Yến sào: Người giàu, kẻ khổ

Từ phố thị đến nông thôn, đâu đâu cũng thấy nhà nuôi yến xuất hiện. Yến đã đem lại cho nhiều người cuộc sống giàu có, no ấm. Nhưng yến cũng đem lại biết bao phiền toái cho những người bị buộc phải “sống chung với yến”.

Vô số căn nhà mọc lên gần đây ở Cần Giờ (TP.HCM) chỉ để nuôi chim yến. Tại vùng đất thị xã Gò Công (Tiền Giang) và một phần huyện Gò Công Tây trong khoảng chục năm đã có không dưới 500 căn nhà cao tầng mọc lên để nuôi yến. Đó là chưa kể nhà nuôi yến đang mọc lên như nấm ở các huyện khác. Yến đã đem lại cho nhiều người cuộc sống giàu có. Nhưng yến cũng đem lại biết bao phiền toái cho hàng trăm ngàn dân bị bắt buộc “sống chung với yến”.

Về đất Gò Công hỏi thăm chuyện yến, tức thì ai cũng chỉ đến nhà “vua yến” Mười Thiết - người đầu tiên làm nhà yến và cũng đang sở hữu lượng yến nhiều nhất vùng.

“Vua yến” đất Gò Công

Năm 1988, tầng trệt căn nhà vốn được ông Mười Thiết dùng làm kho thóc ở xã Long Bình, Gò Công Tây (Tiền Giang) bỗng dưng xuất hiện nhiều con chim đậu chênh vênh và làm tổ trên trần. “Sáng ra cứ thấy nó thải phân bừa bãi, mấy đứa cháu mỗi lần vào vận chuyển thóc trong kho lại ra sức đập chết”, ông Mười Thiết kể lại.

Thời ấy, đang là một người buôn gỗ, ông Mười Thiết cũng chẳng để ý đến việc con cháu mình đập chết mấy con chim làm dơ kho thóc. Đến một ngày, người bạn làm ăn của ông Mười Thiết quả quyết đó là chim yến, có tổ “bán được lắm”, ông mới bán tín bán nghi cùng con cháu trèo lên gỡ những cái tổ xám trắng, bé vừa lòng bàn tay gửi cho người bạn đem lên Sài Gòn bán thử. Chẳng ngờ mười mấy cái tổ ấy bạn ông bán được đến hơn 3 chỉ vàng.

Yến sào: Người giàu, kẻ khổ - 1

Anh Võ Văn Dũng (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM) với các sản phẩm yến thu hoạch được từ nhà nuôi yến của gia đình - Ảnh: Mai Hương

Ông Mười Thiết khi đã tin được nhà mình có yến, thầm cảm ơn trời ưu đãi. Nhưng việc làm ăn bận bịu khiến ông không để ý nhiều đến mấy cái tổ yến, chỉ dặn con cháu, người đến lấy thóc không được đập chim nữa. Vài tháng, ông cùng con cháu lại leo lên trần nhà gỡ tổ đem bán. “Nửa năm cũng được vài trăm gam, đổi bán được mấy chỉ vàng. Mà lúc ấy nói xung quanh cũng chẳng ai tin. Thằng cháu trong nhà lúc ấy đang học cấp II quả quyết với cô giáo rằng nhà mình có yến còn bị cô giáo rầy”, ông Thiết nhớ lại. Người dân xứ Gò Công lúc ấy tin làm sao được khi tất cả sách vở giáo khoa thời ấy đều mặc định yến là loài chim sống ở đảo, chủ yếu có ở tỉnh Khánh Hòa. Chưa ai biết chim yến có thể làm tổ ở bất cứ nơi đâu chúng có cảm giác yên bình và thuận đường kiếm ăn.

Cứ thế, đàn yến kéo đến kho thóc dưới tầng trệt nhà ông Mười Thiết ngày một đông. Nhiều khi việc làm ăn thất bát, dăm ba tổ yến cũng giúp giải quyết được phần nào kinh tế gia đình. Đến năm 1997, ông Mười Thiết “làm liều” thêm một căn nhà gỗ 60m2 sát bên, rập khuôn theo mẫu kho thóc nhà mình cho yến vào ở.

Việc “làm liều” của ông Mười Thiết thế mà thành. Chỉ hai năm sau, căn nhà 60m2 cũng trở nên chật chội khi mỗi chiều yến về. Thấy “làm ăn” với yến được, ông Thiết để vốn liếng ra tiếp tục mua thêm đất, dựng thêm nhà. Đến nay, 10 căn “nhà yến” của ông Mười Thiết vẫn là nơi quy tụ yến nhiều nhất xứ Gò Công, mặc dù việc nuôi yến của ông hoàn toàn tự nhiên và chẳng phải dùng một phương pháp dẫn dụ nào.

Thương hiệu “Yến Gò Công”

Không như ông Mười Thiết, anh Trần Bảo Quốc, giám đốc Công ty TNHH Yến Gò Công, người được xem là khai sinh ra phong trào nuôi yến ở thị xã Gò Công, lại có cơ duyên với yến từ... đất Phan Rang (Ninh Thuận).

