chỗ dựa vững chắc là gia đình cộng với khá nhiều cơ hội việc làm mới ở nông thôn sẽ giúp bạn dễ thở hơn nhiều.

Điều cuối cùng tôi muốn lưu ý: Muốn thành công dù trong bất cứ lĩnh vực gì, ở bất cứ nơi nào thì các bạn vẫn luôn phải nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ. Vì môi trường làm việc bây giờ biến động rất nhanh và rất mạnh. Nếu không liên tục học hỏi những kỹ năng mới thì các bạn sẽ rất khó thích ứng.  

Tương tự chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành cũng cho rằng lựa chọn thế nào cho phù hợp tùy thuộc vào tính cách, sở thích, cung cầu, năng lực, thói quen sống của mỗi người và cơ hội công việc thực tế. “Tôi chỉ muốn nhắn nhủ các bạn trẻ là hãy bình tâm suy nghĩ thật kĩ, phân tích thật kĩ những tác động của sự thay đổi này đến hiện tại và tương lai của bạn, gia đình bạn, con cái bạn và lắng lại để nghe tiếng lòng mình trước khi quyết định”.

Bám trụ thành phố hay về quê lập nghiệp: Câu trả lời khiến nhiều người bất ngờ - 7

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Hai, ngày 31/10/2022 05:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])