6 triệu hay 70 triệu, chi tiêu bao nhiêu cho dịp Tết Nguyên đán là đủ?

Tết Nguyên đán 2020 đã cận kề, trên những diễn đàn, hội nhóm của phụ nữ, các chị em lại xôn xao bàn tán về chi tiêu, mua sắm Tết thế nào cho hợp lý. Tùy điều kiện từng gia đình, có thể chi tiêu từ 2 - 5 triệu, thậm chí cả vài chục đến hàng trăm triệu cho một gia đình trong những ngày Tết.

Thực tế cho thấy, không có một con số cụ thể nào cho việc chi tiêu Tết được xem là hợp lý mà tuỳ vào điều kiện kinh tế và nhu cầu của từng gia đình cụ thể. Thế nên, việc một bà mẹ đơn thân chia sẻ dự tính chi tiêu đến hơn 70 triệu đồng cho dịp Tết cũng không gây “sốc” cho cộng đồng mạng.

Theo mẹ đơn thân này, các khoản chị sẽ chi tiêu cho dịp Tết bao gồm: 20 triệu tiền mua đồ gia dụng trong nhà + 20 triệu tiền mua thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả, đồ ăn trong những ngày Tết + 10 triệu quà biếu Tết + 5 triệu tiền mừng tuổi + 20 triệu tiền mua cây đào, quất, hoa và các đồ trang trí nhà cửa. Tính ra, tiền chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán của chị vào khoảng 75 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo đa số chị em chia sẻ thì mức chi tiêu ngày Tết vào khoảng 10 – 20 triệu đồng. Ngoài chi phí đi lại về quê nội ngoại, chi phí mua sắm quần áo, vật dụng, trang trí nhà cửa vào khoảng 5 triệu, chi phí mua thực phẩm, đồ ăn 5 triệu, và chi phí mua quà biếu/tặng, mừng tuổi khoảng 5 triệu.

Chi tiêu bao nhiêu cho dịp Tết Nguyên đán là đủ?

Chi tiêu bao nhiêu cho dịp Tết Nguyên đán là đủ?

Mặt khác, cũng có nhiều chị em chia sẻ chỉ dự tính tiêu từ 2 - 5 triệu cho những ngày Tết, đã bao gồm cả việc sắm sửa đồ trang trí nhà cửa, mua thực phẩm dự trữ, quà biếu hai bên nội ngoại và tiền lì xì trẻ con, người lớn tuổi.

Theo tính toán của chị Nguyễn Lan (Đê La Thành, Hà Nội), chi phí dành cho Tết Nguyên đán của gia đình 2 người lớn 1 trẻ em nhà chị chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng. Về thực phẩm, chị mua 200 ngàn đồng bánh chưng (50 ngàn/cái x 4 cái); 500 ngàn đồng/2 con gà (1 con cúng giao thừa, 1 con cúng ngày hóa vàng); 300 ngàn đồng thịt, xương lợn; 150 ngàn đồng 1 kg giò; 200 ngàn đồng măng miến; 250 ngàn đồng tiền mộc nhĩ, hành, rau thơm, rau nấu canh, dầu ăn, nước mắm, mì chính, bột canh; 200 ngàn đồng tiền hoa quả bày biện bàn thờ. Tổng chi phí mục này là 1,8 triệu đồng.

Theo chị Lan, nhà chị diện tích khá bé nên chỉ mua một cành đào và một cây quất cảnh khoảng 150 – 200 ngàn mỗi loại. Chi phí mua đào, quất trang trí nhà cửa cao nhất là 400 ngàn đồng. Ngoài ra, chị dành 500 ngàn đồng mua quần áo mới cho con và 500 ngàn đồng mua bánh kẹo, hướng dương, ô mai đãi khách đến chơi nhà. Như vậy, tổng số tiền phải chi cho các khoản trong gia đình vào khoảng 3,2 triệu đồng.

Về quà biếu hai bên nội ngoại, chị Lan cho biết: “Nếu có điều kiện kinh tế khá giả thì việc mua đồ gì, biếu bao nhiêu tiền cho bố mẹ hai bên rất dễ dàng. Nhưng với những người kinh tế không dư dả thì lại khác, bắt buộc phải tính toán trong khả năng của mình”. Theo đó, chị Lan dự tính dành 1 triệu đồng mua quà biếu ông bà hai bên, mỗi bên 1 giỏ quà gồm 1 chai rượu, 2 hộp bánh, 1 hộp mứt và 1 hộp trà.

Về tiền mừng tuổi, chị Lan dự tính mừng tuổi bố mẹ 2 bên 400 ngàn đồng (100 ngàn đồng x 4 người), tiền mừng tuổi các cháu nhỏ 800 ngàn đồng (đổi ra các tờ 10 ngàn, 20 ngàn và một ít tờ 50 ngàn). Nếu có phát sinh thì chị “mượn tạm” tiền mừng tuổi của con để “luân phiên”. Ngoài ra, tiền đi lễ chùa đầu năm khoảng 200 ngàn đồng. Như vậy, tổng chi phí tiêu Tết gia đình 3 người nhà chị Lan khoảng 5,6 triệu đồng.

Chị Lan chia sẻ: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mức lương của tôi là 5 triệu đồng/tháng, thưởng Tết cao nhất cũng chỉ được thêm một tháng lương, nên tôi phải chọn cách chi tiêu hợp lý nhất để Tết vẫn đủ, vẫn đầy, vẫn vui mà không tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình”.

Nguồn: [Link nguồn]

Lì xì dịp Tết: Bao nhiêu là đủ?

Xã hội cũng có những “luật bất thành văn” đối với phong tục lâu đời này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Kiều ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN