6 tháng cuối năm: Rót tiền đầu tư kênh nào an toàn và hiệu quả?
Đã bước sang tháng đầu của quí 3/2021, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang băn khoăn chưa biết nên rót tiền vào kênh nào an toàn và hiệu quả?
Có thể nói đại dịch COVID -19, với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, quy mô toàn cầu đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội mọi quốc gia, trong đó Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Trong lúc dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc như hiện nay, khi có tiền nhàn rỗi nhiều người băn khoăn chưa biết nên rót tiền vào kênh nào an toàn và hiệu quả?
"Nên đầu tư gì trong 6 tháng cuối năm" là câu hỏi được nhiều người quan tâm
Lãi suất ngân hàng sẽ tăng?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm (tính đến 21-6), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%. Cùng kỳ năm ngoái, huy động vốn tăng tới 4,35% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 2,45%.
Diễn biến này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại thời gian qua.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần mới nhất, Công ty chứng khoán SSI cho rằng nửa đầu năm 2021, lãi suất tiền gửi ổn định ở mức thấp trong khi lãi suất cho vay giảm nhẹ ở các lĩnh vực ưu tiên.
"Môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch lãi suất tiền gửi - cho vay sẽ chịu áp lực thu hẹp. Lãi suất tiền gửi có thể tăng khoảng 0,5 điểm % trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay" - các chuyên gia phân tích của SSI nhận định.
Nhiều người kỳ vọng lãi suất ngân hàng sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm
Trong báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021, Công ty chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 0,25 - 0,3 điểm % trong nửa cuối năm do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao hơn về cuối năm. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần duy trì mức lãi suất hấp dẫn để cạnh tranh huy động vốn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Nói về vấn đề lãi suất, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích: “Theo quy luật kinh tế - tài chính, rủi ro cao thì lãi suất phải cao hơn để bù đắp rủi ro đó. Thêm nữa, lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Do đó, người dân có kỳ vọng gửi tiền vào ngân hàng, được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỷ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương".
Song, mặt khác, vị chuyên gia này cũng từng đề cập, lãi suất tiền gửi của ngân hàng ở vùng thấp được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng, chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hay những kênh rủi ro cao như forex, tiền ảo…
Đầu tư chứng khoán có còn dư địa?
Trong nửa đầu năm 2021, VN-Index tăng 27,6% lên 1.408,55 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng tăng 59,2% lên 323,32 điểm, UPCoM-Index tăng 21,2% lên 90,25 điểm so với cuối năm 2020. Dòng tiền nhà đầu tư "F0" vẫn được đánh giá là động lực chính giúp thị trường chứng khoán đi lên thời gian qua. Ở nửa sau của năm 2021, nhiều chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng trưởng nhưng rủi ro lớn hơn rất nhiều.
Lượng nhà đầu tư F0 xuất hiện khiến thị trường luôn "nóng" nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích, Chứng khoán VNDirect nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021, dù khó đi lên mạnh mẽ như giai đoạn đầu năm do mặt bằng định giá đã không còn rẻ như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, thị trường sẽ phân hóa mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm nay, tập trung hơn vào những cổ phiếu chất lượng, có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực trong giai đoạn tới.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng dự báo thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng, nhưng mức độ có thể thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2021.
Do đó, VN-Index được ông Minh dự báo có thể sẽ đạt đỉnh trong vùng 1.456 – 1.500 điểm và có thể đóng cửa ở mức 1.255 điểm trong năm 2021.
Diễn biến dòng tiền nhàn rỗi chảy một phần qua kênh chứng khoán cũng được các chuyên gia kinh tế, công ty chứng khoán đề cập gần đây.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng tài khoản giao dịch đăng ký mới trên thị trường chứng khoán lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 482.800 tài khoản, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020, tương đương mỗi ngày có gần 2.700 tài khoản chứng khoán mở mới.
Ở góc nhìn khác TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế lại bày tỏ lo ngại về nguy cơ xuất hiện bong bóng trên thị trường chứng khoán.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cao, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động thấp. Điều này phần nào lý giải thông thường thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản vì mặt bằng lãi suất thấp. Trong số nhà đầu mới tham gia thị trường chứng khoán gần đây, phần lớn không phải là nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp.
“Tiền đang đổ quá nhiều vào chứng khoán, nhất là dòng tiền tập trung trên thị trường thứ cấp, chứ không phải sơ cấp. Có nghĩa là tiền chưa đến túi của các nhà sản xuất, kinh doanh. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nếu diễn biến như hiện nay không kiểm soát chặt. Một khi hình thành bong bóng chứng khoán, thì sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Bất động sản có còn là “miếng đất màu mỡ”?
Chia sẻ với báo chí, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Châu (một chuyên gia BĐS) cho rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định, dòng tiền chảy vào thị trường không mạnh như cùng kỳ những năm trước.
Giai đoạn này là thời điểm lý tưởng cho người có nhu cầu thực và các nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi
Lãi suất vay mua BĐS đang thấp nhưng chỉ mang tính ngắn hạn nên dòng tiền cho BĐS trong 6 tháng cuối năm 2021 vẫn hạn chế. Giai đoạn hiện nay phù hợp với những nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi, còn nhà đầu tư sử dụng tiền vay mượn sẽ gặp khó khăn.
“Đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở thời điểm này là hợp lý, vì sẽ có những trường hợp khó khăn, phải bung hàng, giảm giá” – bà Châu nói thêm.
Một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường, sở hữu cả chục căn nhà, đất ở Hà Nội nhìn nhận thời điểm này, nếu có nguồn tài chính ổn định thì nên cân nhắc việc tìm mua các BĐS rõ ràng pháp lý với giá cạnh tranh. Bởi, nhiều người gặp vấn đề với dòng vốn đầu tư, thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không xoay được dòng tiền để trả ngân hàng nên có thể sẽ phải bán bớt tài sản.
“Người mua sở hữu mức tài chính ổn định từ nhiều nguồn thì có thể cân nhắc việc mua thêm, sử dụng vốn vay ngân hàng khoảng 20 – 30% giá trị BĐS. Dịch bệnh có thể dai dẳng nên việc mua vào cần thận trọng, chỉ thực hiện các giao dịch rõ ràng về pháp lý và giá cạnh tranh, không mua theo phong trào” – nhà đầu tư này nói thêm.
Cần lắm những cái “van” chốt chặn phù hợp
Trước hiện tượng dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, khuyến cáo cơ quan quản lý cần có động thái cảnh báo cho các nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, đa dạng hóa các kênh đầu tư, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào khi chưa có sự hiểu biết, phân tích thấu đáo. Ðặc biệt không vay mượn, dùng đòn bẩy tài chính ở hệ số cao để đầu tư.
Một trong những thách thức cho phát triển thị trường chứng khoán vốn hiện nay là nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân chưa chuyên nghiệp) dẫn đến nguy cơ bong bóng trên thị trường khi lượng vốn đổ vào từ các nhà đầu tư mới (F0).
“Các cơ quan quản lý cần có các giải pháp đẩy nhanh tính minh bạch, chuyên nghiệp cho các định chế tham gia thị trường chứng khoán. Về phía các địa phương, cần nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn hiện tượng sốt đất và một số kênh đầu cơ mới xuất hiện”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, Chính phủ và các cơ quan quản lý trực tiếp cần có những biện pháp siết lại các “van” nơi các nguồn tiền chảy vào hai thị trường tài sản này để cho các thị trường từ từ hạ nhiệt. Tuy nhiên, không nên sử dụng những biện pháp quá mạnh để điều chỉnh thị trường, bởi nếu siết mạnh sẽ khiến bong bóng vỡ - rất nguy hiểm, tạo ra những hỗn loạn trên thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát.
“Các tổ chức tín dụng có vai trò chốt chặn quan trọng. Cần đảm bảo khách hàng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích, tránh tình trạng khách hàng vay sử dụng sai mục đích, đầu tư vào chứng khoán. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, đưa ra các tiêu chí hết sức chặt chẽ để kiểm soát, xử lý các hiện tượng lách luật”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.
Nguồn: [Link nguồn]
Dòng tiền bất ngờ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán nhờ lực mua của nhà đầu tư.