Yanukovych: Từ nguyên thủ tới kẻ sát nhân
Điều gì đã khiến một vị nguyên thủ đứng đầu Ukraine trở thành tên tội phạm bị truy nã vì tội giết người chỉ trong một đêm?
Hôm Chủ nhật tuần trước, cuộc tháo chạy đầy bất ngờ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã khiến cả những đồng minh lẫn đối thủ của ông sửng sốt, một diễn biến mà ngay cả Nga và phương Tây đều không ngờ tới. Sau cuộc tháo chạy bằng trực thăng đó, ông Yanukovych đã bị Quốc hội nước này phế truất và ra lệnh truy nã, biến ông từ một nguyên thủ đầy quyền lực thành một kẻ tội phạm “sát hại hàng loạt thường dân”.
Vậy quá trình sụp đổ của vị tổng thống được dân bầu ra vào năm 2010 này đã diễn ra nhanh chóng như thế nào, và cái gì đã đẩy Yanukovych vào một kết cục phải trốn chạy như vậy, chúng ta hãy cùng nhìn lại tình hình Ukraine trong một tuần vừa qua.
Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych lúc còn đương chức
Hôm thứ Năm tuần trước, trong khi cảnh sát chống bạo động nổ súng vào người biểu tình tại quảng trường Độc Lập khiến hàng chục người thiệt mạng, nhiều nghị sĩ quốc hội Ukraine vốn trung thành với ông Viktor Yanukovich đã bắt đầu tỏ thái độ phản đối và xa lánh ông. Một thành viên trong đảng chính trị của Tổng thống Yanukovich đã gọi điện cho Phó chủ tịch Quốc hội Ruslan Koshulinskiy thuộc phe đối lập để thúc giục tổ chức một phiên họp Quốc hội khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực.
Đáp lại, ông Koshulinskiy cho biết: "Chúng tôi đang bị các tay súng bắn tỉa của cảnh sát săn lùng. Chúng tôi không thể đến đó." Khi màn đêm buông xuống và tiếng súng ngớt dần, các nghị sĩ phe đối lập cũng đã tìm được đường đến Quốc hội và thông qua quyết định yêu cầu các cơ quan an ninh ngừng xả súng vào người biểu tình và rút lui lực lượng khỏi quảng trường Độc Lập.
Cảnh sát Ukraine dùng súng AK bắn vào người biểu tình hôm thứ Năm tuần trước
Quyết định này của Quốc hội đã có hiệu lực rộng rãi và ngay tức thì. Những cảnh sát vốn không muốn nổ súng vào người tình nay đã chính thức có cớ để rút lui.
Diễn biến này cho thấy ông Yanukovich đã bị chính những đồng minh chính trị thân cận nhất bỏ rơi và phế truất chức danh tổng thống. Hôm Chủ nhật, quốc hội Ukraine đã công bố người lên làm tổng thống tạm quyền là tân Chủ tịch Quốc hội, người mới bị thương tuần trước bởi một quả lựu đạn của cảnh sát.
Cũng trong hôm Chủ nhật, đảng Các Khu vực của ông Yanukovich đã lên tiếng chỉ trích "chuyến bay hèn nhát" của ông, đồng thời tuyên bố rằng vị tổng thống thân Nga phải chịu trách nhiệm về tình trạng yếu kém của đất nước, bao gồm "tình trạng vi phạm nhân quyền, ngân quỹ quốc gia trống rỗng, khoản nợ khổng lồ, và nỗi hổ thẹn trong con mắt của người dân Ukraine và thế giới."
Tại Kharkiv, một thành phố gần biên giới với Nga, ông Yanukovich không hề xuất hiện trước những người ủng hộ, và thậm chí là trước các chính trị gia thân Nga vốn được coi là đồng minh thân cận lâu năm của ông. Thị trưởng thành phố Kharkiv Gennady Kernes cho biết: "Ông ấy giờ đã thuộc về quá khứ. Tôi không biết ông ấy ở đâu. Tôi không đi tắm hơi cùng ông ấy".
Sự sụp đổ quá nhanh của chính quyền tổng thống Yanukovich đã gây bất ngờ cho các đối thủ của ông cũng như các chính trị gia phương Tây và Nga, những người đã nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng địa chính trị căng thẳng vừa qua.
Người biểu tình thương vong trên quảng trường Độc Lập
Chỉ trước đó vài ngày, Tổng thống Yanukovich vẫn sẵn sàng cho phép các lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình trong cuộc đàn áp bạo lực đẫm máu nhất trong lịch sử hậu Xô Viết. Cách phản ứng của ông Yanukovich cũng cho thấy ông thậm chí còn có thể ra lệnh đàn áp đẫm máu hơn nữa nếu phe đối lập không công nhận quyền lực của chính phủ.
Tuy nhiên, trên thực tế chính quyền của Tổng thống Yanukovich mong manh hơn cái vẻ bên ngoài của nó rất nhiều. Mặc dù một vài cuộc đụng độ vẫn xảy ra hôm Chủ nhật, tuy nhiên nỗi lo ngại rằng những người ủng hộ ông Yanukovich có thể gây ra một cuộc nội chiến cũng dần lắng dịu.
Thậm chí Nga cũng không đưa ra động thái quyết liệt nào sau sự sụp đổ bất ngờ của Tổng thống Yanukovich và đã triệu hồi đại sứ của mình tại Kiev về nước vào chiều tối Chủ nhật để "tham vấn".
Sự sụp đổ của chính quyền Yanukovich để lại nhiều vấn đề nan giải cho bộ máy lãnh đạo mới như một ngân khố trống rỗng và sự chia rẽ dân tộc sâu sắc. Nga tất nhiên không thể hài lòng với việc mất đi một đồng minh thân cận lâu đời và rất lo ngại về một cuộc đảo chính ngay sát biên giới của mình.
Quốc hội Ukraine họp phiên khẩn cấp phế truất ông Yanukovych
Moscow ngay lập tức lên án sự thay đổi quyền lực tại Kiev, gọi đó là một cuộc đảo chính phi pháp đồng thời chỉ trích phe đối lập đã không tuân thủ một thỏa thuận đã được ký kết với chính quyền của ông Yanukovich vào tuần trước mà theo đó ông Yanukovich sẽ tại vị cho tới cuối năm nay. Nga khẳng định rằng ông Yanukovich vẫn là tổng thống hợp hiến của Ukraine cho tới khi ông này chính thức từ chức.
Mới thứ Năm vừa qua, ông Yanukovich còn tỏ vẻ kiên quyết nắm giữ quyền lực. Lực lượng cảnh sát của tổng thống đã nổ súng vào hàng chục người biểu tình khi họ đang cố gắng mở rộng phạm vi đóng trại trên quảng trường Độc Lập.
Sau vụ nổ súng, Bộ trưởng Nội vụ Vitaliy Zakharchenko xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố rằng vũ khí đã được trao cho cảnh sát chống bạo động và họ được phép sử dụng chúng.
Tuy vậy, các thành viên thuộc đảng của Yanukovich cho biết sự bất mãn với tổng thống đã manh nha từ trước khi bạo lực nổ ra. Khi được bầu làm tổng thống năm 2010, Yanukovych hứa hẹn sẽ vực dậy nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng trong hơn 3 năm cầm quyền, ông Yanukovych chỉ chăm chăm làm giàu cho gia đình và những đồng minh thân cận.
Một dinh thự xa hoa của ông Yanukovych
Uy tín của tổng thống giảm sút nhanh chóng, đặc biệt là trong giới doanh nhân. Họ phàn nàn rằng mình thường xuyên bị cảnh sát và các quan chức chính phủ vòi vĩnh. Dù vậy, quyền lực của Tổng thống Yanukovich lại được mở rộng đáng kể sau một quyết định của tòa án, cho phép ông bổ nhiệm tất cả các thành viên trong nội các. Trước đó, thành viên nội các phải được cả Quốc hội và tổng thống thông qua.
Phong trào biểu tình bắt đầu nổ ra vào cuối năm ngoái khi Tổng thống Yanukovich bất ngờ từ chối một thỏa thuận đối tác với Liên minh châu Âu và tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Nga. Sau khi cảnh sát đàn áp mạnh tay người biểu tình trên quảng trường Độc Lập, lượng người biểu tình đổ về đây mỗi lúc càng đông hơn. Cảnh sát đã nỗ lực chiếm lại Quảng trường nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt hơn.
Cảnh bạo lực đẫm máu trên quảng trường Độc Lập hồi tuần trước
Và vụ cảnh sát sử dụng súng quân dựng bắn vào đám đông biểu tình làm hàng chục người chết hôm thứ Năm chính là giọt nước làm tràn ly, khiến không chỉ Mỹ và phương Tây phẫn nội mà còn gây áp lực buộc các nghị sĩ Quốc hội phải hành động.
Trong phiên họp khẩn cấp tối thứ Năm, các nghị sĩ đảng đối lập đã gây sức ép buộc các thành viên đảng Các Khu vực cầm quyền tham gia cuộc bỏ phiếu để chấm dứt đổ máu.
Cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội nhằm cấm cảnh sát nổ súng vào người biểu tình diễn ra trong khi ông Yanukovich đang đàm phán với các lãnh đạo phe đối lập và một số ngoại trưởng châu Âu. Các chính trị gia từ châu Âu đến Kiev nhằm tạo áp lực buộc hai bên phải đi đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị tại nước này.
Sau cuộc đàm phán này, ông Yanukovich và các lãnh đạo phe đối lập đã ký kết một thỏa thuận vào chiều ngày thứ Sáu, nhất trí giảm quyền hạn của tổng thống và tổ chức bầu cử vào cuối năm nay.
Ảnh truy nã ông Yanukovych dán khắp đường phố Kiev
Tuy nhiên, dường như cảm thấy tình hình ngày càng một mất kiểm soát và áp lực ngày một lớn hơn, ông Yanukovych cùng một số người thân tín đã bất ngờ lên trực thăng để tìm cách bay ra nước ngoài nhưng bất thành. Cuộc tháo chạy chóng vánh của ông đã đánh dấu sự bắt đầu cho quá trình sụp đổ của chính phủ Yanukovych, mở đường cho phe đối lập bầu ra tổng thống lâm thời thân phương Tây để lãnh đạo đất nước cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào tháng 5 tới đây.
Hiện ông Yanukovych vẫn đang bị truy nã trên khắp toàn quốc với tội danh “sát hại hàng loạt thường dân”. Ảnh truy nã của ông được dán khắp đường phố, trong khi tung tích của vị tổng thống bị phế truất này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.