Yêu cầu xem xét lại việc đổi tên quê Hồ Xuân Hương
Nghệ An - UBND tỉnh Nghệ An không chấp thuận tờ trình tên xã mới sau sáp nhập của huyện Quỳnh Lưu, trong đó có việc đổi tên xã Quỳnh Đôi, quê nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Trưa 17/4, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, cho biết Thường trực Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An đã yêu cầu huyện làm lại quy trình, làm rõ việc đặt tên đơn vị hành chính mới dựa trên cơ sở nào, người dân có đồng thuận không và báo cáo tỉnh trước ngày 20/4.
"Huyện Quỳnh Lưu đề xuất thay đổi quá nhiều so với phương án ban đầu. Một số xã như Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu đổi thành Đôi Hậu có nhiều ý kiến tranh luận, vì thế tỉnh yêu cầu xem xét lại kỹ lưỡng hơn. Khi điều chỉnh tên mới của xã phải báo cáo rõ lý do, nguyên nhân chọn", ông Dinh nói.
Huyện Quỳnh Lưu có 15 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập thành 7 xã mới. Hôm 9/4, trong văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến điều chỉnh tên gọi của 7 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, huyện đề xuất ghép tên mới cho các xã, trong đó xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu thành tên xã mới Đôi Hậu.
Cổng làng ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Đức Hùng
Sau khi đưa ra phương án này, huyện nhận được nhiều phản hồi không đồng tình của người dân, nửa muốn giữ lại tên gọi Quỳnh Đôi, số còn lại cho rằng tên gọi mới "nghe kỳ kỳ".
Lãnh đạo xã Quỳnh Đôi nói địa bàn là quê hương "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương, có lịch sử và bề dày văn hóa hơn 600 năm nên kiên quyết giữ lại tên. Phía Quỳnh Hậu cho rằng xã cũng có lịch sử 400 năm, nơi có hai vị thành hoàng được vua Lê Đại Hành sắc phong và di chỉ Đền Đôi, "nếu không thể giữ thì tên mới cũng phải gợi nhớ đến xã cũ".
Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại khuôn viên nhà thờ họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Đức Hùng
Theo Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, tìm tên mới phù hợp cho xã sau sáp nhập là việc rất khó, vì liên quan đến cộng đồng dân cư. Thông thường khi điều chỉnh địa giới hành chính, các địa phương sẽ ghép tên hai xã thành một để tìm ra tên mới và đều được các cấp lẫn người dân chấp thuận. Tuy nhiên, tên ghép Đôi Hậu "không hay và hơi nhạy cảm" nên nảy sinh nhiều ý kiến.
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu giải thích trình tự các bước đặt tên cho xã sau sáp nhập "chưa làm đến bước lấy ý kiến người dân". Do tỉnh yêu cầu hạn chót ngày 9/4 phải gửi tờ trình dự thảo phương án đặt tên đơn vị hành chính mới nên huyện mới gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo.
Trung tâm xã Quỳnh Hậu. Ảnh: Đức Hùng
Huyện từng đưa ra phương án giữ tên Quỳnh Đôi, song Quỳnh Hậu phản ứng. Do vậy, cán bộ chuyên môn sẽ làm việc với hai xã để tuyên truyền, vận động giữ lại tên này. Nếu người dân không đồng tình, huyện sẽ xem xét một tên phù hợp và tổ chức cho người dân bỏ phiếu vào đầu tháng 5.
Giai đoạn 2023-2025, Nghệ An dự kiến sáp nhập một huyện và 89 xã. Tại Quỳnh Lưu, tranh luận cũng diễn ra khi dự thảo trình tỉnh Nghệ An đưa phương án ghép tên xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ thành tên xã mới Hoa Mỹ. Tại huyện Thanh Chương, xã Thanh Giang và Thanh Mai sáp nhập, ban đầu được đề xuất tên Tân Dân nhưng người dân không đồng tình nên dự kiến tên mới là Mai Giang.
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính hôm 15/4, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, yêu cầu các địa phương khi đặt tên mới cần bám sát hướng dẫn của cấp trên, phải tính đến đặc điểm lịch sử, truyền thống, văn hóa và địa danh để có phương án phù hợp, tránh máy móc.
Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sẽ được sáp nhập với xã Quỳnh Hậu và dự kiến được đổi tên thành Đôi Hậu. Kế hoạch này gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Nguồn: [Link nguồn]