Sinh ra ở Gò Công, từ những ngày còn nhỏ đã quen với bóng yến tán loạn đầy trời những ngày thời tiết biến động, nhưng anh Quốc không hình dung cái giống chim ấy lại là đặc sản mà trời ưu đãi cho đất Gò Công. Anh theo nghề tôm, bấy giờ đang phát triển mạnh với việc mua tôm giống ở Ninh Thuận vào nuôi ở miền Tây. Vào ra đất Phan Rang, đến năm 2005 lần đầu tiên anh Quốc mới hay rằng cái giống chim “vô tích sự” ở quê mình lại quý. Cũng thời điểm ấy, dinh tỉnh trưởng cũ ở thị xã Gò Công và mái vòm chợ thị xã Gò Công có rất nhiều yến về làm tổ.

Yến sào: Người giàu, kẻ khổ - 2

Yến đang làm tổ trong nhà. Ảnh: Sơn Lâm

Sau một buổi khảo sát, anh Quốc quyết định từ bỏ nghề tôm, chuyển sang nghề yến. Lập ra Công ty TNHH Yến Gò Công, anh Quốc bắt đầu những buổi thuyết phục, tổ chức những hội thảo, nghiên cứu các đặc điểm về yến theo công nghệ từ Malaysia để được thuê lại dinh tỉnh trưởng cũ và mái vòm chợ Gò Công để khai thác tổ yến. Bắc loa vang tiếng yến để dẫn dụ, gắn hệ thống phun sương giữ ẩm, tiếng chim yến bắt đầu vang lên giữa thị xã Gò Công.

Không chỉ khai thác tổ yến ở hai điểm được thuê, sẵn tiền chuyển nghề từ việc nuôi tôm, anh Quốc xây thêm hai căn nhà và bắt đầu việc dẫn dụ yến. Thấy anh Quốc làm, nhiều người cũng bắt đầu thí điểm học hỏi, làm theo.

“Nghề yến có ưu điểm là cũng như bất động sản, nếu mình có vốn bỏ ra xây dựng cơ sở ban đầu rồi cứ thế mà khai thác, sinh lời chứ không sợ rủi ro”, anh Quốc chia sẻ. Một nhà yến tiêu chuẩn khoảng 100m2 là hợp lý, ngoài tiền xây dựng, người nuôi yến chỉ cần đầu tư thêm khoảng 50 triệu đồng cho hệ thống phun sương giữ ẩm, loa phát tiếng dẫn dụ là bắt đầu... chờ yến về.

Yến sào: Người giàu, kẻ khổ - 3

Ông Mười Thiết với những tổ yến của mình - Ảnh: Sơn Lâm

Anh Quốc nói thêm kinh nghiệm: “Một cặp yến một năm sinh được ba lượt, cho ra ba cặp con. Một cặp con khoảng sáu tháng bắt đầu làm tổ để sinh sản tiếp. Chim non khi đã biết bay, rời tổ đi ăn mồi là người nuôi có thể gỡ tổ thu hoạch...”. Cấp số nhân cứ thế, đàn yến ngày càng tăng dần. “Thật ra nói nuôi vậy thôi chứ đặc điểm của chim yến là ăn sâu bọ, côn trùng, mình chỉ dẫn dụ và cho nó nơi làm tổ chứ cũng chẳng phải cho ăn”, anh Quốc nói thêm.

Từ anh Quốc, những người “chuyên về yến” ở đất Gò Công ngày càng nhiều. Anh Nguyễn Văn Mười Một, giám đốc Công ty TNHH Yến Việt Gò Công, cho hay: “Làm nhà yến rất dễ, chỉ cần trổ cửa cho đúng hướng bay thuận tiện của yến, mở loa phát tiếng dẫn dụ vừa phải và... may mắn nữa là thu hoạch thôi!”. Anh Mười Một nhẩm tính: “Vì yến sản sinh theo cấp số nhân như vậy nên cũng khoảng hai năm là đầy một nhà yến 300m2...”. Đặc biệt, anh Mười Một là người đầu tiên xây nhà cho yến có chỗ bám làm tổ hoàn toàn bằng bêtông chứ không gác giàn gỗ như những kiểu làm trước đây. “Yến xuất phát từ việc bám đá ở đảo, nên tui nghĩ bêtông cũng có thể giúp chúng làm tổ được”, ý tưởng đó của anh Mười Một đang thành công với năm căn nhà yến đã có thể khai thác đều đặn hằng ngày.

Một ký yến Việt đã qua sơ chế, làm sạch lông hiện có giá khoảng 40 triệu đồng. 100 cặp yến thì sau ba tháng có thể cho ra khoảng 1 kg tổ. Cứ thế, nhà nhà ở Gò Công đua nhau cơi nới thêm để dẫn dụ yến. Các nhà thầu xây dựng ở Gò Công cũng chuyển hướng nuôi yến, những đại gia từ TP.HCM cũng ồ ạt kéo về mua đất, xây nhà dụ yến.

“Giá đất ở Gò Công khá thấp so với những vùng có thể nuôi được yến ở TP.HCM như Củ Chi, Cần Giờ. Hơn nữa việc thành lập nhà yến ở đây mật độ dẫn dụ nhanh hơn hẳn các vùng khác ...”, anh Thanh Đức, chủ một công ty bất động sản ở TP.HCM, vừa đầu tư hơn 3 tỉ đồng xây nhà yến ở ngoại ô thị xã Gò Công cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Lâm - Ngọc Hậu (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN