Y án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc

Chiều nay 7/5, sau 6 ngày xét xử phúc thẩm vụ án Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đối với Dương Chí Dũng và đồng phạm, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên án dành cho các bị cáo.

 13h30: Bị cáo Dương Chí Dũng được lực lượng cảnh sát dẫn giải vào phòng xử án, bị cáo mặc áo trắng, quần đen.

13h45: Bị cáo Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng được dẫn giải vào phòng xử án.

Y án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc - 1

Bị cáo Dương Chí Dũng được lực lượng cảnh sát dẫn giải vào phòng xử án

14h5: Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn đọc bản tuyên án đối với bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm.

HĐXX nhận định, mặc dù dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam của Vinalines chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng từ đầu năm 2007 đến hết năm 2009 Vinalines, cụ thể là Dương Chí Dũng và đồng phạm vẫn tiến hành khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua ký hợp đồng thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore).

Y án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc - 2

Bị cáo Mai Văn Phúc, được dẫn vào phòng xử án

Quá trình triển khai dự án, Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines); Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều, Phó tổng giám đốc Vinalines; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines; Mai Văn Khang, nguyên thành viên Ban quản lý dự án Vinalines; Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Lê Văn Dương, Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước, cố ý làm trái gây thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỷ đồng.

Thông qua việc mua ụ nổi 83M trái quy định của Nhà nước, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP (Sinhgapore), Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều đã tham ô 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) là số tiền mua ụ nổi 83M đã thanh toán, được Công ty AP chuyển lại Việt Nam.

Trước khi ký ụ nổi 83M ông Goh, giám đốc Cty AP (Singapore) để gặp Dũng và Phúc để thỏa thuận mua ụ nổi 83M. Cụ thể Dũng nhận 10 tỷ đồng, Phúc 10 tỷ đồng, Chiều 340 triệu đồng và Sơn 7,8 tỷ đồng (trong đó Sơn cho em gái Trần Thị Hải Hà 2 tỷ đồng, còn lại 5,8 tỷ đồng Sơn giữ lại chi tiêu cá nhân).

Y án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc - 3

Các bị cáo tại tòa ngày 7/5

Như vậy, hành vi của các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều đã phạm vào tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự. Hành vi của các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện đã phạm vào tội Cố ý làm trái theo quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gậy hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án này, Dương Chí Dũng được xác định là chủ mưu trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại gần 367 tỉ đồng và tham ô 1,666 triệu USD.

15h20: Cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo Dương Chí Dũng và bị cáo Mai Văn Phúc có vai trò chính trong việc tham ô “lại quả” 1,666 triệu USD là phù hợp, chính xác trong Vinalines. Tuy nhiên cấp sơ thẩm đã không làm rõ vai trò của Trần Thị Hải Hà (em gái Sơn) trong việc nhận tiền 1,666 triệu USD đã tạo điều kiện cho đồng bọn chiếm đoạt 1,666 triệu USD.

Lời khai của Sơn đưa số tiền 10 tỷ đồng cho Dương Chí Dũng là phù hợp với những chứng cứ có trong hồ sơ. Việc Dương Chí Dũng chi nói nhận vali rượu của  Trần Hải Sơn là thiếu căn cứ.

Đối với việc nhận 10 tỷ đồng của Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn khai đưa 3 lần cho Mai Văn Phúc và không nhớ chính xác cụ thể thời gian là do thời gian đưa tiền đến khi bị bắt đã qua quá lâu, nhiều nhân chứng đều thừa nhận có việc nhận chuyển giúp, rút tiền cho Sơn những lần đưa tiền cho Dương Chí  Dũng và Mai Văn Phúc. Việc các bị cáo bị cấp sơ thẩm xử phạt về Tội cố làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là hoàn toàn có căn cứ và chính xác.

Việc cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều là chính xác. Hình phạt đối Trần Hải Sơn cấp sơ thẩm tuyên là nhẹ cần phải tăng hình phạt để tương xứng với hành vi của bị cáo gây ra.

Đối với bị cáo Mai Văn Khang và Lê Văn Dương cấp sơ thẩm tuyên là chính xác.

Còn 3 bị cáo Đức, Lừng, Triện, nguyên là cán bộ Hải quan cấp sơ thẩm đã tuyên, cần áp dụng hình phạt nhẹ hơn để tương xứng đối với hành vi của các bị cáo gây ra. Mức bồi thường của các bị cáo mà cấp sơ thẩm tuyên là phù hợp.

Việc kê biên 3 ngôi nhà của Dương Chí Dũng cần phải tính đến một phần công sức của bà Phương và bà Thảo trong việc mua ngôi nhà này để đảm bảo quyền lợi cho bà Phương và bà Thảo.

Bác kháng cáo của bà Vân (vợ Mai Văn Phúc) trong việc kê biên ngôi nhà ở Quảng Ninh.

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều, Sơn, Khang, Dương. Giữ nguyên án sơ thẩm.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Dương Chí Dũng (SN 1957, quê Hải Dương), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải): Tử hình về tội tham ô, 18 năm tội cố ý làm trái, tổng hợp chung là tử hình.

Bị cáo Mai Văn Phúc (SN 1957, quê Hải Phòng), nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Tử hình tội tham ô, 18 năm tội làm trái.

Bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, quê Hải Phòng), nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines: 22 năm tù giam.

Bị cáo Trần Hữu Chiều (SN 1963, quê Hà Nam), nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines: 19 năm tù giam.

Bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1960, quê Hải Phòng), nguyên Kế toán trưởng Vinalines: 4 năm tù giam.

Bị cáo Mai Văn Khang (SN 1959, quê Nghệ An), nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: 7 năm tù về tội cố ý làm trái.

Bị cáo Lê Văn Dương (SN 1971, quê Hà Nam), Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam: 7 năm tù giam.

Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Đức, Lừng, Triện.

Tuyên phạt, bị cáo Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, quê Khánh Hòa), nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 6 năm tù giam.

Bị cáo Lê Ngọc Triện (SN 1964, quê Phú Yên), Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 6 năm tù giam.

Bị cáo Lê Văn Lừng (SN 1959, quê Thanh Hóa), Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 6 năm tù giam.

Bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc phải nộp cho nhà nước 110 tỷ đồng. Bị cáo Trần Hữu Chiều nộp 39 tỷ đồng và 340 triệu đồng, Trần Hải Sơn nộp 39 tỷ đồng và 7,8 tỷ đồng, Huỳnh Hữu Đức 7 tỷ đồng, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện nộp 6 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm: Tòa đã tuyên phạt bị cáo Dương Chí Dũng (SN 1957, quê Hải Dương), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải): Tử hình.

Bị cáo Mai Văn Phúc (SN 1957, quê Hải Phòng), nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Tử hình.

Bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, quê Hải Phòng), nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines: 22 năm tù giam.

Bị cáo Trần Hữu Chiều (SN 1963, quê Hà Nam), nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines: 19 năm tù giam.

Bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1960, quê Hải Phòng), nguyên Kế toán trưởng Vinalines: 4 năm tù giam.

Bị cáo Mai Văn Khang (SN 1959, quê Nghệ An), nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: 7 năm tù.

Bị cáo Lê Văn Dương (SN 1971, quê Hà Nam), Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam: 7 năm tù giam.

Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, quê Khánh Hòa), nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.

Bị cáo Lê Ngọc Triện (SN 1964, quê Phú Yên), Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.

Bị cáo Lê Văn Lừng (SN 1959, quê Thanh Hóa), Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.

Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước gần 367 tỷ đồng. Kê biên 3 ngôi nhà của bị cáo Dương Chí Dũng tại Hà Nội; kê biên 1 ngôi nhà tại Quảng Ninh của bị cáo Mai Văn Phúc.

Đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn phải nộp lại số tiền 28 tỷ đồng đã tham ô. Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra gia đình bị cáo Dũng đã nộp 5,2 tỷ đồng, Phúc nộp 3,5 tỷ đồng.

Sau phiên sơ thẩm 9 bị cáo đã làm đơn kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines không làm đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, VKS đã không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều, Sơn và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Dương, Đức, Lừng, Triện. Bên cạnh đó, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét việc kê biên 3 ngôi nhà của Dương Chí Dũng, 1 ngôi nhà của Mai Văn Phúc để đảm bảo quyền lợi một phần tài sản này cho vợ của các bị cáo.

Trách nhiệm chính trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỷ đồng là do Dương Chí Dũng. Căn cứ vào Điều 11 Luật Hàng hải Việt Nam thì ụ nổi 83M là tàu biển. Trong hợp đồng thanh toán ụ nổi 83M tại ngân hàng của Vinalines đều thể hiện ụ nổi 83M là tàu biển và hoạt động của ụ nổi phải được đăng ký như tàu biển theo Nghị định 49 của Chính phủ.

Tại lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra cùng thừa nhận ụ nổi là một dạng của tàu biển. Tuy nhiên, việc ụ nổi 83M đã 43 năm là quá tuổi không đủ điều kiện để nhập (theo quy định tàu quá 15 tuổi không được nhập khẩu) nhưng vẫn được các bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm nhập khẩu về Việt Nam, là làm trái với quy định của Chính phủ.

Việc xét xử của cấp sơ thẩm đối với các bị cáo phạm tội cố ý làm trái là hoàn toàn phù hợp.

Hành vi của các bị cáo Đức, Lừng, Triện, nguyên là các cán bộ Hải quan Vân Phong là cố ý làm trái để tiếp tay cho Vinalines trong việc nhập ụ nổi 83M. Giá trị của ụ 83M tính đến ngày 17/5/2012 là 45 tỷ đồng.

Tại phiên tòa bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã không thừa nhận việc nhận 10 tỷ đồng tham ô do Sơn đưa. Nhưng tại cơ quan điều tra bị cáo Dũng cũng đã nhận tội và hứa sẽ vận động gia đình khắc phục hậu quả và nộp lại số tiền đã tham ô. Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra gia đình Dương Chí Dũng đã nộp 5,2 tỷ đồng, Mai Văn Phúc nộp 3,5 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra bị cáo Dũng đã khẳng định là bị cáo Sơn không thể thỏa thuận với ông Goh trong việc lại quả 1,666 triệu USD. Việc này chỉ do bị cáo Dũng và bị cáo Phúc chỉ đạo ngầm để bị cáo Sơn thực hiện.

Thực chất Cty AP (Singapore) chỉ là công ty môi giới để giàn xếp cho Vinalines mua ụ nổi 83M với Cty Nakhodka (Nga).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN